VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030
VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản
Kính gửi: Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1476/BTTTT-TTra của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của hiệp hội, có một số ý kiến sơ bộ ban đầu như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Điều 1)
a. Hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm quy định về chất lượng, giá cước dịch vụ bưu chính (khoản 9 Điều 1 Dự thảo bổ sung thêm khoản 4a, 4b Điều 13 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Dự thảo bổ sung thêm quy định xử phạt đối với hành vi “áp dụng giá cước không đúng với giá cước các dịch vụ bưu chính như đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (khoản 4a) và hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là “tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính từ 4 tháng đến 6 tháng” (khoản 4b).
Đề nghị cân nhắc lại đối với quy định về hình thức xử phạt bổ sung trên bởi vì hình thức xử phạt này khá nặng nhất là so sánh với các hành vi tương ứng trong Điều 13 nhưng lại không bị tước giấy phép. Đối với hành vi vi phạm này, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (nếu có) là phù hợp và đủ sức răn đe. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 4b.
b. Tạm ngừng hoạt động tên miền “vn” trong ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (khoản 19 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 44a Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Dự thảo bổ sung biện pháp “tạm ngừng hoạt động tên miền trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia” đối với một số hành vi vi phạm. Đây là quy định mới nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Quy định này sẽ tác động lớn đến các đối tượng chịu tác động vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự, thủ tục áp dụng, thời hạn áp dụng tối đa, trong trường hợp áp dụng biện pháp này nhưng không phát hiện được vi phạm, không ban hành được quyết định xử lý vi phạm hành chính thì những thiệt hại của chủ tên miền sẽ được giải quyết như thế nào?
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (Điều 2)
a. Sửa đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả (điểm d khoản 3 Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 3 Điều 3 Nghị định 119/2020/NĐ-CP)
Dự thảo bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất như sau: “Buộc tái xuất xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hoặc là tài sản của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng; buộc tái xuất đối với báo in, tạp chí in mà không đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu; thiết bị in…”.
Theo quy định này thì “thiết bị in” được bổ sung vào biện pháp buộc tái xuất tuy nhiên quy định này lại không rõ trường hợp nào thì “thiết bị in” bị buộc tái xuất.
Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại biện pháp buộc tái xuất “thiết bị in”, bởi vì theo quy định của Nghị định 60/2014/NĐ-CP, Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì thiết bị in được quản lý thông qua giấy phép nhập khẩu. Dựa vào hồ sơ nhập khẩu thì không nhận thấy rõ mục tiêu quản lý nhà nước đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với loại hàng hóa này, ngoài việc thu thập các thông tin về loại thiết bị in nhập khẩu. Do đó, việc vi phạm về nhập khẩu thiết bị in liên quan chủ yếu đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị không phù hợp với nội dung khai ban đầu về model số sê ri máy, nước sản xuất, năm sản xuất, số lượng, chất lượng … Đây là những vi phạm không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và có thể khắc phục bằng cách cung cấp lại thông tin chính xác. Do đó, nếu áp dụng biện pháp khắc phục là buộc tái xuất thiết bị in thì gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và là biện pháp quá nặng, chưa tương xứng với tính chất của hành vi vi pham.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “thiết bị in” trong quy định nêu trên.
b. Vi phạm quy định về giấy phép, điều kiện hoạt động in và điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in (khoản 8 Điều 2 Dự thảo bổ sung Điều 28a Nghị định 119/2020/NĐ-CP)
Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi hoạt động in nhưng cơ sở in không đủ điều kiện hoạt động sảu khi được xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in. Theo quy định tại Nghị định 25/2018/NĐ-CP thì các cơ sở in thuộc diện không phải cấp giấy phép hoạt động in không phải đáp ứng các điều kiện, chỉ cần phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động in.
Như vậy, quy định này là chưa phù hợp với Nghị định 25/2018/NĐ-CP, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “hoặc được xác nhận đăng ký hoạt động cơ sở in” tại điểm a khoản 4 Điều 28a.
c. Vi phạm quy định về nội dung sản phẩm in (khoản 9 Điều 2 Dự thảo bổ sung Điều 28b)
Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “in hoặc photocopy sản phẩm in có nội dung sai sự thật nhưng chưa nghiêm trọng …” (khoản 2 Điều 28b). Khái niệm “chưa nghiêm trọng” là chưa đủ rõ ràng và có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được hoặc bỏ khái niệm này.
Góp ý tương tự đối với khái niệm “nghiêm trọng” trong quy định xử phạt đối với hành vi “chế bản, in, gia công sau in hoặc photocopy sản phẩm in có nội dung sai sự thật nghiêm trọng” (điểm c khoản 4 Điều 28b).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.