VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 538/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị tham gia cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (Điều 7)
Khoản 10 Điều 56 Luật Đường bộ quy định “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.”. Quy định này không giới hạn số lượng người thuê xe vận tải (nhiều người có thể thuê một chuyến xe), miễn là thuê cả chuyến xe.
Tuy nhiên, Dự thảo lại đang thiết kế chưa phù hợp với quy định trên, cụ thể đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe:
– Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau (điểm a khoản 4 Điều 7);
– Không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh, trên các tuyến đường phố (điểm b khoản 4 Điều 7).
Với nhiều người thuê xe vận tải và cùng thuê cho cả chuyến xe thì việc xác nhận đặt chỗ, theo lịch trình, hành trình thỏa thuận cố định với đơn vị kinh doanh vận tải là phù hợp với quy định tại Luật Đường bộ.
Mặt khác, bản chất của hợp đồng là theo các thỏa thuận của các bên trong cung cấp dịch vụ. Việc đặt ra các hạn chế trên là chưa phù hợp với bản chất của kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi hoạt động. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Dự thảo.
- Quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ (Điều 11)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo, người trực tiếp điều hành phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn (chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải hoặc đường bộ trở lên) đối với “hoạt động vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe ô tô kéo rơ moóc, xe ô tô đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc”; đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa khác phải có kinh nghiệm làm việc tại đơn vị kinh doanh vận tải tối thiểu từ 03 năm trở lên hoặc là Chủ hộ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải.
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã quy định thêm điều kiện của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải. Đây được xem là rào cản kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này và cần phải được giải trình rõ hơn về vấn đề này.
- Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (Điều 13)
Khoản 5 Điều 56 Luật Đường bộ quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ được quy định tại khoản 12 Điều này.”. Như vậy, đối với những doanh nghiệp chỉ cung cấp phần mềm kết nối giữa bên vận tải với khách hàng, trong đó có quyết định giá cước, cũng được xem là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phải đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Điều 13 Dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô phải sở hữu hoặc có quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản. Điều kiện này là chưa phù hợp đối với đơn vị kinh doanh chỉ cung cấp phần mềm kết nối giữa bên vận tải và khách hàng, vì đơn vị này không sở hữu xe cũng như không có quyền sử dụng đối với phương tiện vận tải. Trên thực tế, những đơn vị cung cấp phần mềm này cũng đang thực hiện thủ tục để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Để đảm bảo phù hợp với thực tế, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phù hợp đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối.
- Quy định chung về Hợp đồng vận tải (Điều 17)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Dự thảo, trong hợp đồng vận tải hành khách, hàng hóa phải cung cấp số định danh cá nhân của người đại diện ký hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải và số định danh cá nhân của hành khách hoặc người thuê vận tải.
Theo doanh nghiệp phản ánh, quy định này là chưa phù hợp với việc vận tải qua hợp đồng điện tử, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải qua ứng dụng phần mềm kết nối. Để thực hiện yêu cầu này, doanh nghiệp phải sửa đổi, nâng cấp hệ thống để thực hiện việc thu thập và lưu trữ số định danh cá nhân (căn cước công dân) của hàng chục triệu hành khách, đối tác tài xế và người đại diện ký hợp đồng của các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện đang hợp tác với doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối để cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp cũng sẽ gặp vướng mắc, khó khăn trong trường hợp hành khách, người thuê vận tải là khách du lịch, người nước ngoài không có số định danh cá nhân (căn cước công dân). Đối với hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài, thông tin giấy tờ tùy thân là thông tin bảo mật quan trọng của họ, và họ sẽ không muốn cung cấp các thông tin này cho nền tảng và các bên liên quan chỉ để đi một chuyến xe. Do đó, quy định này sẽ gây khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi triển khai trên thực tế.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định phải cung cấp số định danh cá nhân trong hợp đồng vận tải hành khách.
- Quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định (Điều 22)
Theo quy định tại Điều 22 Dự thảo, Đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai khác. Có nghĩa, tại mỗi thời điểm ở mỗi tuyến, chỉ có một đơn vị được khai thác. Đây là quy định không mới so với quy định hiện hành.
Trong nhiều văn bản góp ý trước đây, VCCI đề nghị xem xét lại tính hợp lý của quy định này, bởi tác động rất lớn đến tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách tuyến cố định và có thể nảy sinh tình trạng, một số đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký giờ xuất bến nhưng không khai thác, tình trạng bán slot cho các đơn vị khai thác khác.
Quy định chỉ cho một đơn vị kinh doanh vận tải khai thác một thời điểm ở mỗi tuyến khiến cho những đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký sau (hoặc đăng ký muộn hơn so với các đơn vị khác) không thể khai thác được giờ xuất bến mà họ mong muốn và ảnh hưởng đến hoạt động khai thác kinh doanh của các doanh nghiệp này. Mặt khác, theo quy định vào các dịp cao điểm, nhu cầu khách hàng tăng cao (dịp Lễ, Tết, các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng …), các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang khai thác tuyến cố định sẽ được tăng cường phương tiện để giải tỏa hành khách trên tuyến cố định, như vậy có thể thấy, trong một thời điểm ở mỗi tuyến có thể khai thác nhiều xe vận tải và việc cho phép các đơn vị kinh doanh khác cùng khai thác là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nếu cho rằng, việc nhiều đơn vị vận tải cùng khai thác một thời điểm ở mỗi tuyến có thể gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chèo kéo khách hoặc gây mất trật tự, thì có thể giải quyết bằng phương thức khác (ví dụ: bến xe khách xe không kì hợp đồng với đơn vị vận tải; hoặc áp dụng chế tài đối với các đơn vị gây mất an ninh trật tự) thay vì thiết kế quy định hạn chế đơn vị vận tải khai thác tuyến cố định như hiện nay.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định chỉ được lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm điểm chưa có đơn vị khai thác.
- Quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ (Mục V Chương II)
Vận tải nội bộ không phải là hoạt động kinh doanh vận tải, có tính chất là hoạt động vận tải phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp, các chủ thể có quyền sử dụng đối với phương tiện vận tải ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ. Với tính chất này, vận tải nội bộ cần được thiết kế khác với cơ chế quản lý của hoạt động kinh doanh vận tải. Một số quy định tại Dự thảo liên quan đến vận tải nội bộ cần được cân nhắc, xem xét ở các điểm sau:
- Cấp phù hiệu “XE NỘI BỘ”
Theo các quy định tại Dự thảo, phù hiệu được cấp cho xe ô tô vận tải (xe ô tô kinh doanh, xe hoạt động nội bộ, xe trung chuyển), xe bốn bánh có gắn động cơ. Phù hiệu có thời hạn, hết thời hạn phải thực hiện để cấp lại phù hiệu. Phù hiệu cũng được cấp lại sau khi bị thu hồi. Các phương tiện sẽ bị thu hồi phù hiệu nếu vi phạm. Với cơ chế quản lý này, phù hiệu gắn với các phương tiện có tính chất như giấy phép vận tải của các phương tiện này.
Đối với hoạt động vận tải nội bộ, Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ không kinh doanh vận tải thuộc một số trường hợp phải thực hiện cấp phù hiệu “XE NỘI BỘ” (khoản 2 Điều 24).
Việc yêu cầu các phương tiện vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải phải gắn phù hiệu tương ứng với loại hình vận tải, với mục tiêu (suy đoán) nhằm kiểm soát các phương tiện vận tải có vận chuyển theo đúng như loại hình mà đơn vị vận tải được cấp phép hay không. Nhưng với hoạt động vận tải nội bộ, không phải là hoạt động kinh doanh, việc yêu cầu các phương tiện này phải gắn phù hiệu là không rõ về mục tiêu quản lý nhà nước. Đối với hoạt động vận tải nội bộ, Nhà nước chỉ cần yêu cầu phương tiện vận tải lưu thông trên đường đảm bảo yêu cầu về an toàn giao thông (trong đó yêu cầu về an toàn của phương tiện và bằng cấp của lái xe cũng như ràng buộc các điều kiện về giờ lái xe …).
Việc gắn phù hiệu “XE NỘI BỘ” chỉ giúp phân biệt xe vận tải này với các xe vận tải kinh doanh. Nếu lo ngại về việc, xe nội bộ thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải, Nhà nước có thể kiểm soát thông qua các dữ liệu thông tin về các đơn vị kinh doanh vận tải, các phù hiệu gắn với phương tiện vận tải.
Việc yêu cầu phải gắn phù hiệu với xe vận tải nội bộ sẽ phát sinh một lượng lớn thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề khác – không phải là ngành nghề kinh doanh vận tải. Điều này dường như đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua.
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định về cấp phù hiệu đối với xe vận tải nội bộ. Trong trường hợp vẫn giữ quy định về cấp phù hiệu “XE NỘI BỘ”, cần giải trình về mục tiêu quản lý và bổ sung đánh giá tác động đối với hoạt động này, nhất là đánh giá về mặt chi phí với mục tiêu quản lý.
- Quy định đối với vận tải người nội bộ bằng xe ô tô (Điều 24)
Khoản 2 Điều 24 Dự thảo quy định, đơn vị vận tải hàng hóa nội bộ:
– Không được sử dụng xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để kinh doanh vận tải hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức (điểm e);
Xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ là tài sản của doanh nghiệp vì vậy việc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn là quyền về tài sản của doanh nghiệp. Quy định tại điểm e là can thiệp trực tiếp về quyền sở hữu, quyền định đoạt về tài sản, là chưa phù hợp với pháp luật dân sự. Mặt khác, việc doanh nghiệp cho tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn ô tô để kinh doanh thì cần quản lý đối với tổ chức, cá nhân thuê để kinh doanh chứ không phải là doanh nghiệp cho thuê tài sản.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức” tại điểm e.
Tương tự, đề nghị bỏ nội dung người lái xe ô tô hoạt động vận tải nội bộ không được “cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức” tại điểm d khoản 3 Điều 24 Dự thảo.
- Quy định đối với vận tải hàng hóa nội bộ bằng xe ô tô (Điều 25)
Tương tự như góp ý đối với vận tải người nội bộ bằng xe ô tô, đề nghị Ban soạn thảo:
– Bỏ quy định “Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE NỘI BỘ” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước, kích thước tối thiểu của cụm từ “XE NỘI BỘ” là 10 x 35 cm” (điểm b khoản 1 Điều 25);
– Bỏ quy định “Chỉ được sử dụng xe để vận chuyển hàng hoá là sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức thực hiện sản xuất hoặc vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu, các động sản khác phục vụ cho hoạt động của đơn vị mình;” (điểm đ khoản 2 Điều 25);
– Bỏ nội dung “hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức” tại quy định điểm e khoản 2 Điều 25;
– Bỏ nội dung “hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thuê, mượn để kinh doanh dưới mọi hình thức” tại điểm đ khoản 3 Điều 25.
– Bỏ nội dung “Chỉ được sử dụng xe để vận chuyển hàng hoá là sản phẩm, hàng hóa do cơ quan, tổ chức thực hiện sản xuất hoặc vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, nhiên liệu, các động sản khác phục vụ cho hoạt động của đơn vị mình;” (điểm đ khoản 2 Điều 25). Việc sử dụng xe của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình là vấn đề vận hành nội bộ của doanh nghiệp. Quy định theo kiểu liệt kê việc sử dụng xe của doanh nghiệp như trên sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó trên thực tế nếu thực hiện các hoạt động vận chuyển khác mà chưa được liệt kê. Mặt khác, quy định không được sử dụng xe có phù hiệu “XE NỘI BỘ” để kinh doanh vận tải đã có thể bao hàm quy định này rồi.
- Mẫu giấy đề nghị cấp (cấp lại) Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Phụ lục I)
Theo quy định tại Phụ lục I Dự thảo, trong Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ phải có các nội dung:
– “Nơi đỗ xe của đơn vị vận tải: tổng số vị trí đỗ xe … (ghi rõ địa điểm, diện tích của từng vị trí)”. Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô không yêu cầu về vị trí đỗ xe vì vậy yêu cầu về nội dung này là chưa phù hợp. Mặt khác, có những đơn vị vận tải cung cấp phần mềm kết nối, không có xe vì vậy không có chỗ đỗ, do đó nội dung này là chưa phù hợp với thực tế. Đề nghị bỏ nội dung này.
– “Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ (áp dụng trong trường hợp đơn vị đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo loại hình: Tuyến cố định, xe buýt, xe taxi)”. Các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải cũng không yêu cầu về vấn đề đăng ký chất lượng dịch vụ. Đây là vấn đề tự nguyện, do doanh nghiệp tự chủ động. Cơ quan nhà nước không cần thiết phải quản lý. Đề nghị bỏ nội dung này.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.