VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Thứ Hai 09:45 13-03-2023

Kính gửi: Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 656/BCT-CTĐP của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp

Dự thảo đang quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật trong cụm công nghiệp theo hướng:

  • Lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được xem xét trong thủ tục thành lập cụm công nghiệp;
  • Doanh nghiệp sẽ gửi hồ sơ đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tới Ủy ban nhân dân cấp huyện. Doanh nghiệp sẽ cùng Ủy ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp gửi Sở Công thương thẩm định;
  • Chủ đầu tư sẽ được lựa chọn thông qua Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Hội đồng sẽ đánh giá theo phương pháp chấm điểm với thang điểm 100. Doanh nghiệp, hợp tác xã có điểm từ 50 trở lên sẽ được đề xuất lựa chọn làm chủ đầu tư. Nếu có từ hai doanh nghiệp trở lên có cùng số điểm bằng nhau thì Hội đồng sẽ thống nhất đề xuất lựa chọn một doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Quy định trên là chưa phù hợp với quy định tại pháp luật về đầu tư về lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể:

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, có ba phương thức lựa chọn nhà đầu tư, đó là: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư. Pháp luật về đấu giá, đấu thầu, đầu tư sẽ quy định về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tương ứng theo từng phương thức.

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đang được thiết kế riêng, không theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư nào theo quy định của pháp luật về đầu tư (từ cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, đến hồ sơ, tài liệu cũng như quy trình thẩm định để lựa chọn nhà đầu tư). Điều này là chưa phù hợp và sẽ gây vướng trong quá trình triển khai.

Điểm b khoản 1 Điều 35 Dự thảo cũng đã “xác định” quy trình này chưa thống nhất với Luật Đầu tư, vì vậy quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung pháp luật về đầu tư nội dung “thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp”. Tuy nhiên, đây là văn bản cấp nghị định, vì vậy cần phải thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư. Khi Luật Đầu tư chưa sửa theo đề xuất tại Điều 35 Dự thảo thì quy trình lựa chọn chủ đầu tư thiết kế theo Dự thảo là chưa phù hợp. Mặt khác, hiện nay Dự thảo Luật Đấu thầu, Dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi, trong đó có quy định về quy trình lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức đấu giá, đấu thầu đối với các dự án đầu tư sử dụng đất. Quy định tại Dự thảo cũng cần hướng đến đảm bảo sự thống nhất của các văn bản pháp luật này.

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại Dự thảo, điều chỉnh lại quy trình lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp phù hợp với pháp luật về đầu tư.

  1. Một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan

a. Điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng (Điều 13)

Điều 13 Dự thảo về các trường hợp điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, trong đó có:

  • (1) Điều chỉnh chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác quản lý;
  • (2) Bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp do cụm công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch tỉnh

Quy định trên cần được xem xét ở điểm:

  • Trường hợp (1) có tính chất là chuyển nhượng dự án đầu tư. Pháp luật về đầu tư quy định về các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng dự án đầu tư. Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định về thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định về việc chuyển đổi chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác quản lý thống nhất với pháp luật về đầu tư.
  • Trường hợp (2): Theo quy định tại Dự thảo, điều kiện để thành lập cụm công nghiệp là phải có “doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật” (điểm b khoản 1 Điều 8 Dự thảo). Nhà đầu tư sẽ được lựa chọn trong quy trình thành lập cụm công nghiệp. Như vậy, khi cụm công nghiệp được thành lập là đã xác định được chủ đầu tư của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp.

Trường hợp bãi bỏ quyết định thành lập cụm công nghiệp sẽ có tính chất như Nhà nước chấm dứt hoạt động đầu tư của chủ đầu tư. Điều này sẽ tác động rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, căn cứ để bãi bỏ quyết định thành lập cụm công nghiệp tại Dự thảo vừa chưa phù hợp với căn cứ chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại Luật Đầu tư vừa chưa hợp lý, chưa bảo đảm quyền lợi cho chủ đầu tư. Một trong các điều kiện thành lập cụm công nghiệp là “có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện”. Như vậy, yếu tố quy hoạch đã được xem xét khi thành lập cụm công nghiệp. Việc sau này, điều chỉnh quy hoạch khiến cho cụm công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch nữa và đây là căn cứ để bãi bỏ quyết định thành lập sẽ khiến chủ đầu tư thiệt hại lớn.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này để gắn với các trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư quy định tại pháp luật về đầu tư. Bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cần gắn với các thủ tục liên quan đến chấm dứt hoạt động đầu tư.

b. Xử lý trường hợp chủ đầu tư không thực hiện dự án

Khoản 3 Điều 14 Dự thảo quy định, “trường hợp chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai dự án 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét gia hạn hoặc quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, điểm d khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư 20214, dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động khi thuộc trường hợp: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014. Cụ thể, theo quy định tại dự thảo, trường hợp chủ đầu tư không thực hiện dự án sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp thì có khả năng sẽ không được tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật đất đai, đầu tư, thì trường hợp này có thể được xem xét gia hạn 24 tháng và phải nộp tiền sử dụng đất/tiền thuê đất tương ứng với thời gian chậm tiến độ.

Mặt khác, Dự thảo không quy định về việc xử lý chủ đầu tư không thực hiện dự án trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo. Điều này sẽ khiến cho việc thực thi gặp khó khăn vì sự thiếu rõ ràng.

Tóm lại, để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại khoản 3 Điều 14 theo hướng phù hợp với việc triển khai dự án đầu tư và chế tài khi chậm thực hiện dự án theo quy định tại pháp luật đầu tư và đất đai.

  1. Một số quy định tại Dự thảo chưa đủ rõ ràng, có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện

a. Về quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích (Điều 18)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Dự thảo quy định giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích được xác định trên nguyên tắc thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ và chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp không thỏa thuận được, “chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật”.

Không rõ Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ đưa ra hướng xử lý như thế nào trong trường hợp này? Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo thì chủ đầu tư sẽ đăng ký khung giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện ích chung trong khu công nghiệp với Sở Công Thương. Nhà nước sẽ không can thiệp vào việc định giá này (trừ trường hợp, khung giá tăng trên 10% thì phải giải trình về việc thay đổi). Như vậy, chủ đầu tư sẽ thỏa thuận giá dựa trên khung giá đã đăng ký này. Trường hợp không thỏa thuận được, không rõ Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ đưa ra hướng xử lý như thế nào (quyết định giá cho các bên?) và cơ sở đâu để Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý? “Quy định của pháp luật” là quy định tại văn bản nào? Việc Ủy ban nhân dân cấp huyện can thiệp vào việc thỏa thuận giá của chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “trường hợp không thỏa thuận được, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật”.

Về mặt kỹ thuật soạn thảo, khoản 2 Điều 18 Dự thảo quy định chủ đầu tư phải “đăng ký khung giá sử dụng dịch vụ công cộng, tiện ích với Sở Công Thương trên địa bàn, đăng ký lại và giải trình về sự thay đổi của khung giá với Sở Công Thương nêu tăng trên 10% so với khung giá đã đăng ký”. Sử dụng cụm từ “đăng ký khung giá” khiến cho quy định đang không rõ đây là biện pháp “đăng ký giá” hay “kê khai giá” theo quy định của pháp luật về giá. “Đăng ký giá” là “việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi biểu mẫu thông báo giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá”. “Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá”. Với tính chất của hai quy định này thì quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo phù hợp với biện pháp “kê khai giá” hơn là “đăng ký giá”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thuật ngữ để tránh việc áp dụng thiếu thống nhất trong thực tế áp dụng.

b. Nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Điều 20)

Khoản 6 Điều 20 Dự thảo quy định, chủ đầu tư phải “thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan theo quy định”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng ở tần suất báo cáo (định kỳ được hiểu là hàng năm, tháng, quý hay 06 tháng) và cơ quan nhận bảo cáo (cơ quan liên quan là cơ quan nào).

Điều 72 Luật Đầu tư 2020 đã quy định về nghĩa vụ báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư thực hiện dự án. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát quy định này để tránh việc quy định chưa thống nhất với pháp luật về đầu tư và tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho các chủ đầu tư.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.