VCCI_Công văn số 0302/LĐTM-PC ngày 04/3/2025 về việc góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Thứ Tư 10:05 05-03-2025

Kính gửi: Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội

Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2024 đã tăng 14,7% so với năm 2023, đạt mức kỷ lục 197.900 doanh nghiệp. Dự báo năm 2025, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang đối diện với tình trạng sức mua suy giảm liên tục và chi phí đầu vào gia tăng.  

Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách thuế, bao gồm cả TTĐB, được cân nhắc kỹ lưỡng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường. Việc thiết kế chính sách thuế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hài hòa và bền vững.  

Trên tinh thần đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thời gian qua đã tích cực tham gia vào quá trình thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp và chuyển tải các quan điểm, đề xuất tới cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra.

Nhằm tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), VCCI trân trọng gửi đến Quý Ủy ban một số ý kiến sau đây.

  1. Về lộ trình và mức tăng thuế TTĐB

Việc tăng thuế TTĐB ở mức cao và theo lộ trình đột ngột trong cả hai phương án của Dự thảo Luật có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực và cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.  

Trước hết, mức tăng thuế quá nhanh sẽ gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và toàn bộ chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ khó có đủ thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư vào công nghệ sản xuất mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, thua lỗ và thậm chí phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và xuất khẩu.  

Thứ hai, thuế tăng mạnh có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu và thương mại bất hợp pháp. Khi giá sản phẩm hợp pháp tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến hàng nhập lậu hoặc hàng phi chính thức có giá rẻ hơn nhưng không được kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng áp lực lên các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thị trường, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.  

Bên cạnh đó, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tăng mạnh thuế TTĐB sẽ giúp giảm đáng kể hành vi tiêu dùng. Thay vào đó, người tiêu dùng có thể chuyển sang các sản phẩm không chính thức, hoặc cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác để duy trì mức tiêu dùng hiện tại. Do đó, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng có thể không đạt được như mong muốn.  

Cuối cùng, xét về tác động kinh tế vĩ mô, cả hai phương án trong Dự thảo Luật đều có nguy cơ làm giảm giá trị gia tăng của ngành và tác động tiêu cực đến GDP. Dù trong ngắn hạn, thu ngân sách có thể tăng, nhưng về trung và dài hạn, sự sụt giảm sản lượng hợp pháp cùng với sự gia tăng của thị trường phi chính thức sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của nhà nước. Vì vậy, thay vì tăng thuế đột ngột, cần có lộ trình hợp lý hơn để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bảo vệ việc làm và kiểm soát tốt hơn thị trường tiêu dùng.  

VCCI đề xuất lùi lộ trình tăng thuế TTĐB từ năm 2028, với mức tăng hợp lý 5% mỗi hai năm, nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, đảm bảo tính khả thi của chính sách và hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường. 

  1. Về thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia

Việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia cần được xem xét thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, xung đột chính trị toàn cầu và các chính sách hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn. Những yếu tố này đã khiến sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, làm giá bán sản phẩm tăng, dẫn đến giảm tiêu dùng và gia tăng tồn kho trong toàn ngành.  

Bên cạnh đó, thị trường còn gặp thách thức từ tình trạng sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp chính thức.  

Ngoài ra, ngành đồ uống có cồn ngoài Luật Thuế TTĐB hiện đang chịu nhiều áp lực từ các quy định pháp luật như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Quảng cáo, cũng như các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thuế nhập khẩu, chi phí tem thuế và các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong khi nhiều mặt hàng khác được giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, thì rượu bia không được hưởng chính sách này, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.  

Nếu thuế TTĐB tiếp tục tăng đột ngột, doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn hơn, có thể dẫn đến giảm sản xuất, mất việc làm và gia tăng tiêu thụ sản phẩm không chính thức. Do đó, để đảm bảo sự thích ứng của doanh nghiệp và duy trì nguồn thu ngân sách, cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, giãn thời gian áp dụng từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm, cụ thể: 

Đối với bia: 01/01/2028 – 31/12/2029: 70%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 75%; Từ 01/01/2032 trở đi: 80%. 

Đối với rượu từ 20 độ trở lên: 01/01/2028 – 31/12/2029: 70%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 75%; Từ 01/01/2032 trở đi: 80%. 

Đối với rượu dưới 20 độ: 01/01/2028 – 31/12/2029: 40%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 45%; Từ 01/01/2032 trở đi: 50%. 

Cách tiếp cận này giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường và việc làm, đồng thời đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

  1. Về thuế TTĐB đối với thuốc lá

Trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), hai phương án điều chỉnh thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá đều giữ nguyên mức thuế tương đối (75%) và áp dụng mức thuế tuyệt đối từ năm 2026. Cụ thể, phương án 1 quy định mức thuế tuyệt đối khởi điểm là 2.000 đồng/bao, tăng thêm 2.000 đồng/bao mỗi năm, đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030; trong khi đó, phương án 2 áp dụng mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng 1.000 đồng/bao mỗi năm, cũng đạt 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Điều này nhằm nâng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ lên 59,4% so với mức hiện tại là 36,7%.  

Tuy nhiên, xét đến thực tiễn hoạt động của ngành thuốc lá Việt Nam, những khó khăn trong môi trường kinh doanh và xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cho rằng mức tăng thuế theo cả hai phương án là quá cao và chưa có tiền lệ, có thể dẫn đến nguy cơ đóng cửa, phá sản của nhiều doanh nghiệp trong nước. Trước đây, thuế TTĐB đối với thuốc lá được điều chỉnh theo lộ trình ổn định: năm 2015 là 65%, năm 2016 là 70%, năm 2019 đến nay là 75%, với mỗi lần điều chỉnh tăng 5%. Việc tăng đột ngột lên 42% (theo phương án 1) hoặc hơn 100% (theo phương án 2) vào năm 2026 không chỉ khiến giá bán tăng mạnh mà còn tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu trốn thuế gia tăng đáng kể. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia như Úc, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước châu Âu đã ghi nhận lượng thuốc lá nhập lậu tăng gấp hơn hai lần sau khi tăng thuế đột ngột.  

Do đó, các doanh nghiệp đề xuất lộ trình điều chỉnh hợp lý hơn, cụ thể: mức thuế tuyệt đối khởi điểm vào năm 2026 là 2.000 đồng/bao, sau đó tăng 2.000 đồng/bao mỗi hai năm, với mức tối đa là 6.000 đồng/bao vào năm 2030. Đồng thời, VCCI kiến nghị áp dụng mức thuế này theo lộ trình giãn ra, bắt đầu tăng thuế từ năm 2028 để đảm bảo tính khả thi, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, thị trường và nguồn thu ngân sách nhà nước. 

  1. Về thuế TTĐB đối với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép

Trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), đề xuất tăng thuế suất đối với xe pick-up chở hàng cabin kép chưa thực sự phù hợp với bối cảnh chung của thị trường ô tô hiện nay. Xe pick-up cabin kép chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa, hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ, cũng như công vụ của cơ quan chức năng, đặc biệt tại các khu vực ngoài đô thị.  

Theo phân tích định lượng, việc tăng thuế suất TTĐB đối với dòng xe này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, bao gồm: giảm thu ngân sách nhà nước (ước tính khoảng 7.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2030), sụt giảm đáng kể lượng tiêu thụ xe (giảm 36%), gây khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư phương tiện mới sẽ gia tăng, hạn chế khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu thực tế. Ngoài ra, chính sách này có thể làm giảm hiệu quả của các mục tiêu Chính phủ đặt ra về cân bằng chính sách thuế giữa các dòng xe, bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông đô thị.  

Do đó, các doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên mức thuế suất TTĐB hiện hành đối với xe pick-up chở hàng cabin kép nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước.

  1. Về bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB

Việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý và công bằng trong chính sách thuế. Thừa cân, béo phì không chỉ xuất phát từ việc tiêu thụ đồ uống có đường mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như mất cân bằng dinh dưỡng, tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng calo cao, di truyền, thiếu vận động thể chất, tuổi tác và thói quen sinh hoạt. Do đó, việc chỉ áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ không giải quyết triệt để vấn đề này, trong khi nhiều loại thực phẩm khác cũng có hàm lượng đường và calo cao (bánh kẹo, kem, nước trái cây có đường, trà sữa, đồ ăn nhanh, dầu mỡ, v.v.) không bị áp thuế tương tự.  

Nếu đường được xem là yếu tố chính gây thừa cân, béo phì và cần điều tiết thông qua thuế, thì chính sách thuế cần áp dụng dựa trên một ngưỡng hàm lượng đường nhất định đối với tất cả các sản phẩm có đường, thay vì chỉ tập trung vào nước giải khát. Việc chỉ đánh thuế riêng nước giải khát có đường có thể tạo ra sự bất hợp lý và phân biệt giữa các nhóm thực phẩm, đồng thời gây quan ngại về sự thiếu nhất quán trong chính sách điều tiết tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị xem xét chưa đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại thời điểm này để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện và xây dựng chính sách phù hợp hơn.

  1. Kết luận

VCCI xin kiến nghị Quý Ủy ban cân nhắc thận trọng việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong bối cảnh hiện nay, khi Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên và Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm sắp tới. 

Đầu tư và tiêu dùng là hai yếu tố trọng yếu, có tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh thuế suất TTĐB một cách đột ngột có thể làm giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của nền kinh tế.

VCCI xin trân trọng kiến nghị: 

Chưa xem xét tăng thuế và bổ sung mặt hàng chịu thuế TTĐB tại thời điểm này để tránh tác động bất lợi đến thị trường và cộng đồng doanh nghiệp. 

Việc điều chỉnh thuế (đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, mức thuế, thuế suất và lộ trình) cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, dựa trên các nghiên cứu đánh giá tác động một cách toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Lộ trình tăng thuế có thể xem xét từ năm 2028 để đảm bảo tính khả thi. 

Cân nhắc sửa đổi Luật thuế TTĐB theo hướng quy định mang tính khung, ổn định lâu dài, trong đó chỉ đưa ra nguyên tắc điều chỉnh thuế suất tối đa hoặc thu hẹp – mở rộng đối tượng chịu thuế, đồng thời giao Chính phủ chủ động xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất dựa trên tình hình thực tế. 

Song song với điều chỉnh thuế, cần triển khai đồng bộ các biện pháp phi thuế như: tuyên truyền, giáo dục, kiểm soát quảng cáo, quy định độ tuổi sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe, và tăng cường chống buôn lậu. Sự kết hợp hài hòa giữa chính sách thuế và các biện pháp quản lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều tiết thị trường, hạn chế tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và nền kinh tế.  

VCCI trân trọng đề xuất một lộ trình điều chỉnh thuế minh bạch, hợp lý, tránh những thay đổi đột ngột gây xáo trộn thị trường, qua đó góp phần xây dựng một hệ thống chính sách thuế công bằng, ổn định và hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.  

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan