Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật hoạt động kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Kính gửi: Bộ Công an
Trả lời Công văn số 9376/C06-P3 của Bộ Công an về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu đối với Dự thảo như sau:
I. Các quy định về thủ tục hành chính
So với quy định hiện hành, Dự thảo đã có những điều chỉnh liên quan đến cơ chế quản lý đối với việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính rõ nét khi quy định các thủ tục hành chính đều thực hiện qua phương thức trực tuyến, giảm thời gian giải quyết thủ tục, bỏ thời hạn của một số giấy phép. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng tác động khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa tinh thần cải cách vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định sau:
- Một số quy định về thủ tục hành chính chưa rõ
Dự thảo có một số quy định về thủ tục chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, tiêu chí cấp phép. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn hoặc trao quyền cho các văn bản hướng dẫn, ví dụ:
a. Thủ tục cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân mang vượt quá số lượng tối đa 10 khẩu súng ngắn, cơ số đạn, phụ kiện, công cụ hỗ trợ ra, vào lãnh thổ Việt Nam.
Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định, trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân mang vượt quá số lượng tối đa trên “phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định làm thế nào để có được sự đồng ý này. Đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và tiêu chí cấp phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khi vượt quá số lượng quy định.
b. Tổ chức đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ (Điều 64)
Khoản 5 Điều 64 Dự thảo quy định “Tổ chức, đơn vị được phép thực hiện đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ bao gồm: đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí, công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”. Quy định này là chưa rõ về tổ chức được Thủ tướng Chính phủ cho phép về điều kiện, trình tự, thủ tục để có được sự cho phép này. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về tổ chức này để đảm bảo thuận lợi khi áp dụng
- Một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính chưa phù hợp
a. Thủ tục cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam (Điều 14)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo trong hồ sơ cấp Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có “văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an”. Điều này là chưa hợp lý, bởi vì khoản 3 Điều 14 Dự thảo đang hướng dẫn thủ tục để có được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Dự thảo, do đó không thể có được văn bản này.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm b khoản 3 Điều 14 Dự thảo.
b. Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (Điều 41)
- Nội dung văn bản đề nghị cấp phép
Điểm a khoản 1 Điều 41 Dự thảo quy định trong nội dung văn bản đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cần có “số giấy phép kinh doanh”. Quy định này cần cân nhắc, vì doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không phải doanh nghiệp nào cũng kinh doanh trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải có giấy phép kinh doanh. Do đó, để đảm bảo tính phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo thêm chữ “nếu có” đối với nội dung “số giấy phép kinh doanh”.
- Điều kiện khi thuê dịch vụ nổ mìn
Khoản 4 Điều 41 Dự thảo quy định “Trường hợp đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, d và đ khoản 1 Điều này nhưng không tự thực hiện việc nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nổ mìn được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với tổ chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn”.
Điểm đ khoản 1 Điều 41 quy định về điều kiện “Quyết định bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn của lãnh đạo doanh nghiệp và danh sách thợ mìn, người có liên quan trực tiếp đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (nếu có); bản sao chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của người chỉ huy nổ mìn và đội ngũ thợ mìn”.
Việc doanh nghiệp thuê toàn bộ công việc nổ mìn với tổ chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn thì không cần thiết phải đáp ứng điều kiện tại điểm đ khoản 1 Điều 41, vì đây là điều kiện về nhân lực thực hiện nổ mìn, khi thuê tổ chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn, tổ chức này sẽ có cung cấp nhân lực phù hợp để thực hiện dịch vụ này.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm đ khoản 1 trong quy định khoản 4 Điều 41 Dự thảo; tức là bỏ từ “đ” tại khoản 4 Điều 41 Dự thảo.
c. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ (Điều 52)
Khoản 2 Điều 52 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh công cụ phải có “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã cấp”. Việc yêu cầu phải có báo cáo này là chưa phù hợp và chưa rõ ràng, bởi báo cáo này sẽ không thể hiện hoặc chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh – điều kiện để cấp lại Giấy phép kinh doanh. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã cấp” tại khoản 2 Điều 52 Dự thảo.
- Một số quy định về thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính thống nhất
Thủ tục trang bị vũ khí thể thao (Điều 27)
Điểm a khoản 1 Điều 27 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định”. Theo quy định của pháp luật về thể dục và thể thao, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh về thể thao và xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền mới được phép hoạt động thể thao. Trong quy trình thủ tục cấp phép kinh doanh về thể thao, không có quy định doanh nghiệp phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền”. Do vậy, yêu cầu loại giấy tờ này trong hồ sơ trang bị vũ khí thể thao là chưa phù hợp với pháp luật về thể thao, có thể gây khó trong quá trình thực hiện.
Theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao, quy trình cấp giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh thể thao được quy định theo hướng, doanh nghiệp nộp hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ thẩm định hồ sơ và tiến hành kiểm tra việc đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp. Ví dụ, đối với môn wushu, doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc luyện tập môn wushu, trong đó có “Võ phục, các loại vũ khí thể thao thô sơ: Kiếm, đao, côn, thương đối với các bài quyền như Kiếm thuật, Đao thuật, Côn thuật, Thương thuật, Nam đao, Nam côn, Thái cực kiếm trong nội dung quyền[1]”. Như vậy, việc trang bị vũ khí thể thao, giấy phép trang bị vũ khí thể thao phải có trước giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể thao của doanh nghiệp.
Để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định” trong Hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao.
- Đánh giá lại về tính cần thiết của một số giấy phép, thủ tục hành chính
a. Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao (Điều 28)
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Dự thảo, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao phải Văn bản đề nghị, trong đó có nội dung là “số giấy phép trang bị vũ khí thể thao”. Như vậy, tổ chức, doanh nghiệp đã có giấy phép trang bị vũ khí thể thao phải tiếp tục thực hiện thủ tục để được sử dụng vũ khí thể thao đã được trang bị. Biện pháp quản lý này dường như là quá mức cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao xin cấp phép trang bị vũ khí thể thao đương nhiên sẽ phải sử dụng vũ khí thể thao này. Doanh nghiệp phải thực hiện hai thủ tục liền kề nhau, trong khi hồ sơ xin phép có nhiều điểm chồng lấn và cùng thực hiện ở một cơ quan cấp phép sẽ khiến cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, gia tăng về chi phí tuân thủ.
Để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao hoặc gộp chung Giấy phép trang bị và sử dụng vũ khí thể thao để doanh nghiệp chỉ phải thực hiện xin phép một lần, tức là đề nghị bỏ toàn bộ Điều 28 Dự thảo.
b. Giấy phép sửa chữa vũ khí thể thao (Điều 32)
Điều 32 Dự thảo quy định khi sửa chữa vũ khí thể thao, doanh nghiệp phải xin Giấy phép sửa chữa vũ khí thể thao tại cơ quan Công an có thẩm quyền. Không rõ mục tiêu khi yêu cầu phải có loại giấy phép này là gì. Theo cơ chế quản lý quy định tại Dự thảo, cơ quan quản lý đã cấp phép cho việc trang bị, sử dụng vũ khí thể thao. Việc sửa chữa vũ khí thể thao không làm thay đổi số lượng, chủng loại, tính năng vũ khí thể thao đã được cấp phép, vì vậy yêu cầu phải xin phép cho mỗi lần sửa chữa là không cần thiết.
Mặt khác, việc vũ khí thể thao sử dụng trong tập luyện, thi đấu thể thao có thể bị hỏng, phải sửa chữa nhiều. Nếu mỗi lần sửa chữa lại phải xin phép sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính rất lớn cho doanh nghiệp.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cấp Giấy phép sửa chữa vũ khí thể thao.
c. Giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ (Điều 59)
Điểm a khoản 1 Điều 59 Dự thảo quy định đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng khi sửa chữa công cụ hỗ trợ phải thực hiện thủ tục để cấp Giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ. Đề nghị xem xét lại quy định phải có loại giấy phép này, bởi vì việc sử dụng, mua bán công cụ hỗ trợ đã được kiểm soát bằng giấy phép, sửa chữa các công cụ hỗ trợ không làm thay đổi về số lượng, chủng loại các công cụ hỗ trợ vì vậy không cần thiết phải kiểm soát bằng giấy phép. Mặt khác, yêu cầu hoạt động này phải xin phép sẽ phát sinh thủ tục hành chính khá lớn. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về cấp Giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ.
II. Về điều kiện kinh doanh
Dịch vụ nổ mìn (Điều 42)
Khoản 2 Điều 42 Dự thảo quy định về điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn trong đó có các điều kiện:
- “Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn; đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” (điểm a).
Quy định này cần xem xét ở điểm:
- Yêu cầu phải “đăng ký ngành, nghề cung ứng dịch vụ nổ mìn” là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Hiện nay, các quy định liên quan đến ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
- Quy định trên có thể đưa đến cách hiểu, nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong phạm vi tỉnh hoặc các tính lân cận mà không phải toàn quốc thì có thể là doanh nghiệp có vốn tư nhân, còn cung ứng dịch vụ trong phạm vi hoạt động trên toàn quốc thì phải là doanh nghiệp nhà nước. Nếu được hiểu theo cách này thì việc phân biệt nguồn gốc vốn của doanh nghiệp dựa trên phạm vi hoạt động là chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Nếu quy định thiết kế theo hướng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn – không giới hạn về phạm vi hoạt động, phải là doanh nghiệp nhà nước thì cần bỏ cụm từ “đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn có phạm vi hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và giải trình, tại sao doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề này lại phải là doanh nghiệp nhà nước? Việc tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này có tạo ra nguy cơ nào tác động đến lợi ích công cộng mà điều kiện kinh doanh không thể kiểm soát được.
- “Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự đủ để cung ứng dịch vụ cho tối thiểu 05 tổ chức thuê dịch vụ” (điểm b)
Quy định này là chưa rõ về căn cứ và mục tiêu khi yêu cầu về số lượng nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật để cung ứng dịch vụ cho tối thiểu 05 tổ chức thuê dịch vụ. Nếu để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động cung ứng dịch vụ thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi thiết kế về điều kiện kinh doanh. Nhà nước chỉ cần kiểm soát yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường đối với hoạt động này.
Mặt khác, về tính minh bạch, quy định này đang không rõ cụ thể về số lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự như thế nào để có thể cung ứng dịch vụ tối thiểu cho 05 tổ chức thuê dịch vụ.
Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ cụm từ “đủ để cung ứng dịch vụ cho tối thiểu 05 tổ chức thuê dịch vụ”.
III. Các quy định khác
- Giải thích từ ngữ (Điều 3)
- Danh mục các loại vũ khí
Khoản 2 Điều 3 Dự thảo liệt kê các loại vũ khí quân dụng, trong đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ ban hành Danh mục các loại vũ khí. Điều này được hiểu, các loại vũ khí có trong hai loại Danh mục này sẽ được xem là vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, Dự thảo lại có quy định quét “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quy định tại điểm a và b khoản này không trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định” cũng được xem là vũ khí quân dụng. Như vậy, bất kì vũ khí nào có tính năng theo mô tả – có trong Danh mục hay không trong Danh mục đều là vũ khí quân dụng. Nếu theo hướng quy định này thì không cần thiết phải ban hành Danh mục.
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về việc phải ban hành Danh mục các loại vũ khí quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo.
- Công cụ hỗ trợ
Khoản 10 Điều 3 Dự thảo giải thích từ ngữ cho “công cụ hỗ trợ”, nhưng quy định này lại có nhiều điểm chồng lấn với quy định về vũ khí quân dụng tại khoản 2 Điều 3, ví dụ: “súng”, linh kiện của súng đều có thể được xếp vào vũ khí quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ. Việc không phân biệt rõ hai khái niệm này dẫn tới việc xác định, áp dụng chính sách quản lý đối với vũ khí và công cụ hỗ trợ sẽ gặp khó khăn.
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định về hai khái niệm này để quy định phân biệt rõ vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ.
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ (Điều 5)
- Khoản 12 Điều 5 Dự thảo quy định cấm “quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ”. Khoản 7 Điều 7 Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo “Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.”, vì vậy Dự thảo này không cần thiết quy định về vấn đề quảng cáo. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này;
- Khoản 15 Điều 5 Dự thảo quy định “báo cáo không kịp thời … về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” bị xếp vào các hành vi bị nghiêm cấm. “Không kịp thời” là khái niệm chưa rõ, đề nghị hoặc là bỏ hoặc là quy định theo hướng định lượng hơn (ví dụ: xác định thời gian vi phạm nghĩa vụ báo cáo)
- Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
- Trường hợp bị thu hồi
Theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 10 Dự thảo vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp “hợp nhất, sát nhập”. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này, nếu tổ chức, doanh nghiệp hợp nhất, sát nhập không làm thay đổi điều kiện được trang bị, cấp phép thì vẫn được phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ mà không bị thu hồi, chỉ cần thực hiện thay đổi tên của chủ thể được quản lý, sử dụng.
- Trình tự thủ tục thu hồi
Điều 11 Dự thảo quy định trình tự thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện giao nộp rất cụ thể. Trong khi đó, quy định về quy trình cơ quan có thẩm quyền thu hồi trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không tự nguyện giao nộp lại chung chung. Điều này có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định trình tự thu hồi khi tổ chức, doanh nghiệp không tự nguyên giao nộp cụ thể về các bước thực hiện, thời gian tương ứng của từng bước.
- Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (Điều 15)
Khoản 4 Điều 15 Dự thảo quy định “việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật do cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện”. Quy định này suy đoán nhằm đảm bảo tính an toàn khi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, đòi hỏi phải có chuyên môn về điện ảnh. Do đó, chỉ cho phép cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện có thể đưa đến sự quan ngại về tính phù hợp với yêu cầu khi thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Mặt khác, cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật theo cơ chế nào? Là một dạng cung cấp dịch vụ hay là hình thức nào khác?
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này theo hướng yêu cầu về mặt an toàn, phòng chống cháy nổ, chuyên môn của người thực hiện khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thay vì quy định cứng là phải do “cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Điểm c khoản 6 Điều 3 Thông tư 29/2018/TT-BVHTTDL