VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định điều chỉnh, sửa đổi Quyết định 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)
Kính gửi: Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường
Trả lời Công văn của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc lấy ý kiến góp ý đối với Luật Hóa chất (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Đầu tư dự án hoá chất
Điều 11.2.d yêu cầu Dự án hoá chất phải áp dụng nguyên tắc hoá học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của pháp luật. Quy định này có nguy cơ không bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật khác và chưa thực sự minh bạch.
Về tính thống nhất, Điều 4.12 quy định Nguyên tắc hoá học xanh do Bộ Công Thương ban hành. Như vậy, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án hoá chất. Quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc cấp bộ không được ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh tại Điều 7.3 của Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh này lại áp dụng cho tất cả các dự án hoá chất, chứ không chỉ áp dụng cho các dự án sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện.
Về tính minh bạch, một số doanh nghiệp cũng băn khoăn về tính rõ ràng, minh bạch khi bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc hoá học xanh. Các nguyên tắc hoá học xanh thường chỉ mang tính định hướng, với nhiều chỉ tiêu định tính. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật khác nhau để đạt được các nguyên tắc này, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án. Do đó, việc xác định công nghệ, thiết bị của một dự án phù hợp với nguyên tắc hoá học xanh mang tính chủ quan của người đánh giá. Điều này có thể tạo nguy cơ tuỳ tiện trong quá trình áp dụng, thậm chí tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực khi các cơ quan nhà nước xem xét từng dự án cụ thể.
Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi quy định yêu cầu các dự án hoá chất đáp ứng nguyên tắc hoá học xanh sang hình thức khuyến khích thay vì bắt buộc.
- Nguy cơ chồng chéo, trùng lặp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và huấn luyện với pháp luật lĩnh vực khác
VCCI nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về sự chồng chéo, trùng lặp về nghĩa vụ lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và huấn luyện người lao động giữa 04 luật có liên quan gồm Luật Hoá chất; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể như sau:
- Luật An toàn, vệ sinh lao động yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch, an toàn, vệ sinh lao động (Điều 75), kế hoạch ứng cứu khẩn cấp (Điều 77), và phải huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14);
- Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu doanh nghiệp phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường là nội dung của báo cáo ĐTM (Điều 32), phải có kế hoạch ứng phó sự cố môi trường (Điều 124), và huấn luyện ứng phó sự cố môi trường (Điều 124.3)
- Luật Phòng cháy chữa cháy quy định doanh nghiệp phải có thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Điều 15), có phương án chữa cháy được cơ quan nhà nước phê duyệt (Điều 31), và người lao động phải được huấn luyện về phòng cháy chữa cháy (Điều 22, Điều 46).
- Luật Hoá chất yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất (Điều 36) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Điều 40), và phải huấn luyện người lao động về an toàn hoá chất (Điều 36).
Trên thực tế, tuỳ từng loại hình sản xuất kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định trên khác nhau. Trong trường hợp một nhà máy sử dụng hoá chất thuộc danh mục hoá chất nguy hiểm thường sẽ phải đáp ứng cả 04 luật cùng một lúc. Các doanh nghiệp phản ánh nội dung của 04 nhóm quy định này có sự trùng lặp lớn. Ví dụ, đối với một cơ sở bán lẻ xăng dầu thì các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất cũng không khác nhiều so với nội dung về phòng cháy, chữa cháy; hay một cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thì nội dung huấn luyện về ứng phó sự cố môi trường và ứng phó sự cố hoá chất giống hệt nhau.
Tại Dự thảo Luật Hoá chất, Điều 11.2.c của Dự thảo yêu cầu chủ đầu tư dự án hoá chất phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất (theo Điều 64) hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất (theo Điều 66). Điều 60 quy định người lao động phải được huấn luyện an toàn hoá chất. Thêm vào đó, việc lập Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất sẽ do đơn vị tư vấn được cấp phép thực hiện (Điều 13 và Điều 14). Như vậy, các quy định của Dự thảo sẽ khiến doanh nghiệp khó tích hợp các nội dung trùng lặp về hoá chất với nội dung các lĩnh vực môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy so với quy định hiện hành.
Khi xây dựng Luật Bảo vệ môi trường, nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp về thủ tục hành chính, Điều 124.6.b của Luật BVMT đã cho phép doanh nghiệp lồng ghép, tích hợp và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cùng với kế hoạch ứng phó sự cố khác. Giải pháp này, dù chưa triệt để (vì nội dung phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường vẫn có trong ĐTM và phải được thẩm định), nhưng cũng đã giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải pháp để giải quyết vấn đề chồng chéo này, giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp. Có thể cân nhắc một số phương án như sau:
- Phương án 1: thống nhất đầu mối phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố và quản lý việc huấn luyện người lao động cho từng loại cơ sở sản xuất kinh doanh giữa các cơ quan công thương, lao động, môi trường và công an.
- Phương án 2: nghiên cứu bổ sung một điều khoản trong Luật Hoá chất cho phép doanh nghiệp tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất vào các văn bản khác như thiết kế phòng cháy chữa cháy, phương án chữa cháy hoặc trong phần về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cùng với đó, cho phép tích hợp hoạt động huấn luyện về an toàn hoá chất trong các hoạt động huấn luyện an toàn khác.
- Thủ tục đăng ký hoá chất mới
Thủ tục đăng ký hoá chất mới đã có từ Luật Hoá chất năm 2007, nhưng chưa bao giờ được thực hiện do chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia. Điều 45 của Dự thảo quy định theo hướng là hoá chất mới không có trong cơ sở dữ liệu thì chỉ được phép sử dụng sau khi đã làm thủ tục đánh giá hoá chất và đăng ký. Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng hoá chất có trong cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia, nếu muốn sử dụng hoá chất chưa có trong danh mục thì phải xin phép. Nói cách khác, cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia và thủ tục đăng ký hoá chất mới cơ chế chọn cho, doanh nghiệp chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép. Điều này trái ngược với nguyên tắc chọn bỏ, doanh nghiệp và người dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cơ chế quản lý hoá chất mới theo hướng thủ tục thông báo. Theo đó, doanh nghiệp được phép sử dụng hoá chất không có trong cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia và phải thông báo cho cơ quan nhà nước về điều này. Cơ quan nhà nước tự đánh giá hoá chất và phân loại vào diện quản lý phù hợp (nguy hiểm, có điều kiện, hạn chế hoặc cấm). Nếu doanh nghiệp sử dụng hoá chất mới mà chưa thông báo thì xử phạt vi phạm nghĩa vụ thông báo, không xử phạt việc sử dụng hoá chất mới.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Luật Hóa chất (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.