VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 (lần 2)

Thứ Sáu 20:27 01-12-2023

Kính gửi: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 4724/BVHTTDL-VP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 (lần 2) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Các thủ tục liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao

Dự thảo đề xuất giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (từ 07 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc); bổ sung hình thức nộp hồ sơ (nộp trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Các đề xuất này sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đang thiết kế theo hướng cơ quan cấp phép sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện thực tế rồi sẽ xem xét cấp Giấy phép. Việc kiểm tra thực tế rồi mới cấp phép có thể khiến cho quy trình giải quyết thủ tục trở nên phức tạp hơn, đề nghị bỏ quy trình này, cơ quan cấp phép có thể xem xét và cấp phép dựa trên hồ sơ (tương tự như nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khác) và tiến hành kiểm tra hậu kiểm sau này. Nếu doanh nghiệp vi phạm về điều kiện có thể áp dụng chế tài thu hồi Giấy phép kinh doanh.

Một vấn đề khác, khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao áp dụng chung cho tất cả các môn thể thao. Đề nghị việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng trên áp dụng cho tất cả các môn thể thao mà không phân tách ra thành hai nhóm thể thao như đề xuất tại mục 3, 4 Phần I Dự thảo.

  1. Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Theo quy định tại Điều 25, 26 Nghị định 98/2010/NĐ-CP chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện, trong đó phải có “chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Điều kiện để cấp chứng chỉ là “Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật” (khoản 3 Điều 1 Nghị định 142/2018/NĐ-CP).

Đề nghị xem xét, đánh giá về tính cần thiết và phù hợp khi yêu cầu chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải có Chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là loại hàng hóa đặc biệt. Việc xác định loại hàng hóa này có thực sự là “di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” hay không sẽ do chuyên gia giám định cổ vật thực hiện. Pháp luật về di sản văn hóa đã có các quy định về đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các quy định liên quan đến bảo quản, đưa các loại hàng hóa này ra nước ngoài; thông báo khi thay đổi chủ sở hữu …

Việc mua bán dị vật, cổ vật là các giao dịch có tính chất dân sự. Yêu cầu trình độ chuyên môn của người bán – không rõ nhằm hướng đến bảo đảm mục tiêu nào và liệu có phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 hay không? Đề nghị cân nhắc xem xét bỏ yêu cầu Chứng chỉ đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

  1. Kinh doanh dịch vụ giám định cổ vật

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 61/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải đáp ứng điều kiện “có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký”. Quy định này là chưa rõ về điều kiện kinh doanh. Trong Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện này là “danh mục trang thiết bị, phương tiện để thực hiện giám định” là giấy tờ do doanh nghiệp tự cung cấp, cũng không rõ tiêu chí xác định như thế nào “phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký”.

Liên quan đến kinh doanh dịch vụ giám định cổ vật, đề nghị bổ sung đề xuất:

  • Hoặc quy định rõ về trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định hoặc nếu không quy định rõ được thì bỏ quy định này. Trên thực tế, để thực hiện giám định doanh nghiệp sẽ phải có những trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
  • Bỏ yêu cầu phải có “Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý” trong Hồ sơ xin cấp phép, bởi vì đây là thông tin mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu tại hệ thống cơ sở thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
  1. Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 61/2016/NĐ-CP để được cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng (tùy thuộc vào lĩnh vực) và hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Như vậy, để được phép hành nghề tu bổ di tích, cá nhân phải có ba loại chứng nhận sau:

  • Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng
  • Chứng chỉ hoặc chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích
  • Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

Cần xem xét lại tính cần thiết và phù hợp phải phải có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích. Chứng chỉ này được cấp khi cá nhân đáp ứng điều kiện là đã có hai Chứng chỉ khác, điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho cá nhân muốn cấp Chứng chỉ. Đề nghị bỏ yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích mới được phép hành nghề tu bổ di tích, cá nhân chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và Chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích là đủ.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.