VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo “Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam”

Thứ Tư 17:09 18-09-2024

Kính gửi: Hội đồng tư vấn cải cách TTHC

Trả lời Công văn số 102/HĐTV của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam (sau đây gọi tắt là Báo cáo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý như sau:

Báo cáo đã phản ánh/đánh giá khá toàn diện về Nghị quyết 68/NQ-CP, trong đó nhận diện chính xác những vấn đề còn tồn tại trong bản thân Nghị quyết 68/NQ-CP và việc triển khai thực thi nghị quyết này. Các kiến nghị chính sách khá hợp lý và thuyết phục sẽ rất hữu ích cho các nhà soạn chính sách khi xây dựng các chính sách dài hơi tiếp theo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy vậy, để hoàn thiện Báo cáo hơn, đề nghị cân nhắc, xem xét một số nội dung sau:

  1. Đánh giá giữa kỳ Chương trình Cải cách quy định 2020-2025 của Việt Nam, về nhận định giữa kỳ tại (Điểm A Mục IV)

Một số nhận định về kết quả giữa kỳ tại điểm A cần được xem xét và gia cố thêm:

– Về số lượng văn bản được sửa đổi trong giai đoạn 2020-2023, Báo cáo có đưa ra nhận định “về loại công cụ pháp lý được sử dụng, thông tư và nghị định là những công cụ được sử dụng nhiều nhất, chiếm 31 và 66% tổng số. Điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành”.

Trên thực tế, để thực hiện Nghị quyết 68, các Bộ, ngành sẽ xây dựng các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trong lĩnh vực mà mình quản lý. Các Phương án này sẽ đề xuất đơn giản hóa, cắt bỏ các quy định của pháp luật hiện hành và khi được thông qua Phương án, Bộ sẽ chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật tương ứng để sửa đổi, bổ sung theo Phương án đề xuất. Báo cáo đưa ra con số 31 và 66% thông tư, nghị định được sửa đổi và cho rằng “điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành” – đây là nhận định chưa có tính phát hiện, bởi vì hiện thực hóa các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thì 100% đều là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, vì vậy loại hình thức văn bản pháp lý nào cũng sẽ liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành cả.

Tỷ lệ 97% văn bản được sửa đổi là ở cấp thông tư, nghị định có thể cho thấy, những sửa đổi chính ở các văn bản ở cấp thi hành, áp dụng trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, vì vậy khi sửa đổi các quy định ở cấp văn bản này thì sẽ áp dụng ngay trong thực tế mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn.

Mặt khác, tỷ lệ trên có thể thấy rằng các đề xuất sửa đổi ở cấp luật chỉ chiếm chưa đến 3%, cũng có thể đưa đến quan ngại. Đó là, có nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập, cản trở xuất phát từ quy định của luật. Nghị định, thông tư có muốn cải cách hay cắt giảm sẽ chịu ràng buộc ở quy định luật, không thể vượt quá. Vì vậy, nếu không sửa đổi ở luật thì trong một vài trường hợp, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa sẽ không có tính đột phá.

Báo cáo có thể xem xét và cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung trên.

– Về cơ cấu các quy định kinh doanh được đơn giản hóa: Báo cáo nhận định về các loại quy định được đơn giản hóa hoặc loại bỏ chủ yếu, trong đó tập trung phần lớn ở thủ tục hành chính, tiếp theo là quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu báo cáo và kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhận định này mới chỉ đưa ra con số về loại quy định được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ mà chưa nhận diện sâu hơn về những loại quy định nào được bãi bỏ, từ đó có thể đưa ra đánh giá về mức độ tác động của việc đơn giản hóa hoặc loại bỏ quy định kinh doanh. Hoặc phần nào nhận diện về tính thực chất của các hoạt động có tính cải cách này.

Theo quan sát của VCCI, trong các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến thủ tục hành chính, các đề xuất chủ yếu là: bãi bỏ yêu cầu phải cung cấp các loại giấy tờ trong hồ sơ thực hiện thủ tục mà cơ quan giải quyết thủ tục có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước (loại tài liệu được bãi bỏ nhiều nhất là yêu cầu phải cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); giảm số lượng hồ sơ; giảm số ngày thực hiện thủ tục; bổ sung thêm phương thức thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử. Về cơ bản những đề xuất này sẽ tạo thuận lợi phần nào cho các đối tượng thực hiện thủ tục, tuy nhiên chưa thực sự có tính đột phá, cải cách. Doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng cắt bỏ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà ngay trong các quy định về thủ tục hành chính cũng cần có những quy định có tính cải cách mạnh hơn. Ví dụ: cần phải bỏ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích thay vì đề xuất đơn giản háo theo hướng giảm thời gian xem xét thời hạn hợp lệ của hồ sơ từ 05 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc và bổ sung thêm hình thức thực hiện thủ tục theo hình thức trực tuyến (Phương án cắt giảm đơn giản hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023).

  1. Đánh giá giữa kỳ Chương trình Cải cách quy định 2020-2025 của Việt Nam, về đánh giá định tính tại điểm B Mục IV

– Tại điểm 1 về phạm vi và mức độ phù hợp, Báo cáo có nhận định “đặc biệt, Điều 7 Luật Đầu tư dẫn chiếu đến Phụ lục IV với danh sách 227 “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” bị hạn chế và phải được cấp phép trước” (trang 29). Nhận định này dường như chưa thật chính xác. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư được quản lý theo hình thức cấp phép trước hoặc không cần phải cấp phép, chỉ cần đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không phải ngành nghề nào cũng phải xin cấp phép trước rồi mới được phép hoạt động (ví dụ: ngành nghề “kinh doanh bất động sản” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng ở một số “ngành con” các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề này không phải xin giấy phép kinh doanh, chỉ phải đáp ứng điều kiện khi thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản).

Nhận định “việc thiếu phân loại ngành được tiêu chuẩn hóa (ví dụ dựa trên phân loại hoạt động kinh tế theo Hệ thống phân loại ngành kinh tế chuẩn của Việt Nam – VSIC) đặt ra gánh nặng cho các nhà đầu tư trong việc xác định các hoạt động cụ thể cần xin cấp phép ngoài đăng ký kinh doanh”. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, các điều kiện đầu tư kinh doanh phải được công khai. Các văn bản pháp luật chuyên ngành, cơ bản đã quy định khá rõ về các điều kiện đầu tư kinh doanh, các hoạt động kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện, do đó việc tìm kiếm hay nhận diện các hoạt động cụ thể cần xin cấp giấy phép không còn khó khăn nữa.

Tuy nhiên, việc xác định loại ngành được tiêu chuẩn hóa dựa trên phân loại hoạt động kinh tế theo VISIC – theo  mã ngành cấp 4, có thể giúp kiểm soát được việc ban hành điều kiện kinh doanh của các cơ quan quản lý, ở dưới góc độ. Nếu xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở phạm vi quá rộng sẽ dẫn tới tình trạng, trao cho cơ quan quản lý quá nhiều quyền trong việc xác định điều kiện kinh doanh của tất cả các hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề đó, trong khi trên thực tế chỉ cần một số hoạt động cần kiểm soát. Ví dụ: trong một ngành nghề kinh doanh sẽ có các hoạt động sản xuất, phân phối, nhập khẩu. Nếu quy định chung là ngành nghề kinh doanh đó có điều kiện thì tất cả các hoạt động sản xuất, phân phối, nhập khẩu đều bị áp đặt về điều kiện kinh doanh, trong khi trên thực tế chỉ cần kiểm soát ở khâu sản xuất thôi, còn phân phối hay nhập khẩu không tác động đáng kể đến lợi ích công cộng, không cần phải quy định điều kiện kinh doanh. Nếu xác định chính xác các hoạt động kinh doanh (ví dụ: chỉ xác định hoạt động sản xuất) là hoạt động kinh doanh có điều kiện thì sẽ hạn chế được tình trạng “lạm dụng” trong việc quy định về điều kiện kinh doanh.

– Về ý kiến của đại diện khu vực tư nhân (trang 31): Báo cáo có đưa ra một số nhận định của đại diện khu vực tư nhân được tham vấn về các quy định cải cách theo Nghị quyết 68. VCCI cung cấp thêm một số thông tin về ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh khi thực hiện  Nghị quyết 68.

Về cơ bản, các đề xuất tại các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, các đề xuất này, đôi khi còn mang tính hình thức, chưa có tính đột phá cải cách. Những vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh, dường như thiếu vắng trong các đề xuất sửa đổi của các bộ. Các đề xuất hầu như rất ít liên quan đến bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay các điều kiện kinh doanh. Phần lớn đề xuất chỉ có tính chất đơn giản hóa thủ tục hành chính.

  1. Kết luận và khuyến nghị chính sách

– Về kiến nghị ”cải cách cấp phép cần được hỗ trợ bởi cải cách về kiểm tra” (trang 46): Nội dung này đang chưa rõ về kiến nghị.

Hiện nay, đối với hoạt động kinh doanh, Nhà nước quản lý theo các cơ chế: cấm đầu tư kinh doanh; áp đặt điều kiện kinh doanh và kinh doanh mà không chịu ràng buộc bởi điều kiện hoặc giấy phép ngoài việc đăng ký kinh doanh.

Tùy theo mức độ rủi ro và tác động đến lợi ích công cộng mà Nhà nước sẽ xác định các biện pháp quản lý tương ứng. Đối với cơ chế cấp phép hoặc không cấp phép kinh doanh, Nhà nước vẫn thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra để đảm bảo doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật.

Kiến nghị ”cấp phép và kiểm tra là các hoạt động có liên quan với nhau, do đó điều quan trọng là phải phát triển các chiến lược quản lý có xem xét song song các biện pháp kiểm soát trước và sau (kiểm tra). Điều này sẽ đảm bảo một cách tiếp cận chặt chẽ đối với quy định kinh doanh, theo đó các hoạt động kinh tế được xử lý nhất quán dựa trên những rủi ro mà chúng gây ra cho các mục tiêu của cơ quan quản lý. Việc lồng ghép quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra cũng sẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế có rủi ro thấp, chịu sự kiểm soát nhẹ nhàng hơn từ trước, sẽ không bị phát hiện” đang không rõ hướng thực hiện sẽ như thế nào đối với các hoạt động kinh doanh. Kiến nghị này có được hiểu, đối với các hoạt động rủi ro thấp, cơ quan nhà nước sẽ không tiến hành kiểm tra trước (áp dụng cơ chế tiền kiểm) và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các hoạt động kinh doanh này? Báo cáo cần viết rõ hơn về kiến nghị này.

– Về kiến nghị ”làm rõ danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư” (trang 47). Cần xem xét lại nội dung này ở các điểm: hiện nay việc xem xét điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khá rõ ràng và Luật Đầu tư đã yêu cầu công bố công khai. Các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể ở pháp luật chuyên ngành chứ không phải là trong Luật Đầu tư. Vì vậy, nhận định việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng áp dụng phân loại các hoạt động kinh tế chuẩn ví dụ VSIC bốn chữ số ”sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người quản lý doanh nghiệp kiểm tra các yêu cầu cấp phép áp dụng cho các hoạt động kinh tế này” dường như chưa thực sự phù hợp.

Mặt khác, việc xác định ngành nghề nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho ra hay bỏ vào Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là Chính phủ.

– Về kiến nghị ”xây dựng khuôn khổ pháp lý theo chiều ngang cho việc cấp giấy phép kinh doanh”, cần xem lại về tính khả thi. Trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh đều quy định riêng tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và tuân thủ nguyên tắc quy định về thủ tục hành chính. Luật Đầu tư đang quy định, các yêu cầu nào mà doanh nghiệp phải đáp ứng và phải xin phép mới được hoạt động kinh doanh đều được xem là giấy phép kinh doanh. Còn việc gọi theo tên gọi nào, dường như không quá quan trọng, và không ảnh hưởng đến bản chất của loại giấy phép. Các yêu cầu về thủ tục hành chính đã được quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Xuất phát từ thực tế này, nếu đề nghị xây dựng Luật chung về giấy phép hoạt động và thông báo sẽ khó khả thi vì rất khó thuyết phục được tính cần thiết để ban hành Luật này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.