VCCI_Góp ý Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Kính gửi: Bộ Tài chính
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Quý Bộ chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) thông qua hình thức công văn, trao đổi và hội thảo tổ chức ngày 11/7/2024 tại Hà Nội.
Từ ý kiến góp ý và thông tin của các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, VCCI tổng hợp một số ý kiến và tóm tắt đề xuất như sau:
- Ấn định thuế khi giá bán không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường
Điều 6.1 của Dự thảo bổ sung quy định trao quyền cho cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế khi giá bán của hàng hoá, dịch vụ không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường theo pháp luật về quản lý thuế. Quy định này được luật hoá từ Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Thông tư 130/2016/TT-BTC. Quy định này được suy đoán là để chống lại hành vi “chuyển giá” đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là doanh nghiệp cố tình kê khai giá tính thuế đối với hàng hoá, dịch vụ thấp hơn so với giá trị giao dịch thật nhằm giảm nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này chưa bảo đảm tính minh bạch do chưa làm rõ khái niệm “giá giao dịch thông thường trên thị trường” cũng như công thức để tính toán giá tính thuế ấn định. Do đó, quy định này thường gây ra tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Để chống lại hành vi “chuyển giá”, hiện pháp luật về thuế có ba biện pháp khác nhau:
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, theo nguyên tắc doanh nghiệp chuẩn bị Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết nhằm chứng minh giá tính thuế phù hợp với giá của các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
- Đối với thuế tài nguyên: giá tính thuế tài nguyên khoáng sản không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định
- Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt: cơ quan thuế ấn định thuế khi giá bán không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường.
Trong đó, biện pháp lập Hồ sơ xác định giá giao dịch độc lập tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP được coi là khoa học và tiến bộ nhất. Đây cũng là biện pháp được hướng dẫn rất chi tiết về các khái niệm và công thức tính toán. Tuy nhiên, việc chuẩn bị bộ hồ sơ xác định giá giao dịch độc lập mất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về xử lý trường hợp giá tính thuế không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường như sau:
- Doanh nghiệp cứ tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về giá tính thuế. Doanh nghiệp có quyền tự chuẩn bị Hồ sơ giao dịch độc lập để chứng minh cho giá tính thuế của mình là phù hợp với giá trên thị trường.
- Nếu doanh nghiệp nộp Hồ sơ giao dịch độc lập thì cơ quan thuế xử lý hồ sơ theo các nguyên tắc và công thức tính toán được quy định tương tự như Nghị định 132.
- Trường hợp doanh nghiệp không có Hồ sơ và cơ quan thuế xác định là giá tính thuế khác với giá giao dịch thông thường thì thực hiện ấn định thuế. Việc xác định giá tính thuế khác với giá giao dịch thông thường phải được thuyết minh rõ về phương pháp xác định và thông tin đầu vào.
- Giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về phương pháp xác định giá giao dịch thông thường, công thức tính, khoảng sai lệch cho phép.
- Mặt hàng xe ô tô
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành và Dự thảo đều sử dụng khái niệm “xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng” là đối tượng chịu thuế. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, khi áp dụng quy định này phát sinh nhiều vướng mắc bất cập.
Thuật ngữ xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng không tương thích với thuật ngữ được sử dụng trong việc phân loại ô tô được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng. TCVN 7271 phân loại ô tô thành ô tô chở người, ô tô chở hàng và ô tô chuyên dùng. TCVN 7271 không có khái niệm ô tô vừa chở người, vừa chở hàng. Điều này gây nhiều lúng túng khi áp dụng.
Một số doanh nghiệp kiến nghị cần làm rõ khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng hoặc có thể bỏ khái niệm này mà dẫn chiếu đến quy định về phân loại xe của Bộ Giao thông vận tải để thuận tiện cho quá trình áp dụng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay trên hồ sơ đăng kiểm của mọi phương tiện đều có ghi thông tin về số người và lượng hàng hoá được phép chở. TCVN 7271 cũng dựa vào tỷ lệ người và hàng này để phân loại xe ô tô (quy đổi một người nặng 65kg). Cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tương tự, đưa ra các ngưỡng tỷ lệ nhằm phân loại các mức thuế, bảo đảm minh bạch, thuận tiện áp dụng cho tất cả các trường hợp, kể cả xe mới lẫn xe nâng cấp cải tạo.
- Khấu trừ thuế và hoàn thuế
Điều 9.2 của dự thảo quy định: “Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sản xuất.” Như vậy, để được khấu trừ thuế TTĐB, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện (1) hàng hoá đầu ra thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB; (2) nguyên liệu đầu vào thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Trên thực tế, phát sinh trường hợp các doanh nghiệp sản xuất ô tô chuyên dùng hiện đang không được khấu trừ thuế và hoàn thuế TTĐB đầu vào. Thực tiễn sản xuất ô tô chuyên dùng, các doanh nghiệp thường sẽ dựa trên một số dòng xe thương mại phổ thông. Ví dụ, xe cứu thương được sản xuất trên nền xe chở người 9 hoặc 12 chỗ, xe chở tiền được sản xuất trên nền xe chở người 7 chỗ, các loại xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe chạy trong khu vui chơi, xe chở học sinh, xe chuyên dụng khác đều được sản xuất từ những dòng xe thương mại phổ thông. Quá trình sản xuất này có đầu vào là xe thương mại phổ thông, thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đầu ra là xe chuyên dùng, không thuộc diện chịu thuế. Như vậy, căn cứ vào Điều 9.2 của Dự thảo thì các doanh nghiệp này chỉ đáp ứng điều kiện (2) mà không đáp ứng điều kiện (1). Do đó, các doanh nghiệp này không được khấu trừ thuế hay hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính sách như vậy tác động rất tiêu cực đến sản xuất và sử dụng ô tô chuyên dùng tại Việt Nam. Giá bán các loại phương tiện này trên thị trường bị đẩy lên cao do khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào không được khấu trừ và hoàn. Đơn cử trường hợp xe cứu thương, khoản thuế không được khấu trừ và hoàn này khiến chi phí sản xuất xe cứu thương trong nước tăng khoảng 35% – 40%. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh. Do chi phí thuế sản xuất trong nước cao như vậy, trong khi hàng hoá tương tự sản xuất tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế, nên các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Thậm chí, có trường hợp đưa ô tô thương mại trong nước ra nước ngoài để cải tạo thành xe chuyên dùng rồi nhập khẩu lại về Việt Nam nhằm tránh thuế. Trong khi đó, sản xuất xe chuyên dùng là thị trường ngách mà nhiều doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam có thế mạnh dựa trên sự chăm chỉ và khả năng sáng tạo của công nhân và kỹ sư người Việt. Đây cũng là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vừa và nhỏ rất cần môi trường chính sách công bằng để có thể cạnh tranh với hàng hoá từ nước ngoài.
Hiện nay, Dự thảo mới chỉ quy định hoàn thuế đối với trường hợp sử dụng xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học. Trong khi đó, mặt hàng ô tô chuyên dùng cũng sử dụng nguyên liệu đầu vào là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lại chưa có quy định về khấu trừ và hoàn thuế.
Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp khấu trừ và hoàn thuế đối với việc sử dụng xe ô tô thương mại để sản xuất xe ô tô chuyên dùng.
- Thuế suất đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (dòng xe hybrid)
Dự thảo hiện đã có quy định thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện nhưng yêu cầu phải có nạp điện bằng hệ thống sạc riêng (bằng 70% xe xăng tương ứng). Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dòng xe hybrid – ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện có hai hình thức (1) có hệ thống sạc điện riêng, và (2) không có hệ thống sạc điện riêng. Quy định như dự thảo hiện mới chỉ đề cập đến loại thứ nhất – có hệ thống sạc điện riêng. Điều này được hiểu rằng các xe hybrid loại thứ hai – không có hệ thống sạc điện riêng sẽ chịu thuế suất bằng với xe chạy xăng tương ứng. Điều này chưa thực sự hợp lý vì xe ô tô hybrid không có hệ thống sạc điện riêng vẫn có tác dụng giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và là bước chuyển tiếp sang xe chạy thuần điện, trong quá trình trạm và công nghệ sạc điện chưa đủ thuận tiện cho người tiêu dùng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm chính sách khuyến khích dòng xe hybrid không có hệ thống sạc điện riêng, với thuế suất thấp hơn thuế đối với xe chạy xăng tương ứng.
- Nước giải khát có đường
Trong dự thảo này, nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%. Lý do được đưa ra là nhằm chống lại tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay. Việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn và rất nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này. VCCI cho rằng chính sách này cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên một số phương diện như sau:
- Thứ nhất, mục tiêu ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì là cần thiết và nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ giúp hạn chế hay giảm tỷ lệ béo phì như thế nào thì chưa được đánh giá đầy đủ. Theo nghiên cứu của một số doanh nghiệp, các thực phẩm có chứa đường (gồm đồ uống giải khát, bánh kẹo, kem…) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Như vậy, việc đánh thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường chỉ có thể làm giảm một lượng rất nhỏ, khoảng 0,1% – 0,2% năng lượng được nạp vào cơ thể.
- Thứ hai, chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn. Còn các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh… sẽ khó có thể bị đánh thuế, do không thể xác định chính xác hàm lượng đường.
- Thứ ba, chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp ngành đồ uống của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần tuý nội địa. Các doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm và công nghệ trong việc chuyển đổi sang các sản phẩm đồ uống không đường nhưng vẫn có vị ngọt. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuần tuý nội địa gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chính sách đánh thuế được thực hiện.
Với các lý do nêu trên, đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
- Mặt hàng rượu, bia và thuốc lá
Các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia, thuốc lá.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia và thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 01 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.
- Mặt hàng xăng
Mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế TTĐB và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị Quý Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
- Mặt hàng điều hoà nhiệt độ
Mặt hàng điều hoà nhiệt độ đã phải chịu thuế TTĐB từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi chúng ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Do đó, đề nghị Quý Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế TTĐB đối với điều hoà nhiệt độ.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Hồ sơ Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Kính mong cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.