VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thứ Bảy 01:11 09-05-2020

Kính gửi: Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý các Dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí, cụ thể:

  • Công văn số 5311/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí trong lĩnh vực y tế;
  • Công văn số 5274/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài và lệ phí sở hữu công nghiệp;
  • Công văn số 5284/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy và lệ phí cấp Căn cước công dân;
  • Công văn số 5117/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không;
  • Công văn số 5116/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí xử lý vụ việc cạnh tranh, phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh, phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa;
  • Công văn số 5063/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh;
  • Công văn số 5064/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ tài liệu, lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
  • Công văn số 5286/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp

Do thời hạn lấy ý kiến khá gấp, VCCI chưa thể lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Việc soạn thảo các Dự thảo Thông tư về lệ phí, phí theo hướng giảm số phí, lệ phí đến hết năm 2020 là một trong những biện pháp hỗ trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid 19 gây ra. VCCI đánh giá cao Bộ Tài chính, Vụ Chính sách thuế về kế ban hành và đề xuất ban hành những chính sách rất tích cực này.

Để các chính sách thực sự phát huy được hiệu quả, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về mức giảm phí

Phần lớn các Dự thảo Thông tư đều giảm mức phí 50% so với quy định hiện hành. Đây là mức giảm có thể xem là hợp lý. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực mức giảm lại được đánh giá hiện còn thấp, ví dụ:

  • Mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay: giảm 10% so với mức phí hiện hành, tức là mức phí “bảo đảm hoạt động bay” từ 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh giảm xuống còn 148.500 đồng/ lượt hạ hoặc cất cánh, giảm 16.500 đồng; hay “kinh doanh cảng hàng không” giảm từ 335.000 đồng/ lượt hạ hoặc cất cánh xuống còn 301.500 đồng/ lượt hạ hoặc cất cánh, giảm 33.500 đồng. Đây là mức giảm khá thấp nếu so sánh với các loại phí, lệ phí đang được đề nghị giảm trong các lĩnh vực khác (tỷ lệ giảm 50%). Nhất là trong bối cảnh, hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch Covid 19 thời gian qua;
  • Mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay và Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay cũng giảm 20% so với mức phí hiện hành. Trong rất nhiều Dự thảo Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 đang được soạn thảo mức giảm phí thẩm định cấp các loại giấy phép là 50%. Do đó, mức giảm phí cho hoạt động thẩm định cấp giấy phép trong lĩnh vực hàng không chỉ ở mức 20% được xem là khá thấp, chưa tương ứng với mức giảm với các hoạt động tương tự khác;

Để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và tính thực chất trong chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch Covid 19, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn về mức giảm khá thấp của các lĩnh vực nêu trên, nhất là so sánh với các mức giảm phí 50% của phần lớn các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt cần đánh giá về mức độ khó khăn, chịu tác động nặng nề của ngành hàng không trong thời gian qua.

  1. Các loại phí được giảm

Xem xét các Dự thảo Thông tư ở trên cho thấy:

  • Mức phí sẽ được giảm đồng loạt cho tất cả các hoạt động trong cùng lĩnh vực:
  • Phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, mức phí giảm 50% mức thu phí của toàn bộ Biểu phí quy định tại Thông tư 227/2016/TT-BTC; phí xử lý vụ việc cạnh tranh, phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh mức phí giảm 50% so với mức phí quy định tại Thông tư 251/2016/TT-BTC;
  • Phí thẩm định kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hóa mức phí giảm 50% so với mức phí quy định tại Thông tư 168/2016/TT-BTC;
  • Phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh mức phí giảm 50% so với mức phí quy định tại Thông tư 214/2016/TT-BTC;
  • Mức phí chỉ được giảm một số hoạt động trong cùng lĩnh vực:
  • Phí cấp mã số mã vạch, trong các loại phí quy định tại Thông tư 232/2016/TT-BTC chỉ có “mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài” là được giảm 50% so với mức phí hiện hành, còn “phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch”, “phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí)” giữ nguyên, tức là không được giảm;
  • Phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không: Trong Biểu thu phí, lệ phí quy định tại Thông tư 193/2016/TT-BTC, chỉ có “phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay”; “phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay” là được giảm (20%), còn các loại phí “phí thẩm định hồ sơ mua, bán, thuê, cho thuê máy bay”, “phí kiểm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cho tàu bay (tính theo trọng tải cất cánh tối đa của từng loại tàu bay)”, “phí kiểm định cấp giấy chứng nhận loại tàu bay, chứng chỉ đủ điều kiện kỹ thuật các phương tiện thiết bị hàng không sản xuất mới đưa vào sử dụng”, “phí sách hạch đủ điều kiện cấp giấy phép nhân viên hàng không”, “phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm liên quan đến quyền lợi quốc tế đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam (Mã số AEP)”, “lệ phí đăng ký các quyền đối với tàu bay” là không giảm.

Ngay cả trong “biểu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay” cũng chỉ có một số hoạt động như “thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ; cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay, thiết bị, vật tư tiêu chuẩn, vật tư tiêu hao phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cơ sở đào tạo, huấn luyện, giám định, sát hạch, kiểm tra”, “thẩm định cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay” là được giảm mức phí, còn các hoạt động thẩm định cấp giấy phép khác lại không được giảm;

  • Phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp:

Trong Biểu phí, lệ phí quy định tại Thông tư 207/2016/TT-BTC thì tất cả các loại lệ phí, phí đều được giảm chỉ trừ “phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp”; “phí bảo hộ giống cây trồng” đối với các phí “thẩm định đơn”, “thẩm định lại đơn khi người nộp đơn yêu cầu thì người nộp đơn phải nộp 50% lần đầu”, “thẩm định yêu cầu phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng”; “Phí công nhận, chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt”; “Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp”.

Như vậy có thể thấy cùng là chính sách giảm phí, lệ phí hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nhưng việc thiết kế giảm phí lại chưa có sự nhất quán, cụ thể:

  • Có những lĩnh vực giảm phí thẩm định cấp các loại giấy phép kinh doanh nhưng có những lĩnh vực lại không giảm đối với hoạt động này (ví dụ: phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp là không giảm). Cùng có tính chất là loại phí có tính chất duy trì hiệu lực của việc sử dụng dịch vụ công của nhà nước nhưng phí “Duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng” lại được giảm nhưng “phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm” lại không được giảm;
  • Các mức phí giảm chủ yếu tập trung vào hoạt động thẩm định cấp các loại giấy phép (ví dụ: thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, phí cấp lại, sửa đổi …). Đối tượng thụ hưởng của chính sách này là các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và dự báo sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đang hoạt động, những loại phí tác động đến chi phí kinh doanh lại không giảm hoặc giảm với tỷ lệ khá thấp nếu so sánh với mức giảm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh (ví dụ: không giảm phí đối với: “thẩm định cấp giấy chứng nhận, giấy phép cho cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không”; “phí thẩm định đơn bảo hộ giống cây trồng”; “phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí)”; giảm 20% mức phí đối với phí “duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng”, “phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay”). Những doanh nghiệp đang hoạt động và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 là đối tượng cần được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Việc các loại phí này không giảm hoặc giảm ở mức thấp khiến cho biện pháp hỗ trợ của Nhà nước chưa đạt được hiệu quả.

Để đảm bảo tính thực chất và hiệu quả của chính sách giảm phí, lệ phí, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh các quy định của Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí theo hướng:

  • Tỷ lệ giảm các mức phí tương đương đối với các hoạt động có cùng tính chất (ví dụ: hoạt động thẩm định cấp các loại giấy phép kinh doanh);
  • Rà soát và giảm các mức phí đối với các hoạt động mà các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh đang phải đóng phí khi tiến hành các hoạt động kinh doanh có liên quan.
  1. Đối với Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh

Đề nghị bổ sung mức “lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh” sau khi giảm để đảm bảo tính thống nhất trong quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Thông tư.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các Dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.