Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản của Thsĩ Luật sư Nguyễn Thị Cam - Cty luật TNHH Đất Luật - Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 21/3/2014)
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng
Kính gửi: Thanh tra Chính phủ
Trả lời Công văn số 1485/TTCP-C.IV ngày 30 tháng 06 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Thông tư), Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
I. Về quan điểm tiếp cận
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định phòng chống tham nhũng (PCTN) là công tác quan trọng. Cho tới nay, công tác PCTN đã được đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt; tuy nhiên, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế khi tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.
Chúng tôi cho rằng hiệu quả của công tác PCTN sẽ gia tăng nếu có hệ thống các chỉ tiêu giám sát đánh giá khách quan phù hợp. Hệ thống các chỉ tiêu này nếu xây dựng được sẽ giúp bổ sung thông tin cho hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, đồng thời góp phần phản ánh kịp thời thực trạng công tác PCTN, từ đó giúp các cơ quan chức năng có thể xác định những khâu, lĩnh vực cần cải thiện trong thời gian tới. Đồng thời, những thông tin, dữ liệu thu thập được theo hệ thống chỉ tiêu này cũng cần được công bố công khai, minh bạch kịp thời nhằm bảo đảm tăng cường lòng tin của người dân và doanh nghiệp về những nỗ lực PCTN của các cơ quan nhà nước tại Việt Nam.
II. Về các ý kiến cụ thể
1. Xác định rõ hệ thống chỉ tiêu nhận định tình hình tham nhũng
Dự thảo Thông tư đã xác định 05 tiêu chí để cơ quan xây dựng báo cáo thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu làm cơ sở đưa ra nhận định về tình hình tham nhũng trong lĩnh vực, địa phương và cấp quản lý của mình. Tuy nhiên, việc thể hiện nội dung các chỉ tiêu cụ thể tại Điều 5 tới Điều 9 của dự thảo Thông tư chưa được theo một hệ thống chỉ tiêu rõ ràng. Trong quá trình triển khai, việc thiếu hệ thống chỉ tiêu rõ ràng (thể hiện qua các biểu mẫu chi tiết) có thể khiến cho việc báo cáo thông tin từ mỗi cơ quan, địa phương không được thống nhất, do đó có thể dẫn tới việc tổng hợp thông tin của cơ quan đầu mối sẽ gặp khó khăn.
Kiến nghị: Dự thảo Thông tư cần xác lập hệ thống chỉ tiêu rõ ràng, với các biểu mẫu chi tiết tại phần phụ lục, để phục vụ việc báo cáo các thông tin cần thu thập liên quan tới các chỉ tiêu đã xác định từ Điều 5 tới Điều 9.
2. Một số chỉ tiêu thu thập thông tin cần cụ thể, chi tiết
Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Thông tư xác định cần thu thập “kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và theo các cấp quản lý: a) Số vụ việc, số người bị xử lý hành chính về các sai phạm có liên quan tới tham nhũng; b) Số vụ án tham nhũng, số bị cáo bị tuyên phạt án tù về tội danh tham nhũng”.
Tuy nhiên, những thông tin này còn rất chung chung và chưa thể hiện hết mức độ phổ biến và nghiêm trọng của tham nhũng. Những thông tin cần thiết cho chỉ tiêu này nên bổ sung thêm về hình thức xử phạt/hình phạt, thời gian xử lý…
Kiến nghị: Bổ sung Khoản 1 Điều 5: “Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và theo các cấp quản lý: a) Số vụ việc, số người bị xử lý hành chính, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về các sai phạm có liên quan tới tham nhũng và thời gian xử lý; b) Số vụ án tham nhũng, số bị cáo bị tuyên phạt án tù về tội danh tham nhũng, hình phạt cụ thể, thời gian xử lý.”
Khoản 2 và 3 Điều 6 dự thảo Thông tư xác định mức độ thiệt hại do tham nhũng gây ra về mặt kinh tế là khó ước lượng cho doanh nghiệp và người dân. Ví dụ, dự thảo quy định “Chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan nhà nước so với tổng số tiền nộp ngân sách của doanh nghiệp.” Đây là số liệu thu thập thông qua cảm nhận của doanh nghiệp. Để phản ánh đầy đủ hơn thiệt hại của tham nhũng không chỉ với ngân sách nhà nước mà còn với chính các doanh nghiệp và nền kinh tế, thuận lợi hơn trong điều tra doanh nghiệp, nên điều chỉnh là “so với tổng số doanh thu của doanh nghiệp”.
Kiến nghị: điều chỉnh khoản 2 Điều 6 thành “Phần trăm trong doanh thu của doanh nghiệp phải bỏ ra hàng năm để chi trả chi phí không chính thức trong giao dịch với cơ quan nhà nước”. Tương tự, khoản 3 Điều 6 cần điều chỉnh thành: “Phần trăm trong tổng thu nhập của hộ gia đình phải bỏ ra hàng năm để chi trả chi phí không chính thức trong giao dịch với cơ quan nhà nước”.
3. Mở rộng tham vấn ý kiến của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giám sát đối với hoạt động của cơ quan nhà nước
Điểm a Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định “Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham vấn ý kiến về tình hình tham nhũng tại địa phương bằng hình thức: “Đề nghị cung cấp thông tin theo Bảng hỏi đối với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh/thành phố”. Theo chúng tôi, việc chỉ giới hạn thu thập thông tin từ đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là khá hẹp, do thực tế nhiều đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cũng thường là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước kiêm nhiệm. Để cung cấp thông tin khách quan hơn, cần bổ sung thêm đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Kiến nghị: Bổ sung điểm a Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư: “Đề nghị cung cấp thông tin theo Bảng hỏi đối với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh/thành phố và các tổ chức thành viên”.
4. Thăm dò ý kiến người dân, doanh nghiệp đối với hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện công tác PCTN
Dự thảo Thông tư có quy định việc thăm dò mức độ tin tưởng của người dân đối với khả năng kiểm soát, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng của các cơ quan nhà nước (Khoản 2 Điều 7). Quy định này là cần thiết, vì có thể giúp đánh giá được hiệu quả công tác PCTN được thực hiện như thế nào, từ góc độ cảm nhận của người dân.
Tuy nhiên, việc thăm dò ý kiến của người dân cần được triển khai chi tiết, với những đánh giá đối với từng cơ quan có trách nhiệm chính trong việc PCTN tại Việt Nam. Việc hiểu rõ cảm nhận của người dân đối với hiệu quả hoạt động từng cơ quan sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có liên quan trong công tác PCTN.
Kiến nghị: Mở rộng yêu cầu thăm dò ý kiến người dân đối với hiệu quả hoạt động của từng cơ quan có liên quan trong công tác PCTN (Ví dụ: Công an, kiểm sát, tòa án, thanh tra).
5. Cần công khai, minh bạch các báo cáo nhận định tình hình tham nhũng
Các báo cáo nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các Bộ, ngành cùng Báo cáo nhận định về tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm trong phạm vi cả nước do Thanh tra Chính phủ xây dựng là những tài liệu quan trọng trong nỗ lực phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Việc công khai, minh bạch các báo cáo này là cần thiết, nhằm tăng cường lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư mới đưa ra yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố công khai Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương (Điều 23 dự thảo Thông tư), mà chưa có quy định rõ ràng đối với các Bộ, ngành. Thậm chí, thời hạn cụ thể cho việc công khai các báo cáo cũng chưa được xác định rõ. Việc công khai kịp thời các báo cáo này sẽ góp phần tăng cường sự tham gia của người dân, báo chí đối với việc giám sát công tác phòng chống tham nhũng.
Kiến nghị: Thông tư cần quy định rõ trách nhiệm công khai các báo cáo nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các Bộ, ngành. Thời hạn cụ thể cho việc công khai các báo cáo đó cần được xác định rõ, trên các phương tiện thông tin đại chúng thuận lợi cho sự giám sát của người dân (như website của các cơ quan).
Trên đây là ý kiến đóng góp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và nội dung đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc điều chỉnh Dự thảo Thông tư nếu phù hợp.
Trân trọng cảm ơn.