VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khí tượng thủy văn
VCCI góp y Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa
Kính
gửi: Vụ Kê khai thuế
Tổng
cục Thuế – Bộ Tài chính
Trả
lời Công văn số 1316/BTC-TCT của Tổng cục Thuế về việc đề nghị góp ý Dự thảo
Thông tư hướng dẫn thu nộp Ngân sách Nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội
địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên
cơ sở ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và ngân hàng, có một số ý kiến như sau:
1) Về ngày nộp
thuế (Điều 3 Dự thảo)
Dự thảo quy định: “Trường hợp nộp thuế qua giao dịch điện tử,
ngày nộp thuế là ngày hệ thống thanh toán của ngân hàng/Kho bạc nhà nước trích
tiền từ tài khoản của người nộp thuế và xác nhận giao dịch nộp thuế đã thành
công trên hệ thống giao dịch điện tử”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khi ngân
hàng xác nhận giao dịch tức là thời điểm đó ngân hàng đã phong tỏa số tiền của
khách hàng để nộp thuế. Việc thực hiện thủ tục trích tiền là trách nhiệm của ngân
hàng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) mà không thuộc người nộp thuế, nếu hệ thống bị lỗi
thì không thuộc trách nhiệm của người nộp thuế.
Ý kiến này cũng phù hợp với
tinh thần của quy định tại khoản 2 và 3 Điều này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo
quy định theo hướng: “Trường hợp nộp thuế
qua giao dịch điện tử, ngày nộp thuế là ngày ngân hàng, Kho bạc nhà nước xác nhận
giao dịch nộp thuế.” Trong trường hợp xảy ra lỗi trên hệ thống hệ thống
giao dịch điện tử thì phải có cách thức bảo đảm việc nộp thuế của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân được ghi nhận đúng thời điểm thực hiện giao dịch.
2) Về điều kiện
của ngân hàng tham gia phối hợp thu (Điều 4 Dự thảo)
Một số điều kiện Dự thảo đưa
ra chưa bảo đảm tính minh bạch, ví dụ như:
–
Quy định tại khoản
4: “Cam kết có đầy đủ
trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực; tuân thủ nghiêm túc
các nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu tổ chức phối hợp thu
ngân sách nhà nước.” Tuy nhiên, quy định này
tương đối khó xác định, có thể gây cách hiểu không thống nhất giữa bởi mỗi ngân
hàng có hệ thống quản trị và cơ cấu tổ chức khác nhau.
Văn
bản sẽ trở nên rõ ràng và có tính khả thi cao hơn khi Dự thảo làm rõ các nguyên
tắc, quy trình và trách nhiệm này là do ngân hàng tự xây dựng hay do Ngân hàng
Nhà nước quy định. Nếu do Ngân hàng Nhà nước quy định thì cần nêu cụ thể luôn tại
Thông tư này để các đơn vị tuân thủ chính xác.
–
Khoản 5: “Tuân thủ nâng cấp hệ thống
Core Banking đáp ứng việc thu Ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà
nước.” Nếu quy định về việc yêu cầu ngân hàng nâng cấp
hệ thống này đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành thì đề nghị Ban Soạn thảo
dẫn chiếu để doanh nghiệp tiện theo dõi và áp dụng. Trong trường hợp đây là yêu
cầu mới được nêu tại Thông tư này thì cần làm rõ một số điểm sau để bảo đảm việc
thực thi được thuận lợi:
+ Các trường hợp cụ thể nào Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa
ra “yêu cầu” đối với việc nâng cấp hệ thống Core Banking của các ngân hàng;
+ Thời hạn để ngân hàng đáp ứng việc nâng cấp hệ thống
kể từ ngày có yêu cầu;
+ Hồ sơ, thủ tục thực hiện.
3) Về thủ tục
đăng ký tham gia phối hợp thu (Điều 5 Dự thảo)
–
Về cách thức tham gia phối hợp thu:
+
Các quy định tại
Dự thảo hiện tại về việc phối hợp thu giữa ngân hàng và cơ quan thuế đang có điểm
chưa thống nhất, cụ thể: Điều 5 Dự thảo quy định về việc “đăng ký” trong khi Điều 7 lại nêu “thực hiện Thỏa thuận phối hợp thu NSNN”.
+
Thỏa thuận phối
hợp thu NSNN được nêu tại điểm b Khoản 1 và điểm b Khoản 3 Điều 7 là một trong
các nội dung mà ngân hàng ủy nhiệm thu và ngân hàng phối hợp thu phải duy trì
như là điều kiện bắt buộc trong suốt quá trình thực hiện hoạt động này nhưng
soát toàn bộ Dự thảo hiện tại không thấy bất kỳ quy định cụ thể nào về nội dung
của Thỏa thuận này (kể cả Điều 2 về giải thích từ ngữ).
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về “Thỏa thuận phối
hợp thu NSNN” để ngân hàng có cơ sở để thực hiện cũng như chuẩn bị các điều kiện,
đáp ứng yêu cầu của pháp luật.
–
Về hồ sơ đăng ký:
+
Khoản 1 Điều này
chỉ quy định về văn bản đề nghị tham gia phối hợp thu (theo mẫu) và giấy tờ về
tư cách pháp lý của ngân hàng mà thiếu hẳn quy định cách thức chứng minh các điều
kiện (quy định tại Điều 4) để được tham gia phối hợp thu. Đây là một điểm chưa
rõ ràng, có thể sẽ khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện
thủ tục. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung này vào hồ sơ nhưng
vẫn phải bảo đảm tiêu chí về đơn giản hóa thủ tục hành chính (doanh nghiệp phải
cung cấp càng ít giấy tờ càng tốt).
+
Điểm b và điểm c
khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định có phần trùng lặp nhau. Nếu “Giấy phép hoặc quyết định về việc thành lập
và hoạt động của ngân hàng đăng ký tham gia phối hợp thu do cơ quan có thẩm quyền
của Việt Nam ban hành” không phải là một trong các văn bản nêu tại điểm c1,
c2 hoặc c3 thì đó là văn bản gì? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ điều này để
tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Trong trường hợp các văn bản này không
có sự khác nhau đề nghị xem xét bỏ điểm b nói trên.
–
Về thời hạn:
điểm b khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định: “Trong
thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục
Thuế có văn bản gửi ngân hàng về việc chấp nhận hay không chấp nhận phối hợp
thu ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không nêu rõ: căn cứ vào
các tiêu chí nào để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chấp nhận/không chấp nhận.
Điều này có thể gây ra việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất trong thực thi.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ: “Căn cứ vào các điều kiện nêu tại Điều 4
Thông tư này và các hồ sơ ngân hàng nộp, Tổng cục Thuế ra quyết định về việc chấp
nhận phối hợp thu…Trong trường hợp không chấp nhận thì có văn bản trả lời, nêu
rõ lý do.”
–
Ngoài ra, cần bổ
sung quy định về thời hạn xem xét tính đầy đủ của hồ sơ theo hướng: cán bộ tiếp
nhận hồ sơ của ngân hàng phải kiểm tra và xác nhận thời gian nhận ngay khi nhận
được, nếu hồ sơ đã đầy đủ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì có văn bản yêu cầu
ngân hàng bổ sung, nêu rõ văn bản còn thiếu.
4) Về người nộp
thuế thay (Khoản 2 Điều 8 Dự thảo)
–
Đoạn 2 và 3 của
Khoản này có sự trùng lặp về thông tin, tuy nhiên, thông tin về người nộp thay
lại chưa đầy đủ do khi nộp thay thì số tiền trích để nộp thuế sẽ lấy từ tài khoản
của người nộp thay. Do đó, đề nghị bổ sung: “Thông tin về người nộp thay…đầy đủ
thông tin về tên, địa chỉ, ngân hàng và số tài khoản của người nộp thuế thay.”
Trường hợp cần có hướng dẫn cụ thể về tài khoản nộp thuế thay thì bổ sung quy định.
–
Đồng thời, bỏ đoạn
2 khoản 3 để tránh trùng lặp.
5) Về xử lý
sai sót, tra soát, điều chỉnh thông tin thu nộp thuế và cấp chứng từ nộp thuế
phục hồi, xác nhận số thuế đã nộp (Điều 19 Dự thảo):
Dự thảo hiện tại không có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp doanh nghiệp nộp
thuế hoặc các khoản phải nộp vào sai KBNN hoặc sai tiểu mục, bị trả về thì sẽ
thực hiện xử lý sai sót như thế nào. Đây là tình huống thực tế đã xảy ra và rất
cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của văn bản.
Với tinh thần quy định tại Dự thảo, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân
nhắc quy định theo hướng làm rõ: cho phép người nộp thuế thực hiện lập Giấy đề
nghị điều chỉnh thu ngân sách nhà nước (theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều
19 Dự thảo); thủ tục cụ thể, thời hạn cho phép người nộp thuế thực hiện, thời hạn
trả lời của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được lấy thời
điểm nộp lần đầu để tính ngày nộp thuế.
6)
Về xác nhận giao dịch nộp thuế
Xác nhận giao dịch nộp thuế là căn cứ không thể thiếu, nếu như không phải
là duy nhất để chứng minh ngày nộp thuế của doanh nghiệp (Điều 3 Dự thảo). Với
tầm quan trọng như vậy, văn bản này cần phải được cấp cho doanh nghiệp theo
cách thức thuận tiện và kịp thời nhất có thể.
Dự thảo hiện tại đã quy định nghĩa vụ của KBNN, ngân hàng là phải cấp chứng
từ xác nhận đã nộp thuế vào NSNN có đầy đủ chữ ký và dấu xác nhận khi người nộp
thuế thực hiện giao dịch (Điều 7 Dự thảo).
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về việc một số cơ quan có
liên quan yêu cầu phải cung cấp bản gốc chứng từ xác nhận giao dịch nộp thuế
khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, mà chưa chấp nhận các hình thức khác như bản
điện tử, bản scan của chứng từ giao dịch nộp thuế. Điều đó khiến cho nhiều
doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí cho việc chuyển chứng từ gốc để xuất
trình trước các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt là ở những nơi mà ngân
hàng hoặc KBNN có địa điểm cách xa cảng, cửa khẩu. Trong khi đó, việc chia sẻ
thông tin việc nộp thuế của doanh nghiệp giữa các cơ quan nhà nước khác nhau là
việc hoàn toàn có thể thực hiện được.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, đề
nghị Ban soạn thảo quy định rõ trong Dự thảo các hình thức thể hiện của chứng
từ xác nhận giao dịch nộp thuế theo hướng: có thể cung cấp bản điện tử (có chữ
ký điện tử của KBNN, ngân hàng) hoặc bản scan (có chữ ký, đóng dấu) qua email
hoặc thể hiện trên tài khoản của người nộp thuế (nếu cá nhân, tổ chức lựa chọn
hình thức này). Đồng thời ghi nhận bản điện tử này có giá trị tương đương với bản
giấy.
7)
Về xác nhận số thuế đã nộp (Điều 18, 20 Dự thảo):
Việc cơ quan thuế xác nhận số thuế đã nộp có ý nghĩa quan trọng đối với
doanh nghiệp tương tự như việc xác nhận giao dịch nộp thuế. Dự thảo quy định “cơ quan thuế cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp
cho người nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thu nộp do KBNN chuyển sang” (Điều
20) và thời hạn là: “định kỳ ngày 15 háng
tháng…cơ quan thuế thông báo các khoản nộp NSNN trong tháng trước được ghi nhận
trong hệ thống quản lý thuế cho người nộp thuế biết trên tài khoản giao dịch
thuế điện tử do Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.” Quy định trên có một
số điểm bất cập như sau:
–
Thời hạn 15 ngày
sau ngày cuối cùng của tháng nộp thuế là quá dài. Thời hạn này có thể rút ngắn
lại bởi kể cả trường hợp người nộp thuế nộp trực tiếp hay nộp thuế điện tử thì
hiện nay hệ thống xử lý nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước được cho là phải
ghi nhận được việc nộp thuế trong ngày
hoặc chậm nhất là 10h sáng của ngày làm việc tiếp theo đối với các giao dịch
nộp thuế phát sinh sau thời điểm “cut off time”.
–
Việc cấp giấy
xác nhận số thuế đã nộp hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức điện tử (gửi
email hoặc ghi nhận trên tài khoản thuế của doanh nghiệp), do đó không cần thiết
phải đợi tổng hợp của cả tháng.
–
Người nộp thuế rất
cần thông tin này để yên tâm với khoản thuế đã nộp cũng như thực hiện việc xử
lý sai sót sớm nhất có thể (nếu cần thiết).
Với quan điểm trên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định
theo hướng cơ quan thuế xác nhận các khoản nộp NSNN của doanh nghiệp trong thời
hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày xác nhận nộp thuế. Đối với các hình thức nộp thuế
điện tử thì xác nhận này có thể được gửi qua email cho doanh nghiệp (nếu doanh
nghiệp lựa chọn hình thức này.)
8)
Góp ý khác:
Hiện tại Dự thảo không đính kèm Mẫu 01/ĐNPHT quy định tại điểm a khoản 1
Điều 5. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung để bảo đảm việc thực thi được thuận lợi.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam đối với Dự thảo Thông tư Thông tư hướng dẫn thu
nộp Ngân sách Nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa. Rất mong quý
Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh
sửa, hoàn thiện. Ngoài ra, đính kèm các góp ý của doanh nghiệp gửi về VCCI để
Quý Cơ quan nghiên cứu.
Trân trọng cảm ơn sự hợp
tác của quý Cơ quan.