VCCI góp ý Dự thảo Quyết định về việc quản lý hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam

Thứ Năm 11:40 27-03-2014

Kính gửi: Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử

                            Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 638/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định về việc quản lý hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

So với Dự thảo năm 2012 thì bản Dự thảo này có nhiều thay đổi về phương thức quản lý đối với hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam theo hướng bãi bỏ và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. VCCI hoan nghênh cách tiếp cận mới này của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, đề tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

1.      Một số quy định tại Dự thảo vẫn chưa đảm bảo được triệt để về yêu cầu cải cách thủ tục hành chính

Theo quy định tại Dự thảo thì hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam được quản lý dưới các hình thức:

-         Đối với hoạt động bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài của tổ chức nước ngoài: cấp giấy chứng nhận đăng ký

-         Đối với hoạt động mua tin kinh tế chuyên ngành: tổ chức mua tin phải thông báo về việc mua tin kinh tế

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét lại hình thức quản lý trên ở các điểm: Có sự nhầm lẫn giữa thủ tục “đăng ký” và “cấp phép”:

Theo quy định tại Dự thảo thì thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký được quy định với đầy đủ đặc điểm của một loại giấy phép kinh doanh:

-         Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà nước theo đúng mẫu và  chứng minh mình đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định (điều kiện về hiện diện thương mại, điều kiện về có kế hoạch bán tin …);

-         Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký trong một khoảng thời gian và có quyền từ chối nếu hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định

-         Giấy chứng nhận đăng ký là có thời hạn và khi hết hạn phải xin gia hạn; việc sửa đổi, bổ sung phải tuân thủ các thủ tục cụ thể

Trong khi đó, xét về bản chất, đăng ký là thủ tục chỉ mang tính chất cung cấp cho cơ quan nhà nước về những thông tin mà doanh nghiệp đang thực hiện và việc chứng nhận đăng ký của cơ quan nhà nước là tự động, tương ứng với đó thủ tục sẽ rất đơn giản và hoàn toàn không mang tính chất xin-cho.

Liên quan đến quy định chuyển thủ tục “cấp giấy phép mua tin kinh tế” sang “thông báo cung cấp dịch vụ thông tin kinh tế chuyên ngành” theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết[1], Bộ đã được sự đồng ý từ Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý chuyển từ hình thức cấp đăng ký thay cho hình thức thông báo và tại Công văn số 2636/PTM-PC ngày 30/10/2012, VCCI cũng đã nêu những băn khoăn về hình thức quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký bán tin kinh tế chuyên ngành, nay tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo làm rõ ở các khía cạnh:

-         Tại sao nhất thiết phải quản lý việc mua, sử dụng và bán tin kinh tế chuyên ngành bằng hình thức giấy phép (về bản chất “giấy chứng nhận đăng ký” cũng là một hình thức của giấy phép – sẽ được phân tích ở dưới) thay vì thông báo (thủ tục tự động)?

-         Việc quản lý như vậy nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào? Trên thực tế hoạt động này đang diễn ra như thế nào, gây nguy hại gì cho các lợi ích công cộng liên quan? Quản lý bằng giấy phép có giúp ngăn chặn hiêu quả các lợi ích đó không?

-         Thủ tục cấp phép đăng ký như Dự thảo Quyết định có cải cách gì so với thủ tục cũ để thực hiện đúng yêu cầu cải cách, tinh thần thủ tục hành chính tại Nghị quyết 71?

Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn chưa được giải đáp trong Công văn số 638/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 04/03/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. VCCI vẫn giữ quan điểm đã được thể hiện trong Công văn số 2636/PTM-PC ngày 30/10/2012, đó là:

Hoạt động liên quan đến thông tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài (chú ý đây không phải là thông tin kinh tế chuyên ngành về các tổ chức kinh tế Việt Nam) không có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến bất kỳ lợi ích công cộng nào ở Việt Nam. Đặc biệt từ góc độ của doanh nghiệp, những thông tin về đối tác nước ngoài mà doanh nghiệp sử dụng trong quá trình kinh doanh là rất phổ biến và dù những thông tin có ảnh hưởng đến lợi ích của chính doanh nghiệp (và không ai khác chịu trách nhiệm ngoài doanh nghiệp), chúng không có ảnh hưởng tới lợi ích công cộng cụ thể nào của Việt Nam.

Trên thực tế, hầu như tất cả các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến nước ngoài (xuất nhập khẩu, liên doanh…) ở Việt Nam đều cần thông tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài, ít nhất là các thông tin về sự tồn tại pháp lý, về năng lực tài chính và khả năng chịu trách nhiệm của các đối tác nước ngoài mà họ có quan hệ kinh doanh (chưa tính tới các thông tin về nhu cầu, về tình hình thị trường, về diễn biến tài chính cụ thể nào đó phục vụ các mục đích nhất định). Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc mua, bán, sử dụng các thông tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài đã và đang diễn ra rất phổ biến, với nhiều hình thức đa dạng hàng chục năm nay. Cho đến hiện tại, về cơ bản những hoạt động này chưa gây ra những ảnh hưởng lớn nào đến những lợi ích công cộng (an ninh quốc phòng) nào của Việt Nam, và về bản chất chúng cũng hầu như không có khả năng làm phương hại tới lợi ích công công ở Việt Nam. Như vậy, liệu có cần thiết phải kiểm soát hoạt động này bằng thủ tục cấp phép hay không?

Ngoài ra, với một số lượng đặc biệt lớn (nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp cũng đã tới hàng trăm nghìn) các chủ thể liên quan cũng như các hoạt động cần kiểm soát, liệu cơ quan Nhà nước (mà Dự thảo Quyết định hiện đang để ở cấp Bộ) có đủ nguồn lực để cấp phép (và đặc biệt là hậu kiểm) đối với các hoạt động này không? Quy định trong Dự thảo Quyết định, vì vậy, sẽ hoặc là không khả thi, hoặc là làm phát sinh chi phí rất lớn về cả bộ máy, con người và cơ sở vật chất. Điều này đi ngược hoàn toàn lại tinh thần cải cách thủ tục hành chính hiện nay nói chung và Nghị quyết 71 nói riêng. Hơn nữa, việc hậu kiểm hoạt động mua, bán, sử dụng thông tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài được thực hiện thông qua internet và các công nghệ thông tin khác hầu như không thể thực hiện được một cách đầy đủ.

Dự thảo đã đi theo hướng kiểm soát hoạt động “cung cấp dịch vụ thông tin kinh tế chuyên ngành” và chỉ với đối tượng cung cấp tin là nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết 71, tuy nhiên hình thức kiểm soát lại chưa phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh các quy định theo đúng bản chất của thủ tục đăng ký mà không phải là “cấp phép” đó là:

-         Tinh giản Hồ sơ đăng ký quy định tại khoản 1 Điều 9, có thể chỉ cần Đơn đăng ký bán tin kinh tế

-         Thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn

-         Bỏ quy định về thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký ban tin kinh tế (khoản 3 Điều 9) cũng như các thủ tục như sửa đổi, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt nam (Điều 10)

Theo phân tích ở trên, hoạt động mua bán tin kinh tế chuyên ngành không nhất thiết phải quản lý chặt chẽ như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hơn nữa, tính khả thi và hiệu quả (so sánh giữa chi phí của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính với mục tiêu quản lý đạt được) của phương thức quản lý cấp phép cũng như đăng ký đối với hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành vẫn còn nhiều điều phải xem xét, do đó, trong thời gian tới, đề nghị Quý Bộ rà soát lại hình thức quản lý này, hướng tới việc bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến mua bán tin kinh tế và xem đây là một hoạt động phục vụ cho tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhà nước không cần can thiệp hay kiểm soát.

2.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính hợp lý, có thể gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

-         Điều kiện của tổ chức nước ngoài bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo thì “Tổ chức nước ngoài bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam phải có văn phòng đại diện hoặc chỉ định một tổ chức đại diện có pháp nhân tại Việt Nam”. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mua và sử dụng tin kinh tế từ các tổ chức nước ngoài ở nước ngoài thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (dịch vụ cung cấp qua biên giới) mà không cần bất kỳ hiện diện thương mại nào của các hãng tin ở Việt Nam. Việc buộc các đơn vị cung cấp tin phải có văn phòng đại diện ở Việt Nam là bất hợp lý, làm phát sinh chi phí không cần thiết và vì vậy hầu như không phù hợp với tập quán kinh doanh trong lĩnh vực này. Hơn nữa, việc yêu cầu tổ chức nước ngoài phải chỉ định một tổ chức đại diện có pháp nhân tại Việt Nam là tạo gánh nặng về thủ tục cũng như chi phí của những nhà cung cấp này, trong khi vai trò của tổ chức đại diện này lại không có nhiều ý nghĩa trong mối quan hệ giữa tổ chức nước ngoài bán tin và người mua tin ở Việt Nam.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

-         Hình thức quản lý đối với tổ chức mua tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo thì “tổ chức mua tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện việc thông báo với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử”. Không rõ mục tiêu quản lý đối với quy định này là gì? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét đến tính khả thi và hiệu quả của quy định này ở điểm: việc mua tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu bất kỳ hoạt động mua tin nào cũng phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì doanh nghiệp sẽ phải liên tục thực hiện thủ tục này, trong khi ý nghĩa của việc yêu cầu này vẫn chưa rõ ràng, điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục cho các doanh nghiệp cũng như chi phí thời gian, nhân lực cơ quan nhà nước phải bỏ ra. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

Ngoài ra, những bình luận về sự không khả thi và nguy cơ coi thường pháp luật như nêu ở trên (phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới) cũng đúng với hoạt động này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

-         Về việc sử dụng tin đã mua: Khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “chỉ được sử dụng tin đã mua của các hãng tin nước ngoài phục vụ cho hoạt động của tổ chức mình, không được bán lại hoặc đăng tin công khai trên các phương tiện truyền thông”. Quy định này là chưa hợp lý và dường như là can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. “Tin đã mua của các hãng tin nước ngoài” được xem là tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên họ được toàn quyền xử lý đối với loại tài sản này. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp không được bán lại hoặc đăng tin công khai trên các phương tiện truyền thông là không cần thiết và can thiệp quá sâu vào quyền tự định đoạt các hoạt động cũng như tài sản của doanh nghiệp, nhất là những tài sản đó không gây nguy hại gì cho xã hội hay việc sử dụng nó cần phải có sự kiểm soát đặc biệt nào.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì chỉ kiểm soát chủ thể bán tin là “tổ chức nước ngoài” còn tổ chức trong nước không có bất kì ràng buộc nào, điều này được hiểu là họ có thể tự do bán tin. Quy định cấm tại khoản 2 Điều 6 là chưa nhất quán với các quy định khác tại Dự thảo.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 6.

-         Về chế độ báo cáo: Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 thì tổ chức bán tin kinh tế chuyên ngành phải có trách nhiệm báo cáo các nội dung như: “Các phương thức kỹ thuật cung cấp dịch vụ”; “Danh sách khách hàng tại Việt Nam đặt mua tin kinh tế chuyên ngành tại Việt Nam”; “Doanh thu tại thị trường Việt Nam trong năm qua và kế hoạch kinh doanh trong năm tiếp theo, kiến nghị, đề xuất cụ thể (nếu có)”. Việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin này là không cần thiết và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi tên khách hàng có thể thuộc về bí mật thông tin của doanh nghiệp, hơn nữa nếu Dự thảo giữ quy định về nghĩa vụ thông báo của người mua tin, thì việc yêu cầu cung cấp thông tin này là không cần thiết; Không rõ về mục tiêu quản lý của việc yêu cầu báo cáo “doanh thu tại thị trường Việt Nam” và “phương thức kỹ thuật cung cấp dịch vụ”.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các quy định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động mua, bán tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài tại Việt Nam. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Công văn số 2706/BTTTT-PTTTH&TTĐT năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Các văn bản liên quan