VCCI góp ý Dự thảo Quy định treo cáp viễn thông trên cột điện và cột đèn chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Kính gửi: Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 111/STTTT-BCVT của Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng đề nghị góp ý Dự thảo Quy định treo cáp viễn thông trên cột điện và cột đèn chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Việc ban hành Quy định này là rất cần thiết để góp phần bảo đảm an toàn lưới điện, an toàn thông tin, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Về cơ bản, Dự thảo được xây dựng khá chi tiết, bao trùm được các nội dung cần thiết. Đề hoàn thiện Dự thảo, giúp cho quy định khi được ban hành sẽ được thực hiện hiệu quả trên thực tế, VCCI có một số ý kiến bổ sung như sau:
- Về dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh
- Căn cứ pháp lý
Các văn bản pháp luật được viện dẫn làm căn cứ pháp lý là khá đầy đủ, VCCI đề nghị bổ sung thêm Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT, ngày 30/12/2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung, vì đây cũng là văn bản được viện dẫn tại khoản 1 Điều 13 của Dự thảo.
Đề nghị bổ sung trích yếu văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (ví dụ: tờ trình/ văn bản số… ngày…).
- Phần Quyết định
Đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 3: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan và sắp xếp thứ tự như sau:
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Thông tin và Truyền thông, Công thương, Xây dựng, Giao thông và Vận tải, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng, Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
- Nơi nhận
Đề nghị bổ sung Cổng thông tin điện tử tỉnh.
- Về nội dung cụ thể của Quy định Treo cáp viễn thông trên cột điện và cột đèn chiếu sáng đô thị trên địa bản tỉnh Cao Bằng (ban hành kèm theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh)
- Tên quy định
Đề nghị bổ sung cụm từ “kèm theo”, thành Ban hành kèm theo Quyết định số /2017/QĐ-UBND ngày tháng năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này không chỉ nhằm nâng cao sự hợp tác giữa đơn vị chủ quản cột với đơn vị thuê sử dụng, mà còn có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị, tổ chức liên quan. Do đó, đề nghị Quý Sở xem xét làm gọn lại Điều 1 như sau: Quy định việc sử dụng chung cột để treo cáp viễn thông trên hệ thống cột treo cáp của tổ chức, các nhân (đơn vị) chủ quản cột, nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn lưới điện, an toàn thông tin, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
Khoản 1 quy định: “Đơn vị chủ quản cột treo cáp gồm: Công ty Điện lực Cao Bằng, các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị chiếu sáng công cộng và các đơn vị khác có cột trên địa bàn tỉnh”, đề nghị làm rõ hơn thành:
- Đơn vị chủ quản cột treo cáp là đơn vị sở hữu hoặc được giao quản lý, khai thác, sử dụng cột treo cáp trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty Điện lực Cao Bằng, các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị chiếu sáng công cộng và các đơn vị khác sở hữu cột trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo có đề cập tới chủ sở hữu cáp (tại khoản 6 Điều 15) nên đề nghị Quý Sở xem xét bổ sung định nghĩa “Chủ sở hữu cáp treo viễn thông là đơn vị sở hữu hoặc được giao quản lý, khai thác, sử dụng cáp viễn thông treo trên hệ thống cột treo cáp”.
Khoản 3 quy định: “Cáp viễn thông là tên các loại cáp được dùng để truyền thông tin trong mạng viễn thông (cáp đồng, cáp quang) gồm: cáp điện thoại, cáp internet, cáp truyền hình, cáp truyền thanh”. Đề nghị xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông (đã được viện dẫn tại phần căn cứ pháp lý).
Theo đó: Cáp viễn thông là tên gọi chung chỉ cáp quang, cáp đồng, cáp đồng trục (cáp truyền hình) được dùng để truyền thông tin trong mạng viễn thông thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Có thể quy định thêm như Dự thảo là “gồm: cáp điện thoại, cáp internet, cáp truyền hình, cáp truyền thanh”. Tương tự, ở khoản 4, cũng theo QCVN 33:2011/BTTTT, thì cột treo cáp gồm các loại: cột bê tông cốt thép hoặc thép hình. Do đó đề nghị Quý Sở xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Trong Dự thảo còn có một vài quy định đề cập tới lỗ leo cột, đề nghị Quý Sở xem xét nếu cần thiết thì bổ sung thuật ngữ “lỗ leo cột” vào Dự thảo: Lỗ leo cột điện: lỗ dùng cho công nhân điện leo lên cột bằng dụng cụ, và đứng trên cột để công tác. Lỗ có đường kính Ø18 xuyên qua tâm trụ, lỗ có khoảng cách đều nhau 425mm từ mặt đất đến lỗ lắp đà.
- Điều 4. Nguyên tắc áp dụng
Đề nghị xem xét sửa khoản 1 thành “Nghiêm cấm việc sử dụng hệ thống cột điện lực để kéo cáp treo ở các khu vực bắt buộc ngầm hóa 100% mạng cáp, dây thuê bao trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã được quy định”. Ngoài trường hợp cấm thì cáp viễn thông được lắp đặt trong mọi trường hợp khác. Khoản 1 của Dự thảo: “1. Cáp viễn thông được lắp đặt chung trên hệ thống cột hiện có tại các khu vực mà chưa thể thực hiện hạ ngầm hoặc không thể xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt” sẽ được đưa xuống Điều 5 (Điều kiện sử dụng chung cột).
Khoản 2 của Dự thảo quy định “Trước khi sử dụng chung cột để treo cáp phải thỏa thuận thống nhất với đơn vị chủ quản cột bằng hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông treo trên cột theo quy định của pháp luật, của Quy định này và theo quy định của đơn vị chủ quản cột”, đề nghị sửa thành “Nghiêm cấm mọi hành vi tự ý treo cáp lên hệ thống cột điện lực, cột treo cáp khi chưa được đơn vị sở hữu cột điện lực, cột treo cáp cho phép”.
Trong Dự thảo rải rác có nhiều quy định về nghĩa vụ của các bên liên quan, do đó, đề nghị Quý Sở xem xét bổ sung thêm nguyên tắc: “Việc xây dựng, sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông phải tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, quy hoạch về viễn thông và của các ngành có liên quan; đảm bảo yêu cầu về an toàn, cảnh quan, môi trường, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông phải được thực hiện thông qua hợp đồng và giá thuê theo quy định hiện hành của Nhà nước”.
Các quy định tại Điều 4 là khá đầy đủ, tuy nhiên, để rõ ràng hơn cho việc áp dụng, đề nghị Quý Sở xem xét đưa vào Điều 4 này nguyên tắc “Cáp viễn thông khi treo với đường dây điện phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT (QCVN 33:2011/BTTTT) về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Nếu đã quy định như vậy thì bỏ khoản 5 “Không được treo cáp viễn thông trên cột nếu vi phạm các quy định tại mục 2.1 điểm 2.1.1.2 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 33:2011/BTTTT…” vì đây là nhắc lại quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Tại Điều 4 cũng cần bổ sung nguyên tắc Tại các khu vực đã có quy hoạch xây dựng ngầm hóa cáp viễn thông, việc treo cáp viễn thông thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. (chuyển điểm f khoản 2 Điều 6 lên thành nguyên tắc).
Bên cạnh đó, cũng cần lường trước trường hợp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông quyết định việc bắt buộc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, ví dụ như khi các doanh nghiệp không tự thỏa thuận được với nhau trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông để phục vụ hoạt động viễn thông công ích, phòng, chống thiên tai và quốc phòng – an ninh hoặc do đơn vị chủ quản cột gây khó dễ cho đơn vị muốn dùng chung cột.
Do đó, đề nghị bổ sung quy định: “Trong trường hợp các đơn vị không thỏa thuận được việc dùng chung hạ tầng thì đơn vị muốn dùng chung báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp giải quyết hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án giải quyết phù hợp”.
- Điều 5. Điều kiện sử dụng cột (Chương II)
Như đã góp ý ở trên, đề nghị đưa khoản 1 Điều 4 của Dự thảo: “1. Cáp viễn thông được lắp đặt chung trên hệ thống cột hiện có tại các khu vực mà chưa thể thực hiện hạ ngầm hoặc không thể xây dựng cột treo cáp viễn thông riêng biệt” vào Điều 5 này.
Khoản 1 quy định “Đối với cột có đường dây điện lực bên trên có cấp điện áp dưới 110 KV…”, đề nghị sửa thành “… đường dây điện lực trên không…”.
“Đối với đường dây trên không có cấp điện áp từ 110 KV trở lên: không được treo cáp viễn thông”, đề nghị sửa thành “Đối với cột có đường dây trên không có cấp điện áp từ 110 KV trở lên…”.
Khoản 7 quy định: “Hạn chế trồng cột mới khi đã có hệ thống cột hiện hữu đạt yêu cầu và điều kiện sử dụng chung”, đề nghị sửa thành “Không trồng cột…”, vì nếu đã có hệ thống cột đạt yêu cầu thì không trồng thêm cột mới, sẽ là thừa và gây mất mỹ quan đô thị.
- Điều 6. Yêu cầu về treo cáp viễn thông trên cột
Khoản 2 quy định “Không cho phép treo cáp viễn thông trên cột khi: a) Chưa có sự đồng ý của đơn vị chủ quản cột (bằng văn bản)… Đề nghị Quý Sở xem xét lại lược bỏ khoản 2 này, vì phần Nguyên tắc đã cấm việc tự ý treo cáp khi chưa có sự đồng ý/ thỏa thuận của chủ sở hữu cột treo cáp, bên cạnh đó, điểm b, c, d đưa ra các trường hợp là đã treo cáp/ thi công để treo cáp và việc này hoàn toàn phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật, an toàn, tương tự như vậy với điểm e, nếu không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật thì đương nhiên không được treo cáp.
Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định “Chỉ cho phép cáp phối trên cột vượt đường giao thông có ô tô qua lại, qua các công trình có tầm quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, qua những nơi thường xuyên tập trung đông người, qua các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng khi cột điện có hệ số an toàn chịu lực lớn hơn 2 lần”.
- Điều 7. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo hệ thống cột sử dụng chung
Khoản 1 quy định “Đơn vị chủ quản cột phải có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng cột… để cùng nhau bàn bạc biện pháp xử lý”, đề nghị sửa thành “…để cùng nhau có biện pháp xử lý” để giải quyết được vấn đề chứ không chỉ là bàn bạc mà không đưa ra được biện pháp xử lý.
Khoản 4 quy định “Các đơn vị sử dụng chung cột phải thực hiện đầy đủ tác tiêu chuẩn an toàn lao động… chịu trách nhiệm về sự an toàn trong quá trình thi công”. Quy định này là nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, tuy nhiên, chỉ cần quy định ngắn gọn về việc thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động là đủ.
- Điều 8. Phối hợp tháo dỡ, di dời cột sử dụng chung
Khoản 1 quy định “Đơn vị chủ quản là đầu mối…”, đề nghị quy định rõ luôn “Đơn vị chủ quản có trách nhiệm…”.
Khoản 3 quy định trách nhiệm của đơn vị chủ quản cột phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị làm rõ các phương tiện thông tin đại chúng này là những phương tiện nào, tối thiểu phải thông báo như thế nào.
- Điều 9. Xử lý sự cố hệ thống cáp viễn thông trên cột
Dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị sử dụng chung cột và đơn vị chủ quản cột trong việc xử lý sự cố. Tuy nhiên, đề nghị Quý Sở quy định thêm ”Trong trường hợp các bên không giải quyết được sự cố thì phải thông báo đến Sở Thông tin và Truyền thông để giải quyết theo quy định” để đảm bảo xử lý được mọi sự cố xảy ra trên thực tế.
- Điều 10. Hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông treo trên cột
Khoản 1 quy định: ”Các đơn vị sử dụng chung cột phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông trên cột với đơn vị chủ quản cột theo đơn giá do hai bên thỏa thuận hoặc đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Mẫu hợp đồng do đơn vị chủ quản cột soạn thảo và thống nhất với bên thuê cột”. Tuy nhiên, vì phần Nguyên tắc (Điều 4) đã đề xuất quy định Việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông phải được thực hiện thông qua hợp đồng và giá thuê theo quy định hiện hành của Nhà nước” nên không cần thiết nhắc lại tại khoản 1 này nữa, do đó, đề nghị bỏ khoản 1 này.
Đề nghị Quý Sở bỏ khoản 2 ”Thời hạn của hợp đồng do đơn vị chủ quản cột và đơn vị sử dụng cột thỏa thuận” vì điều này là đương nhiên, do các bên tự do thỏa thuận trong hợp đồng.
Khoản 3 có quy định về việc không phải ký hợp đồng khi thực hiện ”nhiệm vụ chính trị”, đề nghị trong Dự thảo làm rõ ”nhiệm vụ chính trị là gì”, hoặc quy định tương tự như khoản 6 Điều 4 là trường hợp ”sử dụng cột để treo cáp viễn thông phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, trường hợp đặc biệt, khẩn cấp phục vụ phòng chống thiên tai, lụt bão hoặc lắp tạm để phục vụ hội nghị, lễ hội do cấp có thẩm quyền tổ chức”.
- Điều 11. Thủ tục đăng ký
Điều này quy định về việc đăng ký sử dụng chung cột, do đó đề nghị sửa tên Điều này thành “Quy định về đăng ký sử dụng chung cột”.
- Điều 12. Chấp nhận đăng ký cho treo thêm, treo mới cáp viễn thông
Việc đơn vị chủ quản cột chấp nhận đăng ký cho treo thêm, treo mới cáp viễn thông là do ý chí của đơn vị chủ quản cột và phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, mỹ quan đô thị. Do đó, đề nghị bỏ Điều 12 vì Điều này chỉ nhắc lại các yêu cầu đã nêu tại các quy định khác trong Dự thảo.
- Điều 13. Cách thức và lộ trình thỏa thuận sử dụng chung cột
Đề nghị Quý Sở xem xét bổ sung quy định ”Trường hợp các đơn vị sử dụng chung cột nhưng không thỏa thuận nguyên tắc với đơn vị chủ quản cột hoặc trốn tránh trách nhiệm phối hợp giải quyết những bất thường do hệ thống cáp viễn thông trên cột đe dọa gây sự cố lưới điện hoặc có nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông dưới đường dây cáp viễn thông thì đơn vị chủ quản cột báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đơn vị có cáp viễn thông phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ và các vấn đề khác có liên quan”.
- Điều 14. Xây dựng kế hoạch, quy trình chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông
Khoản 1 quy định ”Hàng năm đơn vị chủ quản cột thông báo kế hoạch chỉnh trang, làm gọn cáp viễn thông treo trên cột ở các tuyến đường cho các đơn vị sử dụng cột biết, đồng thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp huyện”. Nếu quy định như vậy thì việc xây dựng kế hoạch này là việc làm chủ quan của đơn vị chủ quản cột và chỉ thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp huyện biết mà không có hướng hành động cụ thể.
Do đó, đề nghị Quý Sở cân nhắc quy định luôn đầu mối xây dựng kế hoạch này là của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và có sự phối hợp, thống nhất giữa đơn vị chủ quản cột và đơn vị thuê cột. Có thể sửa Điều 14 thành:
- Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ trì và phối hợp với các đơn vị sử dụng cột và đơn vị chủ quản cột lập kế hoạch chỉnh trang, làm gọn cáp viễn thông treo trên cột ở các tuyến đường, đồng thời gửi Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, chỉ đạo.
- Các đơn vị chủ quản cột, các đơn vị sử dụng chung cột có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo điều hành của cơ quan chức năng có liên quan.
- Điều 15. Quy định về thẻ nhận diện cáp, thẻ báo hiệu độ cao treo cáp
Hiện tại đã có quy định của liên bộ Bộ Xây dựng – Bộ Công thương – Bộ Thông tin và Truyền thông tại Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27/12/2013 quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
Do đó, tại khoản 1 đến 3 của Điều 15 này không cần nhắc lại các quy định cụ thể của Thông tư liên tịch nói trên mà chỉ cần quy định ngắn gọn, rõ ràng là ”Tất cả cáp viễn thông khi treo lên cột bắt buộc các doanh nghiệp sở hữu cáp phải treo thẻ nhận diện và báo hiệu theo Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Xây dựng – Bộ Công thương – Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung”.
- Điều 16. Quy định phương pháp bó cáp
Điều 16 đã đưa ra các trường hợp để quy định bó cáp, tuy nhiên còn chưa bao hàm trường hợp các tuyến đường chưa thực hiện treo gông, cùm. Để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị, đề nghị Quý Sở xem xét bổ sung thêm trường hợp:
– Đối với những tuyến đường chưa thực hiện treo gông, cùm để thực hiện bó gọn cáp: UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì phối hợp với các đơn vị chủ quản, các đơn vị sử dụng chung cột thống nhất phân chia việc chỉnh trang, bó gọn cáp tại các tuyến cho các đơn vị sở hữu cáp (theo số lượng, khối lượng cáp mà các đơn vị có treo trên tuyến) và đơn vị chủ quản cột.
- Điều 17. Độ võng tối thiểu
Khoản 1 quy định độ võng tối thiểu của cáp treo phải tuân theo QCVN 33:2011/BTTTT về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông và quy định của đơn vị chủ quản cột. Trong mục 2.1.3.3. của QCVN này (Yêu cầu về khoảng cách tối đa giữa các cột treo cáp và độ chùng tối thiểu của cáp treo) sử dụng thuật ngữ ”độ chùng”, do đó đề nghị chỉnh lại cho thống nhất.
- Điều 18. Các yêu cầu về an toàn khi tổ chức thi công
Các yêu cầu về an toàn luôn phải được chú trọng khi thi công các công trình. Dự thảo đã quy định tương đối đầy đủ các trường hợp thi công trên thực tế, tuy nhiên, đề nghị Quý Sở xem xét bổ sung thêm các trường hợp sau:
- Khi kéo cáp qua đường phải có biện pháp cảnh giới giao thông để không xảy ra tai nạn và sinh ra xung lực làm nghiêng và có thể gãy cột.
- Trước khi kéo cáp viễn thông lên cột điện phải thực hiện xong các hạng mục thi công về gia cường cột, về gia cường móng cột, về lắp dây chằng cột dừng, cột góc… để đảm bảo an toàn khi thi công kéo cáp.
Khoản 3 đề nghị bổ sung thành ”3. Để đảm bảo an toàn cho vận hành lưới điện, khi lắp đặt các phụ kiện treo cáp, kéo cáp…”.
- Điều 19. Nghiệm thu
Khoản 1 và 2 Điều 19 nhắc lại ”theo đúng quy định của pháp luật”, còn khoản 3 đề cập đến biên bản nghiệm thu là căn cứ pháp lý để đơn vị chủ quản cột làm thủ tục bàn giao..
Thiết nghĩ quy định như Điều 19 là những vấn đề đương nhiên không cần nhắc lại, do đó, đề nghị Quý Sở xem xét bỏ Điều 19 này.
- Chương V. Kiểm tra và xử lý vi phạm
Đề nghị đưa hai Điều của Chương này (Kiểm tra và Thanh tra; Xử lý vi phạm) vào Chương cuối cùng (Tổ chức thực hiện) vì nó lồng ghép với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan/ tổ chức liên quan.
- Chương VI. Tổ chức thực hiện
Dự thảo đã đưa ra các quy định khá cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương cũng như của đơn vị chủ quản cột và đơn vị sử dụng chung cột.
Đề hoàn thiện Chương này, đề nghị Quý Sở bổ sung thêm một số nội dung làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đồng thời lược bỏ những nội dung đã quy định rải rác tại các Chương khác về trách nhiệm của đơn vị chủ quản cột và đơn vị sử dụng chung cột.
- Điều 22. Sở Thông tin và Truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông được coi là đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, do đó, cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Sở. Cần bổ sung một số quy định như:
- Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình chỉnh trang làm gọn cáp viễn thông hàng năm trên địa bàn tỉnh và phối hợp triển khai thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt;
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng và sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông treo;
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông treo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan soạn thảo các văn bản Quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để hạ ngầm cáp viễn thông… trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh ban hành theo đúng quy định…
- Điều 23. Sở Công Thương
Đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm ”Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết vướng mắc, hướng dẫn và công khai quy trình thủ tục quản lý nhà nước về việc đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, thu hồi có liên quan đến việc sử dụng chung cột điện trong phạm vi toàn tỉnh”.
- Điều 24. Sở Giao thông vận tải
Đề nghị xem xét bổ sung một số trách nhiệm, ví dụ:
- Khi đầu tư xây dựng các dự án xây mới hoặc cải tạo tuyến đường giao thông phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương để kết hợp việc triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm đồng bộ hoặc di dời hạ tầng viễn thông treo ra khỏi phạm vi thi công công trình;
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn xử lý các trường hợp có liên quan và ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi sử dụng chung cột trên các tuyến đường giao thông…
- Điều 25. Sở Tài chính
Đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm ”Chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố lập, hướng dẫn các quy định và các chính sách tài chính cho tổ chức, cá nhân thực hiện các loại hình dịch vụ thuê, miễn phí sử dụng chung cột điện, hào kỹ thuật”.
- Điều 26. Các sở, ngành có liên quan
Đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm: Giám sát việc tháo dỡ tuyến cáp viễn thông không xác định được chủ sở hữu, không bó cáp đúng quy định hoặc tự ý treo trên cột mà chưa có sự đồng ý của đơn vị chủ quản cột khi có yêu cầu.
- Điều 27. Các sở, ngành có liên quan
Đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm: ”Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng và sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật cáp viễn thông treo”.
- Điều 28. Đơn vị chủ quản cột
Đề nghị xem xét lược bỏ khoản 2, 4, 5 vì đã quy định tương ứng tại Điều 9, 17, 3.
Khoản 3 quy định về việc định kỳ kiểm tra các tuyến cáp viễn thông, đề nghị quy định rõ định kỳ là thời hạn như thế nào.
- Điều 29. Đơn vị sử dụng chung cột
Đề nghị xem xét lược bỏ khoản 4 vì đã quy định tại khoản 2 Điều 11, bỏ khoản 6 vì đã quy định tại khoản 3 Điều 8. Lược bỏ khoản 5 về chuẩn bị nhân công vì đó là việc làm đương nhiên của doanh nghiệp/ đơn vị sử dụng chung cột.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quy định treo cáp viễn thông trên cột điện và cột đèn chiếu sáng đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Rất mong Quý Sở cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Sở.