VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP

Thứ Sáu 09:57 08-09-2017

Kính gửi: Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 9648/BTC-CST ngày 20/07/2017 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến tham gia về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến góp ý như sau:

  1. Quy định sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Việc xác định hàng hoá đáp ứng tiêu chí trị giá tài nguyên khoáng sản (TNKS) và năng lượng chiếm từ 51% trở lên gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Sự khác biệt về vị trí khai thác, chất lượng TNKS ảnh hưởng đến việc tính toán trị giá TNKS và năng lượng. Ví dụ, một đơn vị thu mua TNKS của nhiều đơn vị khác nhau về để chế biến và xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán trị giá TNKS và năng lượng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo hướng dẫn chi tiết hơn trường hợp sản phẩm được chế biến từ TNKS lấy từ nhiều đơn vị khác nhau.

  1. Khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động

Chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động là một trong những chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp đối với người lao động. Khoản chi này là hoàn toàn chính đáng, thậm chí nên được khuyến khích vì nó là chi cho người lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Trong bối cảnh nguồn nhân lực trình độ cao của Việt Nam thường trong tình trạng thiếu hụt thì đây là biện pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng.

Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, việc mua bảo hiểm giá trị cao cho người lao động có thể giúp họ tiết kiệm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng lại mất đến 80% số tiền bảo hiểm cho người lao động. Do đó, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng khi chi tiền mua bảo hiểm cho người lao động.

Bất cập chỉ xảy ra đối với một số doanh nghiệp nhà nước mua bảo hiểm ở mức quá cao cho người lao động, như thể hiện trong tờ trình. Điều này xuất phát từ kẽ hở quản lý tiền lương, thù lao và các khoản thu nhập khác của người lao động tại doanh nghiệp nhà nước, chứ bản chất không phải là vấn đề thuế. Do đó, việc đưa ra giới hạn chi phí được trừ đối với khoản mua bảo hiểm nhân thọ như Dự thảo là chưa thực sự hợp lý.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định khống chế chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như trong Dự thảo. Vấn đề này cần được giải quyết bằng pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp, cơ quan soạn thảo chứng minh được sự cần thiết phải giới hạn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thì cũng chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, không áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP. Kèm theo Công văn này là một số ý kiến góp ý của các doanh nghiệp gửi về cho VCCI.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.