VCCI góp ý Dự thảo Báo cáo Chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô và ô tô đã qua sử dụng
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 1877/BKHCN-TĐC của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 31/7/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
- Về tiêu chí phân nhóm đối tượng ưu tiên điều chỉnh theo quy chuẩn kỹ thuật (khoản 1 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 6 Điều 2 Nghị định 127)
Về nội dung
Dự thảo bổ sung quy định về đối tượng ưu tiên điều chỉnh theo quy chuẩn kỹ thuật, đó là “việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật được ưu tiên điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý”. Việc bổ sung quy định này được lý giải là “phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời hạn chế việc chia nhỏ đối tượng quản lý để ban hành nhiều QCVN cho từng sản phẩm, hàng hóa cụ thể, tạo ra những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.
Mục tiêu của quy định bổ sung này là hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cách thức quy định tại Dự thảo sẽ khiến cho mục tiêu đặt ra dường như khó đạt được, cụ thể:
Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mới chỉ dừng ở nguyên tắc “ưu tiên điều chỉnh” mà không phải là “bắt buộc” sẽ khiến cho các quy chuẩn kỹ thuật theo nhóm được xây dựng tùy nghi, phụ thuộc vào quyền quyết định của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Vì vậy, nguy cơ nguyên tắc này không được áp dụng trong thực tiễn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật là rất cao, do đó mục tiêu đặt ra với quy định này khó đạt được.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tính hiệu quả của quy định, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng “việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật được điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý”, tức bỏ cụm từ “ưu tiên”.
Về kỹ thuật soạn thảo
Nội dung quy định nói trên thực chất là một nguyên tắc trong xây dựng quy chuẩn kỹ thuật (nguyên tắc về phân nhóm đối tượng), vì vậy việc đặt quy định này vào Điều 2 Nghị định 127 về đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là không thích hợp.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo chuyển quy định dự kiến bổ sung trong khoản 6 Điều 2 thành điểm d khoản 2 Điều 2a (mới) về yêu cầu chung trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố quy chuẩn quốc gia
Hiện nay, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đều được quy định tại Thông tư và được ban hành theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định chi tiết về các bước soạn thảo, ban hành thông tư, trong đó có giai đoạn thẩm định, hồ sơ thẩm định, hồ sơ dự thảo thông tư trước khi ban hành.
Điều 10 Nghị định 127 quy định cụ thể hồ sơ dự thảo quy chuẩn kỹ thuật là không còn cần thiết, không mang tính đặc thù gì riêng của các Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật, thậm chí không chi tiết và chặt chẽ bằng các quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ Điều 10 Nghị định 127.
- Về chỉ định tổ chức thực hiện thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định phục vụ mục đích quản lý chuyên ngành (Điều 18 Nghị định 127)
Điều 18 Nghị định 127 quy định “Tùy theo nhu cầu quản lý, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thể tiến hành đánh giá, xác nhận năng lực phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức giám định đủ năng lực theo yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng của Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hoá (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (IEC) để chỉ định tổ chức này thực hiện việc thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định phục vụ cho mục đích quản lý chuyên ngành được giao”.
Quy định này chồng lấn và không phù hợp với Nghị định 107/2016/NĐ-CP[1]. Cụ thể, theo Nghị định 107, các hoạt động kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp về thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh cụ thể như sau:
- Dịch vụ thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp phải có “hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành”.
- Dịch vụ kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa trong quá trình sử dụng, doanh nghiệp phải “Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 hoặc các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với kiểm định chuyên ngành”[2].
- Dịch vụ giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp phải “Có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020:2012 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với giám định chuyên ngành”[3].
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại Điều 18 Nghị định 127.
- Phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (khoản 8 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Nghị định 127)
Khoản 1 Điều 23 Nghị định 127 (được sửa đổi) quy định các Bộ có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước mình và liệt kê các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các lĩnh vực được liệt kê tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 127 (được sửa đổi) dường như chưa thật sự hợp lý:
- Các lĩnh vực có phạm vi có sự chồng lấn:
Ví dụ: Bộ Y tế được phân công quy định quy chuẩn kỹ thuật của các lĩnh vực: “sức khỏe cộng đồng”, “khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, thẩm mỹ”; “thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm”, …. Tuy nhiên, thực tế thì các lĩnh vực được liệt kê tại điểm a khoản 1 Điều 23 đều thuộc lĩnh vực “sức khỏe cộng đồng”.
- Các lĩnh vực có phạm vi quá rộng:
Theo Dự thảo ở mỗi phần quy định tương ứng với mỗi Bộ lại có “Dịch vụ trong lĩnh vực… (tên của Bộ/cơ quan quản lý)”, ví dụ: dịch vụ trong lĩnh vực y tế (Bộ Y tế), dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải)…
Với các quy định bao trùm như thế này, bất kì dịch vụ nào của 14 Bộ ngành được liệt kê trong Điều 23 cũng đều có thể ban hành quy chuẩn kỹ thuật ?
Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, các lĩnh vực cần quản lý bằng quy chuẩn chất lượng phải là những lĩnh vực có ảnh hưởng, tác động đáng kể đến các lợi ích công cộng cụ thể. Nói cách khác, không phải lĩnh vực nào cũng cần có quy chuẩn kỹ thuật và việc liệt kê danh sách các lĩnh vực ở Điều 23 này chính là nhằm mục tiêu giới hạn các lĩnh vực này.
Việc quy định điều khoản “quét” như tại Điều 23 là mâu thuẫn với chính mục tiêu của Điều 23 (mở rộng không giới hạn tất cả các lĩnh vực, miễn là dịch vụ trong 14 ngành liên quan).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ tất cả các điều khoản “quét” này tại Điều 23 sửa đổi.
- Quy định về lĩnh vực chưa rõ ràng
- “Lĩnh vực khai thác vận tải” (điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định 127) là khái niệm không rõ. Có thể hiểu là hoạt động kinh doanh vận tải bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, đường hàng không hay không? Trong các hoạt động khai thác vận tải thì hoạt động nào phải kiểm soát bằng quy chuẩn kỹ thuật? Hoạt động nào không?
Trên thực tế, các hoạt động kinh doanh vận tải việc kiểm soát bằng quy chuẩn kỹ thuật không phải là hợp lý ở tất cả trường hợp, ví dụ: chất lượng vận tải hành khách bằng xe ô tô không cần kiểm soát bằng quy chuẩn kỹ thuật mà nên trao quyền cho doanh nghiệp tự đặt ra tiêu chuẩn áp dụng, bởi vì hoạt động này không tác động đến các lợi ích công cộng. Vấn đề tác động đến quyền lợi người tiêu dùng thì nên để cho thị trường điều chỉnh ở phương diện, khách hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt và tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển.
- “An toàn công nghiệp tiêu dùng” (điểm đ khoản 1 Điều 23 Nghị định 127): không rõ công nghiệp tiêu dùng được hiểu là quá trình sản xuất ra hàng tiêu dùng hay là các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng? Nếu là các hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng thì khái niệm “công nghiệp tiêu dùng” đưa đến cách hiểu tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng đều có thể bị kiểm soát bằng quy chuẩn kỹ thuật. Điều này là bất hợp lý và khó khả thi vì không thể ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các mặt hàng tiêu dùng và không phải mặt hàng tiêu dùng nào cũng có thể tác động trực tiếp đến lợi ích công cộng để yêu cầu kiểm soát bằng cơ chế này.
Tóm lại, kiểm soát sản phẩm, hàng hóa, quá trình, môi trường bằng quy chuẩn kỹ thuật sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ bảo vệ các lợi ích kinh tế – xã hội liên quan, do đó cần phải xác định chính xác đối tượng cần kiểm soát.
Việc Dự thảo xác định các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ có thể ban hành quy chuẩn kỹ thuật tại khoản 8 Điều 1 là chưa đủ rõ ràng và có nhiều khái niệm có phạm vi quá rộng. Điều này có thể dẫn tới sự tùy nghi của các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc xác định nhóm đối tượng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật. Và tạo ra nguy cơ kiểm soát quá mức cần thiết đối với sản phẩm, hàng hóa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ khoản 1 Điều 23 Nghị định 127 (được sửa đổi) để quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng phải bị kiểm soát bằng quy chuẩn kỹ thuật.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Nghị định 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp
[2] Khoản 2 Điều 9 Nghị định 107/2016/NĐ-CP
[3] Khoản 2 Điều 13 Nghị định 107/2016/NĐ-CP