VCCI góp ý Dự thảo Nghị định tạm ngưng hiệu lực Nghị định 58 về quản lý hoạt động hàng hải
File đính kèm
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính
Kính gửi: Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời đề nghị góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Dự thảo Nghị định Quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Về nguyên tắc, hiện Việt Nam đã là thành viên của Thoả thuận Paris, theo đó Việt Nam cam kết (tự nguyện không điều kiện) sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản tăng trưởng thông thường, trong đó cường độ phát thải trên một đơn vị GDP sẽ giảm 20% so với năm 2010 và độ che phủ rừng tăng lên mức 45%.
Tuy nhiên, trên thực tế, kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác trên thế giới cho thấy việc áp dụng các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính thường gây ra những chi phí lớn đối với các doanh nghiệp và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Xét trong tương quan chung thì mức cam kết về giảm lượng phát thải 8% và giảm cường độ phát thải 20% của Việt Nam được đánh giá là thấp so với nhiều quốc gia khác. Do đó, Nghị định này nên được soạn thảo theo hướng bảo đảm các yêu cầu sau:
- Các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong nước chỉ tương ứng, không vượt quá mức cam kết.
- Các chi phí tuân thủ về thủ tục hành chính cần được tính toán để có thể giảm thiểu, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Rà soát các quy định của Dự thảo cho thấy một số điểm chưa bảo đảm các yêu cầu này và vì vậy cần được điều chỉnh cho phù hợp.
- Về sự cần thiết của kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở (Điều 31)
Điều 31 Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dự án đâu tư đang thực hiện thuộc diện phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và được cơ quan nhà nước thẩm định, phê duyệt cùng với thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 thì có thể hiểu là thủ tục này sẽ được lồng ghép vào thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM. Như vậy quy định này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới nhưng làm thay đổi khá lớn điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính đã có.
Cụ thể, theo thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM thì doanh nghiệp phải có báo cáo ĐTM với nội dung bảo đảm các vấn đề về địa điểm, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn, khói bụi,… của dự án. Còn Dự thảo này thì doanh nghiệp phải có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không chỉ liên quan tới chất thải mà còn cả trong việc sử dụng các thiết bị điện, than, xăng dầu, tận dụng nhiệt, công nghệ, quy trình xây dựng, vận hành…
Nói cách khác, với Dự thảo này, gánh nặng thực thi của doanh nghiệp liên quan tới vấn đề môi trường bị tăng lên đáng kể. Trong khi đó, vấn đề này lại mới chỉ được quy định rất sơ sài trong Dự thảo. Cụ thể, các Điều 32-33 của Dự thảo mới chỉ quy định về căn cứ và các nội dung bắt buộc phải có của kế hoạch, chưa có bất kỳ quy định nào về các tiêu chí để phê duyệt kế hoạch.
Vậy cơ quan có thẩm định căn cứ vào đâu để thẩm định và phê duyệt hay từ chối phê duyệt kế hoạch của doannh nghiệp? Sự thiếu vắng quy định về vấn đề quan trọng này có nguy cơ dẫn đến việc cán bộ thực thi sẽ tuỳ tiện trong việc phê duyệt hay không phê duyệt kế hoạch của doanh nghiệp, dễ dẫn đến các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Chú ý rằng các quy định tại Điều 32 (về căn cứ xây dựng kế hoạch) có thể sử dụng một phần làm tiêu chí phê duyệt, tuy nhiên bản thân các căn cứ này hiện cũng rất chung chung và khó áp dụng trên thực tế để làm căn cứ phê duyệt kế hoạch, ví dụ:
- Điều 32.1 yêu cầu dự án phải có hoạt động thuộc danh mục Phụ lục 01 của Nghị định này. Tuy nhiên, Phụ lục 01 bao gồm rất nhiều các hoạt động và không rõ là doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một hay tất cả những hoạt động này thì mới được phê duyệt kế hoạch? Nếu chỉ cần thực hiện một hoặc một vài hoạt động thì là hoạt động nào, căn cứ nào để xác định? Với mỗi hoạt động thì cần phải thực hiện ở mức nào (hay cứ miễn có một hoặc một số hoạt động là được)?
- Điều 32.2 yêu cầu kế hoạch của doanh nghiệp phải phù hợp với đề án giảm nhẹ phát thải cấp lĩnh vực và cấp tỉnh (tương tự Điều 15.4 của Dự thảo). Tuy nhiên, quy định như vậy được hiểu rằng các đề án cấp tỉnh và cấp lĩnh vực có nội dung về những gì doanh nghiệp phải làm, tức là mang tính quy phạm pháp luật (tức là phải ở dạng Thông tư của Bộ trưởng và Quyết định của UBND cấp tỉnh). Trong khi đó, Dự thảo chưa làm rõ về hình thức văn bản của các đề án này. Hơn nữa, về mặt bản chất, các quy phạm được xem như là tiêu chí tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được phê duyệt kế hoạch cần phải được quy định trong văn bản có giá trị pháp lý cao (tương tự Nghị định này), được áp dụng thống nhất và công bằng với các doanh nghiệp chứ không thể là văn bản ở cấp thấp, đặc biệt là văn bản pháp luật ở cấp địa phương.
Quan trọng hơn, bản thân chính sách, pháp luật hiện tại chưa thể nhận diện và xác định được với mỗi doanh nghiệp thì mức giảm phát thải khí nhà kính phải ở mức nào, mức đó được tính trong tổng mức giảm phát thải chung của cả ngành hay trong tương quan với mức phát thải của chính doanh nghiệp… Do đó, việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch này của doanh nghiệp, nếu thực hiện, cũng rất hình thức (bởi không có hạn mức nên doanh nghiệp có thể chỉ cần liệt kê một/một vài hoạt động không đóng góp gì lớn vào mức giảm phát thải), trong khi lại có nguy cơ tạo dư địa nhũng nhiễu cao (do không có tiêu chí nào về mức nên cơ quan thẩm định có thể yêu cầu một mức rất cao, cũng có thể yêu cầu một mức thấp).
Trong khi đó, như đã đề cập trong phần quan điểm, do mức cam kết cắt giảm thấp nên Việt Nam chỉ cần tập trung vào các đề án cấp quốc gia, cấp lĩnh vực và cấp tỉnh là có thể đạt được mục tiêu cắt giảm 8% về lượng và 20% về cường độ đến năm 2030, hoàn toàn không cần thiết phải bổ sung thêm một thủ tục có ảnh hưởng lớn tới tất cả các doanh nghiệp thuộc diện phải làm báo cáo ĐTM.
Các phân tích trên cho thấy dường như việc bắt buộc một số lượng lớn các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (kế hoạch cấp cơ sở) là không cần thiết, vượt quá yêu cầu trong cam kết, trong khi lại có thể gây ra những nguy cơ cao về chi phí thực thi (cho cả Nhà nước và doanh nghiệp) cũng như dư địa cho nhũng nhiễu.
Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.
Các góp ý tiếp theo đây về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở không ảnh hưởng đến góp ý trên.
- Các bất cập của thủ tục phê duyệt kế hoạch cắt giảm phát thải cấp cơ sở
Trường hợp Ban soạn thảo có thể giải trình đủ thuyết phục và có căn cứ về sự cần thiết của thủ tục phê duyệt kế hoạch giảm phát thải cấp cơ sở đối với doanh nghiệp thì thủ tục này trong Dự thảo vẫn có nhiều vấn đề cần xem xét lại:
- Căn cứ để phê duyệt kế hoạch
Như đã đề cập, Dự thảo chưa làm rõ các căn cứ để phê duyệt kế hoạch cắt giảm phát thải cấp cơ sở và dễ dẫn đến tình trạng xin-cho. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ một số nội dung sau:
- Các tiêu chí để phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải của cấp cơ sở. Các tiêu chí này phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch, không được chung chung để áp dụng trực tiếp khi triển khai sao cho doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào quy định pháp luật là có thể dự đoán trước được các hoạt động, biện pháp dự án của mình cần thực hiện để được phê duyệt và cho phép bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp;
- Trường hợp Nghị định đề cập tới một tiêu chí để phê duyệt theo cách dẫn chiếu tới văn bản khác thì cần bảo đảm rằng các văn bản được dẫn chiếu là văn bản quy phạm pháp luật.
- Nghĩa vụ báo cáo
Điều 19 của Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp chủ dự án có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở phải định kỳ (6 tháng hàng năm) báo cáo cho UBND tỉnh hoặc Bộ quản lý về việc thực hiện kế hoạch.
Nghĩa vụ báo cáo này là không cần thiết vì đã có hoạt động kiểm kê phát thải khí nhà kính (khoản 3 Điều 49). Hơn nữa, nghĩa vụ báo cáo 6 tháng một lần là quá nhiều vì đây không phải là những hoạt động thường xuyên có biến động hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu các cơ sở phải báo cáo về thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Về điều chỉnh kế hoạch giảm nhẹ cấp cơ sở
Theo khoản 1 Điều 36 Dự thảo thì doanh nghiệp chủ dự án phải điều chỉnh kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở trong trường hợp: “Xuất hiện những yếu tố, nguy cơ có khả năng tác động tiêu cực lớn tới chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của lĩnh vực, địa phương và được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị điều chỉnh”.
Quy định này là chưa rõ ràng, ít nhất ở các điểm sau:
- Căn cứ để điều chỉnh quá chung chung (“yếu tố, nguy cơ có khả năng tác động tiêu cực lớn tới chiến lược…”), các cơ quan có thẩm quyền sẽ khá tùy nghi trong quyết định khi nào cần phải điều chỉnh
- Diện cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh quá rộng (rất nhiều cơ quan có thể đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh)
- Không có quy trình, thủ tục nào cho việc cơ quan có thẩm quyền đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh
Với các quy định này, doanh nghiệp sẽ không thể biết được trường hợp nào mình phải điều chỉnh kế hoạch, đồng thời luôn đứng trước nguy cơ có thể phải điều chỉnh kế hoạch bất kỳ lúc nào, theo yêu cầu của nhiều chủ thể.
Hơn nữa, việc cơ quan nhà nước đã phê duyệt kế hoạch của doanh nghiệp, sau đó lại yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch và làm thủ tục phê duyệt kế hoạch mới là không phù hợp. Quy định như vậy tạo ra rủi ro pháp lý rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi việc điều chỉnh này là thật sự cần thiết thì cũng chỉ nên áp dụng đối với các kế hoạch thuộc các dự án mới xây dựng hoặc được điều chỉnh, mở rộng (không nên áp dụng hồi tố).
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc điều chỉnh kế hoạch (đã được phê duyệt) chỉ xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp mà thôi.
- Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
- Về đối tượng được hưởng ưu đãi
Điều 41.1 quy định đối tượng được hưởng ưu đãi hỗ trợ là “chủ dự án có kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở là đối tượng được xem xét hưởng các ưu đãi, hỗ trợ”. Theo Điều 31.1 thì tất cả các dự án phải lập báo cáo ĐTM đồng thời có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính thì đều phải lập kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Như vậy, Điều 41.1 đã dùng một nghĩa vụ bắt buộc để làm căn cứ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ. Quy định này là vô lý vì các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thường được hiểu là sự khuyến khích của Nhà nước đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện một hành động tốt hơn so với yêu cầu tối thiểu của pháp luật, chứ không nên ưu đãi, hỗ trợ đối với những hành vi mà pháp luật đã yêu cầu.
- Về thủ tục hưởng ưu đãi
Dự thảo hiện không có quy định nào về cơ quan có thẩm quyền xem xét cho hưởng ưu đãi, hỗ trợ; tiêu chí, trình tự, thủ tục cho hưởng ưu đãi, hỗ trợ
- Về loại ưu đãi
Điều 41-44 quy định về 04 loại ưu đãi, hỗ trợ, bao gồm: 1) hỗ trợ ưu đãi dành cho lĩnh vực đã có hỗ trợ, ưu đãi; 2) hỗ trợ, ưu đãi theo pháp luật về khoa học công nghệ; 3) trợ giá theo pháp luật về dịch vụ công ích; 4) ưu tiên trong mua sắm công; 5) hỗ trợ quảng bá sản phẩm.
Nhìn sâu hơn vào các quy định về vấn đề này thì có thể thấy ngoại trừ một số quy định khuyến khích (do đó không có giá trị quy phạm thực tiễn) thì tất cả các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ khác được liệt kê ở đây đều là đương nhiên theo pháp luật hiện hành trong lĩnh vực liên quan (tức là dù có hay không có Nghị định này với các quy định về biện pháp hỗ trợ, ưu đãi này thì các chủ thể liên quan vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ này). Ví dụ nếu dự án có kế hoạch giảm phát thải khí trong lĩnh vực được ưu đãi về đầu tư thì đương nhiên đã được hưởng ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư hiện hành. Tương tự, trợ giá đối với dịch vụ công ích thì dù dự án dịch vụ công ích có giảm phát thải khí hay không thì dự án vẫn được hưởng trợ giá theo pháp luật về dịch vụ công ích…
Nói cách khác, quy định về ưu đãi, hỗ trợ này của Dự thảo không đặt ra thêm được loại ưu đãi, hỗ trợ nào
Từ các lý do này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ tất cả các vấn đề nói trên để bảo đảm ưu đãi, hỗ trợ là thực chất (tránh việc hô khẩu hiệu) và minh bạch, khả thi (tránh tình trạng chính sách ưu đãi, hỗ trợ biến tướng thành xin-cho).
- Tín chỉ carbon
Dự thảo dành hẳn Mục 2 Chương III với 4 điều từ Điều 37 đến Điều 40 để quy định về tín chỉ carbon. Nhưng tất cả các nội dung này chỉ mang tính nguyên lý, rất chung chung và không thể áp dụng trực tiếp. Điều khoản quan trọng nhất trong mục này là Điều 40 giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án thí điểm trình Thủ tướng phê duyệt trước 31/12/2019. Như vậy, Chính phủ đã uỷ quyền cho Thủ tướng ban hành đề án thí điểm.
Điều này dường như là chưa phù hợp bởi Điều 48.2 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã giao cho Chính phủ quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính toàn cầu phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và cam kết tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Và Điều 11.2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp.” Như vậy, trong trường hợp này, Chính phủ không được phép uỷ quyền cho Thủ tướng.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung luôn các quy định của đề án thí điểm tín chỉ carbon vào luôn trong Nghị định này. Trong trường hợp chưa thể xây dựng được nội dung ngay thời điểm này thì có thể để lại và tiến hành sửa đổi Nghị định này để bổ sung sau.
- Thủ tục kiểm kê
Các quy định của Dự thảo về kiểm kê khí nhà kính hiện tại được viết rất lộn xộn và không rõ thủ tục này sẽ được thực hiện như thế nào:
- Điều 49.3 quy định: “Chủ dự án thực hiện kiểm kê khí nhà kính dự án theo yêu cầu của kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.”
- Điều 53.2 quy định: “Thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính dự án được thực hiện đồng thời việc phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở”
- Điều 35 quy định: “Hoạt động lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện đồng thời quá trình lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”
- Điều 48.3 quy định: “Mục đích kiểm kê khí nhà kính dự án là (a) xác định tổng lượng phát thải khí nhà kính của dự án cho năm cơ sở; (b) Phục vụ xây dựng, đánh giá kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, tham gia thị trường tín chỉ các bon và hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.”
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ mỗi dự án phải thực hiện kiểm kê vào thời điểm nào?
- Đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
Chương V quy định về hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Không rõ hoạt động này khác gì so với hoạt động kiểm kê phát thải?
- Điều 57.1.b Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải lập báo cáo về mức giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo tiến độ thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lĩnh vực, cấp tỉnh. Việc báo cáo này khác gì so với báo cáo thực hiện kế hoạch quy định tại Điều 19, khác gì so với việc yêu cầu doanh nghiệp kiểm kê phát thải?
- Điều 58 của Dự thảo quy định về quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm tra sẽ do Bộ Tài nguyên và môi trường và các Bộ khác ban hành dưới dạng Thông tư. Đây là một thủ tục hành chính vì doanh nghiệp sẽ phải trình kết quả đo đạc, báo cáo để cơ quan nhà nước tiến hành thẩm tra. Trong khi đó, Điều 14.4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm việc ban hành thủ tục hành chính trong văn bản cấp Thông tư trừ trường hợp được giao trong Luật.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định luôn các vấn đề trên trong Nghị định này.
- Một số nội dung khác
Ngoài các vấn đề liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp nói trên, Dự thảo còn nhiều quy định khác cần được cân nhắc điều chỉnh thích hợp, ví dụ:
- Về đối tượng áp dụng (Điều 2)
Điều 2 Dự thảo quy định đối tượng áp dụng của Nghị định là tất cả các chủ thể “có hoạt động phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trên lãnh thổ Việt Nam”. Mặc dù vậy, trong nội dung Dự thảo có nhiều nhóm quy định chỉ dành cho cơ quan Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước (chứ không phải với tư cách là chủ thể có hoạt động phát thải khí hoặc hấp thụ khí nhà kính). Vậy tại sao nhóm này lại không nằm trong diện áp dụng của Nghị định? Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nhóm chủ thể là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khác liên quan tới vấn đề này.
- Về trách nhiệm cụ thể hóa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (Điều 4)
Khoản 4 Điều 4 quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực có phát thải khí nhà kính …chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu đối với hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi phụ trách”. Quy định này về tính chất hoàn toàn không thích hợp với các tổ chức khu vực tư nhân (doanh nghiệp) và cá nhân bởi nhóm này không thể, cũng không có trách nhiệm phải cụ thể hóa bất kỳ mục tiêu chính sách hay pháp luật nào của Nhà nước. Các chủ thể này chỉ có nghĩa vụ thực hiện các quy định mang tính quy phạm bắt buộc mà thôi. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ các tổ chức tư nhân, cá nhân khỏi phạm vi khoản 4 Điều 4.
- Về nguyên tắc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam (Điều 5)
Khoản 2 Điều 5 đề cập tới các mục tiêu/hiệu quả kỳ vọng từ việc giảm phát thải khí nhà kính (tăng sức cạnh tranh, tăng trưởng xanh…), chứ không phải là nguyên tắc của việc giảm nhẹ phát thải. Vì vậy, khoản này cần đưa khỏi Dự thảo.
- Lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Chương II)
Điều 10-11 Dự thảo quy định về rất nhiều mốc phải thực hiện cùng nhiệm vụ cần triển khai trong lộ trình giảm nhự phát thải nhà kính. Tuy nhiên, không có một điều khoản nào về trách nhiệm thực hiện (ai, khi nào phải thực hiện các lộ trình này. Vì vậy Dự thảo cần bổ sung quy định về vấn đề này, tránh việc quy định nhưng không thể triển khai được do không giao trách nhiệm cụ thể cho chủ thể nào.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từ phản ánh của doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định Quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.