VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
Kính gửi: Cục An ninh mạng, Bộ Công an
Trả lời Công văn số 109/A68-P6 của Cục An ninh mạng, Bộ Công an ngày 23/4/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau[1]:
- Quan điểm tiếp cận
Về mặt pháp lý, việc ban hành Nghị định quy định điều kiện kinh doanh, thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết nhằm thi hành Luật đầu tư 2014 (sửa đổi Phụ lục 4 năm 2016). VCCI hoàn toàn đồng tình với quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định thể hiện trong Tờ trình, nhất là quan điểm “các nội dung phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng, dễ thực hiện; tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh, đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân”.
Với quan điểm chỉ đạo tích cực, tiến bộ trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau để hoàn thiện Dự thảo:
- Góp ý cụ thể
- Về phạm vi điều chỉnh
Điều 1 Dự thảo xác định phạm vi điều chỉnh của Nghị định là “quy định điều kiện về an ninh, trật tự … đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và trong Dự thảo quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Như vậy, “kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” thuộc nhóm ngành, nghề phải đáp ứng về điều kiện an ninh, trật tự, tương tự như 23 ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP[2]? Nếu ngành, nghề này được xác định là ngành, nghề phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự thì cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh này sao lại khác so với 23 ngành, nghề quy định tại Nghị định 96, trong khi xét về bản chất, đều phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự và phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự?
Để đảm bảo tính minh bạch đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ vấn đề trên. Trong trường hợp không giải trình thuyết phục, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh này tương tự như cơ chế quản lý quy định tại Nghị định 96.
- Giải thích từ ngữ (Điều 3)
- Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
Điều 3 Dự thảo giải thích một số khái niệm, trong đó:
“Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường” (khoản 2).
“Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường” (khoản 3).
Các định nghĩa trên dường như là chưa đủ rõ để nhận diện và khoanh vùng các loại thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị – thuộc đối tượng chịu sự quản lý của Nghị định này và có nguy cơ nhiều thiết bị sẽ bị xác định là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Đặc biệt, các khái niệm “giấu”, “giả dạng”, “đồ vật thông thường” là những khái niệm có thể hiểu theo các cách rất rộng và vì vậy chưa đủ để giới hạn các đối tượng bắt buôc bị kiểm soát theo Nghị định này.
Ví dụ, hiện nay các thiết bị điện tử có rất nhiều tính năng, trong đó nhiều trường hợp có tính năng ghi âm, ghi hình, định vị và những chức năng này được cài đặt vào thiết bị mà không phải là chức năng chính, cơ bản của thiết bị, ví dụ: điện thoại di động, máy tính bảng… Vậy khi nào việc cài đặt này là “giấu”? các thiết bị điện tử này có được xem là “đồ vật thông thường” không?
Đề nghị Ban soạn thảo quy định lại các khái niệm trên để đảm bảo xác định chính xác đối tượng cần quản lý, theo hướng:
- Làm rõ khái niệm “giấu”: ví dụ các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị phải được đặt trong thiết bị, đồ vật theo cách mà một người bình thường không thể biết hoặc không buộc phải biết về việc có thể có thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị trong đồ vật đó
- Làm rõ khái niệm “đồ vật thông thường”: ví dụ đồ vật mà một người bình thường không thể biết hoặc không buộc phải biết về việc đồ vật đó có thể ghi âm, ghi hình, định vị
Tương tự như vậy, yếu tố “không thể biết” và “không buộc phải biết” về sự tồn tại hoặc tính năng liên quan của một người có nhận thức bình thường cũng cần được nhấn mạnh trọng định nghĩa về “phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.
- Mua bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
Khoản 5 Điều 3 Dự thảo xác định các hoạt động được xem là mua bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị trong đó có hoạt động “tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu thiết bị, phần mềm”.
Có lẽ cần cân nhắc lại việc đưa các hoạt động loại này thuộc phạm vi quản lý và áp dụng cơ chế quản lý tương tự như các hoạt động sản xuất, mua bán khác trong Dự thảo. Trên thực tế, trong các hoạt động này, thiết bị, phần mềm ngụy trang không tiêu thụ trong nước, vì vậy nguy cơ thấp hơn hẳn so với các hoạt động sản xuất, mua bán khác. Hơn nữa, cũng chưa có bằng chứng chứng minh thời gian vừa qua việc chuyển khẩu, tạm nhâp tái xuất các hàng hóa này có bất cập gây rủi ro cho an ninh trật tự trong nước.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ hoạt động “tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu thiết bị phần mềm” ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 7)
Khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp;
- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân
Quy định trên là chưa rõ về cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và như vậy sẽ lại cần các văn bản cấp Bộ quy định về cơ quan có thẩm quyền trong Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự?
Để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ cơ quan tiếp nhận và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự ngay trong Nghị định này.
- Thu hồi có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 8)
Điểm a khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp “kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự”.
Quy định này là chưa hợp lý ở các điểm:
- Trong các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không thấy có quy định nào về điều kiện địa điểm kinh doanh của ngành, nghề này;
- Dự thảo không có quy định nào liên quan đến việc yêu cầu doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận chỉ được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị mà không đươc kinh doanh các ngành, nghề khác. Quy định này có thể dẫn tới nguy cơ, doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành, nghề khác bên cạnh kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang sẽ bị thu hồi có thời hạn Giấy chứng nhận.
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Dự thảo.
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 9)
Về hồ sơ:
Về nguyên tắc, tài liệu trong Hồ sơ cấp giấy chứng nhận phải tương ứng với điều kiện được cấp phép. Tuy nhiên, một số tài liệu trong Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo không gắn với điều kiện nào, đó là:
- Thuyết minh hệ thống thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị;
- Phương án kinh doanh, bao gồm: phạm vi, đối tượng cung cấp, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; phương án kỹ thuật;
- Phiếu lý lịch tư pháp của nhân viên kỹ thuật
Điều 6 Dự thảo chỉ yêu cầu điều kiện về người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự (nhân viên kỹ thuật không thuộc đối tượng này) của cơ sở kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Các tài liệu trên không có nội dung nào gắn với các điều kiện trên hay có mục đích để chứng minh các điều kiện nêu trên.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu các tài liệu trong Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, cụ thể bỏ quy định tại điểm c, d, cụm từ “nhân viên kỹ thuật” tại điểm đ, khoản 1 Điều 9 Dự thảo.
Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo thì cơ quan sẽ xem xét, thẩm định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; kéo dài thêm 20 ngày nếu cần có “thêm thời gian” để xem xét. Quy định về thời hạn này là chưa rõ ràng ở các điểm:
- Thời gian kể từ lúc nộp hồ sơ đến khi cơ quan nhà nước xác nhận hồ sơ hợp lệ, đầy đủ là bao nhiêu ngày?
- Những trường hợp nào cần thêm thời gian để xem xét?
Việc thiếu rõ ràng trong các quy định trên có thể khiến cho thời gian cấp Giấy chứng nhận bị kéo dài và gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Hơn nữa, so với thời gian cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện quy định về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định 96 (05 ngày làm việc) thì thời gian cấp Giấy chứng nhận này quá dài, gấp 4 lần.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên và rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định hồ sơ, ít nhất là bằng thời gian cấp phép quy định tại Nghị định 96.
- Thủ tục đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Điều 10)
- Về hồ sơ
Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp lại trong trường hợp bị mất, doanh nghiệp phải cung cấp “Biên lai nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật (nếu có)”. Quy định này có thể dẫn tới cách hiểu, khi bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự doanh nghiệp sẽ bị “phạt”. Điều này là chưa hợp lý, bởi hành vi này không tác động đến các trật tự công để Nhà nước pháp áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ tài liệu này ra khỏi Hồ sơ đề nghị xin cấp lại Giấy chứng nhận, tức là bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Dự thảo.
- Về thời hạn:
Thời hạn đổi Giấy chứng nhận không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đây là khoảng thời gian quá dài đối với thủ tục cấp đổi, nhất là so với với thời hạn 04 ngày làm việc cho thủ tục tương tự quy định tại Nghị định 96[3]. Đề nghị Ban soạn thảo rút ngắn thời gian này xuống, ít nhất bằng thời gian quy định tại Nghị định 96.
- Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh (Điều 11)
- Đối tượng được mua thiết bị, phần mềm ngụy trang
Khoản 5 Điều 11 Dự thảo quy định, cơ sở kinh doanh chỉ được bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình cho các đối tượng sau:
- Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
- Cơ quan, người được tiến hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, thủ tục về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định
Quy định này suy đoán là nhằm giới hạn các chủ thể được phép sử dụng các thiết bị, phần mềm này, qua đó kiểm soát những nguy cơ gây tác động đến an ninh, trật tự khi các thiết bị, phần mềm này được sử dụng.
Vấn đề là ở chỗ:
- Nghị định này là văn bản quy định về điều kiện kinh doanh của chủ thể kinh doanh – mà các chủ thể sử dụng thì lại không phải là chủ thể kinh doanh. Vậy việc quy định về vấn đề này trong Dự thảo có thích hợp không?
- Việc hạn chế đối tương được quyền mua các thiết bị, phần mềm này gián tiếp dẫn tới việc hạn chế/cấm sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang. Không rõ Ban soạn thảo đã rà soát về các quy định pháp luật liên quan tới vấn đề này chưa, liệu ở các văn bản pháp luật khác đã có các quy định về việc cấm sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang này chưa? Nếu chưa thì việc Dự thảo này gián tiếp cấm việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang có phù hợp không?
- Trên thực tế có một số ngành nghề cần thiết phải sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang để phục vụ các mục tiêu hợp pháp (ví dụ phóng viên báo chí, dịch vụ thu thập thông tin/điều tra có đăng ký kinh doanh[4]…) hoặc một số hoạt động của cơ quan chức năng trong phạm vi thẩm quyền nhưng không phải trong quá trình điều tra tố tụng (ví dụ các cơ quan hải quan…). Những chủ thể này cũng sẽ bị cấm sử dụng các thiết bị, phần mềm liên quan?
Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định về giới hạn chủ thể được phép mua các thiết bị, phần mềm ngụy trang (gắn với các quy định pháp lý về quyền được phép sử dụng các thiết bị, phần mềm này của các chủ thể liên quan)
- Thủ tục để được mua thiết bị, phần mềm ngụy trang
Khoản 14 Điều 11 Dự thảo quy định “Chỉ được phép bán các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị cho các cơ quan, tổ chức khi có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Công an”.
Như vậy, ngay cả khi thuộc diện được phép mua để sử dụng, các chủ thể mua cũng phải làm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền.
Quy định này một lần nữa đi quá giới hạn của một Dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh (quy định về thủ tục cho chủ thể không kinh doanh).
Đồng thời Dự thảo cũng đặt ra một thủ tục hành chính mới mà không có bất kỳ quy định nào về trình tự, thủ tục, tiêu chí, thời hạn, cơ quan có thẩm quyền….
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định về vấn đề này, bảo đảm đúng phạm vi cũng như pháp luật về các quyền của tổ chức, cá nhân công dân liên quan.
- Các thông tin phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền
Khoản 11 Điều 11 Dự thảo quy định, cơ sở kinh doanh, trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền các tài liệu sau:
- Các tài liệu chứng minh cơ sở kinh doanh đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này (điểm c);
- Nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật (điểm h)
Đây là các tài liệu mà cơ sở kinh doanh phải cung cấp trước thời điểm được cấp Giấy chứng nhận, khi được cấp giấy chứng nhận đương nhiên doanh nghiệp đã có những tài liệu này và cơ sở cấp phép cũng có những tài liệu này. Do vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp lại là không cần thiết và chưa hợp lý.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải cung cấp lại các tài liệu trên, tức là bỏ điểm c, h khoản 11 Điều 11.
Ngoài ra, điểm d và đ Khoản 11 Điều 11 hiện đang có lỗi kỹ thuật (đây là các nội dung liên quan tới việc cấp lại Giấy phép và tạm ngừng kinh doanh, không liên quan gì tới Khoản 11 Điều 11 về nghĩa vụ thông báo sau 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động cả). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tách 02 điểm này thành 2 khoản riêng thay vì gộp chung vào khoản 11 Điều 11 Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.
[1] Vì thời gian lấy ý kiến quá ngắn, VCCI không có thời gian triển khai lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, các ý kiến góp ý tại văn bản này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của cán bộ VCCI.
[2] Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
[3] Điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị định 96
[4] Chú ý là theo Luật Đầu tư 2014, sửa đổi 2016 thì ngành nghề này không bị cấm kinh doanh và vì vậy hoàn toàn có thể thực hiện hợp pháp, cùng với các công cụ hành nghề liên quan mà pháp luật không cấm.