VCCI góp ý Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)

Thứ Tư 11:46 01-07-2015

Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 7777/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính ngày 11/6/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Theo quy định tại Nghị định 24/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 24) thì VCCI có trách nhiệm trả lời trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Dự thảo. Hiện tại, VCCI đang triển khai lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia liên quan theo đúng quy định.

Do Quý Cơ quan đề nghị gửi ý kiến gấp, trong khi chờ đợi tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp - những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo, trên cơ sở rà soát của các chuyên gia VCCI, chúng tôi có một số ý kiến ban đầu đối với Dự thảo như sau:

I.            Nhận xét chung

Việc soạn thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, những quy định chưa phù hợp thực tế, chưa phản ảnh đầy đủ hoặc chưa quy định một số vấn đề theo thông lệ quốc tế, cập nhật kịp thời các quy định liên quan ở các Luật khác.

Tuy nhiên, để Dự thảo được ban hành vừa đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước vừa thuận lợi, hợp lý cho các đối tượng nộp thuế, các quy định tại Dự thảo bên cạnh đáp ứng các nguyên tắc như nêu trong Tờ trình, còn cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

-         Tính minh bạch: các quy định cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng;

-         Tính hợp lý: các quy định phải phù hợp với thực tiễn, bao quát được các trường hợp có thể xảy ra và giải quyết được các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế trên thực tiễn;

-         Tính thống nhất: các quy định phải phù hợp với pháp luật và cam kết quốc tế trong lĩnh vực thuế và các lĩnh vực khác có liên quan.

II.               Một số ý kiến cụ thể

1.     Về các loại thuế

Dự thảo quy định các loại thuế được sử dụng trong xuât khẩu, nhập khẩu là: thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp và quy định căn cứ tính của mỗi loại thuế này.

Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định mỗi loại thuế trên sẽ được áp dụng trong trường hợp nào và/ hoặc loại mặt hàng nào. Nói cách khác, Dự thảo chưa xác định phạm vi/đối tượng áp dụng của từng loại thuế này.

Điều này sẽ khiến cho các đối tượng chịu tác đông khó hình dung về cách tính thuế đối với mỗi mặt hàng mà mình sẽ xuất khẩu/nhập khẩu. Hơn nữa, về mặt nguyên tắc thì đây là một chế định quan trọng, cần được quy định trong Luật này,  trường hợp không thể quy định chi tiết thì ít nhất những nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc cho việc xác định phạm vi/đối tượng áp dụng của từng loại thuế cũng cần được làm rõ trong Dự thảo này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về các trường hợp/mặt hàng sẽ được áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp hoặc các nguyên tắc xác định phạm vi/đối tượng áp dụng của từng loại thuế trong Dự thảo này.

2.     Giải thích từ ngữ

Khoản 1 của Điều 5 quy định “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”. Đây là quy định sửa đổi quy định hiện hành tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thể hiện gần như toàn bộ nội dung tại Điều 1 Thông tư 104/2014/TT-BTC.

Tuy nhiên, đuy nhiên,  định hiện làm rõ thêm khái niệm bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan: sự bảo đảm này là như thế nào, ở mức độ kiểm soát như thế nào?

3.     Thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất

Dự thảo đưa ra 2 phương án về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất là:

-         Phương án 1: Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành khung thuế suất cho từng nhóm hàng; Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu ngoại hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng dựa trên khung thuế suất do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

-         Phương án 2: Quốc hội ban hành khung thuế suất đối với từng nhóm hàng. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, mặt hàng áp dụng tuyệt đối và mức thuế tuyệt đối, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng.

Trong khi Phương án 1 thực chất là giữ nguyên trạng pháp luật hiện hành thì Phương án 2 là phương án có điều chỉnh, theo hướng giảm số lượng cơ quan có thẩm quyền quyết định về biểu thuế, thuế suất, đồng thời nâng giá trị pháp lý của các văn bản có chứa quy định về các nội dung này.

Với tính chất này, Phương án 2 là hợp lý bởi vì:

-         Đơn giản hóa quy trình ban hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: giảm  được một khâu trong các “công đoạn” ban hành biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu so với quy định hiện hành;

-         Tạo sự minh bạch, rõ ràng về thẩm quyền quy định về các loại thuế, biểu thuế cụ thể (quy định hiện hành là thiếu rõ ràng về các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ);

-         Nâng cao giá trị hiệu lực của khung thuế suất đối với các nhóm hàng chịu thuế (sẽ được quyết định bởi Quốc hội thay vì Ủy ban thường vụ Quốc hội);

-         Tăng cường tính minh bạch trong quá trình soạn thảo các quy định có liên quan tới biểu thuế, thuế suất.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn Phương án 2 trong vấn đề này.

4.     Về miễn thuế

-         Quà biếu, quà tặng:

Khoản 2 Điều 11 Dự thảo quy định, hàng hóa là quà biếu, quà tặng có trị giá vượt quá định mức miễn thuế sẽ không phải nộp thuế trong trường hợp đơn vị nhận hàng quà biếu, quà tặng là “các cơ quan, tổ chức khác được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, được cơ quan chủ quản cấp trên cho phép tiếp nhận”.

Quy định này là thiếu rõ ràng và chưa hợp lý: không rõ về những tiêu chí cũng như thủ tục để cơ quan chủ quản cấp trên cho phép tiếp nhận? Và với sự cho phép của cơ quan chủ quản thì đơn vị có thể tiếp nhận được mọi quà tặng, quà biếu với sự không giới hạn về vượt hạn mức?

Để tránh tình trạng bị lạm dụng và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng đưa ra hạn mức được vượt để được miễn thuế.

-         Hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định:

Khoản 9 Điều 11 Dự thảo quy định hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư được miễn thuế gồm:

+ (a) Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh liện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc thiết bị;

+ (b) Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án, không đăng ký lưu thông trên hệ thống giao thông công cộng;

+ (c) Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.

Quy định trên là chưa rõ, có thể gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng về cách hiểu thống nhất ở điểm: không rõ đây là các điều kiện đồng thời hay lựa chọn (ví dụ các loại máy móc thỏa mãn điều kiện tại trường hợp (a) có phải đồng thời  điều kiện tại điểm c không?)

Trên thực tế đã xảy ra các trường hợp cơ quan nhà nước với doanh nghiệp về hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định được miễn thuế có cách hiểu khác nhau về quy định này[1]: ví dụ có doanh nghiệp công nghệ cao khi nhập khẩu một loại “nhà kính trồng hoa”, doanh nghiệp cho rằng hàng hóa của mình ở trường hợp a, nhưng cơ quan có thẩm quyền lại xếp hàng hóa đó vào trường hợp c (và từ chối không cho phép nhập khẩu với lý do trong nước đã sản xuất được, mặc dù sản phẩm trong nước có chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu “công nghệ cao” của doanh nghiệp).

Để giải quyết các vướng mắc có thể phát sinh, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên, theo hướng các trường hợp này là không phụ thuộc nhau (bổ sung chữ “hoặc” vào cuối quy định tại điểm a, b).

-         Hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho các đảo, quần đảo có điều kiện về kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, quốc phòng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định (khoản 15 Điều 11): đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng, tránh trường hợp lợi dụng tránh thuế bằng cách đưa hàng vào đảo, quần đảo trong một thời gian ngắn rồi chuyển vào đất liền tiêu thụ như bình thường.

-         Tổng thể:

Chương này của Dự thảo về cơ bản vẫn như Luật hiện hành, có cập nhật thêm các quy định ở các Luật khác như Luật đầu tư, Luật khoa học công nghệ, Luật công nghệ cao, Luật dầu khí…

Tuy nhiên, dường như việc rà soát pháp luật khác có liên quan vẫn còn bỏ sót hoặc quy định chưa đầy đủ các trường hợp đã có quy định miễn thuế trong các Luật khác. Ví dụ: Điều 64 của Luật khoa học và công nghiệp quy định: “Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ” nhưng Dự thảo lại chưa thể hiện rõ quy định này.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các quy định pháp luật liên quan có quy định về ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực cụ thể để đưa vào Dự thảo.

5.     Về các biện pháp phòng vệ về thuế

Đây có thể được xem là sửa đổi quan trọng nhất về mặt kết cấu của Dự thảo Luật lần này, theo đó các vấn đề liên quan tới phòng vệ thương mại từ 03 Pháp lệnh hiện hành được đưa vào Dự thảo Luật (và cùng với đó là quy định bãi bỏ hiệu lực của 03 Pháp lệnh nói trên).

(i)                Về việc đưa các biện pháp phòng vệ thương mại vào Luật này

Từ góc độ pháp luật, việc đưa các Pháp lệnh nói trên vào Luật này cần được cân nhắc kỹ hơn, bởi:

-         Về bản chất, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (thuế phòng vệ thương mại) không phải là thuế nhập khẩu. Đây là loại thuế bổ sung, áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu như là một hình thức “trừng phạt/khắc phục” hành vi bán phá giá, trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại (đã được xác định qua điều tra). Cơ chế áp dụng và những vấn đề liên quan giữa hai loại thuế này hoàn toàn không giống nhau (kể cả về đối tượng: loại hàng hóa nhập khẩu chịu thuế phòng vệ thương mại không xác định theo mã HS như đối với thuế quan). Vì vậy việc đưa nhóm thuế này vào Luật xuất nhập khẩu có lẽ là không thích hợp.

-         Về mặt pháp lý, dù được áp dụng phổ biến trên thực tế, thuế phòng vệ thương mại chỉ là một loại trong các biện pháp phòng vệ thương mại (bên cạnh thuế còn có biện pháp cam kết về giá, hạn ngạch nhập khẩu, biện pháp tự vệ khác…). Nếu đưa toàn bộ pháp luật về phòng vệ thương mại vào Luật thuế này thì dường như là không thích hợp. Nếu chỉ đưa các biện pháp về thuế như Dự thảo thì biện pháp phòng vệ dưới khác không phải thuế sẽ đặt ở đâu? (chú ý là các biện pháp này không thể tách rời tổng thể chung về biện pháp phòng vệ thương mại).

-         Về mặt thẩm quyền, mặc dù Luật là văn bản do Quốc hội ban hành và các cơ quan Chính phủ đều có trách nhiệm thực thi, trên thực tế mỗi văn bản Luật đều chỉ có Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm trong thực thi, các Bộ khác chỉ tham gia cùng, nếu có liên quan. Trong khi đó, về vấn đề này, thực tế Bộ Tài chính chỉ là Đơn vị thực hiện việc thu thuế phòng vệ, còn tất cả các bước từ khởi xướng điều tra cho đến quyết định áp dụng biện pháp thuế đều thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Vậy việc đưa vấn đề này vào Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu vốn thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính có tạo ra vấn đề trong quá trình áp dụng không?  

-         Về thông lệ quốc tế, mặc dù pháp luật của một số nước xếp các loại thuế này vào Luật thuế (ví dụ pháp luật về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ năm trong Luật thuế 1930). hiện không có thông lệ quốc tế phổ biến hay thống nhất nào về vấn đề này. Trong phần lớn các trường hợp việc sắp xếp một chế định trong văn bản nào của các nước phần nhiều xuất phát từ lý do lịch sử và hệ thống pháp luật cụ thể của từng nước (ví dụ với Hoa Kỳ thì là bởi lý do vấn đề về chống bán phá giá đã được quy định từ năm 1916, dưới dạng thuế, đến khi Hoa Kỳ có Luật Thuế 1930 thì tất cả các loại thuế được đưa vào đây và giữ tới tận bây giờ; Cho đến nay pháp luật Hoa Kỳ chủ yếu được sắp xếp theo Chương mục trong một Bộ luật tổng hợp USC, vì vậy việc một quy định nằm trong Luật nào, tên gì ít quan trọng).

Trong khi đó, ở Việt Nam, đã có 03 Pháp lệnh riêng về từng biện pháp phòng vệ thương mại, đã tồn tại từ 10 năm nay, vấn đề bất cập, nếu có, là ở tính chi tiết và sự phù hợp của các quy định cụ thể trong các văn bản này với quy định tại các Hiệp định tương ứng trong WTO chứ hoàn toàn không phải vì các quy định này đặt trong văn bản nào.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc đưa các biện pháp phòng vệ thương mại vào Dự thảo Luật này. Tốt nhất là sửa đổi để hoàn thiện các Pháp lệnh hiện hành thay vì đưa vào Luật này.

(ii)             Về các nội dung liên quan tới biện pháp phòng vệ trong Dự thảo

Ngay cả khi Ban soạn thảo giải trình được đầy đủ và thuyết phục về việc đưa nội dung của 03 Pháp lệnh vào Dự Luật này cũng như có giải pháp để giải quyết những vấn đề về pháp lý pháp sinh từ việc này (như nêu ở trên) thì Dự thảo về phần này cũng còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh lại, cụ thể:

(iii)           Về tính chi tiết của các quy định

Dự thảo đã đưa một số quy định tại 03 Pháp lệnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, rất nhiều quy định chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp tại các Pháp lệnh nói trên đã không được đưa vào Dự thảo. Điều này không những sẽ gây ra bất cập trong thực tiễn (bởi bản thân các Pháp lệnh hiện tại đã được đánh giá là quá sơ sài, chưa thực sự hoàn thiện so với quy định của WTO rồi) mà còn đi ngược lại quan điểm về xây dựng pháp luật càng chi tiết càng tốt hiện nay.

          Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nếu vẫn duy trì việc quy định các biện pháp phòng vệ trong Luật này thì:

-         Cần đưa đầy đủ các quy định tại 03 Pháp lệnh nói trên vào Luật này;

-         Cần rà soát lại các quy định của 03 Pháp lệnh để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu của các Hiệp định liên quan trong WTO (đặc biệt là trong Pháp lệnh về chống trợ cấp).

6.     Điều khoản thi hành

Điều 23 Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 42 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 có quy định tại điểm b) Người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định thống nhất với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012), theo đó Các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau: “1. Đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý: a) Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng. Dự thảo cũng nên quy định thời hạn tương tự.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Một doanh nghiệp công nghệ cao nhập khẩu “nhà kính trồng hoa” để tạo tài sản cố định. Doanh nghiệp kê khai loại hàng hóa này được miễn thuế. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước khi kiểm tra sau thông quan cho rằng, “nhà kính trồng hoa” mà doanh nghiệp nhập khẩu chưa phải là một sản phẩm hoàn chỉnh (chưa tạo ra một nhà kính hoàn chỉnh), do vậy mặt hàng nhập khẩu này được chia nhỏ ra và xác định không phải hàng miễn thuế vì là hàng trong nước sản xuất được. Doanh nghiệp thì cho rằng, sản phẩm nhập khẩu đã “cơ bản hoàn chỉnh” và thuộc hàng miễn thuế theo quy định tại các văn bản hướng dẫn.

Các văn bản liên quan