VCCI góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Thứ Ba 14:51 10-06-2014

Kính gửi: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

        Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời Công văn số 1021/BTNMT-TCBHĐVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

1.      Mối quan hệ giữa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với các văn bản pháp luật khác có liên quan

Theo quy định tại Điều 1 Dự thảo phạm vi điều chỉnh bao gồm “quản lý tổng hợp, thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Như vậy, với phạm vi điều chỉnh trên, Luật này có thể sẽ có quy định chồng lấn/chồng chéo với các văn bản pháp luật khác có liên quan như:

-         Luật Bảo vệ môi trường: quy định về hoạt động bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam, điều này được hiểu tất cả các hoạt động bảo vệ môi trường trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Như vậy, giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên, môi trường biển sẽ có sự chồng lấn về các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

-         Luật Khoáng sản: “quy định về việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo phạm vi điều chỉnh này thì giữa Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên, môi trường biển sẽ có sự chồng lấn về các quy định liên quan đến điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng biển tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

-         Luật Biển có một số quy định liên quan đến Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như: nghiên cứu khoa học biển trong đó có quy định về các điều kiện để tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; quy hoạch phát triển biển trong đó có nội dung liên quan đến điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển …

-         Luật Dầu khí: quy định về thăm dò, khai thác dầu khí. Giữa Luật Dầu khí và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ có sự chồng lấn về điều tra, khai thác khoáng sản là dầu khí.

Có thể thấy Dự thảo có nhiều quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật khác, nếu không quy định và phân tách rõ ràng sẽ chồng chéo trong quản lý, thực hiện.

Trong khi đó, Điều 3 Dự thảo (về áp dụng pháp luật) lại không giải quyết vấn đề này mà lưỡng lự giữa Luật này và các Luật khác có liên quan (“việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan”).

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét đến vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cụ thể, Ban soạn thảo cần lựa chọn giữa một trong hai phương án:

-         Nếu ưu tiên áp dụng các Luật khác thì không cần thiết có Luật này (vì các vấn đề của Luật này thực tế đã được quy định trong các Luật khác và đã có hiệu lực áp dụng trên thực tế rồi);

-         Nếu ưu tiên áp dụng Luật này (với mục tiêu tập hợp các vấn đề về biển và hải đảo vào một văn bản thống nhất để thuận tiện cho việc áp dụng và quản lý, và với điều kiện là các quy định của Luật này bao quát toàn bộ và thể hiện đặc điểm riêng của môi trường, tài nguyên biển đảo, khác với môi trường và tài nguyên trong đất liền nói chung) thì cần nêu rõ ưu tiên áp dụng Luật này so với tất cả các Luật khác (đồng nghĩa với việc các nội dung về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong các Luật khác sẽ không còn hiệu lực áp dụng).

2.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo tính minh bạch

a.      Mục tiêu và chính sách của Nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong Dự thảo là chưa rõ ràng và toàn diện

Dự thảo có khá nhiều quy định liên quan đến chính sách, nguyên tắc, nội dung quản lý nhà nước đối với tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, các quy định tại Dự thảo phần lớn mang tính “tuyên bố chính sách” mà chưa được hiện thực hóa thành các điều khoản cụ thể, có thể áp dụng được ngay và thể hiện được đúng các tinh thần này, chẳng hạn:

Một trong những nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là “Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhất là ở vùng bờ phải được quản lý, tổng hợp, thống nhất dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển, hải đảo được tăng cường bảo vệ, đồng thời hài hòa được lợi ích của các bên liên quan” (khoản 1 Điều 6), tuy nhiên tại Chương IV về quản lý tổng hợp vùng bờ, Dự thảo lại quy định chung chung (chủ yếu là đưa ra các yêu cầu lớn về nội dung …) mà không có các quy định cụ thể về các nội dung bắt buộc phải có, các bước bắt buộc phải thực hiện, các hình thức giám sát/đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu…..

Đặc biệt, rà soát nội dung Dự thảo cho thấy hầu hết các quy định là các vấn đề thuộc về quản lý Nhà nước đối với tài nguyên, môi trường biển cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong từng vấn đề. Hầu như không có nội dung nào về các khía canh kinh tế, môi trường đầu tư ở biển và hải đảo, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng khai thác lợi ích kinh tế từ các địa bàn này….

Nói cách khác, khác với các Luật liên quan (Tài nguyên nước, Khoáng sản, Dầu khí), Dự thảo Luật này hầu như thiếu các quy định thực chất điều chỉnh các hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh tế, của các tổ chức, cá nhân.

Từ góc độ của doanh nghiệp, Dự thảo không làm rõ được là Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở môi trường biển và hải đảo như thế nào. Trong khi, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư, khai thác ở vùng biển, hải đảo không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế mà còn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong thực thi chủ quyền quốc gia và do đó rất cần được nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề khai thác lợi ích kinh tế từ biển và hải đảo, theo thông tin từ một số doanh nghiệp, một số trở ngại khiến họ còn ngần ngại khi đầu tư, khai thác ở vùng biển, hải đảo là:

-         Thiếu thông tin về tài nguyên thiên nhiên và các cơ hội kinh doanh tại các khu vực biển và hải đảo;

-         Thiếu cơ sở hạ tầng tại các khu vực biển và hải đào (đặc biệt hệ thống điện, nước, viễn thông, giao thông vận tải tại các khu vực biển và hải đảo còn hạn chế).

-         Thiếu biện pháp quản lý, kiểm soát rủi ro kinh doanh: việc đầu tư kinh doanh tại khu vực biển và hải đảo có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kinh doanh (thiên tai, sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, vấn đề an ninh, …) cao hơn các khu vực khác xuất phát từ đặc điểm tự nhiên cũng như địa lý của khu vực này.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Tăng cường nhóm các quy định về các hoạt động kinh tế liên quan tới tài nguyên, môi trường biển đảo vào Dự thảo;

-         Đối với các nội dụng quản lý trong Dự thảo thì chú ý bổ sung:

+ Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch…: Cơ quan nhà nước không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin, xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (khoản 6 Điều 7,  Điều 21, Điều 24, và toàn bộ Chương VII) mà cần phải tiến tới việc công bố và tạo cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn thông tin này một cách dễ dàng.

+ Về các nội dung quản lý Nhà nước: Xác định hỗ trợ về cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung của quản lý nhà nước (bổ sung nội dung này vào các Điều 7, Điều 11, Điều 31, Điều 39).

+ Về các Biện pháp quản lý rủi ro, sự cố: không chỉ dừng lại ở sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển mà các sự cố khác cũng cần được đánh giá và kiểm soát; bổ sung quy định về cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp; hỗ trợ các chương trình hướng dẫn, tập huấn các biện pháp quản lý rủi ro cho doanh nghiệp…

b.      Quy định cấm, hạn chế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp chưa rõ ràng

-         Về hành lang bảo vệ bờ biển (Điều 29): Khoản 3 quy định “Trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển, nghiêm cấm, hạn chế các hoạt động làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, làm suy giảm giá trị dịch vụ của hệ thống sinh thái và cảnh quan tự nhiên”: Không rõ cụ thể là hoạt động nào sẽ bị cấm/hạn chế trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển?

-         Về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (Điều 31): Khoản 3 quy định, một trong những nội dung trong quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là “xác định … các vùng cấm khai thác, sử dụng tài nguyên, các vùng khai thác, sử dụng tài nguyên có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái; các vùng bờ biển dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, Dự thảo lại thiếu hoàn toàn các tiêu chí để xác định các phân vùng này cũng như cơ chế quản lý sẽ áp dụng đối với mỗi phân vùng (ví dụ: khi nào thì một vùng được xếp vào diện “vùng khai thác, sử dụng tài nguyên có điều kiện”? những điều kiện đó là gì? Ai được phép khai thác? Cơ quan nào cấp phép?).

-         Về nhận chìm, đổ thải ở biến (Mục 3): Khoản 1 Điều 64 Dự thảo quy định, việc nhận chìm, chất đổ thải ở biển được phân thành 2 nhóm bao gồm:

+ (1) Nhóm các vật nhận chìm, chất đổ thải được phép nhận chìm, đổ thải

+ (2) Nhóm các vật nhận chìm, chất đổ thải được phép nhận chìm, đổ thải khi đáp ứng các điều kiện đặc biệt

Các quy định trên là chưa rõ ràng ở điểm:

+ Quy định này có được hiểu là: mọi vật, chất đổ thải đều có thể nhận chìm, đổ thải (chỉ khác nhau là có điều kiện hay không có điều kiện thôi) không? Nếu không thì cần quy định bổ sung nhóm các vật nhận chìm, chất đồ thải không được phép/cấm nhận chìm, đổ thải trên biển.

+ Các vật nhận chìm, đổ thải thuộc nhóm (1) có cần phải đáp ứng điều kiện nào không? Nếu có thì điều kiện như thế nào?

+ Giấy phép quy định tại Điều 65 áp dụng cho tất cả các vật được phép nhận chìm, đổ thải ở nhóm (1), (2) hay là chỉ áp dụng cho nhóm (2)?

+ Chủ thể phải xin phép là doanh nghiệp có vật cần nhận chìm, đổ thải hay là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhận chìm, đổ thải?

Hơn nữa, trong yêu cầu đối với việc nhận chìm, đổ thải ở biển, khoản 2 Điều 63 quy định “Vật nhận chìm, chất đổ thải phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam không được phép nhận chìm, đổ thải trong vùng biển Việt Nam”. Khái niệm “chất đổ thải phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam” là chưa rõ ràng, những hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu và vì lý do nào đó, phải thải bỏ, thì các vật này có được cho là phát sinh ngoài Việt Nam không? Yếu tố “ngoài Việt Nam” ở đây được hiểu theo đối tượng bị nhận chìm thải bỏ hay là chủ thể sở hữu đối tượng đó?

Ngoài ra, điều kiện để được gia hạn, sửa đổi Giấy phép nhận chìm, đổ thải ở biển (khoản 3 Điều 66) cũng chưa được quy định.

Để đảm bảo tính minh bạch và khả thi của các quy định này, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

c.      Quy định không rõ về mục tiêu/cơ chế/biện pháp quản lý

-         Về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo: Mục 1 quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có quy định về xác định, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển (Điều 51) và các cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển (Điều 52). Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về hệ quả của việc phân loại này, ít nhất là ở các khía cạnh:

+ Cơ chế quản lý được áp dụng như thế nào đối với các cấp độ rủi ro ô nhiễm: cấm hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh, dân cư sinh sống hay là hạn chế hoặc có điều kiện?

+ Trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng ô nhiễm như thế nào? Chế tài nào được áp dụng?

+ Các biện pháp để kiểm soát ô nhiễm tùy thuộc vào từng cấp độ rủi ro?

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

-         Về quản lý các đảo (Chương V): Điều 42, 43 Dự thảo quy định về việc phân loại các hải đảo và tiêu chí phân loại hải đảo, theo đó hải đảo được phân loại thành đảo có dân cư sinh sống và không có dân cư sinh sống. Trong từng nhóm sẽ được phân loại theo từng cấp độ. Tuy nhiên Dự thảo lại quy định thiếu rõ ràng về các biện pháp quản lý đối với mỗi nhóm hải đảo được phân loại, theo đó:

+ Không rõ việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với nhóm hải đảo có dân cư sinh sống được sử dụng vào mục đích đặc biệt, nhóm hải đảo không có dân cư sinh sống được sử dụng vào mục đích đặc biệt như thế nào (Được phép không? Nếu có thì điều kiện như thế nào?).

 + Đối với nhóm đảo được phép khai thác, sử dụng tài nguyên, tổ chức, cá nhân được khai thác thì phải xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2 Điều 47), tuy nhiên Dự thảo lại không có quy định về các điều kiện cũng như trình tự thủ tục để được cấp phép. Hơn nữa, các điều kiện để được phép khai thác, sử dụng tài nguyên trên các hải đảo được áp dụng theo quy định nào (Luật này có quy chế riêng đặc thù hay là áp dụng theo các pháp luật chuyên ngành tương ứng? Nếu áp dụng theo pháp luật chuyên ngành tương ứng thì quy định phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi cấp phép là chưa thích hợp và tương thích với quy trình cấp phép trong các văn bản pháp luật hiện hành).

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

d.      Thiếu quy định về điều kiện để được cấp phép

-         Về đăng ký hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:

Khoản 1 Điều 19 Dự thảo quy định, “tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đăng ký tại Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi triển khai thực hiện”.

Trong hồ sơ trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải có “văn bản phê duyệt dự án, đề án, nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền và dự án, đề án, nhiệm vụ được phê duyệt” (điểm b khoản 1 Điều 20). Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về điều kiện để được phê duyệt cũng như trình tự thủ tục đi kèm hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy phạm pháp luật có quy định.

Ngoài ra, cần chú ý rằng bản thân khái niệm “hoạt động điều tra cơ bản” cũng không được làm rõ trong Dự thảo (vì vậy không rõ hoạt động này bao gồm những gì? Có khác biệt như thế nào giữa “điều tra cơ bản” với “điều tra” thông thường không? Nếu chỉ là “điều tra” thông thường thì có cần phải đăng ký không?).

Đề nghị Ban soan thảo bổ sung quy định làm rõ những nội dung này.

-         Về cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học cho tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài

Khoản 1 Điều 25 Dự thảo quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo trong vùng biển Việt Nam cho tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài sau khi thống nhất với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng”. Dự thảo không có bất kỳ quy định nào về các điều kiện mà các tổ chức, cá nhân trên được cấp phép cũng như tiêu chí xem xét để đồng ý cấp phép hay không. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các điều kiện này để đảm bảo thuận lợi trong thực hiện cũng như căn cứ rõ ràng cho các văn bản hướng dẫn chi tiết.

e.      Một số quy định chưa đủ cụ thể, rõ ràng có thể tạo nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng

Một số quy định tại Dự thảo quy định khá chung chung, mang tính định tính, thiếu rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau và trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cán bộ nhà nước có thẩm quyền và có thể là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn văn bản và quy định theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, ví dụ:

-         Những trường hợp nào được cho là cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở để khắc phục tai nạn, sự cố và phục vụ điều tra, xác định nguyên nhân sự cố (khoản 1 Điều 58). Cần quy định rõ các trường hợp này bởi vì có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại về quy định tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp đối với các trường hợp hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không ảnh hưởng/gia tăng tác hại đến hoạt động khắc phục tai nạn, sự cố hoặc hoạt động điều tra xác định nguyên nhân sự cố. Hơn nữa, cần phải xác định rõ hoạt động của doanh nghiệp bị tạm đình chỉ ở đây là hoạt động tại địa điểm gặp sự cố hay là hoạt động cả ở nơi khác, trong trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở nhiều nơi khác nhau.

Ban soạn thảo cần quy định rõ về việc tạm đình chỉ (các trường hợp phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động gì và thời gian tạm định chỉ) thay vì quy định chung chung là “việc tạm đình chỉ và phục hồi hoạt đông trở lại đối với cơ sở gây sự cố thực hiện theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 58).

-         Những trường hợp nào sự cố được cho là “gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” (khoản 2 Điều 59). Cơ quan nào có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm? Trình tự thủ tục thế nào?

-         Những trường hợp nào được cho là “trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại khoản 5 Điều 61 Dự thảo?

3.      Một số quy định của Dự thảo chưa đảm bảo tính hiệu quả

Về phục hồi môi trường biển sau sự cố (Điều 59):

Dự thảo đang đi theo hướng phân loại mức độ ô nhiễm môi trường để xác định đối tượng có trách nhiệm lập kế hoạch khắc phục sự cố và các đối tượng này sẽ phải thực hiện thủ tục để phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường. Quy định này dường như là chưa hiệu quả để ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển, bởi: các đối tượng phải trải qua một thời gian để hoàn thành thủ tục phê duyệt kế hoạch khắc phục sự cố, điều này rất mất thời gian trong khi việc khắc phục sự cố lại cần phải tiến hành nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại và những tác động tiêu cực đến môi trường.

Hơn nữa, Dự thảo lại không có tiêu chí về việc khắc phục sự cố (phân loại theo cấp độ, cấp độ nào thì sử dụng phương pháp gì?), căn cứ nào để cơ quan nhà nước phê duyệt kế hoạch doanh nghiệp trình? Việc thiếu rõ ràng trong quy định sẽ có thể khiến cho việc khắc phục sự cố bị kéo dài và các đối tượng khó khăn trong thực tế triển khai.

Mặt khác, trong trường hợp doanh nghiệp gây ra sự cố, các quy định tại Dự thảo đang đi theo hướng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, sự cố nghiêm trọng vượt quá tầm khắc phục của doanh nghiệp, trong khi hậu quả của việc này lại tác động lớn đến lợi ích công cộng, do đó, nhất thiết cần phải có sự tham gia hỗ trợ từ phía nhà nước, ít nhất là ở hành động phối hợp nhằm khắc phục hậu quả kịp thời hoặc ít nhất là không làm gia tăng thiệt hại đối với môi trường sinh thái và/hoặc cộng đồng dân cư liên quan (bồi thường thiệt hại có thể tính sau, và có thể là trách nhiệm hoàn toàn của doanh nghiệp)..

Để đảm bảo sự rõ ràng và tăng tính hiệu quả trong công tác khắc phục hậu quả, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng:

-         Bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải lập kế hoạch phục hồi môi trường chờ phê duyệt để tổ chức thực hiện. Thay vào đó là quy định về quy trình khắc phục sự cố trong đó, quy định rõ các cấp độ sự cố và các biện pháp được áp dụng trong từng cấp độ.

-         Quy định rõ trách nhiệm chủ động phối hợp của các cơ quan nhà nước có liên quan trong trường hợp khắc phục sự cố do doanh nghiệp gây ra.

4.      Một số quy định chưa đảm bảo tính hợp lý và khả thi

-         Về trao đổi, chia sẻ và công bố thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học về biển, hải đảo (Điều 27): Theo quy định tại khoản 1 thì “Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam chỉ được phép trao đổi, sử dụng, chuyển giao cho bên thứ ba và công bố thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Điều này là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi, bởi vì:

+ Cơ chế nào để kiểm soát được việc tổ chức, cá nhân nước ngoài trao đổi, sử dụng, chuyển giao cho bên thứ ba và công bố thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo, nhất là trong trường hợp những tổ chức, cá nhân này không còn ở trong lãnh thổ Việt Nam? Pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh được những hành vi ngoài lãnh thổ. Do vậy, việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài phải xin phép mới được phép trao đổi và công bố thông tin là không có tính khả thi, bởi không thể kiểm soát được điều này.

+ Quy định việc trao đổi, sử dụng, chuyển giao cho bên thứ ba, công bố thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không cần thiết. Bởi vì, việc sử dụng, công bố, chuyển giao thông tin không đồng nghĩa với việc sẽ khai thác, sử dụng tài nguyên hay vùng biển, hải đảo, hơn nữa nếu khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo hay xâm phạm chủ quyền thì đã có những cơ chế kiểm soát và quản lý quy định tại Luật này cũng như các văn bản pháp luật có liên quan. Vì vậy, việc kiểm soát thông tin ở đây là ít ý nghĩa.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 27.

-         Về sử dụng đất trên các hải đảo (Điều 48): Khoản 2 quy định: “Việc sử dụng đất trên các hải đảo không có dân cư sinh sống chỉ được thực hiện thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”, được hiểu là không được phép thực hiện các giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức. Điều này dường như là chưa hợp lý và không rõ về mục tiêu quản lý nhà nước là hạn chế hay khuyến khích tổ chức, cá nhân đến sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đảo không có dân cư sinh sống? Nếu hạn chế thì quy định này là hợp lý, còn nếu khuyến khích thì quy định này đã hạn chế và cản trở đáng kể đối với những cá nhân, tổ chức muốn sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đảo, bởi họ gần như không được bảo hộ bất kì quyền năng nào của chủ sở hữu quyền sử dụng đất mà pháp luật đất đai thừa nhận.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định này theo hướng, việc sử dụng đất trên các hải đảo không có dân cư sinh sống thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

-         Về xác định thiệt hại, trách nhiệm bồi thường: Khoản 1 Điều 61 Dự thảo quy định: “Chủ cơ sở gây ra sự cố và tổ chức bảo hiểm của cơ sở gây ra sự cố phải thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường hoặc Quỹ ủy thác trách nhiệm bồi thường được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định là đủ theo quy định”. Quy định này là không cần thiết và dường như là can thiệp vào mối quan hệ dân sự giữa các bên. Bởi vì, giữa doanh nghiệp gây ra sự cố và tổ chức bảo hiểm thiết lập quan hệ trên cơ sở hợp đồng và được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận của hợp đồng, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra (cả về hình thức lẫn mức bồi thường). Vì vậy, Dự thảo không cần thiết phải quy định các đối tượng này phải thiết lập Quỹ bảo đảm bồi thường mà chỉ cần quy định doanh nghiệp gây ra sự cố phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu không thực hiện bồi thường sẽ có những chế tài xử phạt.

Hơn nữa, xét về tính minh bạch thì quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch ở điểm: cơ sở nào để tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định các Quỹ này là “đủ”? Vai trò của Tòa án ở đây là gì? Tòa án là cơ quan xét xử, nếu tòa án xác định số tiền của Quỹ thì vụ việc này được giải quyết bằng phương thức gì (một vụ kiện? Nếu là vụ kiện thì ai là nguyên đơn? Có phải bất kì trường hợp nào cũng do Tòa án phân xử không, kể cả trong trường hợp không có tranh chấp?). Tóm lại, quy định này là không rõ về phương thức xử lý trong trường hợp xác định trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp: đi theo quyết định hành chính hay là thủ tục tư pháp. 

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 61 để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan