Hình mẫu nào cho việc xây dựng và sửa đổi Bộ Luật Dân sự ở Việt Nam - Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của Bà Kiều Thị Thanh - Hội thảo VCCI tại Tp.HCM ngày 10/4/2014
VCCI góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt VCCI
Kính gửi: Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính
Ngày 17/03/2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 1537/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 25/01/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Đây là văn bản có tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa chịu thuế như: thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt có ga không cồn, ôtô, xăng, tàu bay, du thuyền …, vì vậy, VCCI đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp bằng hình thức văn bản trong phạm vi cả nước và phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/04/2014. Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, VCCI có một số ý kiến đối với các mặt hàng chịu thuế trong Dự thảo như sau:
1. Nước ngọt có ga không cồn
So với Luật hiện hành thì Dự thảo đã bổ sung thêm “nước ngọt có ga không cồn” là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và theo giải trình của Ban soạn thảo thì lý do đánh thuế đối với loại hàng hóa này là để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, bởi việc sử dụng hàng ngày hoặc quá mức đối với nước ngọt có ga không cồn có thể gây ra một số loại bệnh như béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư … .
Một số doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn là chưa có căn cứ thuyết phục, bởi các lý do sau:
- Về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của nước ngọt có ga không cồn
Theo giải trình của Bộ thì các chất công nghiệp trong nước ngọt có ga không cồn (hương vị, chất màu, chất bảo quản) có thể gây tác hại đến sức khỏe người dùng như: gây béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư … Tuy nhiên, giải trình này chưa thực sự thuyết phục bởi chưa phân tách được tác hại đồ uống có ga (dự kiến áp thuế TTĐB) với đồ uống không có ga (không thuộc diện dự kiến áp thuế TTĐB). Nhiều lập luận trong Tờ trình thực chất là về tác động nguy hại của nước ngọt nói chung (có ga hoặc không có ga), ví dụ về tác hại của đường, của chất tạo màu, của hương liệu, chất bảo quản, cafein…. và vì vậy là không thích hợp để sử dụng trong giải trình về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga mà không áp dụng thuế đối với nước ngọt không có ga.
Ngoài ra, một số ý kiến (đặc biệt từ đại diện các doanh nghiệp FDI) còn nêu nhiều lập luận phản biện đối với các giải trình liên quan tới tác dụng độc hại với sức khỏe con người của riêng các chất trong nước ngọt có ga (như CO2, Natri…) theo đó các chất này không gây nguy hại cho sức khỏe cao hơn các sản phẩm khác có hàm lượng các chất này tương tự.
Vì vậy, việc áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt có ga chỉ là hợp lý nếu Ban soạn thảo:
+ Có giải trình đầy đủ, chặt chẽ và thuyết phục hơn về các tác động nguy hại của riêng nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người (chứ không phải là các tác động nguy hại nói chung của nước ngọt);
+ Có phân tích cụ thể và có căn cứ đầy đủ hơn về các tác hại của các chất có riêng trong đồ uống có ga (như CO2, Natri…) cũng như các tác động cộng gộp của chúng khi đưa vào cùng một sản phẩm hoặc khi được sử dụng với tần suất cao hơn nhiều so với các sản phẩm khác có chứa chất tương tự để giải trình được các lập luận của các doanh nghiệp liên quan;
Trường hợp Ban soạn thảo nhận thấy bản thân nước ngọt không ga cũng gây hại tới sức khỏe con người nếu lạm dụng nhưng nước ngọt có ga gây tác hại lớn hơn đối với sức khỏe (do tác động cộng hưởng từ các chất riêng của nước có ga) thì cũng cần có giải trình đầy đủ về lộ trình (trước mắt áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga do mức độ nguy hại cao hơn – trong lâu dài sẽ có biện pháp đối với cả nước ngọt không ga nếu thống kê cho thấy mức độ sử dụng, lạm dụng cao gây nguy cơ lớn tương tự nước ngọt có ga hiện tại).
- Về nguy cơ cáo buộc phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trơng nước và nước ngoài
Hiện nay, trên thị trường, nước ngọt có ga không cồn chiếm thị phần lớn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nước ngọt không có ga không cồn lại chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước.
Vì vậy, Ban soạn thảo cần có giải trình cẩn trọng, đầy đủ (ít nhất về các yếu tố nói trên), tránh trường hợp khi quy định được áp dụng, Việt Nam có thể phải đối mặt với các cáo buộc phân biệt đối xử từ các đối tác theo các quy định của WTO (ví dụ: vụ DS10 WTO khi Hoa Kỳ-Canada-EU kiện Nhật Bản phân biệt đối xử khi áp dụng các loại thuế trong nước cao hơn với các nhóm rượu có độ cồn ở mức X trong khi các loại rượu nhóm này lại chủ yếu là rượu nhập khẩu).
Tóm lại, một trong những mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào những nhóm hàng có hại cho sức khỏe để hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, khi xác định mặt hàng nào thuộc nhóm này, Ban soạn thảo cần đưa ra những bằng chứng khoa học có tính thuyết phục, ít nhất là về 02 nhóm nội dung nêu trên.
2. Thuốc lá
So với quy định hiện hành thì mặt hàng thuốc lá được điều chỉnh thuế suất từ 65% lên 75% từ ngày 01/07/2015 và từ ngày 01/01/2018 thuế suất là 85%. Đây là loại hàng hóa có mức tăng thuế suất cao và thời gian tăng thuế ngắn so với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác.
Về cơ bản, việc đánh thuế cao đối với thuốc lá là cần thiết, nhằm hạn chế người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm gây hại cho sức khỏe này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá, bởi các lý do sau:
- Chính sách áp đặt đối với thuốc lá khá ngặt nghèo
Pháp luật hiện hành đang có nhiều quy định riêng áp dụng đối với mặt hàng thuốc lá như: phải in cảnh báo sức khỏe hình ảnh chiếm 50%; đóng góp vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ 01/05/2013 là 1% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng lên 1,5% vào tháng 05/2016 và đạt mức 2% vào tháng 05/2019); cấm quảng cáo và khuyến mãi dưới mọi hình thức; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh bằng giấy phép (từ việc sản xuất, bán buôn đến cơ sở bán lẻ); quy định nhiều không gian cấp hút thuốc lá; áp đặt thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với mặt hàng thuốc lá … Những quy định này nhằm mục đích hạn chế người tiêu dùng hút thuốc lá và kiểm soát được nguồn cung thuốc lá ra thị trường. Đây là những chính sách rất ngặt nghèo và có tác dụng bất lợi lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
Cùng với đó, các doanh nghiệp này hiện cũng đang bị đặt dưới áp lực phải tăng sản lượng đảm bảo mục tiêu sản lượng đến năm 2017 là từ 100 triệu bao/ năm theo quy định tại (khoản 4 Điều 21) Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá (một chính sách có mục tiêu nhằm tái cơ cấu lại ngành thuốc lá để chỉ cho tồn tại các doanh nghiệp lớn, loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ)
Nếu tăng thuế suất đối với thuốc lá theo lộ trình nhanh như trong Dự thảo sẽ gây khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá.
- Tình trạng buôn lậu thuốc lá
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ làm cho giá thành sản phẩm của loại hàng hóa này tăng lên và có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát nạn buôn lậu thuốc lá, gây nhiễu loạn thị trường và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Theo thống kê của Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương thì từ năm 2006 đến năm 2012 tình trạng nhập lập thuốc lá tăng mạnh theo các năm, đặc biệt là năm 2012 số điếu thuốc lá bị thu giữ tăng khoảng 50% so với năm 2006. Đáng lưu ý là tại thời điểm các năm có chính sách điều chỉnh về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (năm 2005 mức 45%; năm 2006 mức 55%; năm 2008 mức 65%), số điếu thuốc lá buôn lậu bị thu giữ tăng mạnh và năm sau cao hơn năm trước.
Đánh thuế cao đối với thuốc lá là hợp lý nhằm hạn chế người tiêu dùng sử dụng loại hàng hóa này, tuy nhiên các chính sách cần phải triển khai và đạt được hiệu quả đồng bộ. Trong bối cảnh các biện pháp phòng chống buôn bán thuốc lá lậu chưa hiệu quả như hiện nay thì việc đánh thuế cao đối với thuốc lá sẽ gây tác động lớn đến các hoạt động kinh doanh hợp pháp là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá; tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các thuốc lá được sản xuất hợp pháp với thuốc lá buôn lậu; ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước (giảm nguồn thu từ các công ty sản xuất thuốc lá do nguồn cung giảm trên thị trường và thất thu nguồn thuế do không thu được từ hoạt động buôn lậu thuốc).
- Yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tác động đến các đối tượng dễ bị tổn thương
Có thông tin cho rằng việc sử dụng thuốc lá tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của người nghèo – những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và một trong những lý do cho khẳng định này là, người nghèo thường hút những thuốc lá kém chất lượng hoặc là tự cuốn thuốc lá để hút và dễ bị mắc bệnh hơn. Như vậy, yếu tố chất lượng của thuốc lá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe những đối tượng hút. Việc tăng thuế sẽ làm tăng giá đối với thuốc lá và càng khiến cho người nghèo càng khó tiếp cận với thuốc lá được sản xuất và kiểm soát chất lượng của các công ty sản xuất thuốc lá hợp pháp. Hơn nữa, cai thuốc là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ, không thể thực hiện được nhanh chóng, trong thời gian ngắn. Thay vì, cho phép người nghèo tiếp cận được nguồn thuốc lá hợp pháp được kiểm soát chất lượng hơn là “ngăn chặn” họ bằng giá cả ngay lập tức. Do vậy, việc đánh thuế thuốc lá cần phải tiến hành từ từ, có thời gian.
Tóm lại, thuốc lá là sản phẩm gây hại cho sức khỏe và đánh thuế cao đối với loại hàng hóa này là hợp lý, góp phần hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn kinh tế, các mục tiêu cần đạt được trong ngành cũng như tính hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá còn có vấn đề, các doanh nghiệp cho rằng, tăng thuế thuốc lá vào thời điểm 01/07/2015 là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo xem xét giãn thời điểm tăng thuế để đảm bảo các mục tiêu quản lý.
3. Bia
Theo quy định tại Dự thảo thì, nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia từ 50% lên 65% từ ngày 01/07/2015. Đây là mức tăng khá cao đối với mặt hàng nước uống này. Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất bia cho rằng mức tăng này là chưa hợp lý bởi vì:
- Mâu thuẫn trong các chính sách đối với việc phát triển ngành bia
Theo nội dung của Tờ trình thì, việc thống nhất và giảm mức thuế suất đối với mặt hàng bia đã “hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương. Qua 5 năm thực hiện, trên cả nước đã hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, gia công bia tại các địa phương, tạo cơ sở vững chắc cho ngành bia” và Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch ngành bia đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, theo đó “năm 2010 sản lượng sản xuất đạt 2,5 tỷ lít bia; đến năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 4tỷ lít bia;”. Như vậy có thể thấy, đối với ngành bia, nhà nước đang có chính sách khuyến khích phát triển theo hướng tăng sản lượng bia theo các năm.
Tuy nhiên, để lý giải cho việc tăng thuế đối với bia, Ban soạn thảo cho rằng “năm 2013, lượng rượu bia tiêu thụ là 3tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực Asean và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhất bản và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu, bia”. Theo thông tin này thì năm 2013 lượng bia tiêu thụ đạt 3tỷ lít là “con số không mong đợi” và cần phải áp thuế để giảm lượng tiêu thụ này – tuy nhiên, con số này lại hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Bia do Bộ Công Thương phê duyệt. Và nếu áp thuế với mục đích giảm lượng tiêu thụ bia thì không rõ làm sao đạt được các mục tiêu của quy hoạch ngành bia đã được phê duyệt trên? Điều này cho thấy các chính sách phát triển ngành bia đang có sự mâu thuẫn.
- Tác hại của bia đối với sự ổn định xã hội
Theo nội dung của Tờ trình thì “việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết”. Ban soạn thảo không tách bạch tác hại của rượu và bia, trong khi nồng độ cồn của hai sản phẩm này là khác xa nhau (nồng độ cồn của bia là rất thấp) và hậu quả của việc sử dụng bia và rượu là khác nhau (các thông tin phản ánh trên phương tiện truyền thông thì các vụ bạo hành gia đình, tai nạn giao thông, tội phạm liên quan chủ yếu từ việc uống rượu).
Tóm lại, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt liên tục trong thời gian ngắn với mức thuế suất cao sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất bia. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc dãn tiến độ tăng thuế và chưa tăng tại thời điểm ngày 01/07/2015.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp rất mong Quý Cơ quan xem xét.
Trân trọng cảm ơn.