VCCI góp ý Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước

Thứ Sáu 14:13 07-03-2014

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM


Số:   0468   /PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo

Luật Ngân sáchnhà nước (sửa đổi)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 07  tháng 03 năm 2014

Kính gửi: Vụ Ngân sách Nhà nước – Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 18325/BTC-NSNN của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến về Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Ngày 28/06/2012, VCCI đã gửi Công văn số 1386/PTM-PC về việc đánh giá thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 theo đề nghị của Bộ Tài chính, trong đó có đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi.

Rà soát các quy định của Dự thảo, VCCI đánh giá cao sự tiếp thu tích cực của Quý Cơ quan đối với Công văn nói trên của VCCI khi phần lớn kiến nghị VCCI nêu đã được Ban soạn thảo tiếp thu đưa vào trong Dự thảo.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

1.      Về nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp (Điều 8)

Khoản 8 Dự thảo đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 yêu cầu các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, tăng tỷ lệ số thu nộp về cấp trên, phương án 2 bỏ yêu cầu này.

Trên thực tế, số thu của các địa phương có thể có tăng, nhưng mức tăng khác nhau (tùy thuộc vào khả năng phát triển kinh tế của mỗi địa phương), mặt khác nhu cầu chi hàng năm của các địa phương thường cũng tăng rất cao do có luôn sự biến động về chính sách như tăng lương, chính sách an sinh xã hội, các hoạt động đầu tư phát triển. Nếu áp dụng phương án 1 thì sẽ tạo ra khó khăn cho địa phương, và càng khó thêm nhiệm vụ “cân đối ngân sách” của địa phương.

Hơn nữa nếu áp dụng phương án 1 trong lâu dài đồng nghĩa với việc tới một lúc nào đó địa phương sẽ phải tự cân đối thu chi toàn bộ hoặc tỷ lệ số thu nộp về ngân sách cấp trên sẽ không có điểm dừng (giới hạn tối đa) nào. Điều này là bất hợp lý.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo lựa chọn phương án 2 (bỏ quy định về nghĩa vụ này của địa phương)

2.      Về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước (Chương II)

Về mặt nguyên tắc, Quốc hội có quyền giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động giám sát ngân sách của cơ quan này chưa hiệu quả do cơ chế còn nhiều bất cập: thông báo về các vấn đề liên quan đến chu trình ngân sách cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn hạn chế; các cơ quan nhà nước và cơ quan chuyên môn ở địa phương thường chỉ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách cho Hội đồng nhân dân và Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh. Do vậy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội  không mang tính thường xuyên.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan liên quan cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất về quá trình thực hiện ngân sách nhà nước cho đại biểu Quốc hội không chỉ trong mà còn giữa các kỳ họp của Quốc hội, nhằm giúp đại biểu Quốc hội nắm vững hơn về tình hình tài chính ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát ngân sách nhà nước.

-         Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu quốc hội trong quá trình xây dựng, phân bổ, quyết định những vấn đề cụ thể về ngân sách nhà nước ở tầm vĩ mô và việc thực hiện hoạt động giám sát trên địa bàn nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương

Với cách tiếp cận này, liên quan tới điểm b khoản 5 Điều 15 về quyết định dự toán ngân sách nhà nước, Dự thảo đưa ra hai phương án về thẩm quyền quyết định chi của Quốc hội, trong đó phương án 1 nêu cụ thể hơn phương án 2 về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 1 (chi tiết hơn) để tăng cường vai trò cũng như sự giám sát của Quốc hội đối với các khoản chi ngân sách nhà nước cụ thể này.

3.      Nguồn thu của ngân sách trung ương, nguồn thu của ngân sách địa phương (Điều 31, Điều 33)

Theo quy định tại Điều 31, Điều 33 Dự thảo đưa ra hai phương án cho nguồn thu tiền phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước ở trung ương thực hiện, trong đó:

-         Phương án 1: Tiền phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước thuộc cấp nào thu thì ngân sách cấp đó hưởng

-         Phương án 2: Tiền phạt vi phạm hành chính do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lựa chọn phương án 1 để tạo thuận lợi trong thực hiện (bởi nếu tiền phạt vi phạm hành chính do cơ quan cấp trung ương thực hiện thuộc ngân sách địa phương thì việc phân bổ sẽ khó khăn, đặc biệt trong trường hợp khó xác định địa phương nơi xảy ra vi phạm hành chính, và cần các tiêu chí xác định địa phương được phân bổ cho từng loại thu vi phạm hành chính).

4.      Về lập dự toán ngân sách nhà nước (Chương IV)

-         Về thời gian hướng dẫn lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán ngân sách nhà nước (Điều 39): Theo quy định tại Dự thảo thì thời gian để Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước thẩm tra, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ướng là 05 ngày, đây dường như là thời gian khá ngắn, chưa phù hợp để có thể nghiên cứu và có ý kiến thấu đáo về khối lượng lớn nội dung mà Chính phủ trình.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét kéo dài thời gian này.

-         Về nội dung trong việc lập, phân bổ dự toán ngân sách:

Dự thảo chưa xác định rõ yêu cầu cụ thể về nội dung trong việc lập, phân bổ dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia, dự toán chi theo các lĩnh vực. Điều này có thể sẽ gây khó khăn, thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện bởi các cơ quan.

Trách nhiệm báo cáo của bộ, ngành địa phương về tình hình thực hiện các năm trước, về dự kiến các nhiệm vụ chi cho chương trình mục tiêu quốc gia và chi theo lĩnh vực chưa được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các cơ quan chủ trì lập dự toán không đủ căn cứ, sổ liệu để lập dự toán, các cơ quan thẩm tra dự toán không có căn cứ, số liệu để đánh giá dự toán.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể các vấn đề này.

-         Về quy trình ngân sách: Điều 39 Dự thảo hiện chưa quy định rõ về quy trình lập, phê duyệt dự toán ngân sách địa phương. Khoản 13 có quy định “Trước ngày 10/02, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau …”, tuy nhiên trong cả Điều 39 lại không có quy định về quy trình trước khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương (thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình dự toán, phương án phân bổ, …) mà chỉ quy định về quy trình áp dụng cho ngân sách trung ương.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định rõ về quy trình này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

5.      Về cơ chế điều chỉnh nguồn thu khi có tăng giảm đột biến

Trong một số trường hợp, do chưa bao quát, lường hết được những yếu tố phát sinh mới (chẳng hạn có thêm nhà máy đi vào hoạt động…) nên một số địa phương có tăng thu đột biến; hoặc cơ sở tính chưa sát dẫn đến làm giảm thu lớn (ví dụ dự kiến thời gian tới sẽ có một nhà máy lớn đi vào hoạt động, dự kiến đem lại nguồn thu mấy trăm, mấy nghìn tỷ, nhưng sau đó nhà máy không hoạt động nữa).

Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về vấn đề này, nên trong quá trình triển khai thực hiện có thể phát sinh nhiều bất cập như: tình trạng địa phương bị giảm thu đột biến lâm vào tình trạng rất khó khăn, phải làm công văn đề nghị điều chỉnh, trong khi các tiêu chí, quy trình cho việc này lại chưa có, rất dễ dẫn đến cơ chế xin cho thiếu minh bạch. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trong trường hợp ngân sách địa phương có tăng, giảm thu đột biến trong kỳ ổn định ngân sách thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định biện pháp điều chỉnh số tăng, giảm thu cho phù hợp, đồng thời cần quy định rõ khái niệm “đột biến”, “tăng đột biến” và “giảm đột biến”. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp

-          Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, PCT Hoàng Văn Dũng (để báo cáo)

-          Lưu VT, PC

TL. CHỦ TỊCH

KT. TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

PHÓ TRƯỞNG BAN

Nguyễn Thị Thu Trang

Các văn bản liên quan