Vấn đề thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại VN

Thứ Hai 14:17 22-05-2006
Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam

Về các quy định trong Mục 3 về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam, các ý kiến tập trung vào hai vấn đề lớn sau:
(1) về quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài;
(2) về thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.

Đối với vấn đề thứ nhất, một số ý kiến liên quan đến các quyền và nghĩa vụ cụ thể của văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, cụ thể như sau:

- Dự thảo Luật quy định chi nhánh thương nhân nước ngoài được thực hiện các hoạt động thương mại được quy định trong giấy phép trong khi Dự thảo không có quy định về nội dung của giấy phép, đề nghị bổ sung vấn đề này.
- Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để nếu có thể thì bổ sung vào Điều 19 hoặc Điều 20 của Dự luật cho phép « văn phòng đại diện được thực hiện các công việc không nhằm mục đích trực tiếp thu lợi nhuận khác mà pháp luật Việt Nam không cấm ».
- Dự thảo bổ sung hai hình thức của thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam là doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài cho nên cần phải bổ sung về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của các loại hình doanh nghiệp này hoặc nêu rõ hai loại hình doanh nghiệp này sẽ được quy định trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
- Một số quyền và nghĩa vụ cụ thể của văn phòng đại diện, chi nhánh được quy định trong Dự thảo Luật như quyền chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam của chi nhánh là không có ý nghĩa vì đã có các văn bản pháp luật khác quy định cụ thể hơn.

Đối với vấn đề thứ hai, một số đại biểu tham dự hội thảo cho rằng việc quy định như Điều 25 của Dự thảo về thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thì thẩm quyền cho phép các thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam đều thuộc các Bộ, Ngành ở trung ương. Trong khi theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì ngoài các cơ quan quản lý đầu tư ở địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, thương mại cũng có thẩm quyền cấp phép đầu tư theo uỷ quyền. Do đó, cần quy định lại Điều này cho phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, một đại biểu ở Hà Nội cũng nêu cụ thể một trường hợp mà theo đó các doanh nghiệp không thể xác định được phải xin cấp phép đầu tư ở đâu vì liên quan đến nhiều Bộ, Ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thương mại …Do đó, đại biểu này đề nghị Dự thảo Luật phải xác định rõ hơn nữa thẩm quyền quản lý của các Bộ đối với việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam để doanh nghiệp có thể biết mà xin cấp phép.

Ngoài hai vấn đề lớn nêu trên, một số ý kiến cũng cho rằng việc sử dụng cụm thuật ngữ thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam là thiếu chính xác, do các công ty liên doanh, công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam là các pháp nhân Việt Nam hay nói cụ thể hơn họ chính là các doanh nghiệp Việt Nam. Một số đại biểu cũng tính đến việc có cần thiết phải quy định một Mục riêng về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam hay không do các thương nhân nước ngoài cũng được hoạt động thương mại bình đẳng và có các quyền và nghĩa vụ như thương nhân Việt Nam và hơn nữa hiện chúng ta đang xây dựng một luật doanh nghiệp thống nhất bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các văn bản liên quan