Tư pháp không độc lập tất dẫn đến oan sai nhiều

Thứ Hai 15:35 28-05-2007

Công tác ở Văn phòng Quốc hội với chức danh Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, thạc sĩ luật học Ngô Huy Cương được giới chuyên gia biết đến như một người đầy ý tưởng táo bạo. Dưới đây là quan điểm của ông về cải cách hệ thống tư pháp Việt Nam.

- Ông nghĩ sao khi kỳ họp nào, Quốc hội cũng phải kêu ca về chất lượng của hệ thống tư pháp?

- Tôi nghĩ rằng, tình trạng này sẽ còn lặp lại khi chưa có những tiêu chí để xem xét, đánh giá hệ thống tư pháp.

- Nghĩa là những lời kêu ca này sẽ không có tác dụng?

- Thực ra, Quốc hội đang làm một việc rất được lòng dân: nói lên sự không hài lòng của dân chúng về mức độ bảo đảm công lý của hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại rằng, lập pháp cứ công khai phê phán tư pháp như vậy thì có giúp củng cố được căn bản hệ thống tư pháp không?

- Vậy theo ông, phải làm gì?

- Trước hết, phải bàn đến cách thức thiết lập hệ thống tiêu chí. Hiện Quốc hội cũng như nhiều cơ quan, tổ chức thường phàn nàn về việc xét xử oan sai. Có lẽ họ lấy pháp luật mà Quốc hội thông qua làm tiêu chí đánh giá, chứ ít ai nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai lại là do chính pháp luật, chính cách tổ chức hệ thống tư pháp.

- Nghĩa là vì pháp luật, mà như Chánh án Trịnh Hồng Dương từng nói,“xử thế nào cũng được”?

- Tôi nghĩ các nhà lập pháp cũng phải chia sẻ trách nhiệm về điều đó. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản cần được xem xét kỹ lương: Nhận thức chưa chuẩn xác về vai trò và vị trí của tư pháp nói chung và tòa án nói riêng trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước; chưa có một chính sách cụ thể nhất quán, hay nói cách khác, chưa có tiêu chí xem xét, đánh giá hệ thống tư pháp; tư pháp chưa thực sự độc lập; tổ chức hệ thống tòa án còn nhiều vấn đề phải kiện toàn.

- Vậy điều gì ảnh hưởng nhiều nhất tới tính độc lập của hệ thống tư pháp, đặc biệt là các thẩm phán?

- Phải nói trước hết là trình độ của thẩm phán. Vì trình độ hạn chế nên nhiều khi thẩm phán phải tham khảo, “thỉnh án” cấp trên - điều tối kỵ với các quan tòa. Đặc biệt, thẩm phán chỉ được bổ nhiệm tạm thời, định kỳ phải tái bổ nhiệm. Đây có thể là khe hở để những người có quyền hạn trong quá trình tái bổ nhiệm xen vào hoạt động xét xử. Ở nhiều nước, để tránh điều này, thẩm phán được bổ nhiệm giữ chức cho đến khi về hưu. Quản lý tòa án, theo tôi, phải là quản lý theo chức năng tư pháp, không theo đơn vị hành chính như hiện nay. Chánh án, sở tư pháp không thể là người nắm giữ sinh mạng chuyên môn, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán, mà chỉ là người tạo điều kiện cho thẩm phán hoạt động chuyên môn.

- VKS vừa giữ chức năng công tố, vừa kiểm sát việc xét xử của tòa. Điều đó có làm giảm tính độc lập của tòa?

- Theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền thì chính các cơ quan công quyền phải bị tòa giám sát, nghĩa là khi các cơ quan công quyền phạm luật thì tòa án sẽ là nơi có quyền phán xét. Nhưng ở ta, tòa lại bị giám sát bởi cơ quan công quyền, như cơ quan dân cử, VKS, và phần nào đó của Chính phủ - thông qua quyền xem xét tái bổ nhiệm thẩm phán.

- Nhưng nếu không như vậy thì ai giám sát tòa án?

- Bản thân việc tổ chức tòa án theo hai cấp xét xử đã bao hàm ý nghĩa giám sát. Bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành ngay, nên nếu một bên chưa hài lòng, sẽ phải được phúc thẩm. Tôi nhấn mạnh rằng, tư pháp độc lập là yêu cầu quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Tư pháp không độc lập tất dẫn đến oan sai nhiều. Quốc hội hiện nay mới bày tỏ sự lo ngại dựa trên số oan sai được tòa công nhận. Tôi lo rằng có thể còn có những oan sai mà do thiếu tính độc lập cần thiết, tòa không nhận ra.

- Và giải pháp, có phải như ông từng đề nghị: Khi xét xử, tòa không nhân danh nhà nước, mà nhân danh công lý?

- Hiện nhiều nhà luật học kiến nghị, đối với tố tụng hình sự, chúng ta nên theo trường phái tranh tụng, mà ở đó, thẩm phán được xem như trọng tài phân xử tranh chấp giữa một bên là công dân bị buộc tội, và một bên là công tố (nhân danh nhà nước).

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hệ thống tư pháp là ở đó, công dân phải được tạo cơ hội để sánh được với cơ quan công tố. Vậy, nếu tòa lại nhân danh nhà nước thì rõ ràng, bất lợi sẽ thuộc về công dân. Hơn nữa, nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật, khi xét xử, tòa cần phải ở một vị trí mà có thể đảm bảo được sự bình đẳng giữa nhà nước và công dân.

- Có phải tố tụng của ta vẫn nặng vì “án tại hồ sơ”, và thẩm phán ra tòa trong tư thế xử tội nhiều hơn là tìm ra sự thật?

- Phương pháp tranh tụng với sự tham gia của bồi thẩm đoàn sẽ khắc phục tình trạng này. Bồi thẩm đoàn, người sẽ quyết định bị cáo có tội hay không, lại là người không hề phải đọc bất cứ điều gì trong hồ sơ vụ án. Trong thế đứng này, thẩm phán, công tố, bồi thẩm đoàn và luật sư chia sẻ quyền lực và kiềm chế lẫn nhau để tìm ra sự thật, góp phần có bản án đúng đắn, khách quan.

Bồi thẩm đoàn được coi là những thẩm phán không chuyên, mà ý nghĩa của việc này là công dân được xét xử bởi những người ngang bằng. Việc bồi thẩm đoàn, những người không biết luật, theo dõi tranh tụng giữa luật sư và công tố mà nhận thức được rằng hành vi bị xét xử là nguy hiểm, đáng bị trừng phạt, thì việc áp dụng chế tài của tòa sẽ xác đáng và có tác dụng xã hội cao.

Theo TBKTSG

 

Các văn bản liên quan