Trọng tài viên giải quyết tranh chấp thương mại có thể là người nước ngoài

Thứ Sáu 09:47 14-08-2009
NĐBO - Nếu trong Pháp lệnh Trọng tài Thương mại không công nhận người nước ngoài được làm trọng tài viên thì Dự thảo Luật Trọng tài Thương mại đã cho phép trọng tài viên có thể là người nước ngoài giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, đây là một thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để trọng tài Việt Nam nâng cao năng lực và trình độ. CHỦ TỊCH HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM, TRƯỞNG BAN SOẠN THẢO LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI PHẠM QUỐC ANH đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV NĐBO.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở nước ta trong thời gian qua ?
 
trong-tai-130809-180.jpgChủ tịch Phạm Quốc Anh: Lịch sử giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ XX, nhưng phải đến những năm 1968- 1970 mới hình thành hệ thống trọng tài kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống trọng tài chủ yếu chỉ giải quyết những tranh chấp giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau. Chỉ đến năm 2003, khi Pháp lệnh Trọng tài Thương mại ra đời thì hình thức sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp mới có vị trí nhất định ở Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở nước ta chưa được phổ biến. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có đến 300 nghìn doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tìm đến để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì rất ít. Cụ thể, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc VCCI có hơn 120 trọng tài viên nhưng năm 2008 - được xem năm là có số vụ thụ lý nhiều nhất cũng chỉ giải quyết 58 vụ việc. Có những trung tâm trọng tài, cả năm không giải quyết vụ việc nào. Trong khi, chỉ riêng Toà án Nhân dân TP Hà Nội trong năm 2007 phải giải quyết tới 900 vụ án, trong đó 300 vụ án kinh tế. Năm 2007, Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh xử gần 42.000 vụ, trong đó có 1.000 vụ án kinh tế. Như vậy, tính trung bình mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ trong 1 năm, còn một thẩm phán Toà án kinh tế phải xử hơn 3 vụ trong một năm. Riêng thẩm phán Toà án kinh tế TP Hồ Chí Minh phải xử 50 vụ trong 1 năm.

Như vậy, việc sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam còn quá thấp. Điều này nói lên sự tín nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở nước ta.
 
Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thưa Ông ?
 
Chủ tịch Phạm Quốc Anh: Theo tôi có hai lý do. Thứ nhất là Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 tuy đặt cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhưng chưa đủ tạo nên sự tin cậy và tín nhiệm của giới thương gia. Bởi vì, giải quyết tranh chấp còn rất nhiều rủi ro mà Pháp lệnh Trọng tài Thương mại chưa có thể giải quyết được. Thứ 2, ở Việt Nam, tâm lý khi giải quyết tranh chấp vẫn tin ở Toà án. Bên cạnh đó, trình độ các trọng tài viên còn hạn chế nên chưa tạo được uy tín đối với đối tác cần giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
 
Vậy đâu là ưu thế của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thưa Ông ?
 
Chủ tịch Phạm Quốc Anh: Thứ nhất, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hầu hết là những tranh chấp dân sự, một trong những nguyên tắc kinh điển của tranh chấp dân sự là sự thoả thuận giữa hai bên. Thứ 2 là do sự thoả thuận của đôi bên nên sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất nhanh chóng. Thứ 3, thoả thuận trọng tài có hiệu lực ngay - không như toà án là phải qua các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Thứ 4, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì cả hai bên đều giữ được bí mật nên vẫn giữ được uy tín của các doanh nghiệp.

Để tạo sự chủ động cho các bên tranh chấp, nhiều ý kiến cho rằng, dự luật cần cho phép hội đồng trọng tài được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu. Quan điểm của Ông về vấn đề này?
 
Chủ tịch Phạm Quốc Anh: Khi xây dựng Luật Trọng tài Thương mại, Ban soạn thảo có đưa vào dự thảo quy định trọng tài có quyền ban hành các tình trạng khẩn cấp, có quyền chủ động áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu. Đây là quy định rất ưu việt. Bởi vì lâu nay, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có Toà án mới được áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên có tranh chấp về hàng hoá, nếu kiến nghị để Toà án có biện pháp khẩn cấp tạm thời đưa hàng hoá vào kho lạnh để bảo quản thì Toà án phải thụ lý và điều tra lại vụ án, nên nhiều khi hàng hoá hỏng hết. Vì vậy, ở đây để chủ động thì phải giao quyền cho trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khi trọng tài đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án không can thiệp vào đấy nữa.
 
Theo quy định hiện hành, chỉ công dân Việt Nam mới được làm trọng tài viên và người đó phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên... Trong khi, dự luật cho phép cả thương nhân có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên (không cần trình độ đại học) hoặc người nước ngoài cũng được làm trọng tài viên ở Việt Nam. Theo Ông, quy định như vậy có phù hợp với thực tiễn?
 
Chủ tịch Phạm Quốc Anh: Như thông lệ trên thế giới, trọng tài viên không cần có quy định các tiêu chuẩn như là tốt nghiệp đại học hoặc phải có bằng cấp… Vì trọng tài cốt yếu là sự thoả thuận của đôi bên. Nhưng thực tiễn ở nhiều nước Á Đông, đặc biệt ở Việt Nam thì trong tâm lý, ai cũng muốn trọng tài phải có tiêu chuẩn cụ thể, có trình độ mới đủ tin cậy trong phán quyết. Đây là lý do khi thảo luận, Ban soạn thảo đã quyết định ghi trong dự thảo luật là trọng tài tối thiểu phải có trình độ đại học, có hoạt động thực tiễn ít nhất 5 năm trong chuyên ngành của mình.

Còn trọng tài viên có được là người nước ngoài hay không thì trong dự thảo Luật quy đinh, trọng tài viên có thể là người nước ngoài, vì xuất phát việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó, theo cam kết, sau 3 năm gia nhập WTO sẽ không còn rào cản về trọng tài. Đây là thách thức rất lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để trọng tài Việt Nam nâng cao năng lực và trình độ.

Xin cám ơn Ông !

TRẦN HIẾU thực hiện
Người đại biểu nhân dân online 13/8/2009

Các văn bản liên quan