trọng là phát huy được chức năng tư vấn, phản biện

Thứ Ba 22:43 02-06-2009
“Chúng ta phải xây dựng được một luật về Hội sao cho bảo đảm tự do, công bằng và phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, đóng góp vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền”. Ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã khẳng định như vậy với Báo Đầu tư khi đề cập Dự thảo Luật về Hội lần thứ 8 vừa được lấy ý kiến mới đây.

Được biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đứng ra tổ chức lấy ý kiến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam về Dự thảo lần thứ 8 Luật về hội. Vậy ý kiến về Dự thảo Luật qua các hội thảo trên thế nào, thưa ông?

Đa số ý kiến đều cho rằng, rất cần thiết phải ban hành một đạo luật về hội để bảo đảm quyền tự do, công bằng, dân chủ của người dân, đồng thời chống lại các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ để thực hiện những hoạt động trái pháp luật thông qua các hội. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến đánh giá rằng, Dự thảo lần thứ 8 Luật về hội chưa đề cập đối tượng điều chỉnh là hàng chục ngàn hội không chính thức đang tồn tại và hoạt động trên thực tế như Hội đồng hương, Hội đồng ngũ, Hội cựu học sinh, sinh viên của các trường... Đây là một thiếu sót lớn, bởi nếu không đưa họ vào đối tượng của Luật thì rất khó quản lý và bản thân các hội trên cũng mong muốn được Nhà nước thừa nhận với thủ tục đăng ký bớt phiền hà, phức tạp. Đồng thời qua đó, chính quyền có thể tạo điều kiện để các hội này hoạt động.

Đánh giá chung về Dự thảo Luật về hội lần thứ 8 như thế nào, thưa ông?

Nhiều người dự hội thảo đều có cảm nhận rằng, Dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến lần này rất giống với Nghị định 88 về hội đã từng bị phê phán là “bó” các hội lại. Bên cạnh đó, dự luật nhưng lại quy định chi tiết như một thông tư hướng dẫn thiếu tính pháp điển, nên có nhiều quy định vừa thiếu lại vừa thừa.

Cụ thể, là thiếu quy định gì, thưa ông?

Thiếu ở đây là chưa rõ và chưa đầy đủ các điều cấm hay các điều mà hội không được làm. Theo tôi, Dự thảo Luật cần quy định rõ là nghiêm cấm các hội lợi dụng quyền lập hội để hoạt động trái pháp luật; gây phương hại đến lợi ích cá nhân và cộng đồng khối đại đoàn kết dân tộc; gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia; xâm phạm đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng; gây hại cho tài nguyên và môi trường... Có như vậy, thì khi xảy ra vụ việc, mới có căn cứ để xử lý hành chính hoặc đưa ra toà, đồng thời răn đe những ai lợi dụng hội làm những điều bất chính.

Còn nội dung nào được xem là thừa, thưa ông?

Về quản lý nhà nước, Dự thảo nêu tới 6 việc Nhà nước quản lý về hội. Theo tôi, như vậy là quá nhiều. Tôi cho rằng, Nhà nước chỉ cần làm 3 việc là định ra cơ chế chính sách về hội và hoạt động của hội; tổ chức việc đăng ký thành lập hội cho nhân dân; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về hội, xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về hội. Còn các việc khác để các hội tự thực hiện. Nhiều người cho rằng, Dự thảo lần này “thụt lùi” so với các bản dự thảo trước đó. Như vậy, Ban soạn thảo Dự án Luật đã không tiếp thu những ý kiến đóng góp. Mong rằng, Dự thảo lần thứ 9 sẽ có những sửa đổi đáng kể trên quan điểm thể hiện được quyền làm chủ của nhân dân.

Một trong những quy định của Dự thảo Luật bị phản bác nhiều nhất là việc giao các hội cho các bộ trong cùng lĩnh vực quản lý. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, chỉ nên để Bộ Nội vụ quản lý là đủ. Một số người cho rằng, nếu giao cả cho Bộ Nội vụ thì không quản lý nổi, nhưng tôi nghĩ nếu củng cố, tăng cường Vụ Phi chính phủ và có thể nâng cấp lên thành Tổng cục thì có thể làm được. Không nên vin vào cớ “không quản lý được” mà “đẩy” các hội cho các bộ quản lý, bởi các tổ chức phi chính phủ không thể nằm trong các bộ của Chính phủ được. Hơn nữa, ngay các bộ được giao quản lý các hội cũng không muốn nhận và ngược lại các hội cũng không sẵn sàng. Lý do chính là nếu các hội thuộc bộ quản lý thì chức năng tư vấn phản biện sẽ bị triệt tiêu.

Các văn bản liên quan