Trích ý kiến góp ý của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:29 05-06-2009

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo luật và Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tuy nhiên để luật có thể phát huy tác dụng tích cực trong thực tế tôi xin phát biểu về 7 vấn đề như sau.

Một là về giải thích từ ngữ, dự thảo luật có giải thích từ ngữ đô thị mới, khu đô thị mới, trong thực tế thì chúng ta còn có các đô thị cổ như là Hội An. Trong các tài liệu của tổ chức UNESCO còn có những khái niệm và quy định về đô thị di sản, vì vậy để các đô thị cổ như Hội An hay khu phố cổ như 36 phố phường của Hà Nội hay làng cổ Đường Lâm, Hà Tây cũ v.v... có điều kiện được quan tâm đối xử thích hợp hơn và để Việt Nam chúng ta có điều kiện hội nhập với quốc tế về vấn đề này. Tôi đề nghị bổ sung từ ngữ "đô thị cổ" hay "đô thị di sản" trong dự thảo luật.

Vấn đề thứ hai là các hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 17, tôi đề nghị bổ sung hành vi quy hoạch cấp phép xây dựng các công trình trái với quy hoạch đã được phê duyệt tại các đô thị cũng là hành vi bị nghiêm cấm để ngăn chặn tình trạng cấp phép xây xen, quy hoạch chắp vá tại các đường phố công viên ở các đô thị đã được phê duyệt quy hoạch.

Vấn đề thứ ba là về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch ở Điều 20, tôi tán thành với phương án 1 là Bộ xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt. Tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ xây dựng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với quy hoạch chung bảo tồn thành phố là đô thị cổ, đô thị di sản thuộc tỉnh, thành phố. Nếu chỉ giao cho cấp tỉnh thì sẽ rất khó khăn ứng xử với những đô thị cổ.

Vấn đề thứ tư là về hình thức, thời gian lấy ý kiến quy hoạch đô thị ở Điều 22, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri rất nhiều vị đại biểu Quốc hội đều được nghe cử tri phản ánh phàn nàn về vấn đề quy hoạch xây dựng đã không được biết cho nên dẫn đến vấn đề khiếu kiện của nhân dân. Tôi đề nghị không lấy ý kiến cộng đồng dân cư chung chung về nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung được thực hiện thông qua lấy ý kiến đại diện hộ gia đình chứ không phải là đại diện cộng đồng dân cư nói chung để tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp. Vì thực tế quyền khiếu nại, tố cáo thuộc về người dân chứ không phải đại diện của cộng đồng dân cư, ngoài ra việc lấy ý kiến của đại diện hộ gia đình nên bằng hình thức thống nhất là phát phiếu điều tra chứ không cần hình thức phỏng vấn vừa phức tạp, vừa tốn kém. Tôi cũng đề nghị thời gian lấy ý kiến ít nhất phải là 30 ngày đối với cơ quan, 60 ngày đối với tổ chức cá nhân, cộng đồng hộ gia đình để việc lấy ý kiến thực sự có hiệu quả thực tế hơn.

Vấn đề thứ năm, về thời hạn quy hoạch, các Điều 26, 27, 28, 29, việc quy định thời hạn quy hoạch như dự thảo thể hiện tầm nhìn ngắn hạn không ổn định và gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Thực tế ở nhiều quốc gia đã và đang tồn tại những đô thị mà giá trị của nó ngày càng được nâng lên bởi tính cổ kính, kiến trúc độc đáo và không bị cũ trong thời đại mới, các công trình ít bị xuống cấp, vì vậy để Luật quy hoạch đô thị thể hiện được tầm nhìn dài hơn, ổn định hơn chống lãng phí thất thoát ngân sách Nhà nước mỗi lần điều chỉnh, thay đổi quy hoạch. Tôi đề nghị thay vì quy hoạch chỉ từ 10 - 15 năm đến 20 - 25 năm, cần phải quy hoạch dài hơi hơn, đáp ứng yêu cầu tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh hiện nay. Cụ thể là thời hạn quy định đối với quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương phải là 50 năm tầm nhìn 100 năm, quy hoạch chung thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã là 50 năm, quy hoạch chung đối với thị trấn  phải từ 20 - 30 năm và quy hoạch đô thị phải là 50 năm. Với tầm nhìn này cần thiết phải tham khảo ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước.

Thứ sáu là việc cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị ở Điều 56, tôi đề nghị quy định rõ trong luật việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng các hình thức là  cung cấp văn bản, tài liệu có liên quan và giải thích trực tiếp, trực tuyến về quy hoạch đô thị.

Vấn đề thứ bẩy, về quản lý việc xây dựng theo quy hoạch đô thị, ở Điều 70 quy định công trình xây dựng hiện có phù hợp với quy hoạch đô thị nhưng chưa phù hợp về kiến trúc thì được tồn tại theo hiện trạng đây là quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên trong dự thảo Luật về qui hoạch đô thị nếu đưa nội dung này thì chúng ta có cơ phải duy trì lâu dài một quy hoạch đô thị với công trình xây dựng lộn xộn, chắp vá, không đảm bảo an toàn, tiện lợi do lịch sử để lại.

Tôi đề nghị cần bổ sung quy định cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng có trách nhiệm rà soát chỉ cho phép tồn tại những công trình xây dựng hiện có, đáp ứng yêu cầu về an toàn tiện lợi cho người dân. Còn những công trình xây dựng không đáp ứng yêu cầu này thì không được phép tồn tại.

Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch đô thị quy định duy trì mô hình Sở xây dựng hoặc Sở quy hoạch kiến trúc, Kiến trúc sư trưởng là chưa cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy vẫn còn nhiều tầng nấc. Tôi đề nghị Chính phủ nên quy định ở cấp Bộ có Viện qui hoạch đô thị. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp Trung ương. Ở cấp tỉnh có Sở xây dựng và Hội đồng kiến trúc đô thị là phù hợp. Không nên tồn tại Sở qui hoạch kiến trúc hay Kiến trúc sư trưởng như mô hình cũ không đem lại hiệu quả trong thực tế. Thực tế là vai trò của Kiến trúc sư trưởng tùy thuộc rất nhiều vào khả năng trình độ của từng người, chứ không phải là chúng ta quy định chung chung ra như thế rồi cuối cùng bắt buộc phải tìm lấy một Kiến trúc sư trưởng, rồi cuối cùng theo ý chí chủ quan một người chưa đáp ứng được yêu cầu thì sẽ là một mối nguy hại cho cả một địa phương trong rất nhiều năm. Cho nên tôi đề nghị ở cấp sở chỉ có Sở xây dựng và Hội đồng kiến trúc đô thị theo một tầm nhìn dài hạn. Có những quy định cụ thể đối với Kiến trúc sư trưởng thì chúng ta sẽ đảm bảo vấn đề quy hoạch của chúng ta được chặt chẽ và dài hơi hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Các văn bản liên quan