Trích ý kiến ĐBQH Mã Điền Cư – Tỉnh Bình Thuận

Thứ Hai 12:40 12-06-2006

Về vấn đề di dân. Có ý kiến đề nghị luật này điều chỉnh cả vấn đề cư trú và vấn đề di dân. Vấn đề này theo quan điểm của tôi, luật này chỉ điều chỉnh về vấn đề cư trú. Ở đây tôi xin phát biểu làm rõ thêm quan điểm của mình mấy vấn đề như sau:

Tôi cho rằng hai vấn đề, vấn đề di dân và vấn đề cư trú là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Nói đến di dân theo từ điển tiếng Việt di dân là việc đưa dân rời đến nơi khác để sinh sống. Còn theo Dự thảo luật giải thích cho rằng di dân là việc phân bổ điều tiết cơ cấu dân cư giữa các vùng miền hoặc chuyển dịch dân từ từ khu vực này sang khu vực khác để phục vụ cho chính sách xây dựng kinh tế xã hội của đất nước còn di dân tự do là chuyển dịch cư không theo kê shoạch của Nhà nước. Còn nói đến cư trú theo giải thích của từ điển thì cư trú là việc ở thường ngày của công dân tại một nơi nào đó, còn theo giải thích từ ngữ của dự thảo luật thì cư trú là việc công dân thường trú hoặc tạm trú tại một địa điểm thuộc phạm vi phường, xã v.v...

Từ những ý kiến trên, theo tôi luật này không điều chỉnh vấn đề về di dân trong đó có cả di dân tự do mà luật chỉ điều chỉnh vấn đề cư trú. Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt rạch ròi rằng, khi một bộ phận dân cư, hay một công dân dù di dân theo kế hoạch hay di dân tự do đến nơi ở mới mà đã có nơi làm ăn, sinh sống ổn định mà họ lựa chọn nơi đó làm nơi cư trú thì tất nhiên luật này phải điều chỉnh về cư trú từ phát sinh đó.

Vấn đề thứ ba về nhập giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thành sổ cư trú.  Việc nhập giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thành sổ cư trú, nên chăng chúng ta cần cân nhắc thận trọng, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo. Nếu như chỉ một vài lý do nào đó mà chúng ta quyết định vấn đề này một cách vội vàng tôi e rằng hậu quả không những chỉ gây tốn kém, lãng phí mà còn gây xáo trộn không cần thiết trong công tác quản lý, giao dịch hiện nay, hơn nữa nó sẽ gây phức tạp, phiền hà cho công dân, vì qua nghiên cứu tôi nhận thấy vì đặt giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thành sổ cư trú là không hợp lý với những lý do sau:

Nói giấy chứng minh nhân dân là nói đến giấy tờ tùy thân của công dân, nó có tính ổn định lâu dài, được sử dụng để đi lại và giao dịch trên toàn lãnh thổ của một quốc gia. Nói sổ hộ khẩu là nói đến giấy tờ chứng nhận nguồn gốc gia đình và nơi cư trú của công dân kể cả người đến ở nhờ thì được cấp chung trong một sổ hộ khẩu. Nói sổ hộ khẩu là nói đến giấy tờ xác nhận nơi của cá nhân và được cấp cho cá nhân và hộ gia đình. Sổ hộ khẩu có thể thường xuyên thay đổi do công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Nói đến cư trú tức là nói đến việc công dân thường trú hoặc tạm trú tại một thời điểm thuộc một đơn vị xã, phường, đây là vấn đề liên quan đến việc đăng ký cư trú của công dân và quản lý cư trú của cơ quan chức năng. Qua phân tích trên tôi cho rằng ba vấn đề đó khác nhau cơ bản về nội dung và ý nghĩa. Tuy nhiên chúng có mối quan hệ với nhau, nên tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và không nhập giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu thành sổ cư trú.

Về việc bỏ sổ hộ khẩu, tôi tán thành vấn đề này với quan điểm của Chính phủ. Dự thảo Luật cư trú xây dựng theo hướng giữ sổ hộ khẩu, ở đây tôi xin phân tích thêm nhằm minh họa ý kiến đó của Chính phủ đã đề cập trong Tờ trình. Qua báo cáo tổng kết của Bộ công an về thực hiện Nghị định 51 của Chính phủ trong việc đăng ký và quản lý hộ khẩu trong thời gian qua, có thể nói rằng kết quả đạt được là to lớn góp phần phục vụ sự nghiệp chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, như xây dựng kế hoạch di dân giải phóng mặt bằng, tái định cư ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, di dân theo kế hoạch của Nhà nước, phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện ưu tiên tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đối với một số đối tượng thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số. Đặc biệt, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, kết quả này nhiều, ở đây tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ điển hình như qua công tác quản lý hộ khẩu, bắt được 37.624 các loại đối tượng, khám phá 127.516 vụ; 198.451 đối tượng.v.v...Những kết quả đạt được như đã nêu trên, cho chúng ta thấy rằng công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là ở các đô thị lớn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Về sổ hộ khẩu, chúng ta nhìn lại lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam thấy rằng việc quản lý cư trú theo sổ hộ khẩu là hết sức chặt chẽ, nhằm nắm chắc tình hình dân số để đáp ứng yêu cầu về thuế, củng cố tiềm lực quốc phòng, đồng thời bảo đảm trật tự, an ninh xã hội.

Tôi nhận thức được rằng bản thân sổ hộ khẩu không gây phức tạp, phiền hà hay làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà chính là cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý cư trú gây phiền hà, sách nhiễu và làm hạn chế đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà thôi. Do vậy vấn đề cư trú và quản lý cư trú nên chăng, chúng ta cần tìm kiếm những giải pháp tiên tiến, hữu hiệu để cho công tác quản lý cư trú được thực hiện tốt nhất.

Cuối cùng tôi xin nói rằng bản thân sổ hộ khẩu không có tội tình gì cả, cho nên chúng ta hãy thận trọng chưa vội vàng thay đổi nó. Nhân đây tôi xin nói thêm luật này ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền tự do cư trú của mình. Công dân thực hiện quyền tự do cư trú phải tuân theo các quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do cư trú đi đôi với quyền ở. Công dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cùng với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền tự do cư trú của mình.
Dĩ nhiên, sự băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội cho rằng dự án này quy định như thế nào không làm hạn chế đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chống phiền hà, tiêu cực, đảm bảo cho công tác quản lý cư trú có hiệu quả.

Các văn bản liên quan