Trích ý kiến ĐBQH Bùi Thị Trung Hà – Tỉnh Hà Nam
Để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về khái niệm bất động sản, theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo, bất động sản là tài sản bao gồm quyền sử dụng đất, nhà, công trình xây dựng, các tài sản khác gắn liền với đất. Theo tôi quy định này vừa không đầy đủ, vừa thiếu chính xác. Tôi đề nghị nên giải thích khái niệm bất động sản trên cơ sở đối chiếu với Bộ luật Dân sự để có quy định về bất động sản một cách khái quát hơn, đầy đủ hơn bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự bất động sản là tài sản cố định gắn liền với đất, không di dời được.
Vấn đề thứ hai, tại Điều 6 các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh, theo tôi đây là một nội dung hết sức quan trọng, đảm bảo cho thị trường bất động sản hoạt động bình thường và liên tục. Điều này xác định các loại hàng hoá đưa vào thị trường bất động sản. Vì vậy, cần được quy định một cách rõ ràng, minh bạch. Theo tôi càng được quy định cụ thể thì càng tốt. Tôi nghĩ đã là bất động sản nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 8 của dự thảo luật này thì được đưa vào kinh doanh.
Tôi đề nghị cân nhắc lại các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 6, vì Khoản 1 quy định các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh bao gồm: các loại nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và các loại bất động sản khác. Nhưng tại Khoản 2 của điều này lại căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ quy định và công bố công khai danh mục các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh hoặc chưa được đưa vào kinh doanh. Theo tôi, quy định như vậy là mâu thuẫn, đồng thời không tạo lên sự lưu thông liên tục trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Mặt khác, tôi đề nghị bổ sung vào Điểm b, Khoản 1, Điều 6 loại bất động sản được đưa vào kinh doanh là hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp rừng trồng. Hiện nay, đây là đối tượng thường xuyên được đưa vào thị trường bất động sản. Hơn nữa, việc kinh doanh hạ tầng kỹ thuật ở các khu công nghiệp cũng đã được quy định về khu công nghiệp tại các điều thuộc Chương II của dự thảo này.
Vấn đề thứ ba, về phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 10. Theo quy định tại điều này, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm:
a) Đầu tư, tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê mua nhà.
b) Đầu tư cải tạo đất và đầu tư các công trình hạ tầng trên đất thuê, để cho thuê đất đã có hạ tầng.
c) Kinh doanh các dịch vụ bất động sản theo quy định tại Khoản 2, Điều 9. Tức là dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ định giá bất động sản, thành lập sàn giao dịch bất động sản để kinh doanh, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ đấu giá bất động sản v.v... Ngoài ra, họ còn được thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản khác do Chính phủ quy định.
Theo tôi quy định phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trên là quá rộng, nhất là quy định ở Điểm b: Đầu tư cải tạo đất và Điểm c: Kinh doanh các dịch vụ bất động sản. Vì vậy, tôi đề nghị xem lại các quy định này để bảo đảm thống nhất với các quy định hiện hành về đất đai, về nhà ở, về đầu tư. Đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản non trẻ và yếu thế trong nước hiện nay phát triển.
Vấn đề thứ tư, Điều 22 nguyên tắc mua, bán nhà, công trình xây dựng. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 22 đối với biệt thự, nhà ở riêng lẻ tại các đô thị phải đồng thời chuyển quyền sử dụng đất. Quy định như vậy có thể hiểu đối với việc bán nhà, nhà ở riêng lẻ, biệt thự ở vùng nông thôn và những nơi không phải là đô thị thì không phải chuyển quyền sử dụng đất. Tôi đề nghị cần cân nhắc và quy định rõ hơn về vấn đề này, để tránh sự suy diễn và khó khăn trong việc thực hiện.
Vấn đề thứ năm, về giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Tại Điều 1 của Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này, bao gồm cả giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trong Dự thảo ngoài việc giải thích khái niệm tại Khoản 5, Điều 4 thì không có quy định cụ thể về vấn đề này. Theo tôi hiểu, loại giao dịch này là giao dịch liên quan chứ không phải là hoàn toàn kinh doanh bất động sản. Do đó chỉ có một số quy định chứ không phải là tất cả các quy định ở trong Dự thảo Luật này. Vì vậy, đề nghị có một chương riêng quy định về loại giao dịch này, hoặc quy định cụ thể những quy định nào trong dự thảo áp dụng cho loại giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Vấn đề cuối cùng, về kỹ thuật và bố cục của Dự thảo. Tôi đề nghị đưa Điều 8: điều kiện bất động sản được đưa vào kinh doanh lên trên Điều 7 hay sau Điều 6: các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh. Đưa Điều 7: điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản xuống ngay trên Điều 9: phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức cá nhân trong nước. Đề nghị bỏ cụm từ "bất động sản" trong tên Chương II. Để tên Chương II là Kinh doanh nhà, công trình xây dựng. Có như vậy mới thống nhất cách đặt tên của Chương III là Kinh doanh quyền sử dụng đất.