Trích ý kiến ĐB QH Nguyễn Thị Bắc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Thứ Tư 15:07 09-08-2006

Về cơ bản, tôi thấy rằng luật này các cơ quan hữu quan đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đại biểu phát biểu tại Hội trường. Tôi tán thành với rất nhiều ý kiến các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, tại Điều 6, quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ có 4 khoản. Tôi thấy quy định này không đảm bảo tính minh bạch, tức là quy định rất chung chung, ở Khoản 4 chẳng hạn việc phân cấp giữa cấp Trung ương và cấp tỉnh thì cũng quy định chung chung là theo phân cấp của Chính phủ. Quy định như thế này chúng tôi thấy rằng không đảm bảo tính minh bạch. Một số đạo luật Quốc hội vừa mới thông qua tại kỳ họ thứ 9 vừa rồi tôi thấy điều về trách nhiệm quản lý Nhà nước đã quy định rất cụ thể ở cấp Bộ làm những việc gì trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, cấp tỉnh làm việc gì. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa hơn tại quy định ở Điều 6 này để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật.
Vấn đề thứ hai là Điều 29, Điều 29 cũng liên quan đến tính minh bạch của pháp luật. Chúng tôi thấy quy định ở Khoản 2 là đăng ký cũng quy định chung chung là cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Vậy thì cơ quan quản lý Nhà nước ở đây là ai, là Bộ hay là cấp tỉnh, thủ tục đăng ký ra làm sao, bao nhiêu ngày v.v.... Tôi đề nghị về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động này của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ thì Khoản 2 này cũng phải quy định làm sao cho thật cụ thể và minh bạch. Tức là thủ tục đăng ký ra làm sao, hồ sơ nộp như thế nào và bao nhiêu ngày thì cơ quan này cấp giấy, cơ quan này là cấp tỉnh hay cấp Trung ương, loại nào thì cấp Trung ương, loại nào thì cấp tỉnh. Ở đây chúng tôi cũng đề nghị cần quy định cho thật cụ thể và bảo đảm tính minh bạch, vì tôi nghĩ việc này quy định được chứ không phải không quy định được, cho nên hạn chế một cách tối đa quy định khung để nghị định hướng dẫn.
Thứ ba ở Điều 46, ở đây có 2 phương án, ở 2 phương án này các vị đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, riêng ở phương án 1 tôi thấy quy định về quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia nhưng ở Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 thì có khoản quy định quỹ là một tổ chức và cũng có khoản quy định nó là một nguồn tiền. Như Khoản 3 chẳng hạn quy định: Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia được hình thành và phát triển từ các nguồn sau đây: Ngân sách Nhà nước, rồi lãi v.v... Đây với nghĩa là nguồn tiền chứ không phải là một tổ chức. Bởi vì Quỹ là một tổ chức như ở Khoản 1 chẳng hạn, thì tổ chức ấy nó gồm có giám đốc quỹ, rồi phó giám đốc v.v... các nhân viên, nó là một tổ chức và quỹ ở Khoản 3 nó là nguồn tiền. Nên tôi đề nghị trong 4 khoản này, đề nghị quy định cho nó rõ để nó thể hiện rõ khoản nào nó là một tổ chức, khoản nào nó là một nguồn tiền. Ở Khoản 3, tôi đề nghị đây nó là nguồn tiền, cho nên quy định nguồn tài chính của quỹ bao gồm chứ không phải quỹ này được hình thành và phát triển từ các nguồn này. Tôi đề nghị cần quy định làm sao cho nó rõ ràng, mạch lạc.
Ở Khoản 4, quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia. Nếu Thủ tướng Chính phủ mới quy định về việc thành lập thì tôi thấy chưa đủ. Mà đề nghị phải quy định là Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập quản lý, sử dụng quỹ này. Tức là kể cả sử dụng và quản lý cũng là Chính phủ quy định chứ không phải chỉ thành lập không. Và quy định ở đây là quy định cụ thể về 3 việc này, chúng tôi đề nghị phải quy định nó có tính nguyên tắc hơn và sau đó Chính phủ mới quy định ở Điều 46.
Còn thêm quỹ này hay để vào quỹ chung, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, thì vấn đề này tôi thấy băn khoăn. Bởi vì một lĩnh vực công nghệ, khoa học rồi nhưng riêng công nghệ thì công nghệ đó gồm có cả phát triển, có cả chuyển giao. Nếu tách công nghệ, tách phát triển công nghệ riêng rồi chuyển giao công nghệ riêng thì thành hai qũy, chúng tôi thấy rất băn khoăn. Vừa rồi Nghị định 115 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ra về việc chuyển đổi cơ chế của các Viện khoa học, thì trong đó có nói rất nhiều về việc khoa học ứng dụng tức là các đề tài nghiên cứu nọ kia mà phát triển công nghệ, để đấy đắp chiếu mà không chuyển giao thì cũng là sự lãng phí rất lớn. Tôi thấy việc phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ phải gắn kết với nhau. Do vậy chúng tôi đề nghị cân nhắc kỹ để mà làm sao để cho nó có tập trung, tuy là nó có đối tượng, các hoạt động khác nhau nhưng dù sao chăng nữa nếu ta tách ra thì nó cũng phân tán vì phát triển phải gắn với chuyển giao. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ hơn để mà làm sao cho nó có gắn kết với nhau giữa phát triển và chuyển giao công nghệ ở Quỹ này.
Vấn đề nữa, Điều 59 về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện. Ở Khoản 1, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vì nếu quy định việc khiếu nại, tố cáo khởi kiện và giải quyết thì lại theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo, mà khởi kiện phải theo pháp luật về dân sự chứ không phải theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đó là ý thứ nhất.
Về khiếu nại, ở đây chúng tôi nghĩ rằng Luật khiếu nại, tố cáo chỉ quy định khiếu nại về hành vi hành chính, quyết định hành chính nhưng trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ này không phải chỉ có những khiếu nại về quyết định hành vi hành chính, ta còn xã hội hóa chuyển giao thì người ta còn khiếu nại nữa. Cho nên ở đây chúng tôi cũng đề nghị cân nhắc kỹ, nếu như trong những trường hợp không phải là quyết định hành vi hành chính, thì không thể nào áp dụng pháp luật về khiếu nại được. Ở Điều 59 chúng tôi đề nghị làm sao quy định cho nó phù hợp với pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nếu không thì nó sẽ không thống nhất.
Vấn đề cuối cùng tôi xin tham gia là Điều 65, ở đây cũng đã có một số đại biểu phát biểu rồi, riêng quan điểm của tôi nếu quy định là Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành luật này thì không đúng với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Điều 56 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ quy định chi tiết chứ không phải hướng dẫn, mà hướng dẫn là chỉ có Thông tư liên tịch, tức là thẩm quyền của Bộ thôi, chứ Chính phủ chỉ quy định chi tiết, chứ Chính phủ không được nếu như theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chính phủ không được hướng dẫn, mà hướng dẫn là cấp Bộ, còn Chính phủ chỉ quy định chi tiết. Cho nên tôi đề nghị Điều 65 phải quy định cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu như có một điều quét này. Quan điểm của tôi cũng thống nhất với một số đại biểu đã phát biểu là ta thực hiện theo đúng Luật ban hành văn bản tức là Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều nào thì nên quy định vào đây hoặc nếu quy định luôn ở điều trên cụ thể thì càng tốt. Nếu có một điều quét này thì đúng là hiện giờ cũng rất băn khoăn. Vừa rồi cũng có một phóng sự trên truyền hình trong mục sự kiện thì cũng nói rất nhiều là khoảng trống pháp luật rồi luật treo v.v... rồi nợ hơn 100 nghị định v.v... Chúng tôi đề nghị các nghị định mà hiện nay Ban soạn thảo dự thảo có những vấn đề gì đưa được vào luật này thì chúng tôi đề nghị cân nhắc kỹ để đưa vào, tránh tối đa những luật khung hay luật phải chờ nghị định thì mới thi hành được.

Các văn bản liên quan