Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thế Vượng – Tỉnh Hải Dương

Thứ Ba 12:20 30-05-2006

Thứ nhất là về vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị Quốc hội cân nhắc về vị trí của cơ quan Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là thuộc Bộ Tài chính nhưng có tính độc lập tương đối.

Đây là vấn đề cần được cân nhắc. Trước hết, ngay tên gọi thì tôi thấy băn khoăn là không thể có một Uỷ ban Nhà nước mà lại nằm trong một Bộ. Chúng ta đã có rất nhiều Uỷ ban Nhà nước. Ví dụ như Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. bây giờ chúng ta cũng có một số Uỷ ban như Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em, Uỷ ban dân số, kế hoạch hoá gia đình, v.v... cho nên ngay bản thân tên mà đặt là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuốc Bộ là đã không phù hợp. Chúng tôi nghĩ đây không phải đơn thuần chỉ là câu chữ, đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, cơ quan này mà đặt trong Bộ Tài chính thì nó có liên quan đến một số vấn đề mang tính nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trước hết chúng tôi thấy về tổ chức, theo Luật tổ chức Chính phủ thì quản lý về một lĩnh vực nào đó hay nhiều lĩnh vực mà giao cho một Bộ thì Bộ đó phải chịu trách nhiệm quản lý.

Nội dung quản lý Nhà nước có hai vấn đề.

Một là ban hành văn bản thuộc thẩm quyền hoặc là giúp Chính phủ hoặc Quốc hội để soạn thảo những văn bản pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai là anh quản lý thực tế hoạt động quản lý Nhà nước.

Nhưng riêng đối với lĩnh vực này thì khác với tất cả mọi lĩnh vực khác, riêng lĩnh vực này quản lý với nội dung ban hành văn bản giao cho Bộ trưởng tài chính, còn những nội dung quản lý khác thì giao cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và để giải quyết khó khăn này chúng ta giao Bộ trưởng chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện những nội dung quy định ở Điều 8.

Đây là một vấn đề mà chúng tôi thấy rằng phải hết sức cân nhắc, vì trách nhiệm nó sẽ không minh bạch, không rõ ràng. Vì toàn bộ nội dung ở Điều 8 là người chịu trách nhiệm quản lý, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Quốc hội, trước Chính phủ, nhưng mà nó lại vướng một cái là tất cả các việc làm như: Cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, thu hồi giấy phép v.v...thì Uỷ ban chứng khoán Nhà nước quyết, nhưng lại phải theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng. Chúng tôi chưa biết cách chỉ đạo ở đây cụ thể nội dung chỉ đạo như thế nào. Nếu có những việc gì xảy ra thì người chỉ đạo chịu trách nhiệm hay là người trực tiếp quản lý chịu trách nhiệm. Đấy là một vấn đề, rồi đến nguyên tắc tổ chức cũng vậy.

Ví dụ, bây giờ bổ nhiệm một ông Bộ trưởng thuộc Bộ Tài chính thì là ông Bộ trưởng là đúng rồi, nhưng bây giờ nếu như chúng tôi cũng chưa hình dung ra Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là tổ chức bộ máy như thế nào, thì những đơn vị trực thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước này, thì ai sẽ bổ nhiệm, và cách thức sẽ như thế nào, rồi nó sẽ khác với tất cả các Bộ khác. Đấy là vấn đề chúng tôi thấy nó liên quan đến rất nhiều, và đồng thời sẽ liên quan đến một số văn bản pháp luật khác. Ví dụ, ngay vấn đề thanh tra thì ở trong Luật này cũng đã khác với Luật thanh tra mà Quốc hội đã ban hành. Điều 107 Thanh tra chứng khoán có hai khoản: Thanh tra chứng khoán là thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hai là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thanh tra chứng khoán là do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Điều này hoàn toàn trái với Luật về thanh tra, Luật Thanh tra khẳng định chỉ có thanh tra Bộ, mỗi Bộ chỉ có một cơ quan thanh tra và làm hai chức năng. Chức năng thứ nhất là thanh tra hành chính và chức năng thứ hai là thanh tra chuyên ngành. Dù có bao nhiều ngành, lĩnh vực một Bộ quản lý thì Bộ đó cũng chỉ có một cơ quan thanh tra, đấy là theo Luật Thanh tra và gọi là cơ quan thanh tra Bộ và làm luôn cả hai chức năng đó.

Bây giờ ở đây chúng ta lại xác định có thanh tra chuyên ngành về chứng khoán và nằm trong Ủy ban chứng khoán thì như vậy thanh tra của Ủy ban chứng khoán này chỉ làm một vế là thanh tra chuyên ngành, còn phần thanh tra hành chính thuộc phạm vi trách nhiệm của Ủy ban chứng khoán thì chắc lại phải thuộc chức năng của thanh tra Bộ. Như vậy là không phù hợp với Luật Thanh tra mà Quốc hội đã ban hành. Nó sẽ liên quan đến một loạt các vấn đề ở đây, ví dụ chúng ta có Luật Thanh tra cũng không giao cho Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của thanh tra chuyên ngành. Việc này đã có luật, mà có luật rồi thì Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn và trong luật cũng xác định rõ là Chánh thanh tra Bộ vừa trực thuộc Bộ trưởng, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, đồng thời phải chịu sự chỉ đạo của thanh tra Nhà nước về tổ chức, về nghiệp vụ v.v... Cho nên chỗ này chúng tôi thấy không phù hợp, từ đó tất cả những điều trong này liên quan đến thanh tra, liên quan đến giải quyết khiếu nại, liên quan đến việc khởi kiện ra tòa hành chính thì chắc chắn với tổ chức như thế này thì sẽ khác với các trường hợp ở lĩnh vực, ở các Bộ khác.

Các văn bản liên quan