Trích ý kiến của ĐBQH Phạm Quang Dự – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Sáu 08:54 26-05-2006

Trong nhiều năm nay trong các báo cáo về đánh giá tình hình kinh tế xã hội của nước ta, năm nào cũng đánh giá là tốc độ tăng trưởng của chúng ta tương đối cao, nhưng chất lượng tăng trưởng và đặc biệt là sự cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như cạnh tranh của hàng hóa nói riêng của chúng ta còn thấp kém. Nếu căn cứ theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật hiện nay thì chúng ta cũng thấy rõ một vấn đề là tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chính là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì những chuẩn mực trong quan hệ kinh tế, thương mại, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá.v.v...Thực trạng 40 năm qua chúng ta mới xây dựng được khoảng 8.000 tiêu chuẩn Nhà nước, 3.000 tiêu chuẩn cấp ngành và hàng chục nghìn tiêu chuẩn cơ sở. Chỉ riêng trong 8.000 tiêu chuẩn Nhà nước mới rà soát và bãi bỏ 2.400 tiêu chuẩn, tức là khoảng 30%, trong 70% còn lại này, tức là 5.600 tiêu chuẩn thì chúng tôi cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rồi đây trong kỳ thông qua chính thức sẽ báo cáo lại chính thức xem là chúng ta đã rà soát hết chưa, liệu 5.600 tiêu chuẩn, tức là 70% tiêu chuẩn cấp Nhà nước này cũng như 3.000 tiêu chuẩn cấp ngành, liệu có còn có tình trạng là những tiêu chuẩn đã lạc hậu, cũ kỹ. Trong nhiều năm trước đây chúng tôi biết rằng có rất nhiều tiêu chuẩn của chúng ta đã dịch từ Gost của Liên Xô cũ trước đây, dịch thẳng và áp dụng cho chúng ta. Chúng ta cũng đều biết là những tiêu chuẩn đó có tiêu chuẩn từ những năm 50, 60 nó quá cũ kỹ, lỗi thời những vẫn được dịch và áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, hàng hoá.v.v...
Cho nên, việc kỳ này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định nâng pháp lệnh thành luật là rất kịp thời. Bởi vì đây là việc chúng ta sẽ góp phần rất quan trọng vào việc để từ những năm sau chúng ta sẽ có thêm tiến bộ về chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng sức cạnh tranh hàng hoá chúng ta.
 
Về các vấn đề Báo cáo thẩm định nêu cũng như gợi ý của Đoàn Chủ tịch chúng tôi xin có ý kiến như sau:
Trước hết về tên của luật chúng tôi cho rằng có thể để như Tờ trình của Chính phủ. Về cấp tiêu chuẩn trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và được quy định tại Điều 9 chúng tôi cũng tán thành như thẩm định của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường cũng thống nhất như trong Tờ trình. Như vậy chúng ta chỉ nên để ở hai cấp tiêu chuẩn, tức là cấp tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cấp cơ sở. Vì thực tế trong thực tiễn như vậy rất nhiều tiêu chuẩn cấp ngành của chúng ta vừa qua hoàn toàn đúng ra có thể coi là tiêu chuẩn cấp quốc gia đặc thù riêng cho ngành, chúng ta có thể hoàn toàn chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia.
 
Về thẩm quyền phê duyệt thẩm định công bố tiêu chuẩn ở Điều 10 chúng tôi tán thành đa số ý kiến của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường cũng như Tờ trình, tức là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng, phê duyệt Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.
Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức thẩm định Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở như các tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Chúng tôi tán thành như quy định ở điểm 10.
 
Về nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia ở Điều 21. Chúng tôi cũng tán thành như phân tích thẩm định của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, chúng tôi cũng tán thành như dự thảo.
Trước hết là vấn đề tiêu chuẩn nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, bởi vì nếu chúng ta mà tiêu chuẩn cũng áp dụng bắt buộc thì sẽ trở thành trì trệ, nếu có những tiêu chuẩn lạc hậu mà chúng ta bắt buộc, chúng tôi chỉ nói nôm na, thì rõ ràng sẽ gây lên sự trì trệ rất lớn.
Nếu tự nguyện xây dựng, tự nguyện áp dụng thì chúng ta mới có đổi mới nhanh về công nghệ và mới nâng cao được chất lượng hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh. Còn quy chuẩn, tôi cũng tán thành là phải bắt buộc.
 
Về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ở Điều 25. Chúng tôi cũng tán thành đối với dự thảo luật, cũng như đại đa số ý kiến của Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường. Ở đây chúng tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến vào một số điều cụ thể.
 
Thứ nhất là ở Điều 5, nguyên tắc cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn hoá. Ở Khoản 1 có nêu hoạt động tiêu chuẩn hoá phải bảo đảm không phân biệt, đối xử về xuất sứ của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, không gây cản trở quá mức cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại, bảo đảm công khai minh bạch. Tôi thấy chỗ gây cản trở quá mức cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại, bảo đảm công khai minh bạch. Tôi thấy chỗ gây cản trở quá mức cần thiết, chữ quá mức cần thiết nếu chúng ta để trong luật thì sau này sẽ áp dụng như thế nào, như thế nào là quá mức cần thiết? Trong khi đó ở Điều 8, ở khoản nghiêm cấm lại có khác là lợi dụng hoạt động tiêu chuẩn hoá để cản trở bất hợp pháp sản xuất kinh doanh thương mại. Cho nên quy định ở 2 điều khác nhau như thế này, một điều là "quá mức cần thiết", một điều là "cản trở bất hợp pháp" thì chúng ta nên cân nhắc như thế nào, sử dụng ở hai điều này cho phù hợp. Đề nghị ban soạn thảo cũng nên cân nhắc. Bởi vì để chữ "quá mức cần thiết" thì sau này áp dụng cũng không phải áp dụng như luật pháp.
 
Thứ hai, liên quan đến Điều 8: Những hành vi nghiêm cấm. Ngoài Khoản 1 ở trên, chúng tôi cho rằng quy định có 3 khoản ở đây thì sau này rất khó xử lý. Và 3 khoản này nhìn chung là vẫn còn chung chung và chưa cụ thể. Cho nên, chúng tôi đề nghị Ban Soạn thảo cụ thể hoá hơn nữa những hành vi nghiêm cấm. Ví dụ chúng tôi thấy cần phải bổ sung một hành vi nữa, bởi vì ở trên này, tức là những hành vi này có tính chất chung và nguyên tắc nhiều hơn. Nhưng một hành vi của cơ quan thẩm định cũng như cấp Giấy chứng nhận, hợp chuẩn là cần phải có một điều cấm là cấm gây phiền hà, sách nhiễu trong việc cấp Giấy chứng nhận hợp chuẩn chứng nhận hợp quy đó là một điều rất cần thiết phải bổ sung ở nghiêm cấm, nếu không chúng ta tập trung đầu mối về Bộ Khoa học và công nghệ và Môi trường, nếu không cẩn thận dẫn tới tình trạng độc quyền gây phiền hà nhũng nhiễu, đây là điều cần phải nghiêm cấm. Tiếp đến về Điều 12: Cơ sở xây dựng tiêu chuẩn chúng tôi cho rằng 4 cơ sở nêu trên chưa đầy đủ.
Thứ nhất, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn.
Thứ hai là kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật.
Thứ ba là kinh nghiệm thực tiễn,
Thứ tư là kết quả đánh giá khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định nhưng tôi thấy có khoản thứ 5 cần phải nêu mà cũng đã nêu ở phần nguyên tắc.
Nhưng cần phải nhấn mạnh ở phần cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, đó là nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển của kinh tế xã hội, tức phải đáp ứng nhu cầu của thị trường chứ không thể chúng ta xây dựng cơ sở tiêu chuẩn siêu thực tế thì sẽ không áp dụng được.
 
Điều thứ 17 là điều rất quan trọng về vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia. Ở đây Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức rà soát tiêu chuẩn quốc gia định kỳ 3 năm một lần kể từ ngày tiêu chuẩn công bố, hoặc sớm hơn khi cần thiết thì việc đề là định kỳ 3 năm một lần như thế này đã phù hợp chưa. Bởi vì từng lĩnh vực sản xuất, từng lĩnh vực công nghệ có những tiến bộ khoa học kỹ thuật rất khác nhau, có những lĩnh vực tiến bộ khoa học công nghệ không phải là 3 năm, có khi một năm, có khi 6 tháng đã đổi một thế hệ công nghệ kỹ thuật mới. Nếu chúng ta để cho cơ sở xây dựng tiêu chuẩn mà chúng ta quy định như thế này thì hơi dài, cho nên cần xem xét lại con số 3 năm các đồng chí nêu. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào từng lĩnh vực sản xuất, từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể.

Các văn bản liên quan