Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự

Thứ Hai 11:40 27-04-2015

NỘI DUNG GỢI Ý GÓP Ý BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Đơn vị góp ý: Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước  _ “SCIC"

Vấn đề

Nội dung mới tại Dự thảo

Ý kiến của SCIC

Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
(Điều 71)

Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả pháp nhân, thay vì chỉ với cá nhân như trước đây.

Chỉ áp dụng đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế mà không áp dụng với các loại pháp nhân khác.

Đồng ý với việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế_Vì: rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới; đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác giữa các quốc gia nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm do pháp nhân kinh tế gây ra, mà trước hết là hợp tác giữa các quốc gia ASEAN.

Nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân

(Điều 72)

1. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân phải thỏa mãn 3 điều kiện:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.

2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân

3. Việc xác định khung hình phạt đối với pháp nhân căn cứ theo khung hình phạt áp dụng đói với cá nhân;

Cơ bản nhất trí với nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân nêu tại Điều 72 Dự thảo này. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cũng cần làm rõ thế nào là “được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân” để bảo đảm áp dụng thống nhất trên thực tế.

Hình phạt đối với pháp nhân

(Điều 74)

Có 5 loại hình phạt dành cho pháp nhân:

- Phạt tiền

- Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn

- Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định

- Cấm huy động vốn

Theo Khoản 5 và Khoản 7 Điều 32 Dự thảo BLHS thì: Hình phạt chính đối với pháp nhân phạm tội bao gồm: a) Phạt tiền; b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; c) Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội bao gồm: a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; b) Cấm huy động vốn; c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

SCIC cho rằng việc áp dụng các hình phạt này đối với pháp nhân kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, cần có quy định áp dụng “hình phạt tiền” thay thế cho các hình phạt khác nếu pháp nhân vẫn đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để ít ảnh hưởng hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp.

Hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền

Mở rộng phám vi áp dụng hình phạt tiền (là hình phạt chính) đối với một số tội phạm nghiêm trọng, thậm chí tội phạm rất nghiêm trọng. Các tội được mở rộng hình phạt tiền là hình phạt chính gồm: Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Các tội phạm về môi trường.

Đồng ý với phương án mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với các tội này.

Chuyển đổi phạt tiền sang phạt tù

(Điều 34)

Phương án 1: Sau 6 tháng, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền thì sẽ chuyển sang phạt tù có thời hạn, mức quy đổi do Tòa án xác định ngay trong bản án.

Phương án 2: Không quy định việc chuyển đổi, mà xử lý theo Tội không chấp hành án.

Đồng ý với việc quy định chuyển đổi phạt tiền sang hình phạt tù như phương án 1 Điều 34, nhưng cần kéo dài thời hạn thi hành hình phạt tiền từ “Sau 6 tháng” thành “Sau 12 tháng”  để người bị án có điều kiện thi hành án.

Một số tội cụ thể

(Dự thảo BLHS quy định hơn 300 tội danh, VCCI trích dẫn một số tội có thay đổi lớn liên quan đến doanh nghiệp)

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

(Điều 140)

Phương án 1: (mở rộng phạm vi) Hành vi: (1) Vay mượn tài sản rồi dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản đó; (2) Vay mượn tài sản rồi sử dụng không đúng mục đích đã thỏa thuận đến đến không có khả năng trả lại tài sản.

Phương án 2 (giống quy đinh hiện nay): Hành vi: nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp pháp rồi (1) chiếm đoạt hoặc (2) sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại

Đồng ý với Phương án 2 (không mở rộng phạm vi của Tội này)_Vì: Thực tế việc “vay mượn tài sản rồi sử dụng không đúng mục đích đã thỏa thuận” diễn ra khá phổ biến trong hoạt động tín dụng, hoặc trong cộng đồng dân cư….nên việc mở rộng phạm vi tội này sẽ làm phức tạp hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

Tội kinh doanh trái phép

(Điều 198)

Quy định hiện nay: Kinh doanh trái phép bao gồm các hành vi: (1) Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; (2) Kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký; và (3) Kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

Quy định dự thảo: Kinh doanh trái phép bao gồm các hành vi: (1) Kinh doanh ngành nghề mà nhà nước cấm kinh doanh; (2) Kinh doanh những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không có giấy phép kinh doanh có điều kiện không đủ điều kiện; và (3) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị đình chỉ kinh doanh hoặc tước quyền kinh doanh.

Đồng ý với quy định của Dự thảo BLHS vì bảo đảm phù hợp và đồng bộ với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động

(Điều 218)

Đây là tội mới đưa vào trong Bộ luật hình sự.

“Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ số người hoặc số tiền phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 20 đến dưới 50 người lao động.

Đồng ý với việc bổ sung Tội này và cấu thành cơ bản của Tội này bắt buộc là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mới có thể xử lý hình sự.

Tội quảng cáo gian dối

(Điều 168,
luật cũ)

Bỏ tội này, vì thực tế việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày đều là quảng cáo gian dối, nhưng không xử lý hình sự. Chúng ta nên có cơ chế quản lý nhà nước chặt chẽ về vấn đề này, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.

Đồng ý với việc bỏ Tội này

Tội cho vay lãi nặng (Điều 203)

Xác định mức lãi suất tối thiểu bị xử lý hình sự là gấp 5 lần lãi suất được phép cho vay trong giao dịch dân sự (theo Bộ luật Dân sự)

Đồng ý với việc sửa đổi định mức lãi suất tối thiểu áp dụng với Tội này như Dự thảo.

Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
(Điều 208)

Tội  này xử lý các hành vi:

(1) Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

(2) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp phép;

(3) Cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định;

(4) Vi phạm quy định về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần;

(5) Giả mạo chứng từ thanh toán; phá hủy hoặc làm thay đổi trái phépchứng từ thanh toán; mở hoặc sử dụng phương tiện thanh toán không đúng quy định pháp luật;

(6) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động  tín dụng.

Đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung các hành vi xử lý hình sự theo Tội này.

Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165, luật cũ)

Bỏ tội này, với lý do: Tội danh này chung chung, không cụ thể, phạm vi rộng, giống như cái túi để xử lý bất cứ vi phạm nào. Như vậy là không minh bạch, dễ bị lạm dụng. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể nhiều hành vi phạm tội trong lĩnh vực kinh tế như các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ

Đồng ý với việc bỏ Tội này

Tội gây ô nhiễm môi trường

(Điều 227)

Quy định rõ ngưỡng chất thải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần phải xem xét đến hậu quả thực tế.

Quy định khung hình phạt riêng dành cho pháp nhân vi phạm với mức phạt cao hơn nhiều lần so với các cá nhân phạm tội.

Cơ bản đồng ý với nội dung sửa đổi, bổ sung  đối với Tội này. Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với cá nhân phạm tội là tương đối nặng nên giảm xuống bằng ½ mức quy định trong Dự thảo để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Các tội phạm về chức vụ

(Chương XXIII)

Mở rộng phạm vi xử lý các tội phạm về chức vụ, không chỉ trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mà bao gồm cả các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân, gồm các tội: (1) tội tham ô tài sản; (2) tội đưa hối lộ; (3) tội nhận hối lộ; và (4) tội môi giới hối lộ

Đồng ý với việc mở rộng phạm vi xử lý các tội có chức vụ ra cả khu vực ngoài Nhà nước đối với các tội: (1) Tội tham ô tài sản; (2) Tội đưa hối lộ; (3) Tội nhận hối lộ; (4) Tội môi giới hối lộ như Dự thảo Bộ luật Hình sự …nhằm bảo đảm phù hợp với khuyến nghị của Công ước chống tham nhũng, các quốc gia thành viên xem xét để hình sự hoá hành vi biển thủ tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ trong khu vực tư và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng hiện nay.

Các văn bản liên quan