Tờ trình của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 14:11 05-06-2009

CHÍNH  PHỦ

_________

Số: 48/TTr-CP

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________________________

     Hà Nội, ngày 9  tháng 4  năm 2009

 

TỜ TRÌNH

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

_________

 

Kính gửi: Quốc hội

 

Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XII và năm 2008; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan hữu quan chuẩn bị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Phiên họp Chính phủ ngày 24 tháng 12 năm 2008 đã thảo luận thống nhất trình Quốc hội Dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Nay Chính phủ kính trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

I. Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung

1. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ:

Việc Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản pháp luật cũng đã được ban hành kịp thời 05 Nghị định của Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 04 Thông tư cùng 04 Quyết định của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về “Tăng cường quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan”; Nghị định “Xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan” để ban hành.

Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành đã tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Về cơ bản, nó đã kế thừa các giá trị của các văn bản pháp luật được thể nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể (người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng thụ hưởng), bảo vệ lợi ích quốc gia, tương thích với luật pháp quốc tế, thể hiện sự minh bạch, khả thi. Vì vậy, nó đã thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia, góp phần quan trọng kết thúc quá trình đàm phán để Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trong hai năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Có trên 100 hội nghị, lớp tập huấn, hội thảo đã được tổ chức cho các đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan, từ giới sáng tạo đến nhà sử dụng, các cơ quan quản lý và thực thi với trên 10.000 lượt người tham dự. Nhận thức của công chúng, đặc biệt là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được nâng lên thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục và thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ từ quyền tác giả, quyền liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Hầu hết các bản ghi âm, ghi hình, chương trình máy tính có giá trị bị sao chép lậu, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng bị làm giả, làm nhái. Môi trường kỹ thuật số nói chung, mạng thông tin điện tử nói riêng đã được khai thác với động cơ vụ lợi, xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Một số vụ việc đã được các tổ chức quốc tế, các quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các cơ quan nhà nước Việt Nam xem xét, xử lý.

Tình trạng vi phạm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật. Năng lực, kinh nghiệm và hệ thống thực thi pháp luật có nhiều hạn chế, bất cập. Pháp Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn những quy định chưa phù hợp trong hoạt động thực thi bảo vệ quyền, một số điều khoản chưa tương thích với pháp luật quốc tế.

2. Những tồn tại chính của Luật Sở hữu trí tuệ:

- Có một số điều khoản chưa tương thích với luật pháp quốc tế: quy định về giới hạn quyền tác giả tại Điều 26, giới hạn quyền liên quan tại Điều 33, chưa phù hợp với Công ước Berne. Nội dung quyền đối với giống cây trồng không tương thích với Công ước UPOV, quy định tại các Điều 157, 160, 163, 165, 178, 186, 187, 188, 190, 194.

Có một số điều khoản có lỗi về kỹ thuật dẫn đến chưa tương thích với Công ước Berne tại các Điều 42 khoản 1 điểm a về tác phẩm “khuyết danh”; về loại hình tác phẩm tại Điều 14 khoản 1 điểm k thiếu tác phẩm “kiến trúc” chưa thực sự phù hợp với Công ước Berne.

- Có một số quy định qua thực tế thi hành bộc lộ những hạn chế, bất cập như các quy định về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại các Điều 87, 90, 119, 134, 154; các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các Điều 201, 211, 214, 216, 218.

- Một số vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập phải đáp ứng nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với pháp nhân và công dân nước ngoài, như vấn đề thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 27, 34) cần được kéo dài hơn so với quy định hiện hành.

Nguyên nhân của các tồn tại của Luật Sở hữu trí tuệ:

- Về khách quan: bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề mới và phức tạp đối với Việt Nam, vì vậy, không tránh khỏi các khiếm khuyết và lỗi về kỹ thuật lập pháp trong quá trình chuẩn bị và phê duyệt.

- Về chủ quan: có một số điều luật được quy định nhằm đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động của các phương tiện phát sóng công cộng phục vụ cộng đồng nhưng chưa phù hợp với luật pháp quốc tế (Điều 26, 33). Vấn đề này đã trở thành vấn đề tại các diễn đàn quốc tế liên quan, tại các vòng đàm phán về việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 của Quốc hội về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam đã quy định áp dụng trực tiếp sự điều chỉnh các Điều 26, 33 của Luật Sở hữu trí tuệ tại phụ lục kèm theo Nghị định thư: “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”.

3. Để giải quyết các tồn tại, bất cập trên về pháp luật và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thể chế hóa Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11, đồng thời sửa đổi một số điều khoản khác hiện đang chưa tương thích với luật pháp quốc tế, một số điều khoản chưa phù hợp gây khó khăn cho hoạt động thực thi, cũng như những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hội nhập, khắc phục các tồn tại bất cập, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam bình đẳng với công dân và pháp nhân của các quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động thực thi tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi đồng thời sẽ góp phần quan trọng phát huy năng lực sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển thị trường công nghệ, từ đó nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả thực thi, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

II. Quá trình xây dựng Dự án Luật

Thực hiện Quyết định số 25/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2013/QĐ-BVHTTDL, ngày 06 tháng 5 năm 2008 thành lập Ban soạn thảo liên ngành, Quyết định số 2017/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 5 năm 2008 thành lập Tổ biên tập liên ngành, đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

Tháng 5 năm 2008, Dự án Luật được khởi động thực hiện. Với tinh thần chủ động và tích cực, Ban soạn thảo đã hoàn tất Báo cáo tổng kết hai năm thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ.

Ban soạn thảo đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của đại diện giới sáng tạo, nhà sử dụng, các cơ quan quản lý và thực thi ở Trung ương và địa phương. Ban soạn thảo cũng tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia.

Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định tại văn bản số 4135/BTP-PLDSKT ngày 19 tháng 12 năm 2008. Các ý kiến đóng góp, ý kiến thẩm định đã được Ban soạn thảo tiếp thu và hoàn chỉnh Dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo đã có tờ trình Chính phủ số 201/TTr-BVHTTDL ngày 10 tháng 12 năm 2008 về Dự án Luật. Ngày 23 tháng 12 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo số 211/BC-BVHTTDL về việc tiếp thu ý kiến đóng góp và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 12 (ngày 23 và 24 tháng 12 năm 2008), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo trước Chính phủ về Dự án Luật. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo số 8710/BC-VPCP ngày 20 tháng 12 năm 2008 tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp, các Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc để tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội. Riêng việc Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị được thực hiện vai trò quản lý về bản quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy không nên chia trách nhiệm như vậy vì các tác phẩm thuộc quyền tác giả, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc quyền liên quan được bảo hộ gồm nhiều loại hình, các nước cũng chỉ giao cho một cơ quan quản lý. Về sở hữu trí tuệ, ở Việt Nam hiện đã giao cho ba cơ quan tham gia quản lý nhà nước, điều này phù hợp với mô hình quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 4 tháng 2 năm 2009, Chính phủ đã có Tờ trình số 12/TTr-CP trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật.

Ngày 23 tháng 2 năm 2009, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 705/BC-UBPL12. Tại phiên họp thứ 17 ngày 24 tháng 2 năm 2009, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung thuộc Dự án do Chính phủ trình và Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Ngày 11 tháng 3 năm 2009, Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đã họp và thảo luận về Dự án Luật.

Tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ban soạn thảo đã tu chỉnh Dự án Luật.

III. Quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung

Năm quan điểm xây dựng, trình và phê duyệt Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 tiếp tục được quán triệt để triển khai thực hiện Dự án, bao gồm: thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy phạm hóa nội dung Nghị quyết số 71/2006/QH11 về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam;  bảo vệ lợi ích quốc gia; bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng thụ hưởng; kế thừa các giá trị pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tiếp thu các chuẩn mực quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Từ các quan điểm trên, 3 hướng chính cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ gồm:

- Sửa đổi một số điều khoản có nội dung chưa tương thích với các điều ước quốc tế đa phương, các điều khoản khác phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập;

- Sửa đổi một số điều khoản đang nảy sinh các vướng mắc trong thực thi;

- Chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật về nội dung văn bản và các từ ngữ phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

IV. Nội dung cơ bản của các điều khoản sửa đổi, bổ sung

1. Từ các quan điểm chỉ đạo và hướng sửa đổi, bổ sung nêu trên, Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Ban soạn thảo chuẩn bị, tổ chức lấy ý kiến đối với các cơ quan, tổ chức liên quan. Có 4 nhóm vấn đề được đề cập đến trong việc sửa đổi, bổ sung gồm:

a) Sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới nội dung quyền tác giả, quyền liên quan và quyền đối với giống cây trồng, thuộc Phần thứ hai và Phần thứ tư Luật hiện hành;

b) Sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thuộc Phần thứ ba và Phần thứ sáu Luật hiện hành;

c) Sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới chính sách về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuộc Phần thứ nhất và Phần thứ năm Luật hiện hành;

d) Sửa đổi, bổ sung đối với các điều, khoản liên quan tới kỹ thuật văn bản và thay đổi từ ngữ phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.

2. Nội dung sửa đổi, bổ sung chính tại một số điều khoản:

a) Phần thứ nhất: sửa đổi, bổ sung 4 Điều, gồm các Điều 3, 7, 8, 11

Điều 3: bổ sung cụm từ “vật liệu thu hoạch”, quy định rõ và đầy đủ nội hàm của vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch tại điểm a, b khoản 3 để phù hợp Công ước UPOV về giống cây trồng.

Điều 7: bổ sung quy định về bảo hộ sáng chế mật. Đây là vấn đề mới và phức tạp, vì vậy đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể để thực hiện và sẽ được luật hoá sau một thời gian kiểm nghiệm qua thực tiễn thi hành.

Điều 8: để thực hiện được những chính sách đã quy định tại Điều này phải có sự đầu tư các nguồn lực khác nhau, trong đó có nguồn từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị bổ sung khoản 5 về đẩy mạnh đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

b) Phần thứ hai: sửa đổi, bổ sung 10 Điều, gồm các Điều 14, 25, 26, 27, 30, 33, 34, 42, 50, 51

Điều 14: bổ sung 2 từ “kiến trúc” vào điểm k khoản 1 để phù hợp với Công ước Berne.

Điều 25: bổ sung vào khoản 2 Điều 25 nội dung: “Giao Chính phủ quy định cụ thể về các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và lưu hành đĩa quang; sử dụng đĩa quang trắng để định hình, sao chép” làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh đĩa quang; sử dụng đĩa quang trắng để sao chép tác phẩm thuộc quyền tác giả, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng thuộc quyền liên quan.

Đây là vấn đề mới và phức tạp, vì vậy đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể để thực hiện. Nó sẽ được Luật hoá vào thời điểm thích hợp.

Sửa khoản 3 theo hướng không áp dụng điểm a, đ khoản 1 đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

Điều 30: Bổ sung cụm từ “nhập khẩu” để phù hợp với Điều 2 Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ. Việc bổ sung này cũng phù hợp với Điều 4 khoản 6 BTA. Đồng thời nó cũng phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 20 Luật SHTT về quyền tài sản thuộc quyền tác giả.

Điều 26, 33: sửa để phù hợp với Điều 11bis Công ước Berne, quy phạm hoá Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư thành lập WTO về việc áp dụng trực tiếp nội dung quy định tại Phụ lục kèm theo.

Điều 27, 34: sửa theo hướng kéo dài thời hạn bảo hộ tới 75 năm đối với loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh; cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, để cân bằng lợi ích giữa loại hình tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc đời người và loại hình tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc định hình hoặc công bố; đồng thời để bảo đảm sự công bằng cho người Việt Nam với người nước ngoài khi áp dụng thời hạn bảo hộ này theo cam kết tại BTA và thực hiện nguyên tắc đối xử tối huệ quốc của Hiệp định TRIPS.

Như vậy, các loại hình tác phẩm còn lại bao gồm tác phẩm văn học, khoa học, giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài phát biểu, báo chí, kiến trúc, tạo hình, âm nhạc, chương trình máy tính v.v... quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 27 vẫn giữ nguyên thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

Điều 42: sửa để phù hợp với Công ước Berne về việc hưởng quyền của chủ sở hữu đối với tác phẩm khuyết danh theo hướng tổ chức, cá nhân quản lý được hưởng quyền đến khi danh tính chủ sở hữu xuất hiện.

c) Phần thứ ba: sửa đổi, bổ sung 5 Điều, gồm các Điều 87, 90, 119, 134, 154.

Điều 87: bổ sung quy định về đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm để thống nhất quyền quản lý chỉ dẫn địa lý - đối tượng được coi là tài sản quốc gia.

Điều 90: sửa đổi nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để bảo đảm không cấp nhiều văn bằng bảo hộ cùng loại đối với cùng một đối tượng hoặc đối với các đối tượng không khác biệt nhau.

Điều 119: sửa đổi điểm a, b khoản 2 Điều 119 để giãn thời hạn thẩm định nội dung đơn (đối với đơn sáng chế, từ 12 tháng thành 18 tháng và đối với đơn nhãn hiệu và kiểu dáng, từ 6 tháng thành 9 tháng) nhằm đảm bảo tính khả thi, cấp văn bằng chính xác, tránh tồn đọng hồ sơ đăng ký, cũng như tránh phải hủy bỏ văn bằng bảo hộ để bảo đảm quyền ưu tiên theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

(Giữ nguyên thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 119).

Điều 134: sửa mốc thời gian xác lập quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp để bảo đảm tương thích với Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Điều 154: bổ sung để làm rõ quyền được kinh doanh dịch vụ sở hữu công nghiệp của tổ chức nước ngoài có tư cách pháp lý độc lập.

d) Phần thứ tư: sửa đổi, bổ sung 10 Điều, gồm các Điều 157, 160, 163, 165, 178, 186, 187, 188, 190, 194.

Điều 157: sửa để phù hợp với Công ước UPOV về tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Điều 160: loại bỏ điểm d khoản 2 để phù hợp với Công ước UPOV.

Điều 163: loại bỏ điểm e khoản 3, bổ sung khoản 6 quy định về công khai tên giống cây trồng để phù hợp với Điều 20 Công ước UPOV.

Điều 165: sửa khoản 1, bỏ nội dung khoản 2 để phù hợp Điều 157 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 4 Công ước UPOV. Bổ sung nội dung khoản 2 quy định về việc giao Chính phủ hướng dẫn về tổ chức đại diện về quyền đối với giống cây trồng.

Điều 186: bổ sung khoản 2 quy định về quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng để phù hợp với khoản 2 Điều 14 Công ước UPOV. Chuyển khoản 2 cũ thành khoản 3, khoản 3 cũ thành khoản 4.

Điều 187: sửa đổi quy định về mở rộng quyền của chủ bằng bảo hộ để phù hợp với khoản 2 Điều 14 Công ước UPOV.

Điều 190: sửa đổi quy định về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ để phù hợp với khoản 2 Điều 15 Công ước UPOV. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục loài cây trồng nông dân được tự giữ giống nhưng có giới hạn về diện tích.

Điều 194: bổ sung khoản 4 quy định về việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng tạo ra bằng ngân sách nhà nước.

đ) Phần thứ năm: sửa đổi, bổ sung 5 Điều, gồm các Điều 201, 211, 214, 216, 218

Điều 201: sửa theo hướng các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì được phép thực hiện hoạt động giám định. Quy định này phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay, đồng thời đảm bảo chủ trương xã hội hoá của hoạt động này. Các Bộ liên quan có thể thành lập các đơn vị sự nghiệp để tham gia thực hiện hoạt động giám định.

Điều 211: mở rộng phạm vi xử lý hành chính đối với các hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (không giới hạn ở trường hợp có thông báo của chủ sở hữu mà vẫn tiếp tục xâm phạm).

Điều 214:

Phương án 1: Bãi bỏ quy định về mức phạt tiền theo giá trị hàng xâm phạm để áp dụng quy định chung của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.

Phương án 2: bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ở mức trên 500 triệu đồng cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Chánh thanh tra chuyên ngành cấp bộ.

Ban soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án 2. 

Điều 216: bổ sung quy định về việc xử lý hàng xuất khẩu là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ và biện pháp buộc cung cấp thông tin về nguồn gốc hàng hóa.

Điều 218: sửa thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan để phù hợp Điều 55 Hiệp định TRIPS, Điều 15.5 Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

e) Phần thứ sáu: sửa đổi Điều 220

Điều 220: sửa lời văn của quy định chuyển tiếp liên quan đến văn bằng bảo hộ cấp theo quy định pháp luật có hiệu lực trước Luật Sở hữu trí tuệ tại khoản 3 để tránh gây hiểu và áp dụng sai trong thực tiễn; bổ sung quy định áp dụng quy định chuyển tiếp cho tên gọi xuất xứ hàng hóa – đối tượng được xác lập quyền mà không cấp văn bằng bảo hộ.

V. Những vấn đề quan trọng xin ý kiến Quốc hội

Dự án Luật của Chính phủ đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Tuy nhiên, có một số vấn đề quan trọng, Chính phủ xin báo cáo để Quốc hội xem xét:

1. Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 27, 34)

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả: Việc đề xuất kéo dài thời hạn bảo hộ lên 75 năm chỉ áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng và tác phẩm khuyết danh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27. Như vậy, các loại hình tác phẩm còn lại bao gồm tác phẩm văn học, khoa học, giáo khoa, giáo trình, bài giảng, bài phát biểu, báo chí, kiến trúc, tạo hình, âm nhạc, chương trình máy tính v.v... quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 27 vẫn giữ nguyên thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

Trong BTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ không dưới 75 năm cho công dân và pháp nhân Hoa Kỳ đối với loại hình tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc định hình hoặc công bố (điểm a khoản 2 Điều 27). Việt Nam đã là thành viên của WTO, vì vậy phải áp dụng nguyên tắc đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với các thành viên của WTO. Theo nguyên tắc này thì công dân và pháp nhân của các thành viên WTO cũng được hưởng thời hạn bảo hộ 75 năm đối với loại hình tính quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27. Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa công dân và pháp nhân Việt Nam với công dân và pháp nhân Hoa Kỳ cũng như công dân và pháp nhân các nước thành viên WTO. Xu thế chung của các nước trên thế giới là kéo dài thời hạn bảo hộ đối với loại hình tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc định hình hoặc công bố, nhằm tạo ra cân bằng lợi ích với loại hình tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc đời người, vì tuổi thọ trung bình của con người đã được nâng lên. Vì vậy, đối với loại hình này, EU đưa ra yêu cầu cam kết tại Dự thảo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - EU không dưới 70 năm.

Về thời hạn bảo hộ quyền liên quan: đề xuất sửa khoản 1, 2, 3 Điều 34 nhằm kéo dài thời hạn bảo hộ lên 75 năm đối với quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Việc sửa đổi này nhằm phù hợp với đề xuất kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, khuyết danh được tính theo nguyên tắc định hình hoặc công bố; đồng thời tạo ra sự cân bằng lợi ích của nhóm quyền liên quan đối với nhóm quyền tác giả khác được tính thời hạn bảo hộ theo nguyên tắc đời người vì tuổi thọ bình quân của con người đã tăng lên là xu thế chung của các nước trên thế giới mà Hiệp hội công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) đã kiến nghị.

Trong trường hợp giữ nguyên thời hạn bảo hộ thì công dân và pháp nhân Việt Nam là bên bị thiệt hại trong hội nhập vì Việt Nam vẫn phải bảo hộ 75 năm cho công dân, pháp nhân Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của WTO vì đã có cam kết tại BTA.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên thời hạn bảo hộ theo quy định hiện hành, nhằm đảm bảo lợi ích của công chúng hưởng thụ. Việc cam kết với Hoa Kỳ thì Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ với công dân và pháp nhân Hoa Kỳ.

2. Về thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (khoản 2 Điều 119)

Việc điều chỉnh thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (giữ nguyên thời hạn thẩm định hình thức quy định tại khoản 1 Điều 119) là cần thiết, nhằm đảm bảo tính khả thi để tránh sự tồn đọng hồ sơ đăng ký quá hạn, bảo đảm cấp văn bằng chính xác để tránh gây khiếu kiện phiền phức và tốn kém, cũng như bảo đảm việc thực hiện quyền ưu tiên theo Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp để tránh khiếu kiện đòi hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Theo đó, thời hạn thẩm định nội dung đơn đối với sáng chế từ 12 tháng thành 18 tháng và đối với đơn nhãn hiệu và kiểu dáng từ 6 tháng thành 9 tháng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên giữ thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định hiện hành để bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu tạo điều kiện để sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sớm được đưa vào áp dụng, và phù hợp với xu thế cải cách hành chính. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký cần tăng cường cán bộ và trang thiết bị, cải tiến quy trình để đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn.

3. Về vai trò của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ (Điều 201)

Để bảo đảm cung cấp ý kiến chuyên môn sâu sắc và đáng tin cậy cho các cơ quan thực thi quyền, trong đó có các toà án, vốn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về đội ngũ và năng lực cán bộ khi giải quyết các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, song song với việc xã hội hóa hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, cần huy động nguồn lực chuyên gia trong các cơ quan, tổ chức của nhà nước tham gia hoạt động này. Các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quản lý cả hoạt động giám định, do đó hoạt động dịch vụ giám định cần được giao cho các tổ chức sự nghiệp của nhà nước. Vì vậy, cần có quy định về điều kiện hoạt động giám định đối với tổ chức, cá nhân. Quy định như vậy một mặt phải phù hợp với pháp luật về giám định tư pháp (phục vụ hoạt động xét xử), mặt khác phải đáp ứng nhu cầu thực tế về giám định hành chính (phục vụ hoạt động quản lý nhà nước) và giám định dân sự (phục vụ các nhu cầu của xã hội). Do đó, cần giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định cụ thể điều kiện về tổ chức và hoạt động đối với lĩnh vực này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc tham gia của các cơ quan nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định có thể sẽ không bảo đảm tính khách quan, độc lập của hoạt động này. Mặt khác, nếu thực hiện theo quy định này sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan nhà nước vừa cấp văn bằng, vừa đánh giá, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trên đây là những nội dung chủ yếu của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét để thông qua.

(Kèm theo: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Giải trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ)./.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng, các PTTg;

- Văn phòng Quốc hội;

- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn, Tư pháp;

- VPCP: BTCN, các PCN,

Các vụ: KGVX, TH;

- Lưu: Văn thư, PL (7b).H.

TM.CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

(Đã ký)

Hoàng Tuấn Anh

 

 

Các văn bản liên quan