Tìm lối đi riêng cho các ngân hàng – Theo hay không theo Luật Doanh nghiệp?

Thứ Ba 15:53 23-10-2007



XUNG QUANH DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI:
TÌM LỐI ĐI RIÊNG CHO CÁC NGÂN HÀNG (!?)
*Theo hay không theo Luật Doanh nghiệp?

Theo lộ trình, Dự thảo Nghị định (NĐ) đã được Ngân hàng Nhà nước(NHNN) gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, Bộ Tư pháp cũng đã có ý thẩm định, tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các ngân hàng (NH), các Luật gia tại một cuộc Tọa đàm mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức, rất nhiều ý kiến vẫn được đưa ra, kể cả sự cần thiết của việc ban hành NĐ…

“ĐAU ĐẺ KHÔNG CHỜ SÁNG TRĂNG…”

LS Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã đưa sự ví von rất bất ngờ như vậy về sự cần thiết của việc ban hành NĐ. Theo LS Huỳnh, thì NHNN Việt Nam đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật NHNN và Luật các TCTD dự kiến thông qua trong năm 2008, nếu Dự thảo NĐ tổ chức, quản trị và hoạt động của NH thương mại được thông qua thì NĐ này cũng chỉ có “tuổi thọ” 1 năm, nhưng vẫn đặt vấn đề soạn thảo NĐ bởi những yếu cầu bức xúc từ thực tiễn. “Không phải là cần nữa mà là quá cần. Thực tế từ 1/1/2006, khi Luật DN 2005 có hiệu lực, các NH TMCP đã bị khủng hoảng về cơ sở pháp lý trong việc tổ chức và quản trị DN…”- LS Trương Thanh Đức, Trưởng ban Thư ký HĐQT Maritime Bank lên tiếng.

Về phía Ban soạn thảo, đại diện NHNN, ông Hoàng Huy Trung, Phó ban Chính sách Chế độ, NHNN cho biết, NĐ về tổ chức và hoạt động của NH thương mại đã được ban hành từ năm 2000 (Nghi định 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000), qua quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập so với thực tiễn, chưa kể Luật Các TCTD năm 1997 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2004 và ngoài ra, một số Luật khác có liên quan như Luật DN, Luật Đầu tư cũng được ban hành thay thế các luật cũ. Mặt khác, ông Trung cũng cho rằng, việc áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế trong NH là yếu tố sống còn của ngành NH Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các NH thương mại. Do vậy, cần có một khuôn khổ pháp lý thống nhất để hướng dẫn các NH quản trị NH theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực tốt nhất. “Áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị tại NH là vấn đề rất mới nhưng lại cần áp dụng sớm. Do đó, việc ban hành NĐ này sớm sẽ là bước đệm tốt nhằm đánh giá và hoàn thiện quá trình áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế trong NH, qua đó sẽ giúp cho NHNN Việt Nam soạn thảo đưa vào Luật các TCTD sửa đổi phù hợp hơn với tình hình của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các NH thương mại chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai Luật các TCTD sửa đổi khi Luật này được ban hành…”- Ông Trung lý giải.

 Bản Dự thảo NĐ đưa ra lấy ý kiến được đánh giá là khá dày dặn với 10 chương, 111 điều. Đồng tình với việc nhất thiết phải có hướng dẫn trước khi  sửa đổi, bổ sung Luật NHNN và Luật các TCTD, tuy nhiên, Phó ban Pháp chế VNBA, ông Trương Đình Song đề nghị NHNN nên tập trung sức lực, trí tuệ để làm tốt việc xây dựng, sửa đổi Luật NHNN và Luật các TCTD bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tháng 5/2008, và chỉ những vấn đề nào bất cập mà không có NĐ hướng dẫn (không trái luật) thì nên trình Chính phủ ban hành NĐ bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của NHTM.

NGHỊ ĐỊNH KHÔNG CĂN CỨ VÀO LUẬT?

Thực ra tại tờ trình, NHNN đã “nói trước” là Dự thảo NĐ được xây dựng theo hướng không căn cứ vào Luật DN 2005. Lý do là NHNN nhận thấy NH là loại hình kinh doanh có điều kiện và theo những quy định pháp lý đặc thù, khác với các loại hình DN khác được thành lập và hoạt động theo Luật DN 2005. Một số quy định tại Luật DN 2005, NHNN cho rằng khó khả thi khi áp dụng cho lĩnh vực NH như quy định về đăng ký kinh doanh; Về cổ đông sáng lập; Các quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của DN; Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc; Về việc xác định khái niệm “người có liên quan”…

Lập luận này lại bị chính các NH phản đối. LS Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Thư ký HĐQT Maritime Bank cho rằng, về nội dung điều này có phần hợp lý, nhưng về mặt pháp lý, thì lại trái với Luật Ban hành văn bản QPPL và trái với Luật DN. Tuy nhiên, LS Đức cũng tỏ ra băn khoăn: Nếu không ban hành NĐ này, thì lại tạo ra một khoảng trống pháp lý khá nghiêm trọng: Có Luật chung về DN nhưng lại chỉ áp dụng được một phần và có Luật riêng về NH nhưng lại bỏ ngỏ về tổ chức và quản trị DN. “Việc ban hành NĐ này chỉ là một giải pháp rất tạm thời trong khi chờ nâng cấp Luật các TCTD. Về mặt pháp lý là sai nguyên tắc, nhưng về thực tế là một sự bảo đảm pháp lý cao hơn cho các NH thương mại…”- LS Đức nói.

Ông Trương Đình Song,VNBA cũng cho rằng, thực tế hoạt động NH hiện nay nhiều vấn đề bất cập không phù hợp với luật các TCTD và NĐ 49/NĐ/2000/NĐ-CP, Luật DN và Luật Đầu tư, đó là các vấn đề về quản trị và điều hành của HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, cổ đông, mua và nắm giữ  cổ phần, cổ phiếu. Những vướng mắc đó chưa được quy định trong Luật các TCTD mà dự thảo NĐ đưa các nội dung này vào như vậy thì vượt quá phạm vi định của Luật hiện hành. Dự thảo cũng không tham chiếu Luật DN và Luật Đầu tư là chưa thỏa đáng mà từ các vấn đề quy định của Luật DN, Luật đầu tư liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của NHTM có trong 2 luật này cần phải được hướng dẫn ở NĐ này… “Ngoài NĐ này không có NĐ nào khác hướng dẫn…” -Ông Song quả quyết. Ông Song cũng đề nghị: Các vấn đề liên quan đến NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài đã được xử lý tại NĐ 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006, dự thảo đề cập 2 loại hình NH thương mại này trong khi Luật TCTD không quy định là trái luật.

Hẳn NHNN nhận thấy được cái khó khi phải soạn thảo một NĐ “lửng lơ” như thế này!  Dẫu sao thì với hoạt động của các NH trong thời kỳ hội nhập “nước sôi lửa bỏng” như thế này thì nói như LS Trương Thanh Đức “1 năm cũng là rất quý!”…

THANH LAN
BOX:
Ý kiến của Bộ Tư pháp:
Bộ Tư pháp thống nhất về tầm quan trọng và sự cần thiết của các nội dung quy định tại dự thảo NĐ về tổ chức, quản trị và hoạt động NH thương mại thay thế NĐ số 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NH thương mại nhằm quy định thống nhất, tập trung các nội dung liên quan tới tổ chức và hoạt động của các NH thương mại tại Việt Nam, tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp thì NHNN Việt Nam đã đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật NHNN và Luật các TCTD dự kiến thông qua trong năm 2008. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, hạn chế sự thay đổi làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của các NH thương mại, cần cân nhắc có nên ban hành NĐ thay thế NĐ 49 hay không? Vì NĐ này được ban hành thì chỉ áp dụng khoảng hơn 01 năm lại hủy bỏ. Bộ Tư pháp cho rằng nên nghiên cứu đưa các nội dung dự kiến sửa đổi vào Luật các TCTD dự kiến sửa đổi, bổ sung…

(Theo Dự thảo tờ trình Chính phủ về NĐ tổ chức, quản trị và hoạt động của NH thương mại của NHNN)

Theo Thanh Lan - Báo Pháp luật Việt Nam
  
 

Các văn bản liên quan