Tiến sỹ luật, Luật sư Nguyễn Ngọc Thạch

Thứ Hai 15:11 19-06-2006

Trước hết cho phép chúng tôi được bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ đối với Ban soạn thảo về việc cần có quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, một nhu cầu thực tiễn tồn tại từ nhiều năm nay ở nước ta. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo, chúng tôi thấy còn có  khá nhiều vấn đề cần được thảo luận, làm rõ thêm để quy định của Nghị định khi được ban hành đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống xã hội ở nước ta, xin nêu lên để Ban soạn thảo nghiên cứu.

1.     
Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh

o        Mặc dù các Điều 1 và 2 của Dự thảo không quy định rõ, nhưng tại Điều 8 và tờ trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã giới hạn phạm vi thực hiện dịch vụ đòi nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong giao dịch dân sự.

Điều này có vẻ giống với quy định ở một số nước phát triển (Chẳng hạn ở Mỹ, Bộ luật dân sự và Đạo luật về bảo vệ tín dụng tiêu dùng cũng quy định dịch vụ đòi nợ áp dụng cho các món nợ của các thể nhân, phục vụ mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình), tuy nhiên đối với nước ta có lẽ lại chưa thật sự phù hợp. Nhiều năm qua ở nước ta luôn có tình trạng có nhiều doanh nghiệp có các món nợ phát sinh trong kinh doanh thương mại đã quá hạn thanh toán nhưng không trả, mặc dù doanh nghiệp hoàn toàn có  khả năng trả được món nợ đó. Đây cũng là một mảng lớn làm phát sinh nhu cầu đòi nợ trên thực tế. Câu hỏi đặt ra là chúng ta xử lý thế nào đối với trường hợp này trong giai đoạn mà chủ nợ chưa nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp đó và chủ nợ cũng chưa khởi kiện để yêu cầu tòa án hoặc trọng tài tuyên buộc con nợ phải thanh toán nợ?

Không cho chủ nợ sử dụng dịch vụ đòi nợ trong giai đoạn này có vẻ như chúng ta đã tước mất của họ một cơ hội có thể sớm đòi được nợ với chi phí thấp nhất, đồng thời có vẻ như chúng ta muốn dồn gánh nặng này cho các cơ quan tài phán vốn đã quá tải ở nước ta hiện nay? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

o        Đối với các món nợ đã được tòa án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý (quy định tại Điều 8 của Dự thảo). Chúng tôi cho rằng quy định này thiếu sự rõ ràng cần thiết, vì theo quy định tại Điều 381 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005, thì bản án, quyết định của Tòa án chậm nhất phải được chuyển giao cho cơ quan thi hành án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, trong khi đó thời hiệu để yêu cầu thi hành án là 3 năm. Như vậy, trừ trường hợp đối với những bản án, quyết định phải thi hành ngay theo quy định của pháp luật, đối với các bản án, quyết định khác (mặc dù đã có hiệu lực pháp luật và đã được chuyển cho cơ quan thi hành án để xử lý), người được thi hành vẫn có thời hạn 3 năm để nộp đơn yêu cầu thi hành án. Do đó, cơ hội và khả năng sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê trước khi hết thời hiệu thi hành án là hoàn toàn thực tế. Hơn nữa điều này cũng làm giảm tải cho chính cơ quan thi hành án của chúng ta hiện nay. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định lại nội dung này của Điều 8 cho phù hợp.

o        Hoạt động đòi nợ theo quy định tại Điều 7 của Dự thảo và dịch vụ pháp lý của luật sư có liên quan đến việc thu hồi nợ của chủ nợ. Trong thực tiễn hành nghề luật sư, không thiếu trường hợp chủ nợ đến nhờ luật sư giúp đỡ để họ thu hồi nợ quá hạn từ các con nợ. Nếu đối chiếu đầu việc mà luật sư thực hiện với nội dung dịch vụ đòi nợ quy định tại  Điều 7 của Dự thảo Nghị định thì phần lớn nội dung công việc là giống nhau. Tuy nhiên chúng tôi thấy có sự khác biệt cơ bản của dịch vụ do luật sư cung cấp (bao gồm cả việc thay mặt chủ nợ làm việc với con nợ để yêu cầu con nợ trả nợ, đôn đốc con nợ thanh toán nợ, đàm phán với con nợ về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ trả nợ, đại diện cho chủ nợ làm việc với các cá nhân, tổ chức khác có liên quan nhằm làm cho chủ nợ thu hồi được nợ), đó là luật sư luôn căn cứ vào các quy định của pháp  luật để tư vấn, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn cho con nợ thực hiện thanh toán nợ và qua đó giúp cho con nợ tránh được việc phải theo kiện tại các cơ quan tài phán nhằm tránh cho con nợ phải tốn kém thêm thời gian, tiền bạc và những ảnh hưởng không tốt đến uy tín, danh dự của con nợ. Ngoại trừ trường hợp được chủ nợ ủy quyền bằng văn bản, luật sư thường không trực tiếp nhận thanh toán nợ từ con nợ để chuyển trả cho chủ nợ. Và do tính đặc thù này mà không có quốc gia nào yêu cầu luật sư phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi họ giúp chủ nợ thu hồi nợ từ con nợ. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề này trong Nghị định để tránh việc giải thích bất lợi cho việc hành nghề của luật sư khi được khách hàng đề nghị giúp đỡ họ thu hồi nợ.

o        Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ hoạt động dịch vụ đòi nợ. Chúng tôi cho rằng đây là một khía cạnh mà Dự thảo chưa có được sự chú ý đúng mức. Trên thực tế, khi thực hiện dịch vụ đòi nợ, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngoài việc phải làm việc với chủ nợ, con nợ (trong dự thảo gọi là khách nợ), các cá nhân, tổ chức khác có liên quan để thu nợ hoặc để cá nhân, tổ chức đó áp dụng các biện pháp thích hợp theo quy định của pháp luật nhằm làm cho chủ nợ thu hồi được nợ, họ còn phải làm việc, tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức khác có liên quan nhằm trước hết xác định được vị trí, địa chỉ xác thực của con nợ. Vậy thì đâu là giới hạn mà đơn vị thu hồi nợ được làm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức này đến đâu, những yêu cầu nào của đơn vị làm dịch vụ đòi nợ có thể bị từ chối và những yêu cầu nào phải đáp ứng, v.v Đề nghị Ban soạn thảo tham khảo thêm kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để nghiên cứu quy định trong Nghị định.

2.     
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ

o        Điều kiện về vốn điều lệ. Chúng tôi rất băn khoăn về quy định mức vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong Dự thảo. Ban soạn thảo không đưa ra được cơ sở của việc quy định mức vốn nói trên (tại sao lại là 5 tỷ đồng?). Ban soạn thảo cũng chưa đưa ra được mục đích của việc phải có số vốn điều lệ nói trên? Hơn nữa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là một loại hình tổ chức tín dụng, do đó áp đặt tiêu chí vốn điều lệ đối với loại hình này là không thích hợp (Điều này cắt nghĩa tại sao ở các quốc gia phát triển, dịch vụ đòi nợ “Debt Collection Service” lại được quy định trong Bộ luật dân sự mà không phải trong Bộ luật về ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng). Trên thực tế, không có gì để chứng minh được mối liên hệ giữa mức vốn điều lệ với việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dự thảo Nghị định cũng chưa hề có chế tài hoặc biện pháp nào khả dĩ có thể ngăn cản hoặc hạn chế tình trạng rất có thể xảy ra trên thực tế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau khi đã đòi được nợ không chuyển trả lại khoản nợ cho chủ nợ. Theo chúng tôi, không nhất thiết phải quy định mức vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, có thể thay bằng nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc, kết hợp với việc quy định việc thanh toán nợ thông qua tài khỏan của chủ nợ tại ngân hàng, giao tiền hoặc tài sản trực tiếp cho chủ nợ, nhằm ngăn chặn có  hiệu quả việc xù nợ, quỵt nợ của chính doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên thực tế.

o        Điều kiện về chuyên môn. Quy định buộc người quản trị, điều hành doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh phải có trình độ chuyên môn về pháp lý hoặc tài chính (Điều 14) còn quá chung chung (thế nào là có và có ở cấp độ nào?). Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ trong Nghị định.

o        Điều kiện về lý lịch. Theo chúng tôi quy định chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước là khó xác định, nên thay bằng lý lịch tư pháp trong đó có xác nhận không có tiền án, tiền sự thì hợp lý hơn.

o        Đối với sử dụng lao động trong dịch vụ đòi nợ.

o        Tại sao lại quy định người lao động làm việc đòi nợ phải có thời gian công tác trong lĩnh vực luật pháp hoặc tài chính từ 3 năm trở lên? Rõ ràng là không cần thiết. Chúng tôi cho rằng những người này chỉ cần có hiểu biết về pháp luật hoặc tài chính là đủ, và nếu họ chưa có hiểu biết về pháp luật hoặc tài chính thì thậm chí họ có thể phải qua một lớp tập huấn chuyên môn ngắn hạn do chính đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ đứng ra tổ chức. Quy định như trong Dự thảo có vẻ là quá khắt khe đối với người lao động làm công ăn lương trong doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

o        Do cơ quan cấp phép kinh doanh không kiểm soát và cũng không thể kiểm tra vấn đề này khi cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chúng tôi nghĩ cần bổ sung vào Điều 13 việc ai là người phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc đảm bảo sự tuân thủ quy định tại Điều này.

3.     
Về các hành vi bị nghiêm cấm

o        Chúng tôi e ngại rằng nội dung của Điều 12 trong Dự thảo còn chưa bao quát hết những hành vi cần bị nghiêm cấm khi thực hiện hoạt động dịch vụ đòi nợ trên thực tế. Do dịch vụ đòi nợ là một loại hoạt động khá nhạy cảm, nếu thực hiện không đúng có thể xâm hại đến những quyền hiến định của tổ chức và công dân khác, nên ở các nước phát triển người ta quy định khá cụ thể những hành vi mà đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc nhân viên của họ không được làm, chia theo một số phương diện sau: (i) giao tiếp có liên quan đến việc thu hồi nợ; (ii) những hành vi gây phiền nhiễu hoặc lạm dụng quyền đòi nợ bị nghiêm cấm; (iii) những hành vi mạo danh hoặc có thể gây hiểu lầm bị nghiêm cấm; (iv) những hành vi bất công, gian lận bị nghiêm cấm. Và các loại hành vi bị nghiêm cấm này được xem xét trong các mối quan hệ: đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ - cá nhân, tổ chức khác có liên quan; đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ - cá nhân, tổ chức nơi con nợ làm việc; đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ - con nợ hoặc người thân của con nợ. Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm còn được quy định trên các khía cạnh tôn trọng các quyền về tài sản và phi tài sản của các đối tượng trên. Nếu chỉ quy định sơ sài như trong Dự thảo thì ngay cả tình trạng “bắt nợ”mà lâu nay chúng ta thường thấy trên thực tế cũng chưa được ngăn cấm triệt để. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các quốc gia có hoạt động đòi nợ phát triển tốt để bổ sung  cho quy định tại Điều 12 của Dự thảo.

4.     
Thực hành hoạt động đòi nợ
Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nhưng có một cơ chế đã được kiểm nghiệm ở các nước phát triển, chúng tôi xin được nêu lên để Ban soạn thảo tham khảo: đó là cơ chế “validation of debts” tạm dịch là cơ chế “xác nhận nợ”. Đây là một cơ chế khá hay mà chúng tôi nghĩ cũng cần được vận dụng ở nước ta để hoạt động dịch vụ đòi nợ được thực hiện đúng với bản chất của nó và được thực hiện một cách có văn hóa, tôn trọng đầy đủ các quyền hiến định của mọi cá nhân, tổ chức có liên quan. Ban soạn thảo có thể tham khảo Điều 809 Đạo luật về bảo vệ tín dụng tiêu dùng của Mỹ. 
 

Các văn bản liên quan