Thuế nhà, đất: Làm thế nào để chống đầu cơ?

Thứ Sáu 10:59 14-08-2009
(TNO) Ngày 11.8, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Thuế nhà, đất và Dự thảo Luật Thuế tài nguyên.

Vấn đề chống đầu cơ đất và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia là những nội dung được tranh luận sôi nổi tại diễn đàn này.

Dự thảo Luật Thuế nhà, đất phân chia rạch ròi giữa thuế nhà và thuế đất. Theo đó, dự thảo quy định giá tính thuế nhà được xác định theo diện tích nhà ở chịu thuế và giá của 1m2 nhà ở. Trong đó, giá nhà sẽ tính theo suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng ban hành mỗi năm.

Dự thảo quy định, áp dụng giá khởi điểm tính thuế đối với nhà ở là 600 triệu đồng (tức nhà ở có giá tính thuế đến 600 triệu đồng thì không thu thuế), với thuế suất tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần là 0,03%.

Đối với đất ở, giá tính thuế đất căn cứ theo diện tích đất tính thuế và giá của 1m2 đất (là giá đất theo mục đích sử dụng đất do UBND cấp tỉnh, TP công bố vào ngày 1.1 hằng năm). Mức thuế suất được đưa ra là 0,03% đối với diện tích đất trong hạn mức, 0,06% đối với phần diện tích đất vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần và 0,09% cho phần diện tích đất vượt hạn mức trên 3 lần.

Theo đó, giá và diện tích tính thuế nhà, đất được xác định trên tổng giá trị các nhà và diện tích đất trong trường hợp người có quyền sở hữu nhiều nhà, đất ở nhiều nơi.

Với biểu thuế trên, việc dự thảo luật có đủ sức điều chỉnh để chống đầu cơ nhà, đất hay không là vấn đề nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng mức thuế lũy tiến đánh trên nhà, đất như trên chưa đủ mạnh để chống đầu cơ, nên áp mức thuế thật cao, có thể lên đến từ 5-10% cho nhà, đất bỏ không, không sử dụng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lo lắng cơ sở dữ liệu về chủ quyền nhà, đất hiện nay chưa hoàn thiện và giữa các tỉnh, thành cũng chưa có sự kết nối hệ thống dữ liệu để có thể quản lí được toàn bộ nhà, đất một người đang sở hữu trên phạm vi cả nước.

Thạc sĩ, luật sư Phan Thông Anh, Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến: "Nên lấy mã số thuế cá nhân của người sở hữu nhà, đất áp dụng chung cho việc thu thuế nhà, đất chứ không nên bày ra nhiều thứ mã số thuế nữa".

Tại hội thảo, Ban soạn thảo dự luật cũng lấy ý kiến cho việc có hay không thu thuế trên đất Nhà nước cho thuê đối với người thuê đất.

Luật sư Công cho rằng không nên thu thuế đất đối với đất được Nhà nước cho thuê vì trên nguyên tắc, người sở hữu đất mới phải là người nộp thuế chứ không phải người thuê nộp thuế, người thuê có trách nhiệm trả tiền thuê đất cho người sở hữu.

Quan điểm này cũng được ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đồng tình.

Ông Trần Du Lịch nêu ý kiến: "Thuế phải định trên giá trị nhà, đất chứ không quy định trên định mức cứng nhắc. Nguồn thu thuế nhà đất là nguồn thu của chính quyền địa phương chứ trung ương không điều tiết. Đây là nguồn thu ổn định nhất và luôn tăng cho các đô thị trong tương lai".

Ông Lịch phát biểu thêm: "Thuế nên tính trên giá trị nhà, đất ở từng địa điểm, mỗi khu vực. Thuế suất nên có tính chất định hướng lại giúp người dân chọn lựa địa điểm cư trú hợp lý nhất, giúp tổ chức lại dân cư đô thị, cách sống dân cư đô thị, qui hoạch dân cư để tránh tình trạng mua đất tích trữ, phân lô bán nền".

Đối với Dự thảo Luật thuế tài nguyên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này còn quá chung chung, chưa bao quát hết và đi vào chi tiết các loại tài nguyên Việt Nam hiện có. Một lưu ý nữa là thuế suất tài nguyên khi quy định cần dựa vào chiến lược khai thác và bảo vệ tài nguyên quốc gia và cơ sở phát triển các nguồn tài nguyên mới thay thế, tránh nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên.

Dự kiến, Dự thảo Luật thuế nhà, đất sẽ được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII (vào tháng 10.2009) và có hiệu lực từ 1.1.2011. Dự thảo Luật Thuế tài nguyên sẽ được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội  khóa XII (tháng 10.2010).

Nguyên Mi Thanh nien Online 12/8/2009

Các văn bản liên quan