ThS.Nguyễn Việt Khoa – Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM: Một số ý kiến về chủ thể theo quy định BLDS 2005 và các luật chuyên ngành

Thứ Năm 10:49 21-03-2013

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CHỦ THỂ THEO QUY ĐỊNH  BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005  VÀ CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH.

 Nghiên cứu sinh, thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc trung tâm tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh- Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Lê Văn Sự, Phó giám đốc Khoa & Associates

Chúng tôi cho rằng một số quy định về chủ thể  Bộ Luật dân sự năm 2005 và các đạo Luật chuyên ngành khác như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2011, Luật Thương mại năm 2005 không có sự thống nhất, vì vậy gây khó khăn cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Do đó, cần phải có sự thống nhất trong việc quy định. Từ những lý do trên, chúng tôi có một vài ý kiến sau đây:

1. Quy định về Chủ thể Trong Bộ Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp:

1.1. Quy định về Hộ gia đình (HGĐ), Tổ hợp tác (THT) trong Bộ Luật dân sự và Hộ kinh doanh (HKD) trong Luật Doanh nghiệp:

Thứ nhất, hiện nay, BLDS chỉ mới quy định chung về HGĐ mà không có quy định cụ thể một cách rõ ràng như thế nào là HGĐ, cách thức xác định? Có phải cách xác định HGĐ là dựa vào Sổ hộ khẩu là, những người có tên trên sổ hộ khẩu là thành viên HGĐ?

Việc không quy định cụ thể dễ dẫn đến khó khăn khi các doanh nghiệp thực hiện giao dịch với chủ thể này cũng như khi xảy ra tranh chấp thì sẽ khởi kiện, xác định tư cách đại diện và quy trách nhiệm của mỗi thành viên của chủ thể này như thế nào?

Khuyến nghị: Nên có quy định cụ thể về thế nào là HGĐ, cách thức xác định HGĐ và tư cách thành viên của HGĐ.

Thứ hai, quy định về HGĐ và HKD giữa BLDS và LDN, Nghị định 43/2010 ngày 15/04/2010 có sự không thống nhất gây khó khăn cho việc áp dụng luật trong thực tiễn.

BLDS quy định “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”(Điều 106). Như vậy, bản thân HGĐ là chủ thể của những giao dịch dân sự khi tham gia vào lĩnh vực hoạt động của mình mà không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo NĐ 43 thì nếu HGĐ kinh doanh ngoài những ngành nghề “sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối” (Điều 49 khoản 2) thì phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức HKD. Quy định của NĐ 43 là hợp lý hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan Nhà nước; tạo sự dễ dàng khi xác định tư cách pháp lý, trách nhiệm của HGĐ cho các doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với chủ thể này.

Khuyến nghị: Cần thống nhất trong quy định về HGĐ và HKD giữa BLDS với NĐ 43 theo hướng đã được quy định trong NĐ 43.

Thứ ba, BLDS quy định HGĐ, THT là chủ thể của các giáo dịch dân sự trong lĩnh vực hoạt động của mình nhưng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật khác về kinh doanh lại không có quy định và không thừa nhận tư cách chủ thể của các chủ thể này. Cụ thể, trong định nghĩa về nhà đầu tư theo Luật Đầu tư không có hai chủ thể này (Khoản 4 Điều 3). Quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác là hợp lý vì nếu để hai chủ thể này tham gia những hoạt động đầu tư khác mà không đăng ký kinh doanh trước hết không tạo được niềm tin của các doanh nghiệp, thứ hai những chủ thể này sức mạnh về tài chính thường không lớn, cơ cấu tổ chức không chặt chẽ nên khi tham gia đầu tư hiệu quả sẽ không cao.

Khuyến nghị: Nên quy định thống nhất về HGĐ, THT thống nhất giữa các luật trên theo hướng BLDS giới hạn quyền kinh doanh của HGĐ, THT trong các ngành “sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối”.

1.2 Quy định về Pháp nhân và đại diện tham gia quan hệ pháp luật của pháp nhân trong Bộ luật dân sự và Luật Doanh nghiệp:

Thứ nhất, về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh giữa BLDS VÀ LDN không thống nhất. Việc LDN thừa nhận tư cách Pháp nhân của Công ty hợp danh không phù hợp theo quy định tại điều 84 Bộ Luật dân sự.

Thứ hai, về khả năng tham gia quan hệ dân sự của Pháp nhân: BLDS quy địnhNgười đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự". (Điều 86 khoản 3). Tuy nhiên, LDN lại có quy định thành viên của Công ty Hợp danh có quyền « Nhân danh công ty tiến hành các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký; đàm phán và ký kết hợp đồng, thoả thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty” (Điều 134 khoản 1 điểm b LDN). Như vậy, giữa BLDS và LDN có sự không thống nhất trong quy định về việc thành viên của Pháp nhân nhân danh Pháp nhân tham gia các quan hệ dân sự. Điều này dẫn đến lúng túng cho việc áp dụng luật trong thực tiễn. Khi người tham gia giao dịch với công ty hợp danh không biết nên theo quy định nào, BLDS hay LDN?

Khuyến nghị: Cần quy định thống nhất giữa BLDS và LDN theo hướng chỉ người đại diện hợp pháp của pháp nhân được quyền nhân danh Pháp nhân trong quan hệ dân sự.

1.3 Quy định về Doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp:

Trong LDN, Doanh nghiệp tư nhân là một chủ thể của quan hệ kinh doanh thương mại, tuy nhiên BLDS không thừa nhận loại chủ thể này, vì vậy chúng tôi cho rằng BLDS cần ghi nhận một loại chủ thể không có tư cách pháp nhân tồn tại như là Doanh nghiệp tư nhân,  Hộ kinh doanh, Công ty hợp danh.

1.4.  Quy định các hình thức tổ chức lại: Chia, tách và sáp nhập giữa Bộ Luật dân sự và Luật Doanh nghiệp:

Chia và Tách: BLDS quy định “Một pháp nhân có thể chia/ tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (Điều 97). Quy định này cho phép Pháp nhân có thể tách thành Pháp nhân cùng loại hay khác loại. Ví dụ: Pháp nhân là Công ty TNHH có thể tách thành 1 cty TNHH và 1 cty Cổ phần. Trong khi đó LDN lại quy định “Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể được chia thành một số công ty cùng loại.” Quy định của LDN có hai hạn chế sự chia, tách của doanh nghiệp. Một là chỉ có hai Pháp nhân là Cty TNHH và Cổ phần mới được chia, tách còn các cty Hợp danh thì không. Thứ hai, công ty được chia, tách phải cùng loại với cty bị chia, tách.

Xét về mặt áp dụng vào doanh nghiệp, Quy định của LDN tỏ ra hợp lý hơn quy định của BLDS, thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, chỉ những công ty sau khi được chia tách vẫn cùng loại với công ty bị chia tách thì nó vẫn giữ được loại hình, cơ cấu tổ chức và chế độ trách nhiệm tương tự. Như vậy sẽ đáp ứng được mục đích về mặt kinh tế. BLDS cho phép không cùng loại tức công ty TNHH được chia tách thành công ty cổ phần hoặc công ty Hợp danh. Điều này khó thực hiện được trong thực tế và khó đáp ứng được mục đích kinh tế của chia tách. Thứ hai, theo BLDS công ty Hợp danh cũng có quyền được chia tách. Như vậy không đáp ứng được yêu cầu về chế độ trách nhiệm của các thành viên hợp danh cũng như tính chất hợp danh cùng hoạt động kinh doanh của loại hình công ty này.

Khuyến nghị: Nên quy định Pháp nhân chỉ được chia, tách thành các Pháp nhân khác cùng loại như quy định của LDN.

Sáp nhập: BLDS chỉ cho phép 1 Pháp nhân được sáp nhập vào 1 Pháp nhân cùng loại. Áp dụng vào doanh nghiệp thì công ty TNHH chỉ được sáp nhập vào công ty TNHH. Quy định này là hợp lý, hạn chế quyền tự do sáp nhập của Pháp nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Bản chất của sáp nhập là doanh nghiệp bị sáp nhập sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp vào một doanh nghiệp khác và chấm dứt tồn tại. Công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại với hình thức pháp lý cũ của mình. Như vậy, doanh nghiệp chỉ sáp nhập tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp chứ không sáp nhập nguyên cả cơ cấu tổ chức hay hình thức pháp lý vào doanh nghiệp khác. Do đó, quynghieepjdoanh nghiệp chỉ được sáp nhập vào doanh nghiệp cùng loại là hạn chế đi quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Khuyến nghị: Nên bỏ quy định 1 Pháp nhân chỉ được sáp nhập vào 1 Pháp nhân cùng loại. Thay vào đó bằng quy định 1 hoặc nhiều Pháp nhân được quyền sáp nhập vào 1 Pháp nhân khác

2. Về Chủ Thể theo quy định Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự:

BLDS 2005 quy định chủ thể điều chỉnh bao gồm cá nhân, pháp nhân, Hộ gia đình và Tổ hợp tác. Tuy nhiên, BLTTDS chỉ quy định hai chủ thể điều chỉnh là cá nhân và pháp nhân. Nghĩa là khi có tranh chấp chỉ có hai chủ thể này là mới có quyền khởi kiện hoặc bị kiện. Các chủ thể Hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh không có quyền trực tiếp khởi kiện và cũng không trực tiếp bị kiện. Khi tranh chấp xảy ra, một bên tranh chấp với các chủ thể này không thể khởi kiện những chủ thể đó mà chỉ có thể khởi kiện người đại diện hoặc chủ sở hữu hoặc người đứng đầu để buộc người này chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân.

Điều này gây ra một trở ngại rất lớn là khi giao dịch thì với những chủ thể này nhưng khi tranh chấp xảy ra thì lại đi giải quyết với một chủ thể khác. Tình trạng này khiến các doanh nghiệp rất ngại đi giao dịch với những chủ thể này. Do đó, tuy được pháp luật công nhận nhưng HGĐ, THT, HKD, DNTN vẫn không được ưa chuộng nên quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đóng góp nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế.

Khuyến nghị: Cần thống nhất quy định về chủ thể điều chỉnh giữa các luật trên theo hướng các luật đều công nhận và điều chỉnh các chủ thể của nhau.

3. Về Chủ thể theo quy định của Bộ Luật dân sự và Luật Thương mại:

Chủ thể theo quy định của Luật Thương mại là Thương nhân, bao gồm các tổ chức kinh tế và các cá nhân có đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh), cá nhân chọn Luật Thương mại áp dụng. Một vấn đề đặt ra khi các chủ thể khác theo quy định của Bộ luật dân sự tham gia vào quan hệ thương mại như Trường Đại học công lập, Bệnh viện, cơ quan nhà nước tham gia vào hoạt động Thương mại thì có áp dụng Luật thương mại không? hay áp dụng bộ Luật dân sự để xử lý, đặc biệt liên quan đến chế tài giữa Luật dân sự và Luật thương mại có quy định khác nhau. Theo quy định của Bộ Luật dân sự thì mức phạt vi phạm hợp đồng không giới hạn, cón đối với quy định của Luật thương mại thì mức phạt không vượt quá 8% giá trị hợp đồng vi phạm. Vấn đề tổ hợp tác có tham gia quan hệ quan hệ thương mại theo Luật Thương mại được không?

Khuyến nghị: chúng tôi cho rằng Bộ luật Dân sự cần mở rộng đối tượng chủ thể thể trong các đạo Luật khác, và qua sửa đổi Bộ Luật dân sự năm 2005, cần thiết phải sửa đổi các đạo luật khác có liên quan cho phù hợp và thống nhất.

Các văn bản liên quan