Ths – Ls. Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước

Thứ Ba 17:36 25-07-2006


MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO (16)
NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT ĐẦU TƯ
--------------------------------
Ths - Ls. Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam
Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước
 

  Sau khi nghiên cứu dự thảo 16 - Nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư ( có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2006) và tham khảo một số ý kiến còn khác nhau qua các dự thảo. Chúng tôi xin có một số ý kiến như sau :
 
1)-Cần bổ sung thêm một số khái niệm cho Nghị định hướng dẫn (điều 2/DT)

          Về chủ thể trong luật đầu tư dự thảo lần nay tập trung chủ yếu cho hai nhóm đó là : nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước nhưng một số thuật ngữ khác có liên quan chưa được làm rõ như : “ Dự án đầu tư nước ngoài “ ; “ Dự án đầu tư trong nước “ và “ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” chưa được làm rõ sẽ gây khó khăn trong qúa trình thực hiện đăng ký đầu tư vì thủ tục của các nhóm này không giống nhau.
Tiêu chí xác định dự án đầu tư nước ngoài hay dự án đầu tư trong nước được xác định từ  tiêu chí nào, căn cứ vào tiêu chí chủ thể đầu tư hay tiêu chí là nguồn vốn huy động cho dự án. Dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm nào ?

Khái niệm “ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” đã được xây dựng trong dự thảo (4) của Nghị định nhưng do cách nêu bất cập dẫn đến sự phản ứng khá mạnh mẽ nên khái niệm này bỏ luôn trong các dự thảo sau.

Những khái niệm trên hết sức quan trọng, cần phải được Ban soạn thảo văn bản khẩn trương xem xét bổ sung trước khi trình Chính phủ. 
  
  2)-Về ngôn ngữ sử dụng : (điều 4/DT)

          Tiếng nước ngoài thông dụng là tiếng nước nào thì cần quy định rõ ; đã là văn bản hướng dẫn thi hành thì không cần phải chỉ mục đến một văn bản khác giải thích tiếng nước nào là thông dụng đối với Việt Nam. 
  
3)-Về chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế  (điều 13/DT)

Theo chúng tôi , tại điều này nên bổ sung phần quy định Chi nhánh được phép tổ chức các hoạt động kinh doanh còn văn phòng đại diện thì không được phép tổ chức hoạt động kinh doanh.

4)-Nên công bố tỷ lệ đầu tư khống chế của phía nước ngoài trong Nghị định?

          Theo chúng tôi : đây là quy định căn bản mà pháp luật đầu tư Việt Nam cần phải quy định thật rõ ràng ? tỷ lệ là bao nhiêu ?  dưới 30 % ; 30 % ; 49 % hay có thể nhiều hơn nữa. Chúng ta cần cân nhắc các tỷ lệ theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ; lộ trình mở cho từng tỷ lệ góp vốn cần cụ thể . Kể cả tỷ lệ vốn chuyển nhượng (điều 47, 48 / dự thảo) cần quy định chi tiết để các nhà đầu tư nước ngoài dễ thực hiện vì hiện nay những văn bản hướng dẫn về tỷ lệ đầu tư khống chế của các nhà đầu tư nước ngoài đã hết hiệu lực theo Luật đầu tư trước đây.
 
5)- Công bố danh mục các ngành nghề được phép đầu tư FDI

          Theo Luật đầu tư hiện hành không phải bất cứ ngành nghề nào, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được đầu tư. Do đó , việc công bố danh mục các ngành nghề được phép đầu tư FDI cho các nhà đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết vì đây là một trong các tiêu chí minh bạch đối với việc thu hút vốn đầu tư FDI cho Việt Nam.
 
6)- Việc phân cấp cấp phép đầu tư nước ngoài 

6,1-Phân cấp mạnh cho địa phương :

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo về cơ chế phân cấp được xây dựng theo hướng tăng thêm quyền hạn cho địa phương trong rất nhiều những lĩnh vực và giảm dần các loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức vốn địa phương có thẩm quyền cấp phép đã tăng lên đến 800 tỷ đồng .

6,2-Phân cấp cho các Khu công nghiệp và Khu chế xuất :

Vấn đề này còn hai quan điểm khác nhau; ý kiến thứ nhất cho rằng không nên phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất vì có thể xảy ra hiện tượng tùy tiện và theo nhóm ý kiến này thì nên giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh là cơ quan đầu mối cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trên địa bàn . Còn ý kiến thứ hai cho rằng là nên phân cấp vì kể từ khi có Luật đầu tư nước ngoài 1987, ở phần lớn các tỉnh, thành phố đã hình thành hệ thống Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất và hệ thống này đã hoạt động ổn định, hiệu quả.      Song song đó, các Khu công nghiệp và Khu chế xuất có đặc thù là nằm trên các diện tích đất tập trung , đã có quy hoạch chi tiết và đã được xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng. Các hoạt động quản lý ở đây mang tính tập trung hơn, chuyên sâu hơn vì không chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư mà còn thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Đồng thời, việc thành lập các Khu công nghiệp và Khu chế xuất là có tính đặc thù và có quy định riêng.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm thứ hai vì việc phân cấp cho các Khu công nghiệp, Khu chế xuất cấp giấy chứng nhận đầu tư là một biện pháp cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu tư tránh phải đi lại đến các cơ quan nhà nước.
 
7)- Việc ban hành danh mục đầu tư có điều kiện : 

          Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với hướng của dự thảo (16) xây dựng danh mục đầu tư có điều kiện đang có xu hướng thay đổi nhiều so với những dự thảo trước. Thực tế, đây là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư và cũng là một trong những nội dung gây nhiều tranh luận. Theo các dự thảo trước, danh mục này dường như không thay đổi nhiều so với các danh mục tương tự được quy định tại Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành. Song, những cam kết trong lộ trình hội nhập của Việt Nam, cũng như những thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đặt ra những cách tiếp cận linh hoạt và hợp lý hơn đối với phương pháp quản lý các ngành kinh doanh có điều kiện từ phía nhà nước. Chính vì vậy, phương pháp tiếp cận nhận được sự đồng thuận hiện nay, đó là danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài là các hạn chế thị trường trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam nội luật hoá. Danh mục này sẽ bám sát lộ trình cam kết hội nhập và các vòng đàm phán. Còn với các nhà đầu tư trong nước, khi thực hiện các dự án đầu tư sẽ phải tuân thủ các điều kiện mà pháp luật chuyên ngành quy định.
 
8)-Một số nội dung điều luật cần phải làm rõ :

8.1-Khoản 4 , điều 3 về áp dụng pháp luật đầu tư ,điều ước quốc tế ,pháp luật nước ngoài,tập quán quốc tế
Khoản 4 : ……………………………………………………,nếu việc áp dụng đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đây là quy định cần làm rõ, nguyên tắc cơ bản pháp luật của Việt nam là nguyên tắc nào : “ tôn trọng sự thỏa thuận của bên “ “ hòa giải, thỏa thuận “.. . . . hay nguyên tắc : “pháp chế XHCN “.

8.2-Khoản 1, điều 42 - quyền của nhà đầu tư về bảo đảm trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách.

 Khoản 1 :  đ)-được xem xét bồi thường trong “ một số trường hợp cần thiết “
Trường hợp nào là cần thiết , đây là một quy định sơ hở dẫn đến sự tùy tiện của người có thẩm quyền xem xét bồi thường trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách dẫn đến sự thiệt hại cho nhà đầu tư.
 
9)-Một số nội dung quy định cần xem lại :

9.1-Khoản 5 điều 49 / dự thảo về việc thanh lý dự án đầu tư

Khoản 5 : Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư gắn với việc giải thể tổ chức kinh tế nêu tại khoản 3 của điều này, nếu các khoản nợï của tổ chức kinh tế không đủ để thanh toán các khoản nợ  thì việc thanh lý sẽ chấm dứt và được đưa ra giải quyết theo thủ tục của pháp luật về phá sản . (không có nghĩa)
 
9.2-Khoản 3 điều 51 / dự thảo về kho bảo thuế

Khoản 3 : “ Hàng hóa “ đưa vào kho bảo thuế nếu bị hư hỏng, giảm phẩm chất không đáp ứng yêu cầu “ sản xuất “ thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy . . .
Theo chúng tôi, hàng hóa thì không thể sản xuất nữa , chỉ có nguyên liệu, vật tư mới sản xuất nhưng trong câu này chắc có lẽ người dự thảo muốn nói nhóm hàng hóa với tiêu chuẩn chất lượng thì hợp lý hơn , do đó đề nghị xem lại.
 
9.3-Khoản 2 điều 61/ dự thảo về thủ tục đăng ký đầu tư với dự án đầu tư trong nước
Khoản 2 : Nhà đầu tư nộp bản đăng ký đầu tư theo mẫu đăng ký đầu tư cho cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh .

          Trường hợp nhà đầu tư “ có yêu cầu”  thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản đăng ký đầu tư hợp lệ .

          Nhóm từ “ có yêu cầu” ở đây được hiểu như thế nào ? nếu không có yêu cầu thì thời gian sẽ lâu hơn hay như thế nào ? hoặc chỉ ưu tiên cho các dự án đầu tư trong nước . . . . .do đó cần phải xem lại.
 

Các văn bản liên quan