Thoáng nhưng nhiều thách thức

Thứ Bảy 16:25 20-05-2006
DƯỚI MẮT DOANH NHÂN

Dự án Luật DN: Thoáng nhưng nhiều thách thức

Trong số những dự luật được các bộ, ngành trình Quốc hội kỳ này, Luật Doanh nghiệp (DN) nhận được sự quan tâm của các nhà DN. Phóng viên Báo NLĐ đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op).

. Phóng viên: Bà đã từng nói dự án Luật DN lần này có vẻ mở hơn, ví dụ?

- Bà Nguyễn Thị Nghĩa: Cái mở thứ nhất là luật cho phép một cá nhân được quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thay vì ít nhất phải có 2 người như hiện nay. Điều này sẽ giải quyết được chuyện lách luật (chỉ 1 chủ mà phải tìm nhiều người đứng tên). Thứ hai là DN có thể chọn lựa các hình thức tổ chức thích hợp để làm ăn như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh và DN tư nhân (TN)... Nhưng điểm mới then chốt của dự án Luật DN lần này là tất cả các loại hình DN không phân biệt trong và ngoài nước đều được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà Nhà nước không cấm.

. Thông thoáng như vậy thì tại sao nhiều người lại cho là thách thức đối với DNTN?

- Đó là áp lực cạnh tranh sẽ rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng các DNTN sẽ chấp nhận thôi bởi tiến trình hội nhập là phải như vậy. Có điều, thời gian qua, một số chính sách của Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện cho các DNTN lớn mạnh để bây giờ cùng đứng trên một sân chơi bình đẳng với DN nước ngoài (NN). Ví dụ như thuế thu nhập DN (TNDN) dù đã 2 lần điều chỉnh (từ 45% xuống còn 32%, bây giờ là 28%) nhưng so với DNNN thì vẫn là mức cao (thuế TNDN của DNNN cao nhất là 25%; nhiều DN được khuyến khích đầu tư, mức TNDN chỉ có 10%). DNNN khi vào đầu tư VN được hưởng nhiều ưu đãi như nhập thiết bị, tài sản ban đầu được miễn hoặc giảm thuế, tái đầu tư cũng được giảm thuế. Nhưng với DNTN thì các chính sách này không được áp dụng rộng rãi chỉ trừ một vài ngành nghề và tùy theo địa bàn mới được khuyến khích. Tóm lại, điều kiện chính sách đi kèm để các DNTN phát huy nội lực thì chưa nhiều.

. Một ví dụ cụ thể liên quan đến lĩnh vực phân phối bán lẻ của đơn vị do bà quản lý?

- Thời gian qua Nhà nước có phần hạn chế cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối bán lẻ. Nhưng những DNNN mà Nhà nước cho kinh doanh vào lĩnh vực này lại rất mạnh, có quy mô quốc tế (như hệ thống Metro, Cora, Big C...). Với nguồn tài chính mạnh, có kinh nghiệm lâu năm lại được Nhà nước ưu đãi đầu tư đã là một thách thức với chúng tôi trong thời gian qua. Nay không còn hạn chế nữa thì với nguồn vốn ít ỏi hiện nay, nếu chúng tôi không được Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi mà một mình bươn chải thì đúng là không đủ sức để cạnh tranh, để hội nhập.

. Theo bà, điều cần xem xét lại trong dự án Luật DN mới là gì?

- Nhiều đại biểu và các chuyên gia kinh tế của TPHCM đề nghị 4 loại dịch vụ gồm kế toán và kiểm toán; thiết kế các công trình xây dựng; khám và chữa bệnh; dịch vụ pháp lý phải được thực hiện dưới hình thức công ty hợp danh. Đây là những ngành nghề có vốn không lớn nhưng nếu xảy ra hậu quả thì thiệt hại rất lớn cho khách hàng. Vì vậy nên đặt dưới hình thức công ty hợp danh để họ chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra sự cố cho khách hàng. Từ thực tế ở TPHCM cho thấy, các loại hình dịch vụ kể trên đã gây nhiều hậu quả như thiết kế sai làm sập nhà, tư vấn sai làm ảnh hưởng chất lượng công trình... Tuy nhiên, trong dự án luật vẫn giữ nguyên với giải trình rằng để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, những người kinh doanh 4 loại dịch vụ trên không được hưởng chế độ TNHH mà phải chịu trách nhiệm nghề nghiệp. Vì vậy trách nhiệm vô hạn được cung cấp dịch vụ được thay thế bằng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Nhưng loại bảo hiểm này ở VN rất hãn hữu. Nếu Quốc hội thông qua việc các dịch vụ này không phải hợp danh, thì phải nhanh chóng thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Công ty nào có bảo hiểm này mới cho phép thành lập, để tránh thiệt hại cho khách hàng.

Phùng Ngọc thực hiện – 06-11-2005

Các văn bản liên quan