Tham nhũng và giải pháp

Thứ Sáu 15:24 26-05-2006
Tham nhũng và giải pháp

GS NGUYỄN LÂN DŨNG
Đại biểu Quốc hội khóa XI


Năm 1998, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000. Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc tham nhũng, thu hồi một số lượng khá lớn tiền bạc và tài sản cho Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội: Tình hình tham nhũng diễn ra rất phức tạp, ở nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở số lượng tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát; số lượng đối tượng vi phạm - trong đó có nhiều cán bộ, công chức, thậm chí có cả một số cán bộ chủ chốt tham gia.

Có một thực tế là khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường từ nền kinh tế quan liêu bao cấp đã không có đủ thời gian để chuẩn bị. Văn bản luật pháp còn rất thiếu và không đồng bộ, nhiều điều luật không còn phù hợp với thực tiễn. Pháp lệnh Chống tham nhũng thiếu các quy định cụ thể. Chính vì vậy mà Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tham nhũng.

Để cho Luật Phòng chống tham nhũng thật sự có hiệu quả nếu được thông qua vào kỳ họp thứ 8 của Quốc hội cuối năm nay nhiều ý kiến cho rằng cần đảm bảo các nội dung và biện pháp sau đây:

Trước hết là 6 giải pháp do Chính phủ đề xuất với Quốc hội:

– Khẩn trương rà soát lại các văn bản pháp quy, xây dựng, bổ sung các thể chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, xử lý các tình trạng tham nhũng, lãng phí.

– Rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước.

– Đẩy mạnh việc sắp xếp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công trong sạch, trước hết là các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đến dân chúng như thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, hộ khẩu, điện, nước...

Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia, phát hiện các hành vi tham nhũng trong bộ máy hành chính của người dân, mọi tổ chức, báo chí và cả cộng đồng.

– Đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

– Tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng tiêu cực.

Ngoài các giải pháp nói trên do Chính phủ đề xuất, nhiều đại biểu Quốc hội còn đề xuất thêm nhiều giải pháp cụ thể khác đã hoặc chưa được làm rõ trong Dự án Luật Phòng chống tham nhũng, chẳng hạn như:

– Học hỏi các nước có nhiều thành công trong việc chống tham nhũng, như Nhật Bản, Thụy Điển, Singapore..., đó là làm cho công chức “Không muốn tham nhũng, Không cần tham nhũng, Không dám tham nhũng và Không thể tham nhũng”.

– Không muốn tham nhũng vì nền tảng luân lý, đạo đức luôn luôn được củng cố, nhất là noi theo gương Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Người rất căm ghét tệ tham nhũng và Người đã từng phát biểu “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám “ (Toàn tập, T.6, trang 490), “Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng “ (Toàn tập, T.6, tr. 496). Vào những năm cuối đời, Người còn ân cần căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân (Toàn tập, T.12, tr. 557 - 558).

– Không cần tham nhũng nếu mức lương được cải thiện để có thể đủ sống bằng sự cống hiến của chính mình. Muốn vậy cần thực sự thu nhỏ lại cái biên chế quá cồng kềnh và kém hiệu quả như hiện nay, cần cắt bỏ sự bao cấp đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khoán tiền lương cho từng đơn vị hành chính, sự nghiệp, từng trường học, cơ quan nghiên cứu khoa học, khuyến khích việc ứng dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn sản xuất bằng một quỹ cho vay để hỗ trợ các nhà khoa học (nếu thành công thì coi như cấp vốn, nếu không thành công thì phải xuất toán trả lại cho quỹ...).

– Không dám tham nhũng vì pháp luật nghiêm minh và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai được bao che cho bất kỳ ai, không ai được đứng trên pháp luật và nhất là tôn trọng quyền giám sát của đông đảo nhân dân, của các tổ chức dân cử như Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng và nhất là sự gương mẫu của chính Đảng lãnh đạo và của từng đảng viên cộng sản.

Lấy ví dụ như việc kê khai tài sản, tôi thiết nghĩ không nên bắt mọi người kê khai vì điều đó liên quan đến quyền có tài sản được ghi trong Hiến pháp, tuy nhiên khi quần chúng phát hiện thấy ai đó đang sở hữu (hoặc cho con cái, người quen...) những nguồn tài sản vượt quá xa khả năng thu nhập chính đáng thì cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó, hoặc Ban chỉ đạo chống tham nhũng (nếu có thành lập) sẽ yêu cầu thuyết minh về nguồn gốc tài sản đó.

Nếu không thuyết minh được thì cần xử lý, mức thấp nhất để dân chúng nhìn thấy được là tạm đình chỉ chức vụ hiện có, trong khi chưa đủ bằng chứng để tố tụng theo pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng chục vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (Toàn tập, T.10, tr. 576).

– Không thể tham nhũng vì đổi mới việc quản lý chi tiêu từ tiền mặt sang chi tiêu có thể dễ dàng kiểm soát bằng cách mua bán bằng thẻ tín dụng, bằng séc, qua máy bán hàng, thực hiện thương mại điện tử (E-commerce), giải pháp điện tử (E-solution, như giao dịch điện tử, chữ ký điện tử), học hành qua mạng (E-learning), thư viện điện tử (E-library), chữa bệnh qua mạng (E-health), vận tải điện tử (E-transportation), làm việc qua mạng (E-job)... và tiến tới một đời sống điện tử (E-life) trong một xã hội điện tử (E-society) với những công dân điện tử (E-citizen) qua cổng điện tử (Citizen portal) để liên hệ với chính phủ điện tử (E-government), nghị viện điện tử (E-parliament).

Hiện nay đã có những kế hoạch xây dựng các xã hội điện tử ở trong khu vực như các dự án ở Đài Loan (E-Taiwan), ở Singapore (Singapore One), ở Malaysia (Multimedia Supercorridore) và chuẩn bị cho dự án ASEAN điện tử (E-ASEAN).

Công nghệ thông tin (IT) đang làm thay đổi hành vi của từng người và thay đổi mọi giao dịch trong xã hội theo hướng nhanh chóng, khoa học, thuận lợi và minh bạch. Nên coi IT như một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cho các biện pháp chống tham nhũng.

– Về chuyện có nên thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng hay không thì trong Quốc hội hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Số đông cho rằng chưa nên, bởi vì theo Dự án của luật này chưa thấy rõ địa vị pháp lý của Ban chỉ đạo này, thành phần Ban chỉ đạo toàn những người làm việc không chuyên, lại có tính chất vừa đá bóng, vừa thổi còi, nếu vài tháng họp một lần để sơ kết, tổng kết, xác định phương hướng thì sẽ chả có mấy hiệu quả. Đã có quá nhiều Ban chỉ đạo nhưng hoạt động thường ít hiệu quả.

Trước đây cũng đã từng có Ban chống tham nhũng nhưng rồi cũng phải giải thể vì hoạt động không có hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng nếu định thành lập Ban chỉ đạo hay một ủy ban mang tính quốc gia thì phải có quyền lực rõ rệt và hoạt động độc lập với Chính phủ, với Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thực hiện việc chỉ đạo và kiểm tra ráo riết hoạt động phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

– Cuối cùng cần nói thêm là không ít đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ điều kiện chín muồi để ban hành Luật Phòng chống tham nhũng. Trước mắt chỉ nên ra một nghị quyết của Quốc hội về việc đẩy mạnh hoạt động phòng chống tham nhũng và phát động nhân dân cả nước tích cực tham gia hoạt động phòng chống tham nhũng dựa trên các luật và pháp lệnh có liên quan đã có sẵn. Tuy nhiên, số đông vẫn mong muốn sớm ban hành luật này sau khi để đông đảo nhân dân có điều kiện thẳng thắn đóng góp để hoàn chỉnh các điều khoản có ghi trong dự án luật.

Việt Nam xác nhận là một nước dân chủ, chính quyền các cấp hoạt động theo tinh thần Của dân, Do dân và Vì dân. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp... Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ” (Toàn tập, T.8, tr. 34).

Trong điều kiện hiện nay không có chuyện an dân nào có hiệu quả hơn là hành động kiên quyết bài trừ tham nhũng, lập lại mọi trật tự kỷ cương, hướng tới mục tiêu cao cả mà ai ai cũng mong muốn đó là Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

SGGP ngày 25/8/ 2005


Các văn bản liên quan