Tạo thuận lợi cho đầu tư, nhưng không phải bằng mọi giá

Thứ Sáu 13:51 26-05-2006
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư:

Tạo thuận lợi cho đầu tư, nhưng không phải bằng mọi giá

TT (Hà Nội) - “Mong muốn có thật nhiều nhà đầu tư vào VN làm ăn, nhưng không phải thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào, làm sao vẫn phải đảm bảo chúng ta quản lý được”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lưu ý khi Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật đầu tư hôm qua 27-7.

Chỉ cần “một giấy”?


Phó trưởng Ban kinh tế trung ương Cao Sĩ Kiêm cho rằng tư tưởng quan trọng nhất của Luật đầu tư là “tạo sân chơi bình đẳng” cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật mà Bộ Kế hoạch - đầu tư đang chủ trì, trong đó có ý kiến không ngần ngại... chê rằng dự luật này “không mở ra mà đang bó lại” đối với các nhà đầu tư, thậm chí giống như “một bước tiến, hai bước lùi” - ông Kiêm cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc lại cho rằng dự luật “đã thoáng hơn luật hiện hành rất nhiều”. Cụ thể, ở các dự án phổ thông, đối với các nhà đầu tư nước ngoài nếu đầu tư dự án dưới 5 tỉ đồng chỉ cần thông báo về dự án đầu tư; từ 5-300 tỉ đồng thì phải nộp giấy đăng ký đầu tư và chỉ trong bảy ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký; dự án từ 300 tỉ đồng trở lên mới phải lập dự án và xin cấp phép đầu tư. Đối với nhà đầu tư trong nước, nếu đầu tư dưới 5 tỉ đồng thì không bó buộc; từ 5-300 tỉ đồng chỉ cần thông báo cho cơ quan chức năng và sau bảy ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; từ trên 300 tỉ đồng mới cần tới giấy phép đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài.

“Đăng ký rồi nhưng lại kèm theo việc cấp giấy chứng nhận đăng ký, như vậy các nhà đầu tư vẫn sẽ phân vân vì sẽ phải mất thời giờ để lấy giấy chứng nhận này” - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Đặng Văn Thanh băn khoăn. Ông nhận xét “thực chất đó cũng là một loại... giấy phép”. “Có cần cấp nhiều loại giấy phép đầu tư vậy không?” - ông Hoàng Thanh Phú, ủy viên Ủy ban Kinh tế - ngân sách, nêu vấn đề. Ông Phú cho hay tinh thần của ủy ban này là chỉ nên... một giấy, kể cả trong cấp phép đầu tư lẫn trong thành lập doanh nghiệp. “Hai việc này đều ở cùng một bộ, Bộ Kế hoạch - đầu tư, nên giải quyết vấn đề này dễ hơn nhiều so với chuyện giấy đỏ, giấy hồng...” - ông Phú đề nghị.

“Mở” như thế nào?

“Có những ý kiến đề nghị mở hết, chúng tôi không bảo thủ, cũng chẳng muốn ôm làm gì, nhưng mở nữa liệu có... quản nổi không?” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc e ngại. “Chúng ta không nên cầm đèn chạy trước ôtô” - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân cũng không đồng ý với ý kiến “mở” đến mức cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào VN “không cần gắn với dự án cụ thể”. Ông kể: ở Mỹ chỉ cần 12 USD có thể lập một doanh nghiệp, nhưng “họ có nhiều biện pháp kiểm soát”. Còn ở ta, sẽ tạo cơ hội cho ra đời những doanh nghiệp “ma”, khi cần thu thuế thì “trốn đi đâu sạch”. Ông Trân cũng đề nghị làm rõ trong dự thảo Luật đầu tư “những gì bắt buộc phải mở để hội nhập, những gì do chúng ta... chủ động mở”.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phân trần: Đấy là có ý kiến đề nghị “mở” như vậy. Còn theo dự thảo luật, doanh nghiệp nước ngoài muốn vào VN bắt buộc phải có dự án đầu tư. Luật chỉ “mở” ở chỗ khi có dự án đầu tiên, nhà đầu tư có quyền lập doanh nghiệp, có quyền đầu tư các dự án tiếp theo. “Bản thân tôi rất muốn luật mở nữa, nhưng mở như thế nào, mở sao cho hợp lý, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu không người thiệt hại đầu tiên chính là những doanh nghiệp VN” - Bộ trưởng Phúc trình bày với Ủy ban TVQH.

Hôm nay 28-7, Ủy ban TVQH tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

N.V.HẢI

Các văn bản liên quan