Tạo điều kiện để báo chí phát triển theo mô hình tập đoàn

Thứ Sáu 09:43 18-07-2008
Tạo điều kiện để báo chí phát triển theo mô hình tập đoàn
Dự thảo lần thứ 10, Luật Báo chí sửa đổi được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đưa ra lấy ý kiến trong cuộc Hội thảo tổ chức hôm qua (ngày 16/7).

    
Bên lề cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn kiêm Phó ban thường trực Ban soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi đã có cuộc trao đổi với báo giới về những điểm mới trong dự thảo Luật lần này.

Một cơ quan báo chí có thể có nhiều tổng biên tập!

Dự thảo luật đưa ra chức danh “chủ nhiệm” cho người đứng đầu cơ quan báo chí, điều đó được hiểu như thế nào thưa ông?

Chủ nhiệm báo trong dự thảo luật sửa đổi lần này có khác với chủ nhiệm ngày xưa. Trước đây, chủ nhiệm là người thay mặt cơ quan chủ quản quản lý cơ quan báo chí, còn chủ nhiệm như quy định trong dự thảo luật lần này là người chịu trách nhiệm về mọi mặt của cơ quan báo chí.

Trên thực tế hiện nay, có cơ quan báo chí cùng lúc thực hiện 2-3 loại hình báo chí, hoặc có cơ quan báo chí có 5-7 ấn phẩm mà mỗi ấn phẩm đó có hoạt động, tôn chỉ mục đích, nội dung tương đối độc lập.

Bởi thế ý đồ của Ban soạn thảo trong dự thảo luật cứ tạm đưa ra chức danh chủ nhiệm cho người đứng đầu cơ quan báo chí đó (với phát thanh, truyền hình thì gọi là tổng giám đốc, giám đốc) để chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của cơ quan báo chí và tất cả những ấn phẩm đó.

Dưới người chủ nhiệm thì sẽ có những người chịu trách nhiệm về nội dung của từng ấn phẩm, từng ban chương trình hoặc kênh chương trình (với phát thanh, truyền hình), gọi chung là tổng biên tập.

Vai trò của cơ quan chủ quản báo chí trong dự thảo luật lần này dường như được tăng lên và quy định chặt chẽ hơn?

Thực ra vai trò của cơ quan chủ quản báo chí được quy định rõ hơn trong dự thảo luật lần này. Cụ thể là trách nhiệm của họ là đứng ra xin phép thành lập cơ quan báo chí, chịu trách nhiệm bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, xử lý kỷ luật tổng biên tập khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước; có trách nhiệm định hướng cho hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền… tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động (tài chính, con người, cơ sở vật chất).

Và phải có trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ của mình. Cơ quan chủ quản cũng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của cơ quan báo chí, trong phạm vi quyền hạn của mình.

Ví dụ bổ nhiệm tổng biên tập sai thì phải chịu trách nhiệm, hay không tạo điều kiện cho báo chí để cho báo chí khó khăn dẫn đến chuyện này chuyện khác, thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Việc sửa đổi luật lần này theo hướng cố gắng định rõ trách nhiệm cơ quan chủ quản, để cơ quan chủ quản không phải làm thay cơ quan báo chí, không “cầm tay chỉ việc”.


Giữ đề nghị ưu đãi tài chính cho báo chí

Hoạt động thực tiễn cho thấy một vài cơ quan báo chí đã hoạt động theo mô hình tập đoàn báo chí và Đảng, Nhà nước cũng đã cho thí điểm mô hình này. Nhưng dự thảo luật sửa đổi lần này lại không thấy đề cập, thưa ông?

Trong dự thảo luật không nói rõ mô hình tập đoàn hay không tập đoàn, nhưng các cơ chế đã phản ảnh vấn đề này.

Dự thảo luật có đưa ra quy định tôi cho là rất quan trọng: Cơ quan báo chí tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Đó là việc mở ra cho hoạt động của báo chí phát triển, nếu thực tế mở ra một mô hình tổ hợp (hay tập đoàn) báo chí chẳng hạn thì có cơ chế tài chính để nó tồn tại.

Một quy định nữa khá rõ là tài chính của cơ quan báo chí gồm: từ cơ quan chủ quản, từ doanh thu bán báo, từ quảng cáo, từ kinh doanh dịch vụ và tài trợ. Tất nhiên phải có hạn chế là dịch vụ kinh doanh phải phù hợp với chuyên môn của cơ quan báo chí.

Còn một điều rất mới được thiết kế trong dự thảo luật lần này là mở ra việc liên kết trong hoạt động báo chí giữa các cơ quan báo chí hoặc pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định.

Thí dụ thiết kế, trình bày báo, quảng cáo báo chí, phát hành báo chí… Như vậy, dù không có một từ nào nhắc đến “tập đoàn báo chí” nhưng các chế tài và quy định vẫn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động báo chí theo mô hình này nếu diễn ra trong thực tế.

Về ưu đãi thuế cho báo chí, các ý kiến góp ý là nên thể hiện rõ ngay trong luật sửa đổi, ông nghĩ sao?

Luật hiện hành cũng có nêu việc có chính sách ưu đãi đối với cơ quan báo chí. Nhưng thực tế thực hiện thì không rõ lắm hoặc chưa như mong muốn. Vì thế trong dự thảo luật sửa đổi lần này tiếp tục đưa ra hai quy định , một là chính sách về phát triển báo chí, cũng có thể là tạo điều kiện trong các lĩnh vực này; thứ hai là Chính phủ quy định chính sách ưu đãi về thuế, về phí cho hoạt động của báo chí trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của cơ quan báo chí.

Tôn chỉ mục đích: Có nguyên tắc nhưng phải được hiểu linh hoạt

Có ý kiến cho rằng, cách hiểu về tôn chỉ mục đích của cơ quan quản lý với từng cơ quan báo chí hiện nay hơi cứng nhắc, nhất là khi có vi phạm xảy ra? Dự thảo luật lần này quy định dường như còn bó hơn?

Thực ra khi bắt tay vào soạn thảo, chúng tôi đã cân nhắc kỹ về vấn đề tôn chỉ mục đích. Dự thảo quy định cơ quan chủ quản đứng ra xin thành lập cơ quan báo chí, và trên cơ sở thành lập này thì hoạt động của từng ấn phẩm cụ thể phải có tôn chỉ mục đích rõ ràng.

Ví dụ báo Tiền phong có một tôn chỉ mục đích chung, nhưng báo này có một số ấn phẩm như “Người đẹp Việt Nam” chẳng hạn, thì tôn chỉ mục đích của nó khác với tờ Tiền phong hàng ngày.

Thứ hai, không nên hiểu tôn chỉ mục đích một cách quá cứng nhắc như việc chúng ta xây 4 bức tường xung quanh và rồi báo chí hoạt động trong 4 bức tường đó! Mà nó có sự giao thoa. Tôi hình dung phần giao thoa giống như con lắc dao động. Nếu trong biên độ quỹ đạo cho phép thì được, còn nếu lắc quá vượt ra ngoài quỹ đạo thì phải tuýt còi.

Tô Nam ( Theo Tiền Phong ngày 17/7/2008)

Các văn bản liên quan