Tài nguyên khoáng sản: Đã đến lúc siết lại quản lý

Thứ Hai 09:00 26-07-2010

Tài nguyên khoáng sản: Đã đến lúc siết lại quản lý 


(HNM) - Tại hội thảo "Tài nguyên khoáng sản (TNKS) và phát triển bền vững ở Việt Nam" do Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam tổ chức hôm qua (14-5), nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề phải dừng ngay việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng quặng thô, siết chặt cơ chế quản lý khai thác TNKS để giữ gìn nguồn nội lực quý giá cho các thế hệ con cháu sau này. Sự "chảy máu" TNKS đang diễn ra phức tạp đòi hỏi sự siết chặt về mặt quản lý.

"Chảy máu" tài nguyên

Một xã có tới 16 doanh nghiệp khai thác khoáng sản là thực trạng đang diễn ra tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) qua điều tra của ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE). Điều đáng lưu ý là 16 doanh nghiệp này đều khai thác quặng titan thô trên địa bàn xã Mỹ Thành và bán ra nước ngoài với giá rẻ.

Tình trạng "chảy máu" tài nguyên đang diễn biến phức tạp. Điển hình là nạn khai thác, vận chuyển xuất khẩu than trái phép diễn ra ở Quảng Ninh. Số quặng titan xuất lậu trong năm 2007 vào khoảng hơn 100.000 tấn, đã tăng gấp đôi vào năm 2008. Yên Bái cũng là địa bàn "nóng" về khai thác khoáng sản. Theo ông Lê Đình Đạo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái thì tỉnh này có 107 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, phần lớn ở diện quy mô nhỏ. "Thời gian qua, trên địa bàn có tình trạng cấp phép cho khai thác khoáng sản chưa đúng thẩm quyền. Đặc biệt, tình trạng khai thác đá quý tự phát tại Lục Yên, Yên Bình; đãi vàng sa khoáng, cát sỏi tại Văn Yên vẫn ngấm ngầm diễn ra. Cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà cũng đã bị tàn phá do khai thác khoáng sản trái phép trong khi đóng góp vào ngân sách từ khai thác khoáng sản còn thấp", ông Lê Đình Đạo khẳng định.

Theo ông Phạm Quang Tú, từ năm 1996 đến 2008, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản. Nhưng chỉ từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh đã cấp 3.495 giấy phép khai thác khoáng sản, gấp vài lần số lượng cơ quan trung ương cấp trong vòng 12 năm. "Thị trường tiêu thụ quặng và khoáng sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, Malaysia, trong đó Trung Quốc luôn là quốc gia dẫn đầu" - ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh.

Việc cấp phép khá "thoáng" đã gây ra hệ lụy không dễ chịu chút nào. Ngoài dự án lớn của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đầu tư của nước ngoài lựa chọn được công nghệ khá tiên tiến thì phần nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản ở nước ta có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tổn thất khai thác khoáng sản là rất cao: khai thác than hầm lò (40-60%), apatit (26-43%), quặng kim loại (15-30%)... Đa số mỏ quy mô nhỏ hiện nay mới chỉ lấy được những phần quặng giàu nhất, bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng. Ở nhiều địa phương, nạn khai thác khoáng sản không phép, khai thác tự do, nhất là đối với vàng sa khoáng, đá quý, chì, kẽm, titan... chưa được ngăn chặn và để lại nhiều hậu quả xã hội, môi trường. Thiệt hại không lường hết. Đáng lưu ý là năm 2009, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 8,5 tỷ USD hàng hóa có nguồn gốc từ khoáng sản nhưng cũng nhập về khoảng 15,5 tỷ USD thiết bị, vật liệu có nguồn gốc từ khoáng sản.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các dự án khai thác TNKS đều phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng nhiều chủ đầu tư chỉ coi đó là "đồ trang sức" và khía cạnh xã hội đề cập trong ĐTM rất nhạt nhòa. Thấy rõ nhất vấn đề này là các dự án khai thác mỏ tại Quảng Ninh đã chậm hoặc không lập báo cáo ĐTM bổ sung khi mở rộng quy mô khai thác. Theo báo cáo mới đây của tỉnh Quảng Ninh, chỉ có 38/68 mỏ khai thác than đang hoạt động là có báo cáo ĐTM bổ sung. Ngoài ra, công tác ký quỹ phục hồi môi trường mới chỉ được thực hiện trên diện hẹp.

Việt Nam không giàu về tài nguyên khoáng sản

PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam khẳng định: "Một số loại khoáng sản thế giới cần như đá quý, dầu mỏ thì chúng ta có trữ lượng hạn chế. Nước ta có nhiều đất hiếm, ilmenit, bô-xít nhưng chưa hẳn thế giới đã cần nhiều vì rất nhiều quốc gia cũng có nhiều mỏ trữ lượng lớn. Đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng rằng, Việt Nam không phải là nước quá giàu về TNKS như lâu nay sách vở vẫn nêu. Nói như thế để thấy, chúng ta khai thác khoáng sản phải nghĩ đến các thế hệ sau này chứ không thể như hiện nay. Tổng hội Địa chất sẽ có kiến nghị lên cấp trên là cần chấn chỉnh và dừng ngay việc xuất khẩu khoáng sản thô".


Ông Phạm Quang Tú cho biết thêm, có tình trạng "chảy máu" khoáng sản, đặc biệt là nhiều địa phương ồ ạt cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản một phần là do lãnh đạo ở đây mang nặng tư duy nhiệm kỳ, chỉ chú ý đến tăng trưởng GDP mà ít chú ý đến yếu tố phát triển bền vững. Quản lý nhà nước về khoáng sản chưa có tổ chức thống nhất đủ thẩm quyền điều phối các bên liên quan, dẫn đến khi có vấn đề phát sinh, không rõ trách nhiệm thuộc ngành nào. Ngoài ra, việc quản lý chồng chéo, gián đoạn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương các cấp tạo kẽ hở cho một số tổ chức, cá nhân làm giàu từ khai thác TNKS bất hợp pháp.

TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: Để hạn chế những bất cập trong khai thác TNKS, Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Theo đó, phải coi tài nguyên nói chung và TNKS nói riêng là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa và coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả, tính bền vững của các hoạt động kinh tế để có thể hoạch toán toàn diện và đầy đủ.

Theo các nhà khoa học, cách đây gần 20 năm, trên thế giới đã hình thành khái niệm "lời nguyền tài nguyên" gây tranh cãi, rằng các nền kinh tế giàu tài nguyên thiên nhiên có xu hướng phát triển chậm hơn những nền kinh tế không có tài nguyên thiên nhiên đáng kể. Điều tưởng như "ngược đời" này, trong nhiều trường hợp, với nhiều quốc gia hóa ra lại là thực tế. "Không nên xem việc có được TNKS là điều may mắn tuyệt đối. Sự đóng góp tích cực của tài nguyên tới tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô và nhiều biện pháp khác. Cần chú ý rằng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng" - TS Jason Morris-Jung (ĐH California - Berkeley, Hoa Kỳ) góp ý.


Thế Dũng 
- Theo Hà Nội mới ngày 15/5/2010

 

 

Các văn bản liên quan