Sửa Luật Chứng khoán: hoàn thiện văn bản còn dài

Thứ Ba 09:17 22-06-2010

Sửa Luật Chứng khoán: hoàn thiện văn bản còn dài

NDĐT - Sáng 11-6, Hội đồng thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã xem xét đến tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của dự thảo. Tại buổi thẩm định, nhiều ý kiến của đại diện các bên như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Viện nghiên cứu kinh tế trung ương... đã đưa ra nhằm hướng tới việc hoàn thiện văn bản.

Luật Chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ 01-01-2007. Qua hơn ba năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cao nhất, từ đó loại bỏ nhiều mâu thuẫn, khác biệt với các văn bản pháp lý hiện hành, từng bước tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có những bước phát triển mới, đòi hỏi phải bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp.

Nên để các nhà đầu tư lựa chọn thị trường

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán lần này bao gồm sáu nội dung cơ bản, đó là hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào mua công khai; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Ngoài các nội dung trọng tâm trên, Dự thảo cũng đề cập một số vấn đề liên quan như việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Đại diện của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam nhận định, các vấn đề mà dự thảo đưa ra để sửa đổi, bổ sung là hoàn toàn phù hợp. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lợi dụng việc phát hành riêng lẻ để phân phối cổ phiếu ra đại chúng thông qua việc mua đi, bán lại quyền mua cổ phần hoặc phát hành cho một số đối tượng không phù hợp “chẳng theo luật nào” và không bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ, từ đó phát sinh các tranh chấp, tiềm ẩn các rủi ro trên thị trường chứng khoán. Do đó cần có quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Song đại diện này cũng cho rằng, nên đưa phần quản lý nhà nước vào nội dung sửa đổi, bổ sung để thể hiện một cách rõ ràng hơn quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chứng khoán.

Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, hiện nay các giao dịch trên thị trường tự do dựa trên các thông tin không đầy đủ, không chính thống, thiếu tính minh bạch, không có các cơ sở pháp lý đầy đủ và không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn tới có rất nhiều rủi ro như rủi ro trong thanh toán, rủi ro sở hữu… chứa đựng nhiều nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ ảnh hưởng đến thị trường có tổ chức, đặc biệt là khi thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá.

Phản đối quan điểm này, ông Phạm Đức Hiếu - Viện nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, điều mà nhà đầu tư quan tâm chính là lợi nhuận. Theo ông Hiếu, khi thị trường chính thức tốt thì tự khắc các nhà đầu tư sẽ vào chứ không cần phải ép. Nhà đầu tư sẽ tự lựa chọn thị trường nào đảm bảo lợi ích cho họ thì đổ tiền vào, trong khi thị trường chính thức chưa có bảo đảm nào là tốt hơn hay có minh chứng rõ ràng về chất lượng thì nên để nhà đầu tư tự quyết định theo cơ chế thị trường.

Dựng khung pháp lý đủ mạnh để có thể cạnh tranh

Cũng giống như nhiều vấn đề khác, chứng khoán là một vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Sau khi chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã có cam kết sẽ lạp bản phụ lục về kiểm tra chéo giữa Ủy ban chứng khoán các nước, phụ lục về khước từ cung cấp thông tin giữa các Ủy ban này. Vụ pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp thì cho rằng, dự thảo này cần giải quyết những vấn đề “nóng” mang tính quốc tế bên cạnh những vấn đề còn bất cập của chứng khoán trong nước.

Thêm vào đó, cần có quy định rõ ràng và cụ thể về vấn đề có công nhận hay không chứng chỉ hành nghề chứng khoán nước ngoài và những vấn đề nẩy sinh có liên quan. Với lộ trình đến năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài có quyền thành lập công ty chứng khoán 100% vốn của họ chứ không phải là dưới hình thức liên danh như hiện nay. Do đó, chúng ta cần tạo được hành lang pháp lý đủ vững để các công ty chứng khoán của Việt Nam có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài khi họ “đổ bộ” vào.

Một vấn đề khác trong dự thảo này được rất nhiều đại biểu quan tâm chính là việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo quy định trong dự thảo, việc công bố thông tin không phân biệt theo quy mô của công ty đại chúng (mức vốn điều lệ, số lượng cổ đông của công ty) và tổ chức niêm yết. Các thành viên của Hội đồng thẩm định đều cho rằng, quy định như vậy sẽ khắc phục được tình trạng “ngại” lên niêm yết của một số công ty đồng thời bảo đảm việc công bố thông tin chặt chẽ hơn.

 

Các văn bản liên quan