Sẽ nới rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Thứ Tư 10:00 16-06-2010

 

 

Sẽ nới rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Ngọc Lan

Thứ Bảy,  5/6/2010 - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

(TBKTSG Online) - Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, tiếp thu các ý kiến trong phiên thảo luận và thẩm định trước đó, dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường sẽ bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế ngoài 5 nhóm đã quy định.

Thảo luận tại hội trường hôm nay 5-6 về dự thảo luật thuế này, rất nhiều ý kiến đại biểu đề nghị đối tượng chịu thuế phải bao quát hơn, nhất là trước các diễn biến phức tạp hiện nay về tình hình xâm hại môi trường. Hơn nữa, sức chịu đựng của môi trường ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề do rất nhiều các đối tượng tác động khác nhau nên thuế và giới hạn của thuế cần tính đến sâu rộng hơn để góp phần làm giảm thiểu những tác động tiêu cực đó.

Dự thảo luật hiện mới chỉ quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế gồm: xăng , dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Lào Cai) cũng như ý kiến của nhiều đại biểu khác cho rằng, với tính chất là đạo luật về bảo vệ môi trường thì nguyên tắc đối tượng chịu thuế phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tại thời điểm hiện tại, việc áp dụng 5 nhóm đối tượng là chưa tính hết khung luật.

Và để đảm bảo tính công bằng, tính xa hơn của một đạo luật, nên đưa vào đây các đối tượng, nhóm đối tượng gây ô nhiễm môi trường và lộ trình tính thuế phù hợp hoặc lý do vì sao chưa tính thuế để các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường tính được lộ trình về thời gian thay đổi công nghệ sản xuất, thay thế nhiên liệu mà không tạo ra các xáo trộn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau tranh cãi về vấn đề có nên đánh thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc bảo vệ thực vật hay không? Loại quan điểm thứ nhất của các đại biểu là chưa nên tính thuế vì đối tượng tiêu thụ và sử dụng là bà con nông dân. Thuế sẽ ảnh hưởng đến chi phí mua nguyên liệu đầu vào khiến nông dân bị thiệt hại trong quá trình sản xuất. Song loại quan điểm thứ hai thì cho rằng đã đánh thuế phải công bằng, minh bạch với tất cả các đối tượng gây ô nhiềm môi trường. Do đó, thuôc bảo vệ thực vật cũng phải đánh thuế.

Để dung hòa giữa mức thuế và chi phí đầu vào sản xuất của người nông dân tạm thời có thể áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường là 0%, chứ không thể loại ra khỏi danh mục chịu thuế. Như vậy đây cũng là hình thức đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo luật.

Liên quan đến thuế bảo vệ môi trường với nhóm mặt hàng xăng dầu, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội phải xem xét kỹ việc áp thêm loại thuế này có gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải hay không, có khiến cho rằng cần phải xem có hiện tượng thuế chồng thuế hay không? Thậm chí trong trường hợp dự thảo quy định đã thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu thì không thu phí xăng dầu nữa (nhưng hiện phí cầu đường đang được thu qua phí xăng dầu).

Trả lời đại biểu về các vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói rằng Quốc hội sẽ cân nhắc để đưa thêm vào dự thảo luật một số đối tượng chịu thuế ngoài 5 nhóm nêu trên. Các đối tượng chịu thuế khác Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để đảm bảo tính linh hoạt và độ dài của luật, tránh tình trạng, cứ bổ sung, sủa đổi lại phải mang ra Quốc hội. Mà Quốc hội chỉ họp một năm hai kỳ nên nhiều khi việc sửa luật cũng không thể linh hoạt.

Về mức thuế suất tuyệt đối với các nhóm sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, ông Kiên bảo vệ Tờ trình của Chính phủ cho rằng, các quốc gia khác đã có kinh nghiệm trong vấn đề áp thuế này thấy rằng việc áp mức thuế suất tuyệt đối là phù hợp hơn mức thuế tính theo phần trăm.

Riêng về vấn đề mức thuế với xăng dầu, ông Kiên cho biết thêm là quy định của dự thảo luật này (dự kiến ban hành sau 1 năm nữa) là bước chuẩn bị của Chính phủ cho việc xăng dầu sẽ trở về mức thuế nhập khẩu là 0% theo cam kết với WTO nữa. Và khi bỏ thuế nhập khẩu, việc tính thuế môi trường sẽ không làm đội giá chi phí sản xuất hay tiêu dùng, trong khi mặt hàng này vẫn cần có thuế để hạn chế sử dụng do gây tác hại đến môi trường.

 

Các văn bản liên quan