Sẽ công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Thứ Hai 10:53 19-04-2010

Sẽ công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

TTO - Bên lề phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), Tuổi trẻ đã phỏng vấn PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường) về một số điểm mới trong dự án Luật này.

Ông Lê Bộ Lĩnh cho biết:

Hiện nay chúng ta có Pháp lệnh BVQLNTD, ngoài ra còn nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề này, ví dụ như Bộ luật dân sự hay là Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Tuy nhiên trên thực tế thì tính thực thi của pháp luật để BVQLNTD chưa cao. Nghĩa là các văn bản hiện có chưa tạo ra cơ chế hữu hiệu giúp các tổ chức BVQLNTD hoạt động một cách có hiệu quả, thiếu những quy định BVQLNTD trước những loại hình kinh doanh mới phát sinh hoặc để NTD có thể tự bảo vệ mình, chưa có cơ chế giải quyết các khiếu nại, tranh chấp hữu hiệu…

Do vậy, việc ban hành một đạo luật về BVQLNTD là cần thiết, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề nêu trên.

- Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của các tổ chức BVQLNTD chưa đáp ứng được yêu cầu. Như vậy so với Pháp lệnh hiện này thì dự án Luật này có những bước tiến cụ thể nào về vấn đề này?

* Dự án Luật đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để tổ chức này thực sự là nơi hỗ trợ cho người tiêu dùng nhận thức được quyền lợi chính đáng của mình, cũng như có các trợ giúp pháp lý cần thiết…

Cụ thể là so với Pháp lệnh thì dự án Luật này bổ sung hai quyền cho các tổ chức BVQLNTD: quyền khởi kiện vì lợi ích người tiêu dùng và quyền được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Như vậy, không chỉ người bị thiệt hại mà các tổ chức BVQLNTD cũng được trực tiếp khởi kiện tại toà án.

Chúng tôi cho rằng khởi kiện thông qua các tổ chức BVNTD sẽ giúp cho NTD nhanh chóng tiếp cận công lý và loại bỏ được những rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình và không phải chi phí quá lớn.

- Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì người tiêu dùng Việt Nam đang phải sống trong một môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm nghiêm trọng. Nhưng nhiều khi chế tài đối với các cơ sở kinh danh vi phạm quyền lợi chính đáng của NTD lại chỉ như “phủi bụi”?

* Chế tài đối với hành vi vi phạm pháp lụât về BVQLNTD gồm ba loại là hình sự, hành chính và dân sự.Chế tài hành chính được đặt làm trọng tâm vì cách tiếp cận của luật là BVNTD theo hướng tăng cường đảm bảo trật tự công.

Theo đó, ngoài các hình thức theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, dự án Luật BVQLNTD còn bổ sung những quy định như biện pháp đưa vào danh sách công khai các doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và đình chỉ hoặc tạm đình chỉ kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm.

Thực ra những vấn đề được đề cập đến trong dự án Luật này có phạm vi rất rộng, có một số vấn đề chúng tôi cho rằng dự án Luật chưa đạt được mức độ cụ thể, chắc chắn là phải có quy định chi tiết trong nghị định kèm theo.

- Qua việc tham gia thẩm tra dự án Luật này, theo ông cần hoàn thiện thêm những quy định nào để việc BVQLNTD được tốt hơn?

* Chính sách pháp luật về BVQLNTD phải được xây dựng để khắc phục vị thế bất cân xứng của NTD gồm: về thông tin, về khả năng đàm phán, giao kết hợp đồng, về khả năng chi phối giá cả và các điều kiện giao dịch, về khả năng chịu các rủi ro phát sinh từ quá trình tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ.

Do vậy, trước hết nội dung dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. BVQLNTD là lĩnh vực cần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan truyền thông đại chúng…, nên cần phải làm rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong các hoạt động BVQLNTD, việc phân công, phân cấp của bộ máy chính quyền các cấp về BVQLNTD.

Cũng cần bổ sung các điều khoản chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, nhập khẩu hàng hóa trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, trách nhiệm bảo hành và trách nhiệm đối với sản phẩm.

Dự thảo Luật sẽ hoàn thiện hơn nếu để ngỏ khả năng Chính phủ sẽ quy định chi tiết về BVQLNTD trong một số giao dịch đặc thù: bán hàng từ xa, bán hàng trực tuyến trên tivi, online…, thông tin, giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết để NTD có thể tự bảo vệ mình thông qua các tổ chức BVQLNTD.

Dự án Luật BVQLNT sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy (dự kiến khai mạc ngày 20-5) và thông qua tại kỳ họp tiếp theo. Qua thẩm tra, Uỷ ban KH,CN&MT đánh giá dự án Lụât được soạn thảo công phu.

V.V.THÀNH (thực hiện) – Theo Tuổi trẻ ngày 17/4/2010

 

Các văn bản liên quan