Quản lý phải phục vụ phát triển

Thứ Bảy 17:12 20-05-2006
Quốc Hội đang thảo luận Dự Luật Đầu tư:

Quản lý phải phục vụ phát triển

Phạm Chi Lan (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ)

Bộ luật này được soạn thảo với một số cải tiến về cách làm luật, được đông đảo các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước và các chuyên gia luật pháp, kinh tế hoan nghênh. Tuy nhiên, trên thực tế, dự thảo Luật Đầu tư (LĐT) được trình lên Quốc hội vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, cần góp ý thêm.

Những bất cập

Về thủ tục đầu tư, đối với các dự án nhóm (1) - dự án trong nước dưới 15 tỉ đồng, dự thảo quy định phải đăng ký theo mẫu tại cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh. Thủ tục này, theo chúng tôi, là bất hợp lý bởi các lý do: Không đạt được bất kỳ hiệu quả quản lý nào; tạo ra chi phí cao (về thời gian, tiền bạc) cho nhà đầu tư: Tạo dư địa cho sự nhũng nhiễu. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị không áp dụng đăng ký đầu tư đối với các dự án nhóm 1.

Đối với các dự án nhóm (2) - dưới 300 tỉ đồng, Dự thảo quy định phải đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan quản lý đầu tư cấp tỉnh để cơ quan này chứng nhận đầu tư vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư trong thời hạn 7 ngày.
Theo chúng tôi, quản lý bằng cách chứng nhận đầu tư theo đăng ký của nhà đầu tư là không hợp lý, trên các góc độ cụ thể sau: Nếu việc chứng nhận đầu tư được thực hiện gần như tự động thì rõ ràng việc cấp hay không cấp không có ý nghĩa gì về quản lý mà lại mất thêm thời gian, công sức của Nhà nước. Đối với nhà đầu tư thì lại thêm thủ tục và rủi ro, chờ đợi. Chúng tôi kiến nghị: Chỉ cần áp dụng cơ chế đăng ký đầu tư cho các dự án nhóm (2).

Đối với các dự án nhóm (3) - trên 300 tỉ trở lên và các dự án trong các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, Dự thảo quy định phải được thẩm tra đầu tư. Quy định này về cơ bản là phù hợp, tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập.
Một số nội dung (như trình tự, thủ tục thẩm tra, cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, tiêu chí đánh giá mức độ thoả mãn của hồ sơ dự án đầu tư đối với từng nội dung thẩm tra...) cần phải được làm rõ thêm. Đặc biệt, cần quy định rõ thủ tục thẩm tra dự án đầu tư theo LĐT sẽ thay thế toàn bộ các thủ tục thẩm tra mà các cơ quan quản lý chuyên ngành đang thực hiện theo các luật chuyên ngành.

Dự thảo cũng quy định các chứng nhận/xác nhận đầu tư sẽ được ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy này sẽ đổi tên thành giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư. Chúng tôi thấy quy định này là bất hợp lý vì tính chất của đăng ký kinh doanh và đầu tư là không hề giống nhau.
Theo điều tra của VCCI, chỉ có 32% ý kiến các DN đồng tình với việc ghép hai nội dung vào 1 loại giấy. Bên cạnh đó, việc chỉ có 1 giấy (như một số quan chức Bộ KHĐT nhấn mạnh) không có ý nghĩa nhiều về cải cách hành chính, bởi trên thực tế giấy này vẫn là hệ quả của 2 quá trình quản lý khác nhau...

Không thể "quản được đến đâu mở đến đó"

Nhìn chung, dự thảo LĐT chưa đúng với tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thể hiện ở chỗ nó vẫn làm tăng thêm thủ tục đối với DN, nhất là DN trong nước, tăng thêm "quản lý nhà nước" đối với mọi loại hình đầu tư.

Mặc dù có tham vấn rộng rãi cộng đồng DN, nhưng dự thảo lại chỉ tiếp thu một số ý kiến của các DN đóng góp, còn những vấn đề quan trọng nhất, được các DN quan tâm, lo lắng, đề xuất nhiều lần nhất, mạnh mẽ nhất thì lại không tiếp thu.

Suốt hơn 1 năm qua, các hiệp hội DN VN và FDI đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu các dự thảo và các tài liệu liên quan, trao đổi - tập hợp - phân tích ý kiến các DN, phát biểu ở nhiều diễn đàn, viết nhiều bản đóng góp ý kiến chính thức gửi Ban soạn thảo LĐT (Bộ KHĐT), Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Vậy mà đáng tiếc là phần lớn những ý kiến đó đã không được xem xét nghiêm túc.

Một dự thảo LĐT như hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để phục vụ mục tiêu phát triển và xoá đói giảm nghèo của đất nước trong những năm tới. Tư duy cần phải có cho LĐT cũng như quản lý nhà nước nói chung trong thời kỳ mới phải là "quản lý để phục vụ phát triển", chứ không thể là "quản được đến đâu thì mở đến đó".

Quang Phương ghi – Theo Lao động ngày 04/11/2005


Các văn bản liên quan