Doanh nghiệp kiến nghị chưa thông qua LĐT

Thứ Bảy 17:11 20-05-2006
Doanh nghiệp kiến nghị chưa thông qua Luật Đầu tư chung

Hôm qua (1/11), Luật Đầu tư chung sửa đổi được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp này. Luật này được biên soạn nhằm tạo ra một môi trường đầu tư mới cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên Dự thảo luật đang gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các nhà đầu tư, đối tượng chính bị chi phối bởi Luật Đầu tư chung này, nhiều doanh nghiệp trong nước và các chuyên gia kinh tế.

Hiệp hội nước ngoài liên minh phản ứng

Ba hiệp hội doanh nhân Mỹ, châu Âu và Australia là Amcham, Eurocham và Auscham liên minh cùng gửi bức thư không đồng tình với những thay đổi trong dự thảo luật lần thứ 16, cũng là dự thảo mới nhất sẽ được đại biểu Quốc hội xem xét và thông qua.

Bức thư tập trung đề cập bốn nội dung chính mà ba hiệp hội này cho rằng sẽ góp phần làm cho môi trường đầu tư Việt Nam tồi tệ hơn và sẽ "xóa sạch" những nỗ lực cải thiện và thu hút vốn đầu tư của Chính phủ.

Thứ nhất, bảo đảm của Chính phủ đối với những dự án lớn sẽ không còn được qui định trong luật mới. Theo ba hiệp hội, đây là bước lùi và điều đó sẽ hạn chế Việt Nam tiếp cận với những dự án lớn về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam cho rằng chính nhờ sự tham gia của Chính phủ trong vai trò người bảo lãnh mà thời gian qua Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án lớn như dự án điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 và khí đốt Nam Côn Sơn.

Từ quan điểm này, Amcham, Eurocham và Auscham kiến nghị cần phải giữ nguyên điều 66 trong Luật Đầu tư nước ngoài hiện hành, tức bảo lãnh Chính phủ cần tiếp tục duy trì trong luật mới.

Thứ hai, Dự thảo luật mới qui các tranh chấp về hai cơ quan giải quyết chính là hệ thống tòa án Việt Nam và trọng tài Việt Nam trong khi trọng tài quốc tế không được xem là cơ quan chính thống để các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp. Ba hiệp hội cho rằng qui định này cần phải xem xét và tham chiếu lại toàn bộ các hiệp ước về đầu tư của Việt Nam.

Nhưng điều mà các hiệp hội muốn nhấn mạnh là hệ quả mà theo đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngần ngại tham gia vào các dự án ở Việt Nam vì việc giải quyết các tranh chấp tại hệ thống tòa án và cả trọng tài ở Việt Nam chưa thực sự làm họ tin tưởng.

Thứ ba, theo các hiệp hội, những thay đổi trong thủ tục cấp phép theo hướng hiện đại và đơn giản là một sự tiến bộ nhưng không có điều kiện như Dự thảo lần thứ 16 sẽ tạo cơ hội cho lạm quyền và tham nhũng.

Hiệp hội dự đoán những thay đổi của dự thảo đối với dự án có liên quan đến vốn nhà nước sẽ đưa Việt Nam quay về cơ chế thẩm định đầu tư của những năm 1990. Những dự án liên doanh với doanh nghiệp Nhà nước trên 300 tỷ đồng hoặc nằm trong danh mục điều kiện đều phải trải qua cơ chế thẩm định là căn cứ cho dự đoán đó. Hiệp hội không đồng tình với qui định này.

Nội dung cuối cùng trong bản kiến nghị là qui định ưu đãi đầu tư. Điều này không phù hợp và không thể chấp nhận đối với nhà đầu tư nước ngoài, những người đang được hưởng từ hệ thống luật hiện hành. Nếu không còn ưu đãi trong đầu tư theo Dự thảo lần thứ 16, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ từ chối cấp ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài theo như giấy phép họ được cấp.

Doanh nghiệp trong nước cũng không đồng tình

Các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước tỏ thái độ đồng tình với kiến nghị của các hiệp hội doanh nhân nước ngoài. Mỗi doanh nghiệp, mỗi chuyên gia có những bất đồng khác nhau đối với những điều khoản của dự thảo nhưng họ tựu chung một quan điểm: Quốc hội chưa nên thông qua Luật Đầu tư chung vì còn quá nhiều lấn cấn.

Một chuyên gia kinh tế không muốn nêu tên cho biết ông rất chia sẻ quan điểm của ba hiệp hội đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam, đó cũng là quan điểm của nhiều doanh nghiệp trong nước, rằng dự thảo còn quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

"Hầu như không có vấn đề nào được đề cập trong dự thảo lại không có vướng mắc, không chỉ trong qui định mà cả trong khái niệm chưa rõ ràng và chuẩn xác", chuyên gia kinh tế này nói.

Ông ví dụ về khái niệm đầu tư, mà ông cho là không logic và nhập nhằng giữa khái niệm gián tiếp, trực tiếp và cả khái niệm đầu tư chung. Ông cũng đề nghị Quốc hội chưa nên thông qua thay vào đó yêu cầu ban soạn thảo quay trở về với chỉ thị của Thủ tướng, đó là soạn thảo Luật khuyến khích bảo hộ đầu tư chứ không phải Luật Đầu tư chung chung.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích thuộc Đoàn luật sư Tp.HCM cho rằng: "Các nhà biên soạn cố gắng giải quyết vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước và trong khi cố gắng làm điều đó họ làm ảnh hưởng đến những đối tượng khác là doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân".

Ông Bích dẫn chứng về chuyện bảo đảm nguồn vốn nhà nước, các nhà xây dựng "cố ép" các qui định mới áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước trong luật chung và đương nhiên điều đó không thể ngoại lệ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân.

Đã có rất nhiều cuộc họp góp ý kiến về Luật Đầu tư chung được tổ chức. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp và các nhà kinh tế đã bị "lãng quên" trong Dự thảo. Điều này khiến cho giới đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhiều ý kiến bất đồng và phản ứng gay gắt.

Luật Đầu tư chung là bước phát triển mới của hệ thống luật pháp Việt Nam, không chỉ tạo môi trường pháp lý bình đẳng mà còn là cơ sở để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. "Bốn tháng trước Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã rung chuông ở thị trường chứng khoán Wall Street, mở đầu cho sự góp mặt của Việt Nam vào thị trường toàn cầu. Tiếp tục cải thiện và gia nhập WTO là mục tiêu của Việt Nam bên cạnh tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi mong muốn các ngài hiểu và đừng để Dự luật trở thành Luật", đó là kết luận sau cùng của bản kiến nghị của ba liên minh gởi cho Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.

Minh Quang - VNECONOMY cập nhật: 02/11/2005

Các văn bản liên quan