Pháp luật lao động dành cho lao động nữ: Cần sửa đổi hợp lý hơn
Quy định... cho vui!
Điều 111, Bộ luật Lao động quy định rõ: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với LĐ nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng”. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM thì thực tế, quy định này không phát huy tác dụng. “DN chỉ ký hợp đồng lao động 1 năm. Đợi đến khi CN có con là không ký tiếp. Nếu căng theo luật thì DN không sai nhưng xét về khía cạnh đạo lý thì rất xót xa cho NLĐ” - ông Thành nói.
Về các nội dung như: quy định DN phải có buồng thay quần áo cho LĐ nữ, LĐ nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, DN phải tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con LĐ nữ… thì cán bộ quản lý KCX đều khẳng định không có bất cứ DN nào trong KCX thực hiện!
Một số những quy định khác như: Cho LĐ nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú, miễn làm đêm, làm thêm giờ cho LĐ nữ có thai, phụ cấp nuôi con nhỏ cũng chỉ được DN thực hiện cầm chừng, mỗi nơi mỗi kiểu. Thậm chí, nhiều DN bắt CN nữ có thai trên 7 tháng vẫn phải làm việc trên 10 giờ/ngày.
Đại diện Công ty LaTek lập luận: “Việc buộc cho CN nữ nghỉ 30 phút trong thời gian có vấn đề về sức khỏe phụ khoa là bất khả thi vì DN làm sao kiểm tra, giám sát chuyện này được! Còn chuyện xây nhà trẻ, tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn khi Nhà nước đứng ra xây và DN đóng góp”.
Riêng về quy định buộc chủ DN phải đào tạo nghề dự phòng cho CN, đại diện Công ty Nissei bày tỏ: “Mặt bằng chung của lao động nước ta còn thấp. Riêng chuyện đào tạo nghề để CN làm ra sản phẩm tốt cho DN đã khó. Giờ bắt đào tạo thêm nghề khác phòng khi thất nghiệp là chuyện không tưởng”. Ngoài ra, luật cũng quy định những DN có sử dụng đông LĐ nữ được ưu đãi về thuế. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có DN nào được hưởng chính sách này.
Sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng hợp lý
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận: “Chính sách pháp luật dành cho lao động nữ của chúng ta có nhiều điểm rất tiến bộ. Thế nhưng thực tế lại có quá nhiều điều khoản không thực hiện được nên thời gian tới rất cần xem xét để sửa đổi theo hướng hợp lý hơn”.
Bà Mai dẫn chứng: Nhiều vấn đề trong Bộ luật Lao động còn mâu thuẫn, cần phải cân nhắc kỹ khi sửa đổi. Chẳng hạn có nên đưa tất cả các khoản phụ cấp vào lương hay không, quy định thời gian tăng ca thế nào là hợp lý trong khi một bộ phận CN thật sự có nhu cầu tăng ca khi quy định về lương tối thiểu của Nhà nước còn chưa hợp lý.
Bà Trương Thị Mai cũng cho biết hướng sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ tập trung vào các điểm: Đối với những DN vi phạm pháp luật lao động, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý mạnh tay với những biện pháp chế tài nghiêm khắc. Tất cả những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sẽ được tòa lao động phân xử, giải quyết với thủ tục nhanh, gọn. Bên cạnh đó, chỉ cho phép đình công đối với những tranh chấp về lợi ích không thể thỏa thuận. Sắp tới, chủ tịch UBND tỉnh, TP sẽ có thẩm quyền yêu cầu dừng những cuộc đình công trong những ngành nghề quan trọng có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự và ổn định xã hội, thay vì trước đây thẩm quyền này thuộc về cấp trung ương.